MỞ RỘNG > Tài liệu Luật hình sự 2

Tài liệu Luật hình sự 2

BÀI 13

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ VÀ HÌNH PHẠT

PHẦN I

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

I. KHÁI NIỆM TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Trong khoa học pháp lý, vấn đề trách nhiệm hình sự là một vấn đề khá phức tạp và dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau khi nghiên cứu về nó. Thực tế này được biểu hiện trước hết qua định nghĩa về trách nhiệm hình sự. Có thể điểm qua một số quan điểm sau:

- Trách nhiệm hình sự là một giai đoạn nhất định của việc thực hiện các quyền và các nghĩa vụ bởi các chủ thể của quan hệ pháp luật hình sự khi mà người phạm tội bị cưỡng chế đối với việc phải chịu những tước bỏ nhất định[1].

- Trách nhiệm hình sự là nghĩa vụ của người phạm tội phải chịu hình phạt và được thể hiện trong việc tước bỏ có tính chất cá nhân hoặc tính chất tài sản đối với người đó vì tội phạm đã thực hiện[2].

- Trách nhiệm hình sự là sự thực hiện có tính chất cưỡng chế những sự tước bỏ nhất định được các cơ quan đấu tranh chống tội phạm nhân danh Nhà nước áp dụng đối với người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm[3].

- Trách nhiệm hình sự là hậu quả bất lợi do luật quy định đối với người phạm tội được tuyên bằng bản án của Toà án đối với người phạm tội, được thể hiện chính trong việc kết án hoặc kết án có kèm theo hình phạt và án tích[4].

Trong khoa học luật hình sự Việt Nam, quan niệm về trách nhiệm hình sự cũng không hoàn toàn giống nhau. Có quan điểm cho rằng, trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc phạm tội, thể hiện ở chỗ người đã gây ra tội phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước Nhà nước[5].

Cũng có quan điểm cho rằng, trách nhiệm hình sự là một dạng của trách nhiệm pháp lý, là trách nhiệm của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong pháp luật hình sự bằng một hậu quả bất lợi do Toà án áp dụng tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà người đó đã thực hiện[6].

Một quan điểm khác coi trách nhiệm hình sự là một dạng của trách nhiệm pháp lý bao gồm nghĩa vụ phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu bị kết tội, chịu biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự (hình phạt, biện pháp tư pháp) và chịu mang án tích[7].

Lại cũng có quan điểm cho rằng, trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm và được thể hiện bằng việc áp dụng đối với người phạm tội một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế của Nhà nước do pháp luật hình sự quy định[8].

Theo nguyên tắc, người có hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội, gây thiệt hại cho xã hội phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này phù hợp với nguyên tắc công bằng, công lý và đạo lý. Một người có hành vi bị pháp luật hình sự cấm hoặc không thực hiện, thực hiện không đến nơi đến chốn những gì mà pháp luật hình sự yêu cầu, gây ra hoặc đe dọa gây ra hậu quả cho xã hội bị cho là tội phạm thì phải gánh chịu hậu quả, như là trách nhiệm pháp lý bất lợi trước Nhà nước và xã hội. Việc quy định trách nhiệm pháp lý bất lợi đối với người có hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội như là một cơ chế để Nhà nước bảo vệ các quan hệ xã hội trước hành vi nguy hiểm. Trách nhiệm pháp lý ở đây được cụ thể bằng trách nhiệm hình sự vì nó được áp dụng đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Trên cơ sở xem xét các quan điểm khoa học đã nêu, có thể nêu khái niệm trách nhiệm hình sự như sau: Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, được thể hiện ở bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật bằng việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế hình sự do luật hình sự quy định đối với chủ thể phạm tội.

II. ĐẶC ĐIỂM VÀ CƠ SỞ CỦA TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Từ khái niệm về trách nhiệm hình sự có thể rút ra các đặc điểm của trách nhiệm hình sự như sau:

- Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc thực hiện hành vi phạm tội. Trách nhiệm hình sự chỉ phát sinh trên cơ sở khi có người thực hiện hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội bị pháp luật hình sự coi là tội phạm. Tuy nhiên, không phải bất kỳ người nào thực hiện hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội cũng đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Có những hành vi về mặt khách quan là rất nguy hiểm, gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho xã hội nhưng được loại trừ tính chất phạm tội thì người thực hiện hành vi đó sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự. Mặt khác, có những người dù đã thực hiện hành vi nguy hiểm bị coi là tội phạm nhưng vì một hoặc một số căn cứ nhất định mà được miễn trách nhiệm hình sự.

- Trách nhiệm hình sự chỉ có thể được xác định bằng trình tự, thủ tục riêng. Trình tự, thủ tục riêng này tuân theo pháp luật về tố tụng hình sự và được thực hiện bởi các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự và người tiến hành tố tụng. Ngoài các cơ quan tố tụng hình sự và người tiến hành tố tụng ra, không một cơ quan nhà nước hoặc công dân nào có quyền tiến hành các trình tự, thủ tục để xác định trách nhiệm hình sự. Đây là nét đặc biệt mà việc xác định các trách nhiệm pháp lý khác không có được.

- Trách nhiệm hình sự được biểu hiện cụ thể nhất qua việc chủ thể phạm tội có thể phải gánh chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước - hình phạt. Biểu hiện cụ thể của trách nhiệm hình sự là hình phạt. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự không đồng nhất với hình phạt, bởi vì, có những chủ thể phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng được miễn hình phạt. Từ “có thể” ở đây hàm ý như thế. Trách nhiệm hình sự có nội dung rộng hơn hình phạt, là hậu quả pháp lý chung mà chủ thể phạm tội phải gánh chịu. Trong khi đó, hình phạt chỉ là một trong những biểu hiện sinh động nhất của trách nhiệm hình sự. Ngoài hình phạt, trách nhiệm hình sự còn có thể biểu hiện qua các biện pháp tư pháp, miễn hình phạt.

- Trách nhiệm hình sự được thực hiện trong phạm vi của quan hệ pháp luật hình sự giữa một bên là chủ thể phạm tội và một bên là Nhà nước. Trách nhiệm này không được thực hiện đối với chủ thể mà quyền và lợi ích của họ bị xâm hại bởi tội phạm mà là đối với Nhà nước. Vì thế, trong khi xác định trách nhiệm hình sự, các cơ quan nhân danh Nhà nước có thể dựa trên nguyên tắc nhân đạo để làm lợi cho chủ thể phạm tội mà không phải cân nhắc lợi ích đó với lợi ích của chủ thể bị xâm hại. Dĩ nhiên, khi vận dụng nguyên tắc nhân đạo, các cơ quan tư pháp hình sự phải tuân thủ nguyên tắc pháp chế. Ở một khía cạnh khác, chủ thể bị xâm hại cũng không có quyền can thiệp để làm thay đổi trách nhiệm hình sự, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ xảy ra trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng mà việc tiến hành xác định trách nhiệm hình sự đối với chủ thể phạm tội có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của họ[9].

- Trách nhiệm hình sự chỉ được phản ánh trong bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Các văn bản của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật) chỉ là các văn bản nhằm bảo đảm cho việc thực hiện trách nhiệm hình sự sau này chứ không phải là văn bản mà trong đó trách nhiệm hình sự được thực hiện. Đặc điểm này phản ánh nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc hiến định trong tố tụng hình sự.

- Trách nhiệm hình sự chỉ mang tính chất cá nhân. Nghĩa là, trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng đối với cá nhân chủ thể phạm tội chứ không áp dụng đối với những chủ thể không có liên quan đến tội phạm, kể cả những người thân thích của chủ thể phạm tội. Cá nhân ở đây hàm ý là cá thể hóa chủ thể phạm tội chứ không phải chỉ có cá nhân con người mới là chủ thể của trách nhiệm hình sự vì kể từ năm 2015, Bộ luật hình sự đã thừa nhận chủ thể của tội phạm có thêm pháp nhân thương mại.

Cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự được biểu hiện thông qua quy định: Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.” (Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015). Trong khoa học pháp lý trong và ngoài nước, có nhiều quan điểm khác nhau về cơ sở của trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nhiều quan điểm thống nhất ở chỗ là xem CTTP là cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự. Việc khẳng định một người nào đó là đã phạm tội và buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi phạm tội của mình phải dựa trên cơ sở CTTP về tội phạm đó chứ không phải cơ sở nào khác. Nếu một hành vi nào đó đã thoả mãn tất cả các dấu hiệu CTTP của một tội phạm cụ thể nào đó được quy định trong Bộ luật hình sự thì hành vi đó mới bị coi là tội phạm và người thực hiện nó mới có thể chịu trách nhiệm hình sự.

PHẦN II

HÌNH PHẠT

I. KHÁI NIỆM HÌNH PHẠT

Mặc dù hình phạt luôn được con người biết đến như là một trong những công cụ chủ yếu nhất để đấu tranh phòng chống tội phạm, tuy nhiên việc nhận thức về những vấn đề liên quan đến hình phạt trong khoa học hình sự cho đến bây giờ vẫn chưa được xem là đầy đủ và hoàn thiện. Vẫn chưa có một quan điểm thống nhất về khái niệm hình phạt, cơ sở lý luận của hình phạt, mục đích hình phạt, v.v.. Vì vậy, rất khó xác định khi nào hình phạt được nhận thức đúng với bản chất của nó, hoặc khi nào hình phạt được xem là đúng nghĩa của hình phạt.

Hình phạt chính là hậu quả xấu (gây đau đớn, mất mát cho con người) mà không ai trong chúng ta mong muốn sử dụng, hơn thế nữa là sử dụng một cách có ý thức và bắt buộc con người phải gánh chịu nó. Vì thế, để chấp nhận chúng như một công cụ của Nhà nước, chúng ta cần những lý lẽ biện minh rằng hình phạt vẫn cần thiết mặc dù bản chất nó có phần mang lại hậu quả xấu cho xã hội. Mặc dù cơ sở lý luận của hình phạt là đối tượng nghiên cứu của khoa học pháp lý, tuy nhiên có rất ít các nhà lý luận đương thời trong nước quan tâm đến vấn đề này. Đây là vấn đề không phải mới so với các triết gia cổ kim trên thế giới, nhưng khá xa lạ so với các nhà luật học trong nước.

Trước hết, chúng ta cũng cần làm rõ cơ sở của quyền trừng phạt (áp dụng hình phạt) của xã hội đối với kẻ phạm tội. Khi nói đến quyền trừng phạt của xã hội đối với tội nhân, ai cũng công nhận rằng đó là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, các quan điểm lại không thống nhất với nhau về căn nguyên của quyền này. Có nhiều quan điểm khác nhau về cơ sở của sự hình thành quyền trừng phạt kẻ phạm tội dựa trên các học thuyết khác nhau.

Có người cho rằng, quyền trừng phạt có nguồn gốc từ sự thoả thuận giữa những người đã tạo nên xã hội, nhằm giữ gìn trật tự xã hội, cái cốt yếu để giữ cho xã hội tồn tại. Quyền trừng phạt bắt nguồn từ quyền phục thù của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, khi gia nhập cộng đồng xã hội, cá nhân đã nhượng quyền này lại cho Nhà nước (xã hội). Mặt khác, mọi người trong xã hội đều hiểu rằng không thể chung sống với nhau mà thiếu luật (trong đó có luật hình sự) điều chỉnh. Mà đã có luật thì ắt phải có chế tài. Vì thế, mọi người đều chấp nhận cái “Khế ước xã hội” để cùng nhau tổ chức đời sống cộng đồng thì cũng đồng thời trao cho Nhà nước quyền trừng phạt những kẻ vi phạm các luật lệ do xã hội thoả thuận lập ra. Đây là lý luận dựa vào Học thuyết “Khế ước xã hội” và chủ nhân của nó là Hobbes Grotius, J.J. Roussean và Cesar Beccaria[10].

Quan điểm của Học thuyết thực tiễn do Jeremy Bentham khởi xướng cho rằng muốn sinh tồn, xã hội cũng như mọi sinh vật đều phấn đấu cho sự sống. Tội phạm đe doạ sự tồn tại của xã hội nên xã hội phải phản ứng một cách tự nhiên là trừng phạt người phạm tội. Có thể nói, trừng phạt trong trường hợp này là phương tiện tự vệ của xã hội chống lại các nguyên nhân đe doạ sự tồn tại của nó. Theo quan điểm này, xã hội có thể trừng phạt bất kỳ kẻ nào gây nguy hiểm cho sự an toàn của mỗi cá nhân trong xã hội cũng như sự an toàn của toàn xã hội. Bởi vì, kẻ phạm tội chính là kẻ thù chung của xã hội và chúng cần phải được làm vô hại và tránh để chúng thực hiện những hành vi nguy hiểm cho xã hội, ngược lại xã hội loài người sẽ bị diệt vong, mà tội phạm là một hiện tượng mang tính khách quan, vì thế quyền trừng phạt của xã hội cũng mang tính khách quan. Do đó, có thể nói, quyền trừng phạt của xã hội chính là sự thực thi một quy luật khách quan, theo đó, muốn sinh tồn xã hội phải trừng phạt kẻ phạm tội để loại bỏ các nguyên nhân gây phương hại đến nó[11].

Quan điểm của những người theo học thuyết luân lý cho rằng sở dĩ kẻ phạm tội phải bị trừng phạt là vì đòi hỏi của công lý: kẻ phạm tội phải đền tội. Quan điểm này gần giống với quan điểm của học thuyết chiết trung. Những người theo học thuyết chiết trung cho rằng quyền trừng phạt bắt nguồn từ lẽ công bằng. Một khi kẻ phạm tội đã gây ra tội phạm, để có sự công bằng thì kẻ phạm tội phải bị trừng phạt2.

Tóm lại, có thể nhận thấy rằng, sở dĩ xã hội có quyền trừng phạt kẻ phạm tội là bởi vì kẻ phạm tội chính là nhân tố cản trở và phá hoại sự phát triển bình thường và sự tồn tại của xã hội, mục tiêu chung của tất cả các thành viên sống trong xã hội. Quyền trừng phạt kẻ phạm tội của xã hội là mang tính khách quan, phù hợp với đòi hỏi của công lý và công bằng. Phương tiện để thực hiện quyền trừng phạt đối với kẻ phạm tội là hình phạt. Về cơ sở của việc tồn tại hình phạt cũng là một vấn đề tranh cãi trong khoa học pháp lý hình sự dựa theo hai quan điểm truyền thống của hai học thuyết là: học thuyết trừng trị (Retributive doctrine) và học thuyết phòng ngừa (Deterrent doctrine) hay còn gọi là học thuyết vị lợi (Utilitarian doctrine).

Trong buổi đầu của sự hình thành pháp luật của nhân loại, sự đền bù bởi những hành vi sai trái được thực hiện thông qua việc bắt buộc kẻ có hành vi sai trái phải gánh chịu những hậu quả ngang bằng với những gì mà nạn nhân phải gánh chịu từ hành vi của anh ta. Khi đó, luật về sự trả thù ngang bằng (theo nguyên tắc lex talionis) chiếm ưu thế. Một trong số đó có thể kể đến là Bộ luật Hammurabi của Babylon[12]. Theo Luật này, nếu một người đàn ông tấn công một phụ nữ (không phải là nữ nô lệ - free-born woman) có thai và dẫn đến người này chết, theo§210, con gái của kẻ tấn công phải bị xử chết. Hoặc, khi một người thợ xây nhà mà không cẩn thận khiến nhà sập làm chết con trai của chủ nhà, con trai của người thợ xây nhà cũng bị xử tội chết. Cũng theo Luật này, khi con bò đực húc chết một người (tự do, không phải nô lệ) mà người chủ đã biết việc này đã từng diễn ra, người chủ sẽ bị kết tội chết. Tuy nhiên, anh ta có thể chuộc mạng bằng tiền như là một sự đền bù. Ý tưởng của các Bộ luật cổ của nhân loại như thế này được xem là nền tảng cho sự hình thành của học thuyết trừng trị.

Nội dung của học thuyết trừng trị có thể được mô phỏng qua câu ngạn ngữ “ăn miếng trả miếng” (an eye for an eye and a tooth for a tooth). Theo học thuyết này, nghĩa của từ “trừng trị” bao hàm nội dung là người phạm tội phải trả giá xứng đáng cho những gì mình đã gây ra. Con người nên được nhận những gì mà họ đáng được nhận. Chẳng hạn, một người lao động chăm chỉ xứng đáng được nhận trái ngọt từ thành quả lao động, một người vi phạm pháp luật đáng bị trừng phạt. Và, đó chính là cơ sở lý giải vì sao cần phải có hình phạt dành cho người phạm tội. Hơn nữa, mỗi cá nhân đều có sự tự do ý chí của mình. Chủ nghĩa Mác-Lênin cũng đã công nhận điều đó[13]. Họ có quyền tự do lựa chọn để thực hiện hành vi, và họ xứng đáng bị đối xử giống như những gì mà họ tự do lựa chọn thực hiện[14]. Nói cách khác, nếu hành vi của họ là tốt, họ sẽ có quyền đòi hỏi được đối xử tốt từ người khác và xã hội. Trừng trị có thể được xem là cơ sở tự nhiên của hình phạt xuất phát từ lý lẽ tự nhiên rằng kẻ xấu đáng nhận hình phạt và người tốt đáng nhận phần thưởng.

Như vậy, lý luận khởi nguồn cho việc sử dụng hình phạt, theo quan điểm trừng trị, là kẻ gây thiệt hại cho xã hội (người phạm tội) xứng đáng nhận hậu quả bị trừng phạt. Về quan điểm này, Immanuel Kant là người bảo vệ mạnh mẽ nhất. Ông cho rằng, mọi cá nhân trong xã hội đều được hưởng những lợi ích nhất định từ pháp luật mang lại. Theo nguyên tắc công bằng, một công dân tốt phải góp phần mình để duy trì hệ thống xã hội có sự chế ước lẫn nhau này. Cho nên, nếu một cá nhân chỉ biết tìm kiếm phần lợi về mình từ pháp luật mà không biết tự kiềm chế mình (hy sinh sự tự do cá nhân) thì có thể xem như là kẻ “ăn bánh không trả tiền”. Khi đó, anh ta tự mang lại cho mình một sự bất lợi, bởi vì, Nhà nước cần ngăn chặn hành vi “ăn bánh không trả tiền” để duy trì trật tự pháp luật[15]. Khi xảy ra hành vi sai trái, ở đó sẽ có một số người xứng đáng được hưởng các lợi ích nào đó sẽ bị mất nó, trong khi một số người khác không đáng được hưởng nó lại có nó. Hình phạt chính là sự loại bỏ các lợi ích không xứng đáng kia từ tay kẻ phạm tội nhằm tạo ra sự cân bằng[16]. Những gì mà kẻ phạm tội phải gánh chịu giống như là món nợ mà hắn đã vay của một công dân khác lúc thực hiện hành vi phạm tội. Và, sự trừng trị trong trường hợp này nhằm mục đích phục hồi lại vị trí ban đầu của người bị hại và người phạm tội. Vì thế, có thể nói, học thuyết trừng trị mang bản chất là sự phục hồi nguyên trạng của những giá trị xã hội. Hình phạt được áp dụng như là một sự trả lời đối với hành vi phạm tội nhằm bảo đảm tăng cường pháp chế đã bị vi phạm và tạo sự cân bằng cho cán cân công lý. Cho nên, người ta phải trở lại quá khứ để xem xét hành vi phạm tội đã thực hiện như thế nào, gây ra hậu quả như thế nào để trừng trị kẻ phạm tội.

Theo Học thuyết Trừng trị, hình phạt áp dụng chính là sự phản ứng của Nhà nước đối với người phạm tội vì người phạm tội đã gây ra thiệt hại cho xã hội. Tương tự như có một kẻ gây ra thương tích cho chúng ta, chúng ta lập tức đánh trả bằng cách nào đó làm cho kẻ đó phải gánh chịu những hậu quả (thương tích) như chính kẻ đó đã gây ra cho chúng ta. Cũng có thể nói, bằng cách này chúng ta dạy cho kẻ phạm tội một bài học để kẻ phạm tội cảm thấy chính xác những gì mà hắn đã gây ra cho nạn nhân. Vì thế, nếu không khéo, chúng ta rất dễ sa vào xu hướng trả thù người phạm tội. Trả thù, ở góc độ nào đó cũng có phần giống trừng trị, đó là sự trả lời lại đối với hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho nạn nhân, một trong những biểu hiện về tính công bằng của cán cân công lý. Nhưng, trả thù là một biểu hiện trả đũa của cá nhân có bao hàm sự tức giận, mối căm hờn, cay cú và oán hận. Những trạng thái xúc cảm đó tiềm tàng một khả năng tiêu cực. Bởi vì, những trạng thái xúc cảm mạnh mẽ đó thường dẫn đến những hành vi thái quá, nghĩa là sự trả thù vượt quá mức so với những gì mà kẻ gây ra đáng phải nhận. Hơn nữa, hình phạt nếu thiên về sự trả thù sẽ không thể thoả mãn nguyên tắc tương xứng. Đó là bởi vì, tính trả thù dẫn đến hình phạt có mức độ khác nhau tuỳ theo mức độ xúc cảm (tức giận) được tạo nên từ hành vi phạm tội. Hệ quả là nếu hành vi phạm tội không khơi lên sự tức giận sẽ không phải chịu hình phạt. Ngược lại, hành vi gây ra sự tức giận cao độ sẽ phải nhận lấy một sự phản ứng quá mức so với những gì mà hành vi phạm tội gây ra. Điều này sẽ rất nguy hiểm vì một sự bất công có thể là “động cơ thúc đẩy con người (lẽ ra rất hiền lành) tiến hành tàn sát lẫn nhau như anh ta đã từng chứng kiến trong quá khứ”[17]. Từ đó, bạo lực và giết người hàng loạt có thể xảy ra khi con người đã không tin vào sự công bằng của công lý mà chỉ tin vào sức mạnh của cá nhân. Cho nên, cũng không lấy gì làm lạ khi sự trả thù ít khi mang lại cảm giác đền bù cho nạn nhân. Nạn nhân hầu như luôn trong trạng thái oán hận. Từ đó, cá nhân có xu hướng muốn gây thiệt hại cho kẻ đã gây ra thiệt hại cho mình, thậm chí hơn cả những gì mà kẻ đó đã gây ra. Khi đó, chúng ta rất khó để chấm dứt cái vòng luẩn quẩn của sự trả thù càng leo thang. Vì thế, có thể nói hình phạt mang tính trả thù không mang lại một giá trị bảo an nào cho xã hội, ngược lại càng làm gia tăng sự thiệt hại cho xã hội. Hơn thế nữa, trong một xã hội có sự leo thang bạo lực như thế sẽ không có chỗ của sự nhân đạo. Trên nền tảng đó, chúng ta tin rằng, “nạn nhân không nên theo đuổi sự trả thù để rồi trở thành nạn nhân mới mà nên tha thứ cho kẻ phạm tội và chấm dứt vòng phạm tội”. Tuy nhiên, sự tha thứ của nạn nhân không có nghĩa là kẻ phạm tội không bị pháp luật lên án, ngược lại kẻ phạm tội vẫn phải gánh chịu những gì mà họ đáng phải nhận. Do đó, hình phạt theo nội dung của Học thuyết Trừng trị có thể được hiểu là sự trả lời (trả đũa) của Nhà nước đối với người có hành vi phạm tội đã gây thiệt hại cho xã hội.

Các quan điểm ủng hộ chủ nghĩa trừng trị chủ yếu dựa vào các lý do sau đây:

+ Người phạm tội là những người được hưởng các lợi ích trong xã hội khi không phải trả giá cho việc hưởng các lợi ích đó. Trong khi đó, có những người đã phải hy sinh để đạt được các lợi ích đó và thực tế họ xứng đáng được nhận thì lại bị người phạm tội tước đoạt. Điều này trái với quy luật xã hội. Hình phạt, theo nội dung trừng trị khi đó là yếu tố phục hồi lại trạng thái cân bằng của xã hội khi buộc người phạm tội phải trả giá cho hành vi “thụ đắc vô căn” của mình. Điều đó cũng phù hợp với đạo lý và công lý.

+ Hình phạt với nghĩa trừng trị sẽ tránh được tình trạng nạn nhân cay cú vì muốn trả thù cá nhân và muốn sử dụng luật giang hồ cho mục đích trả thù của mình. Bởi vì, nạn nhân khi đó cảm thấy kẻ gây thiệt hại cho mình đã bị Nhà nước thay mình “trả thù”. Nếu để tình trạng trả thù cá nhân, hậu quả của nó có khi vượt quá hoặc không phù hợp so với những gì mà kẻ phạm tội đáng nhận (so với tội phạm đã gây ra) vì sự trả thù cá nhân phụ thuộc vào các trạng thái tâm lý đặc biệt của nạn nhân. Vì thế, để được chấp nhận, công lý về sự trừng trị trong khi buộc kẻ phạm tội phải “trả giá” cho những gì mình làm phải bảo đảm không thiên về hướng trả thù nguyên thuỷ. Công lý của sự trừng trị đòi hỏi hình phạt phải phù hợp với thiệt hại do tội phạm gây ra, và kẻ phạm tội phải bị đối xử giống như những gì anh ta đã làm. Kẻ phạm tội xứng đáng bị lên án và chịu mức hình phạt tương xứng với mức độ thiệt hại mà y đã gây ra cho xã hội. Ở chừng mực nào đó, công lý trừng trị cũng giống như sự trả thù nhưng không phải của cá nhân mà của Nhà nước theo nguyên tắc tương xứng. Thật vậy, để tránh sự leo thang bạo lực xuất phát từ việc “lấy oán báo oán, oán sẽ chất chồng”, giải pháp hữu hiệu là “chuyển quyền trả thù đó từ nạn nhân sang cho Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật”[18].

+ Hình phạt dựa theo thuyết trừng trị sẽ có nội dung ít nghiêm khắc hơn so với Học thuyết Vị lợi. Mặt khác, nội dung của hình phạt cũng sẽ đề cao hơn quyền tự do cá nhân và thể hiện sự tôn trọng phẩm giá của cá nhân người phạm tội. Bởi vì, như chúng ta thấy, theo nội dung của công lý trừng trị, hình phạt chính là sự trả lời lại những gì mà chính kẻ phạm tội đã thực hiện theo ý chí tự do của mình. Hậu quả mà kẻ phạm tội phải trả có nguyên nhân duy nhất từ hành vi của chính kẻ đó. Mức độ “trả giá” của kẻ phạm tội không vì một cơ sở nào khác ngoài thiệt hại mà kẻ phạm tội đã gây ra cho xã hội.

Các quan điểm chống lại chủ nghĩa trừng trị cũng có những lý do để chỉ trích, đó là:

+ Trước tiên, quan điểm phê phán nội dung của thuyết trừng trị cho rằng, hình phạt nếu dựa trên cơ sở là trừng trị thì sẽ khó có thể biện minh được vì Nhà nước không thể giống như một cá nhân đi thực hiện hành vi có tính chất trả thù. Mặc dù hành vi phạm tội là hành vi gây ra thiệt hại cho xã hội, việc buộc người phạm tội phải trả giá cho những gì mà họ đã gây ra là phù hợp, nhằm tạo ra sự cân bằng xã hội, nhưng việc làm đó không mang bản chất chính thức giống như việc làm của Nhà nước.

+ Việc buộc người phạm tội phải trả giá cho những gì mình gây ra rõ ràng là hợp với đạo lý. Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thì chưa đạt mục đích của việc điều chỉnh hành vi con người trong xã hội. Bởi vì, học thuyết này chỉ tập trung đến việc người phạm tội phải trả giá cho những gì mình làm nên đã không quan tâm đến việc định hướng cho hành vi của người phạm tội trong tương lai. Học thuyết Trừng trị chỉ tập trung vào việc trả lại trạng thái ban đầu của xã hội, nghĩa là người phạm tội đã “chiếm hữu” những gì mình không đáng có, hình phạt chính là sự trả giá cho những cái mà người phạm tội đã không đáng có mà có kia. Tuy nhiên, việc trừng phạt kẻ phạm tội trong trường hợp này lại chẳng mang lại lợi ích cho xã hội, cái giá mà người phạm tội phải trả cũng chuyển cho Nhà nước chứ không phải cho người bị hại, bởi vì quyền trừng phạt thuộc về Nhà nước.

Như vậy, theo quan điểm trừng trị, hình phạt chính là cái nhìn hướng về quá khứ đối với người phạm tội, quay về quá khứ để buộc người phạm tội trả giá cho những hành vi sai trái của mình. Một mặt, việc làm này không mang tính định hướng hành vi trong tương lai của chính người phạm tội và cả cộng đồng. Đối với người bị hại thì cũng chẳng được gì từ việc làm đó của Nhà nước. Do để bảo đảm công lý và đạo lý, kẻ phạm tội phải gánh chịu hình phạt và chịu khổ cực. Từ đó, dù hình phạt có vô nghĩa vẫn phải đem áp dụng. Chẳng hạn, có một cộng đồng người đang sinh sống trên một hòn đảo, vì một lý do nào đó mà cộng đồng đó sắp bị tan rã và phải rời bỏ hòn đảo để đi nơi khác. Nhưng trước khi đi, người ta vẫn tuyên phạt và thi hành hình phạt đối với những kẻ phạm tội.

Học thuyết Phòng ngừa (còn gọi là Học thuyết Vị lợi) chiếm ưu thế hơn trong việc dùng làm cơ sở lý luận của sự tồn tại hình phạt. Tiền đề của học thuyết vị lợi bắt nguồn từ rất xa xưa được khai nguồn bởi các ông tổ của Hy Lạp Cổ đại. Nội dung của nó có thể được tìm thấy trong các quan điểm đạo đức học của Aristippus xuất hiện đầu thế kỷ thứ V (Tr.CN), bậc tiền bối xuất thân từ Cyrenais. Một năm sau đó, các quan điểm đó lại được Epicurus, một bậc cao nhân sống ẩn cư, phát triển. Và sau đó, quan điểm vị lợi được các triết gia Hy Lạp cổ không ngừng phát huy. Đó có thể được xem như những hạt giống gieo mầm cho chủ nghĩa phổ độ đạo lý (Ethical Universalism) được tìm thấy sau này trong các học thuyết của trường dòng của những người theo chủ nghĩa khắc khổ (Stoicism) và Cơ đốc giáo.

Các quan điểm tiền đề về chủ nghĩa vị lợi có ảnh hưởng sâu sắc đến các triết gia hiện đại phương Tây. Trong số đó có thể kể đến là vị Giám mục Richard Cumberland, một triết gia đạo đức học của Anh thế kỷ thứ XVII. Ông được xem như là người theo chủ nghĩa vị lợi hiện đại đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, chính Francis Hutcheson, cũng là nhà lý luận người Anh, đã thể hiện quan điểm vị lợi một cách rõ ràng hơn. Ông chẳng những đã phân tích hành vi của con người như là một phương tiện tốt nhất để tìm kiếm hạnh phúc tối đa cho đa số người sống trong xã hội (the greatest happiness for the greatest numbers) mà còn đề ra một cái gọi là “con số đạo lý” (moral arithmetic) cho việc tính toán để tìm ra kết quả tối ưu của hành vi. Skeptic David Hume, nhà sử học và triết gia lỗi lạc của Xcốtlen, đã củng cố học thuyết này. Vào thế kỷ thứ XVIII, Jeremy Bentham (triết gia Anh) tự mình tuyên bố đã tìm ra nguyên tắc then chốt của chủ nghĩa vị lợi và đã làm ảnh hưởng tư tưởng của nhiều triết gia nổi tiếng khác như: Joseph Priestly (người phát hiện ra chất ôxy), Claude-Adrien Helvétius (tác giả của triết lý về cảm giác thuần tuý), Cesar Beccaria (một luật gia nổi tiếng của Italia), v.v.. Ngoài ra, còn một xu hướng phát triển khác của tư tưởng vị lợi là chủ nghĩa thần học, như: John Gay (một triết gia và học giả kinh thánh), cho rằng ý chí của Thượng đế là tiêu chuẩn của sự tốt đẹp.

Phải qua một thời kỳ dài của lịch sử, nội dung của học thuyết vị lợi mới được hoàn thiện và đầy đủ. Trong đó, Jeremy Bentham được xem là người có công nhiều nhất và có thể được tôn vinh là xây dựng và bảo vệ thành công nhất học thuyết này. Theo Bentham, con người trong việc kiểm soát hành vi của mình luôn luôn có mong muốn tối đa hoá sự sung sướng của mình và hạn chế đến mức tối thiểu sự đau khổ. Nền tảng của sự sung sướng và đau khổ, cả hai đều là nguyên nhân định hướng và là những tiêu chuẩn cơ bản cho hành vi của con người. Nghệ thuật điều chỉnh hành vi cá nhân trong xã hội được Bentham gọi là “nguyên tắc đạo lý cá nhân”. Khi thực hiện hành vi, nhằm vào hạnh phúc của mình sẽ là nhân tố quyết định, hạnh phúc của người khác chẳng qua chỉ là nhân tố thứ yếu và chỉ trở thành động lực của hành vi thông qua sự thông cảm, lòng nhân từ, hoặc xuất phát từ ý chí tốt hay ý tưởng tốt đẹp của người khác. Theo Bentham, các nhà lập pháp trong nghệ thuật lập pháp của mình phải làm sao tối đa hoá hạnh phúc cho toàn thể cộng đồng xã hội bằng cách tạo ra sự công bằng về lợi ích giữa mỗi cá nhân với nhau. Bằng việc thừa nhận hình phạt, nhà làm luật sẽ tạo ra sự bất lợi cho người đã gây ra thiệt hại cho người khác. Tư tưởng này được Bentham thể hiện trong tác phẩm kinh điển, đó là “An Introduction to the Principles of Morals and Legislation” (Giới thiệu các nguyên lý đạo đức và lập pháp) (1789)[19]. Với Bentham, Học thuyết Vị lợi đã trở thành hệ tư tưởng nền tảng cho phong trào đổi mới mà người ta còn gọi là chủ nghĩa cấp tiến (radicalism). Theo phong trào này, mọi hoạt động của cơ quan nhà nước và tất cả các chính sách của chính phủ đều được đánh giá dựa trên nguyên tắc vị lợi. Ngoài ra, Bentham còn đã làm hấp dẫn rất nhiều học trò đầu thế kỷ thứ XIX, như: David Ricardo (người đưa ra hình thức cổ điển về khoa học kinh tế), John Stuart Mill, Jame Mill, John Austin (các luật gia nổi tiếng thế giới), v.v.. Có thể thấy rằng, chủ nghĩa vị lợi phát triển hưng thịnh ở thế kỷ thứ XVIII, ảnh hưởng lớn đến quan điểm lập pháp hình sự của các nước trên thế giới, nhất là thế giới phương Tây. Ngày nay, nội dung của học thuyết này vẫn còn có sự ảnh hưởng lớn trong lý luận luật hình sự cũng như chính sách hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới.

Học thuyết Vị lợi có nội dung khác rất lớn so với học thuyết trừng trị. Học thuyết này xem hình phạt là điều tai hại, không nên dùng nhưng phải chấp nhận vì nó cần thiết để ngăn ngừa người phạm tội cũng như những người khác khỏi phạm tội trong tương lai. Vì vậy, Học thuyết Vị lợi có khuynh hướng nhìn về tương lai đối với kẻ phạm tội thay vì Học thuyết Trừng trị là cái nhìn hướng về quá khứ. Hay nói khác đi, quan điểm vị lợi chú ý vào kết quả của việc áp dụng hình phạt hơn là để bù đắp những gì mà tội phạm đã gây ra trong quá khứ vốn dĩ không thể thay đổi được. Với nội dung này, Học thuyết Vị lợi tập trung vào việc định hướng cho sự thay đổi tích cực về hành vi của kẻ phạm tội về sau này và cũng là để làm gương cho người khác. Học thuyết Vị lợi lấy nội dung phòng ngừa (phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng) và cải tạo giáo dục để làm cơ sở lý luận bảo vệ hình phạt. Đó là lý do vì sao học thuyết này còn gọi là Học thuyết Phòng ngừa.

Đối với Bentham, phòng ngừa tội phạm được xem là lý do quan trọng nhất để con người áp dụng hình phạt. Ông cho rằng, nếu chúng ta xem tội phạm được thực hiện như là một yếu tố tự nhiên, độc lập thì có nghĩa là nó sẽ không bao giờ tái diễn lần thứ hai, và vì thế việc áp dụng hình phạt đối với người thực hiện nó là vô nghĩa và phi lý. Bởi vì, việc làm đó chỉ đơn thuần mang lại sự thiệt hại cho người khác (người phạm tội) chứ không mang lại lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, khi chúng ta tin rằng, nếu tội phạm không bị áp dụng hình phạt có nghĩa là chúng ta mở cửa cho tội phạm xuất hiện, không chỉ người đã phạm tội tiếp tục phạm tội mà còn có nhiều người khác, những người mà có cùng động cơ và điều kiện để làm quen với tội phạm. Khi đó, chúng ta sẽ phải nhìn nhận rằng, hình phạt chính là hàng rào an ninh bảo vệ xã hội khỏi sự xâm hại của tội phạm. Và trong trường hợp này, hình phạt được xem là có ích khi nó không phải là sự phản ánh một thái độ tức giận, một hành vi trả thù đối với kẻ phạm tội mà phải là sự hy sinh cần thiết cho sự an toàn chung của xã hội. Quan điểm về tính phòng ngừa ở đây gồm cả việc ngăn chặn người phạm tội trong việc phạm tội mới và cả việc ngăn chặn những người khác thực hiện ý định phạm tội của mình.

Ngoài ra, Học thuyết Vị lợi còn nêu lên tính hợp lý của hình phạt thông qua chức năng cải tạo giáo dục. Nghĩa là, thông qua hình phạt được áp dụng, người phạm tội sẽ thấy được tội lỗi, điều sai trái mà mình đã gây ra và thay đổi trong suy nghĩ của mình theo một chiều hướng tốt. Sự lên án chính thức và ấn tượng của xã hội thông qua hình phạt là phương tiện quan trọng để người phạm tội nhận ra được điều sai trái của mình. Tương tự như thế, những người khác cũng có thể nhận thức được rằng, tội phạm là một việc làm tội lỗi (bởi vì đã bị lên án bởi xã hội bằng hình phạt), nghĩa là họ đã được giáo dục không nên thực hiện những hành vi đáng bị lên án đó. Và như thế, một người xấu (trong thực tế hoặc ít nhất trong suy nghĩ), thông qua hình phạt có thể trở thành một người tốt.

Các quan điểm ủng hộ học thuyết vị lợi đưa ra cơ sở hợp lý của học thuyết này trước hết ở tính hiệu quả của nó. Có nghĩa là, hình phạt một khi được áp dụng sẽ là một điều không tốt, nhưng nếu không thừa nhận hình phạt sẽ là một thiệt hại lớn hơn. Sử dụng hình phạt tương tự như chúng ta phải lựa chọn việc gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết. Như vậy, việc áp dụng hình phạt dù để lại sự đau đớn, mất mát đối với người phạm tội nhưng điều đó vẫn đáng làm vì ít ra nó mang lại cho xã hội một giá trị lớn hơn gấp nhiều lần, đó là: phòng ngừa tội phạm. Ở điểm này, quan điểm vị lợi khác cơ bản với quan điểm trừng trị vì trừng trị chỉ thuần tuý là sự “trả thù” nhằm khôi phục lại trạng thái cân bằng cho các giá trị xã hội đã bị phá vỡ.

Mặt khác, chức năng cải tạo giáo dục của hình phạt là một nội dung mang tính nhân văn cao, tạo cơ sở quan trọng cho sự tồn tại hình phạt. Thông qua giá trị này, hình phạt giúp cho người phạm tội, người đã lầm đường lạc lối, nhận thức lại bản thân mình và sửa chữa để trở thành người tốt, tái hoà nhập với cộng đồng. Người phạm tội đã được cải tạo giáo dục trở thành người tốt khi đó trở lại xã hội đời thường với tư cách là sản phẩm của hình phạt. Cùng với giá trị cải tạo giáo dục người phạm tội, hình phạt còn giáo dục người khác, những người chưa biểu hiện tội phạm ra ngoài, từ bỏ ý định phạm tội. Và từ đó, xã hội sẽ gồm một cộng đồng người sống hoà nhập với nhau, hạn chế đến mức thấp nhất những hành vi tội lỗi. Như vậy, việc chấp nhận hình phạt trong xã hội loài người thật có ý nghĩa.

Tuy nhiên, các quan điểm chống lại học thuyết này cho rằng, do đặt nặng vấn đề phòng ngừa nên hình phạt thường có nội dung không tương xứng với mức độ nguy hại cho xã hội do tội phạm gây ra. Hình phạt luôn có nội dung nghiêm khắc quá mức nhằm phục vụ cho yêu cầu phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung (tăng cường tính thị uy của hình phạt). Bởi vì, cả Bentham và Mill, ủng hộ quan điểm vị lợi, đều tin rằng hành vi của con người được thúc đẩy bởi việc tìm kiếm sự sung sướng, và tránh sự đau khổ. Nếu như việc phạm tội sẽ làm cho con người sung sướng, nhưng hình phạt khiến họ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn những gì họ có được từ việc phạm tội thì đó là yếu tố ngăn ngừa họ phạm tội. Như vậy, hình phạt bị coi là vi phạm nguyên tắc tương xứng, hay nói đúng hơn hậu quả mà người phạm tội phải gánh lấy cao hơn những gì mà anh ta xứng đáng phải nhận. Điều này không phù hợp với quy luật tự nhiên.

Bên cạnh đó, theo quan điểm vị lợi, kể cả khi một người thực tế chưa thực hiện hành vi phạm tội, nghĩa là chưa gây ra thiệt hại cho xã hội, hình phạt vẫn có thể được xem là hợp lý khi áp dụng đối với họ vì mục đích phòng ngừa. Do đó, có thể nói học thuyết này công nhận hình phạt là có cơ sở kể cả khi nó được áp dụng đối với người vô tội. Quan điểm này trái với bản chất của hình phạt.

Ngoài ra, quan điểm không ủng hộ còn kịch liệt lên án Học thuyết Vị lợi đã sử dụng con người như là một công cụ cho sự tiến bộ xã hội. Bởi vì, hình phạt được áp dụng thông qua người phạm tội nhằm mục đích mang lại giá trị phòng ngừa tội phạm và cải tạo giáo dục. Điều này là không công bằng đối với người phạm tội. Hay nói đúng hơn, quan điểm vị lợi đã phớt lờ quyền cá nhân và không tôn trọng giá trị nhân phẩm của con người khi xem con người như một công cụ để đạt các mục đích xã hội. Điều này là khó có thể chấp nhận trong một xã hội tiến bộ.

Rõ ràng, thực tế cho thấy nội dung của hai học thuyết trên luôn có những điểm xung đột nhau. Đó là bởi vì các quan điểm luôn đứng trên những cơ sở cực đoan để tranh luận. Nếu theo quan điểm trừng trị, hình phạt sẽ bảo đảm được tính tương xứng với tính nguy hại cho xã hội mà tội phạm đã gây ra. Hình phạt khi đó sẽ phù hợp với quy luật tự nhiên, bảo đảm nguyên tắc tương xứng. Nhưng, khi đó hình phạt lại không mang lại cho xã hội một giá trị thực tiễn mà chỉ thuần tuý là sự trả thù, bắt kẻ phạm tội phải gánh chịu những hậu quả xứng đáng mà anh ta phải gánh chịu. Do quá mải mê với việc theo đuổi công lý và công bằng mà hình phạt đã bỏ đi ý nghĩa thực tiễn lợi ích xã hội. Dù rằng, công lý và công bằng phải được bảo vệ nhưng không thể vì thế mà quên đi ý nghĩa thực tiễn của hình phạt. Học thuyết Vị lợi đã bổ sung phần khiếm khuyết mà hình phạt cần phải có để tồn tại, đó là ý nghĩa xã hội. Theo quan điểm vị lợi, hình phạt sở dĩ được con người chấp nhận vì nó có ích cho xã hội khi góp phần phòng ngừa tội phạm và cải tạo giáo dục con người, đẩy mạnh sự tiến bộ xã hội. Nhưng, nội dung của hình phạt bây giờ không đảm bảo tương xứng với tính nguy hại cho xã hội mà tội phạm đã gây ra cho xã hội. Hơn nữa, hình phạt còn bị cho là đã vi phạm nhân quyền và không tôn trọng nhân phẩm cá nhân. Các quan điểm cực đoan như vậy sẽ không tìm ra được giải pháp tối ưu cho vấn đề.

Lý thuyết hỗn hợp sẽ chứa đựng đồng thời nội dung cả hai học thuyết để lý giải sự có mặt của hình phạt và tạo cơ sở cho việc áp dụng hình phạt phù hợp với các nguyên tắc truyền thống. Như vậy, mặc dù hình phạt là điều “tai hại” nhưng con người vẫn sử dụng nó là bởi vì, trước hết, việc làm đó phù hợp với quy luật tự nhiên: gieo nhân nào gặt quả ấy. Kẻ phạm tội khi đã thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội chính là đã gieo một cái “nhân” tội ác. Để hợp với quy luật, kẻ này xứng đáng phải gánh chịu một “quả” bất lợi, đó là hình phạt. Đó là đòi hỏi của công lý và công bằng. Tuy nhiên, không chỉ đơn thuần là bắt kẻ ác phải gánh chịu hậu quả bất lợi, hình phạt với tư cách là một công cụ được con người sử dụng một cách có ý thức, sẽ còn hàm chứa những giá trị tiến bộ vốn có của nó. Đó là giá trị phòng ngừa và cải tạo giáo dục. Con người là một thực thể có ý thức. Một khi nhận thức được quy luật họ sẽ thực hiện hành vi theo hướng tránh sự đau khổ, mất mát được mang lại từ hành vi phạm tội. Nghĩa là, một khi con người đã lầm lỗi mà nhận thức được việc đó là sai, đã phải trả giá thì họ ít có xu hướng lặp lại, những người khác cũng lấy đó mà làm gương, sửa mình. Đó là giá trị nội tại về sự phòng ngừa và cải tạo giáo dục của hình phạt. Kết hợp nội dung của cả hai học thuyết sẽ tránh được quan điểm coi hình phạt như sự trả thù đơn điệu, vô nghĩa nhưng lại không quá đáng đến mức bất công đối với người phạm tội. Có như thế thì hình phạt mới được xem là tồn tại có cơ sở vững chắc.

Trong lịch sử lý luận luật hình sự, có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm hình phạt. Tuy nhiên, các quan điểm đó chủ yếu tập trung theo hai hướng: (1) hoặc coi hình phạt như là công cụ trả thù của Nhà nước, (2) hoặc coi hình phạt như là công cụ để đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Quan điểm coi hình phạt là sự trả thù của Nhà nước dựa trên cơ sở của học thuyết trừng trị (Retributive doctrine) do Kant chủ trương với ý tưởng công lý tuyệt đối. Theo quan điểm này, hình phạt được định nghĩa là sự đau đớn (về thể chất hoặc tinh thần) hoặc sự bất lợi nhất định nào đó dành cho người có hành vi phạm tội theo một bản án hoặc quyết định của toà án[20].

Quan điểm coi hình phạt như là công cụ để đấu tranh phòng ngừa tội phạm xuất phát từ nội dung của học thuyết phòng ngừa (Utilitarian doctrine) do Cesar Beccaria khởi xướng. Theo đó, hình phạt được xem là một sự đau đớn (về thể xác hoặc tinh thần) hoặc một sự mất mát nhất định mà toà án bắt người bị kết án là đã phạm tội phải gánh chịu nhằm mục đích trừng trị, qua đó nhằm mục đích cải tạo và phòng ngừa[21].

Theo các luật gia Việt Nam, hình phạt được xem xét dựa trên hai đặc trưng cơ bản[22]. Hình phạt, trước hết, được xem là sự cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước đối với người có hành vi phạm tội. Như vậy, nội dung của hình phạt đã được đồng nhất với “biện pháp cưỡng chế của Nhà nước”. Đặc trưng thứ hai của hình phạt thể hiện ở góc độ hiệu lực thi hành của hình phạt. Hiệu lực thi hành của hình phạt trước hết ở hiệu lực pháp luật của hình phạt.

Cho đến trước khi Bộ luật hình sự năm 1999 ra đời, chưa có một khái niệm mang tính pháp lý về hình phạt. Mãi đến Bộ luật hình sự năm 1999, khái niệm hình phạt mới được đưa vào và trở thành một chế định của luật hình sự. Tại Điều 26 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự và do Toà án quyết định. Tiếp theo đó, khi Bộ luật hình sự thừa nhận thêm trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, khái niệm hình phạt được bổ sung thêm chủ thể này cho phù hợp, cụ thể: Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.” (Điều 30 Bộ luật hình sự năm 2015).

Theo khái niệm này, hình phạt có một số đặc điểm sau:

1. Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước

Xã hội loài người từ khi xuất hiện Nhà nước cùng với sự ra đời của pháp luật, Nhà nước đã dùng pháp luật để điều hành xã hội, duy trì trật tự và sự ổn định xã hội. Có thể nói, pháp luật là những quy tắc do con người đặt ra trong quá trình phát triển của con người được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế, mọi người phải tuân theo. Người nào vi phạm pháp luật sẽ bị cưỡng chế bởi Nhà nước. V.I. Lênin viết: Nếu không có bộ máy đủ sức cưỡng bức người ta tuân theo những quy định của pháp luật... thì pháp quyền có cũng như không.

Trong những ngành luật khác nhau sẽ có các biện pháp cưỡng chế khác nhau do Nhà nước quy định phù hợp với đối tượng và phương pháp điều chỉnh của ngành luật đó. Chúng ta có thể thấy cưỡng chế trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, v.v.. Trong tất cả các biện pháp cưỡng chế đó, cưỡng chế trong lĩnh vực hình sự được xem là nghiêm khắc nhất thể hiện qua thuật ngữ được gọi là hình phạt. Điều này là phù hợp, bởi lẽ tội phạm là hành vi nguy hiểm nhất trong số các hành vi nguy hiểm do con người thực hiện. Theo nguyên tắc, hậu quả pháp lý, biện pháp cưỡng chế, phải tương xứng với hành vi nguy hiểm. Ví dụ, hành vi gây rối trật tự công cộng nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính thì chỉ bị xử phạt hành chính (tính nguy hiểm còn hạn chế). Tuy nhiên, nếu hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì hành vi này đã thể hiện tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn, bị coi là tội phạm và có thể bị áp dụng hình phạt.

Hệ thống hình phạt của luật hình sự cũng có một số biện pháp cưỡng chế trùng lặp với biện pháp cưỡng chế trong luật hành chính, dân sự, v.v. (như: cảnh cáo, phạt tiền, v.v.) nhưng nếu chúng ta xem xét kỹ các điều kiện áp dụng và hậu quả pháp lý của nó thì hình phạt có khác với các biện pháp cưỡng chế trong các lĩnh vực không phải hình sự, thể hiện tính nghiêm khắc của nó.

Hình phạt được sử dụng rất lâu đời để bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội, duy trì trật tự xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. C. Mác nói: Hình phạt không phải là một cái gì khác ngoài phương tiện để bảo vệ mình của xã hội chống lại sự vi phạm của các điều kiện tồn tại của nó.

Tính nghiêm khắc của hình phạt thể hiện ở chỗ nó có thể tước bỏ những quyền và lợi ích của người bị kết án như quyền tự do, quyền chính trị, quyền sở hữu, thậm chí là quyền được sống. Hình phạt còn để lại hậu quả pháp lý (án tích) đối với người bị kết án trong một thời gian nhất định (luật định). Tính nghiêm khắc của hình phạt phụ thuộc vào tính nguy hiểm của hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội có tính nguy hiểm càng cao thì hình phạt càng nghiêm khắc. Sự đa dạng về cấp độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đòi hỏi hình phạt phải có nhiều loại hình khác nhau và mức hình phạt cũng khác nhau tương ứng với tính nguy hiểm của từng hành vi phạm tội cụ thể.

2. Hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự

Nhiệm vụ quan trọng nhất của luật hình sự là đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm mà công cụ để thực hiện nhiệm vụ này là hình phạt. Vì vậy, hình phạt là một trong những chế định quan trọng nhất của luật hình sự và được quy định trong Bộ luật hình sự. Hình phạt khi được áp dụng nghĩa là tước bỏ hoặc hạn chế quyền và lợi ích của người phạm tội, ảnh hưởng rất lớn đến số phận của họ. Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc, tránh tuỳ tiện trong áp dụng, hình phạt cũng như tội phạm cần phải được Bộ luật hình sự, có giá trị pháp lý chỉ sau Hiến pháp, quy định. Điều 26 Bộ luật hình sự hiện hành nêu rõ: “Hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự.... Quy định này biểu hiện sinh động sự quán triệt tinh thần của chính sách hình sự nước ta trong việc quy định và áp dụng hình phạt. Tinh thần đó thể hiện ở chỗ ngoài những hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự, không một biện pháp cưỡng chế nào được áp dụng với tính cách là hình phạt. Đó chính là biểu hiện của sự tuân thủ triệt để nguyên tắc pháp chế trong xây dựng và áp dụng luật hình sự.

Hình phạt được luật hình sự quy định ở cả phần chung và phần các tội phạm cụ thể. Phần chung quy định khái niệm, mục đích, hệ thống hình phạt và các vấn đề có liên quan đến việc quyết định hình phạt. Phần các tội phạm cụ thể quy định các loại và mức hình phạt cụ thể cho từng hành vi phạm tội.

3. Hình phạt do Toà án nhân danh Nhà nước áp dụng

Điều 26 Bộ luật hình sự hiện hành quy định: Hình phạt “do Toà án quyết định”. Quy định này xuất phát từ một nguyên tắc Hiến định. Điều 27 Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001 nêu rõ: chức năng của Toà án là xét xử các vụ án về hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động. Qua các quy định của luật tố tụng, chúng ta thấy rằng, trong các lĩnh vực khác (không phải hình sự), không bắt buộc Toà án phải giải quyết. Các đương sự có thể lựa chọn cách giải quyết khác, không thông qua Toà án. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hình sự, việc giải quyết vụ án phải thông qua các khâu tố tụng được quy định hết sức chặt chẽ và nghiêm ngặt. Điều này xuất phát từ thực tế hậu quả pháp lý của việc giải quyết vụ án hình sự có ảnh hưởng rất lớn đối với người phạm tội, biểu hiện cụ thể qua việc quyết định hình phạt. Vì thế, Nhà nước đã giao cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đại diện mình, thực hiện các khâu trong quá trình tố tụng từ điều tra (Công an), truy tố (Viện kiểm sát). Đối với hoạt động xét xử và quyết định hình phạt, Nhà nước giao cho Toà án. Trong đó, khâu xét xử và quyết định hình phạt được xem là quan trọng nhất, bởi vì: “không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” (Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003).

Xuất phát từ tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội và hậu quả pháp lý của hình phạt, Nhà nước đã trao cho Toà án toàn quyền quyết định hình phạt một cách độc lập mà không chịu sự chi phối của bất kỳ cơ quan nào mà chỉ tuân theo pháp luật.

Hình phạt được áp dụng đối với người phạm tội thể hiện sự lên án của Nhà nước đối với người phạm tội và hành vi phạm tội mà họ thực hiện. Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với người phạm tội về hành vi phạm tội của họ là một tất yếu khách quan.

4. Hình phạt chỉ áp dụng đối với chủ thể phạm tội

Đặc điểm này xuất phát từ nguyên tắc trách nhiệm hình sự cá nhân (cá thể hóa trách nhiệm hình sự). Hình phạt với tính chất là một biện pháp trách nhiệm, hậu quả pháp lý của việc thực hiện hành vi phạm tội. Chỉ người nào hoặc pháp nhân thương mại nào phạm một tội được quy định trong Bộ luật hình sự mới phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015), nghĩa là trách nhiệm hình sự chỉ phát sinh cho một chủ thể khi họ đã thực hiện hành vi phạm tội. Luật hình sự Việt Nam nói riêng và luật hình sự hiện đại nói chung không chấp nhận áp dụng hình phạt nhằm chống lại các thành viên trong gia đình và người thân của người phạm tội, kể cả trong trường hợp khi người phạm tội lẩn tránh pháp luật. Điều này thể hiện rõ tính pháp chế, công minh và công bằng của luật hình sự hiện đại.

Luật hình sự nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới xác định trách nhiệm hình sự là trách nhiệm cá nhân. Bởi vì, quan hệ pháp luật hình sự là quan hệ giữa chủ thể phạm tội với Nhà nước. Chúng ta không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ hàng thân thích hay cha mẹ người phạm tội kể cả trong trường hợp người phạm tội lẩn tránh trách nhiệm. Đây chính là điểm khác so với pháp luật thời phong kiến. Pháp luật thời phong kiến như chúng ta đã biết, ngoài việc truy cứu trách nhiệm đối với người phạm tội ra, ở một số tội phạm gây thiệt hại cho hoàng tộc, sẽ truy cứu trách nhiệm cả thân thuộc, họ hàng, cha mẹ người phạm tội như “tru di tam tộc”, “tru di cửu tộc.

II. MỤC ĐÍCH CỦA HÌNH PHẠT

Tất cả mọi hoạt động có ý thức của con người đều nhằm đạt được một mục đích nhất định. Việc quy định và áp dụng hình phạt đối với chủ thể phạm tội cũng thế. Mục đích của hình phạt là kết quả thực tế cuối cùng mà Nhà nước mong muốn khi quy định trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với chủ thể phạm tội.

Khi nghiên cứu về hình phạt, thật là thiếu sót nếu chúng ta không bàn về mục đích của hình phạt. Bởi vì, hiểu đúng về mục đích hình phạt sẽ là cơ sở cho việc đánh giá đúng đắn hiệu quả của hình phạt được áp dụng. Mục đích của hình phạt chính là cái cuối cùng mà con người muốn đạt được khi áp dụng hình phạt đối với người phạm tội. Nói đến mục đích của hình phạt, chúng ta cũng khó tách rời với cơ sở lý luận của hình phạt vì sự hợp lý của hình phạt phần lớn phụ thuộc vào sự hợp lý của mục đích của nó. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động có ý thức của mình, con người đôi khi cũng gán cho hình phạt những mục đích chủ quan. Dù sao cũng cần phải nhận thấy rằng, có nhiều quan điểm khác nhau về mục đích của hình phạt, nhưng tập trung nhất có hai xu hướng lớn dựa theo hai trường phái trừng trị hay phòng ngừa:

Quan điểm thứ nhất coi hình phạt như sự trả thù của Nhà nước đối với kẻ phạm tội xuất phát từ nội dung của học thuyết trừng trị mà Immanuel Kant và Hampton là đại diện. Theo thuyết này, hình phạt được áp dụng không phải nhằm vào những mục đích xã hội khác (như mong muốn người phạm tội và những người chứng kiến khác tuân thủ pháp luật) mà chính là nhằm trừng trị kẻ phạm tội. Pháp luật hình sự đặt ra là nhằm để bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội cũng như sự tồn tại của Nhà nước, chống lại các hành vi phạm tội. Nó biểu hiện một khía cạnh của “khế ước xã hội” và con người có thể tự do lựa chọn việc có vi phạm nó hay không. Khi một người phạm tội nghĩa là đã tự mình lựa chọn việc vi phạm khế ước xã hội, gây thiệt hại cho xã hội. Hình phạt đặt ra để trừng trị những người có hành vi vi phạm ấy nhằm tạo ra sự cân bằng cho cán cân công lý, đồng thời cũng là để đảm tính công bằng xã hội. Như vậy, theo quan điểm này, trừng trị vừa là nội dung và cũng là mục đích của hình phạt.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm chỉ thừa nhận trừng trị chỉ là nội dung, thuộc tính của hình phạt chứ không phải mục đích của hình phạt[23]. Theo quan điểm này, trừng trị là một nội dung quan trọng nhất của hình phạt, không có nó sẽ không có hình phạt. Trừng trị là tiền đề cho việc thực hiện mục đích phòng ngừa và cải tạo giáo dục của hình phạt.

Quan điểm xem việc áp dụng hình phạt nhằm mục đích phòng ngừa tội phạm và cải tạo giáo dục dựa trên lý thuyết vị lợi. Jeremy Bentham là người đại diện cho quan điểm này, biểu hiện tập trung nhất trong tác phẩm vượt thời gian “The Rationale of Punishment” (Sự hợp lý của Hình phạt) (1830)[24]. Theo Bentham, một hành vi phạm tội có thể nảy sinh từ hai nguồn: có thể được thực hiện bởi người đã từng thực hiện tội phạm hoặc những người có cùng động cơ và đủ điều kiện để thực hiện hành vi phạm tội tương tự như thế. Vì vậy, mục đích phòng ngừa tội phạm được chia thành hai loại: phòng ngừa riêng được áp dụng đối với người đã thực hiện hành vi phạm tội; và phòng ngừa chung áp dụng đối với tất cả những người khác trong xã hội.

Sự đau khổ và sung sướng là nguyên nhân cơ bản nhất của hành vi nhân loại. Khi con người nhận thức được rằng, sự đau khổ là hậu quả của hành vi, anh ta sẽ có khuynh hướng tránh việc thực hiện hành vi đó để tránh sự đau khổ. Nếu trong kết quả của việc thực hiện hành vi mà giá trị của sự đau khổ lớn hơn sự sung sướng, con người sẽ tuyệt đối không thực hiện chúng. Hình phạt với ý nghĩa là sự đau khổ khi đó sẽ trở thành phương tiện phòng ngừa tội phạm.

Đối với phòng ngừa riêng, hình phạt có tác dụng ngăn chặn người phạm tội tái phạm theo ba cách:

+ Hình phạt tước đi sự mong muốn phạm tội trong lòng người phạm tội. Trường hợp này, hình phạt khiến người phạm tội không còn mong muốn phạm tội nữa dù có đủ khả năng phạm tội. Để thực hiện được mục đích này, hình phạt đã phải thông qua chức năng cải tạo giáo dục của mình.

+ Hình phạt còn làm cho người phạm tội sợ việc thực hiện tội phạm. Anh ta có thể vẫn còn mong muốn thực hiện tội phạm nhưng không dám thực hiện vì sợ hình phạt. Hình phạt trong trường hợp này đóng vai trò như là một yếu tố răn đe người phạm tội.

+ Hình phạt tước đi khả năng phạm tội thực tế của người phạm tội. Trong trường hợp này, hình phạt đã tước đi ở người phạm tội khả năng phạm tội khiến anh ta không thể thực hiện được hành vi phạm tội nữa dù rất muốn. Chẳng hạn, hình phạt tù buộc người phạm tội phải ở trong trại giam, anh ta không có khả năng để phạm tội được.

Đối với mục đích phòng ngừa riêng, chúng ta thấy hình phạt có ba thành phần: cải tạo giáo dục, đe doạ và tước mất khả năng phạm tội. Nếu tội phạm được thực hiện bị coi là loại nguy hiểm cao, thể hiện sự tính toán trước của người phạm tội thì hình phạt cần thiết phải tước bỏ hẳn khả năng phạm tội của họ để tránh tội phạm được tái diễn (hình phạt tù chung thân, tử hình). Tuy nhiên, nếu tội phạm được thực hiện là loại ít nguy hiểm, yếu tố hình phạt chỉ cần là tạm thời, để sau đó, đưa người phạm tội trở lại xã hội thì hình phạt khi đó chỉ nhằm mục đích cải tạo hoặc đe doạ là đủ (các hình phạt không phải tù).

Để thực hiện mục đích phòng ngừa chung, hình phạt đã phát huy tác dụng lên án của mình, như là một tấm gương minh hoạ. Khi đó, mọi người hiểu rằng, hình phạt chính là hậu quả mà kẻ phạm tội phải gánh chịu khi thực hiện hành vi phạm tội. Và, nếu bất kỳ ai thực hiện hành vi phạm tội cũng sẽ gánh lấy hậu quả tương tự như thế.

Theo sau mục đích phòng ngừa tội phạm, hình phạt còn có mục đích đền bù thiệt hại do tội phạm gây ra. Sự đền bù này nhằm khắc phục những hậu quả do tội phạm gây ra đối với nạn nhân. Thật ra, đền bù thiệt hại không phải là đối tượng của hình phạt bởi vì nó liên quan đến người khác chứ không phải người phạm tội. Tuy nhiên, theo Bentham, mục đích phòng ngừa và đền bù có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Chúng ta có thể đạt được đồng thời hai mục đích này của hình phạt cùng một lúc. Điều này có thể xảy ra trong những trường hợp đặc biệt, như bồi thường tiền hay phục hồi danh dự cho nạn nhân.

Chúng ta phải thừa nhận rằng, quan điểm trừng trị hay phòng ngừa của hình phạt đều có những sự hợp lý riêng. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, cần thiết phải kết hợp những yếu tố tích cực của hai quan điểm để có được cái nhìn hoàn thiện về mục đích của hình phạt, để phát huy vai trò tích cực của hình phạt. Chúng ta không nên cực đoan, thái quá để rồi nhìn hình phạt ở một góc độ phiến diện. Vì thế, theo tác giả, hình phạt có ba mục đích cơ bản, đó là: (1) trừng trị người phạm tội; (2) cải tạo người phạm tội và giáo dục những người khác có ý thức tuân theo pháp luật; (3) phòng ngừa tội phạm trong đó bao gồm cả mục đích bảo vệ xã hội (bằng cách tước bỏ khả năng phạm tội của người phạm tội) và răn đe để người phạm tội và những người khác không dám nghĩ đến việc phạm tội.

Thật vậy, đứng trên phương diện công lý, không thể có hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho xã hội mà không bị trừng trị. Mục đích trừng trị của hình phạt sẽ tạo nên sự cân bằng của cán cân công lý. Cho nên, nếu chúng ta không thừa nhận mục đích trừng trị của hình phạt đồng nghĩa với việc ta phủ nhận mục đích bảo vệ công lý của hình phạt, đó là một thực tế khách quan phù hợp với quy luật xã hội. Công lý được bảo đảm, ai trong chúng ta cũng mong muốn điều đó, và tính trừng trị của hình phạt đã chuyển tải ý chí đó của con người. Từ thời cổ, con người đã có quan niệm dùng hình phạt để trừng trị những kẻ có tội lỗi. Điều đó phù hợp với quy luật tự nhiên. Cho nên, công nhận mục đích trừng trị của hình phạt là một đòi hỏi khách quan chứ không phải một việc làm mang tính triết lý trừu tượng. Tuy nhiên, nếu chỉ là thuần tuý để bảo vệ công lý mà không còn một mục đích nào khác thì hình phạt xem ra chưa thật sự cần thiết lắm. Bởi vì, như chúng ta đã biết, hình phạt chính là một điều “tai hại”, không ai muốn sử dụng nó ngoại trừ khi kết quả sử dụng nó sẽ mang lại những lợi ích lớn hơn nhiều so với thiệt hại mà nó gây ra cho xã hội. Vì thế, nếu việc áp dụng hình phạt nhằm vào càng nhiều mục đích thì càng tốt miễn sao thực tế nó có thể đạt được những mục đích đó. Và như thế, thông qua việc trừng trị người phạm tội, hình phạt còn có thể tước khả năng phạm tội của người phạm tội để họ không thể tái phạm theo câu ngạn ngữ “ngựa quen đường cũ”. Trong mục đích đó, đồng thời, chúng ta cũng có thể đạt được mục đích cải tạo người phạm tội trở thành người tốt cũng như có thể răn đe người khác hãy tránh xa việc phạm tội nếu không muốn gánh lấy những hậu quả như người phạm tội đang gánh chịu. Đó còn được xem là mục đích cải tạo giáo dục của hình phạt. Xem hình phạt vừa có mục đích trừng trị vừa có mục đích phòng ngừa và cải tạo giáo dục trước hết phát huy được hết tất cả các khả năng của hình phạt. Mặt khác, việc kết hợp này sẽ tránh được các quan điểm xung đột nhau khi chỉ công nhận mục đích này hoặc mục đích kia của hình phạt. Quan điểm tổng hợp này về mục đích của hình phạt được các nhà lập pháp hình sự Việt Nam ủng hộ.

Điều 31 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Theo luật hình sự Việt Nam, mục đích của hình phạt trước hết là nhằm trừng trị chủ thể phạm tội. Xét ở khía cạnh nội dung, bất cứ hình phạt nào cũng chứa đựng những sự tước bỏ hoặc hạn chế nhất định (có thể về thể chất, tinh thần hoặc tài sản) đối với chủ thể bị áp dụng hình phạt. Vì vậy, trừng trị là thuộc tính nội tại của hình phạt buộc chúng ta phải thừa nhận thực tế khách quan đó. Chúng ta có thể nói, trừng trị là nội dung của hình phạt. Khi áp dụng hình phạt, Nhà nước một mặt đã trừng trị chủ thể phạm tội về hành vi phạm tội của họ và thông qua đó đạt mục đích cải tạo, giáo dục của hình phạt. Tính trừng trị của hình phạt ở những điều kiện lịch sử khác nhau sẽ không giống nhau, phụ thuộc vào khả năng tự vệ của xã hội đối với những hành vi phạm tội vi phạm các điều kiện của sự tồn tại xã hội. Tác dụng trừng trị của hình phạt nhằm mang lại mục đích phòng ngừa riêng. Nội dung này thể hiện ở chỗ nó tước bỏ hoặc hạn chế nhất định về quyền và lợi ích của chủ thể bị kết án. Mức độ phải chịu sự tước bỏ hoặc hạn chế này tuỳ thuộc vào tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà chủ thể đó đã thực hiện. Về nguyên tắc, tính nguy hiểm của tội phạm càng cao thì tính trừng trị càng nghiêm khắc.

Bên cạnh trừng trị, hình phạt còn có mục phòng ngừa tội phạm thông qua giáo dục, cải tạo chủ thể phạm tội trở thành một thành viên tốt của xã hội. Đây là mục đích chính của phòng ngừa riêng. Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, càng “trừng trị” tội phạm ở mức độ nghiêm khắc cao nhưng tội phạm không có xu hướng giảm. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi quan điểm, xem “phòng ngừa” tội phạm hơn là “chống” tội phạm, chú trọng mục đích cải tạo, giáo dục hơn là trừng trị. Thể hiện quan điểm này chúng ta có thể thấy sự thay đổi nhóm từ “đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm” (Bộ luật hình sự năm 1999, 2015) thay cho nhóm từ “đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm” (Bộ luật hình sự năm 1985).

Giữa trừng trị và cải tạo, giáo dục trong mục đích phòng ngừa riêng của hình phạt có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Không thể đạt mục đích cải tạo, giáo dục chủ thể phạm tội (thậm chí có tác dụng ngược lại) nếu mức độ nghiêm khắc của hình phạt là không tương xứng với tính nguy hiểm của tội phạm. Mặt khác, nếu hình phạt chỉ có tác dụng trừng trị sẽ khiến cho chủ thể phạm tội khiếp sợ nhưng không đồng nghĩa với tội phạm giảm, bởi vì khi chủ thể phạm tội đã qua “ngưỡng” sợ hình phạt thì tội phạm sẽ gia tăng hơn gấp nhiều lần kèm theo tính nguy hiểm cũng tăng.

Ngoài mục đích phòng ngừa riêng, hình phạt còn có tác dụng phòng ngừa chung. Điều 31 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định: Hình phạt còn nhằm “giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.”. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ ngoài việc trừng trị và giáo dục, cải tạo chính chủ thể phạm tội còn có tác động đến các thành viên khác của xã hội, những người và pháp nhân chưa phạm tội. Tuỳ vào từng loại hình phạt cụ thể được áp dụng tương ứng với tính nguy hiểm của tội phạm, ý thức pháp luật, đặc điểm tâm sinh lý, v.v. của mỗi cá nhân trong xã hội mà mức độ tác động sẽ khác nhau. Thật ra, trong xã hội, số chủ thể phạm tội là thiểu số xuất phát từ nhóm người có ý thức pháp luật không vững, dễ bị sa vào con đường phạm tội. Tác dụng phòng ngừa chung của hình phạt chủ yếu nhằm vào các đối tượng này, ngăn ngừa họ bị sa ngã vào con đường phạm tội. Hình phạt chỉ phát huy được tác dụng phòng ngừa chung khi quần chúng nhân dân hiểu biết pháp luật, thấy được sự cần thiết của công bằng, cần thiết đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì vậy, cần thiết phải kết hợp nhiều biện pháp về kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, v.v. nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật trong quần chúng nhân dân.

Hiệu quả phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng của hình phạt có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Không thể đạt được mục đích phòng ngừa chung nếu mục đích phòng ngừa riêng bị triệt tiêu và ngược lại nếu mục đích phòng ngừa chung bị hạn chế thì phòng ngừa riêng sẽ thiếu môi trường xã hội thuận lợi. Không thể khiến cho những người khác tôn trọng pháp luật trong khi hình phạt đã dẫn đến tác dụng người bị kết án vẫn xem thường pháp luật, vẫn vi phạm pháp luật. Ngược lại, thật khó làm cho người bị kết án chấp hành hình phạt tốt, cải tạo nhanh trở thành người có ích cho xã hội, không tái phạm nếu hình phạt đó khiến ngoài xã hội, tội phạm vẫn gia tăng, kỷ cương, trật tự pháp luật không được bảo đảm. Tuy nhiên, khi mục đích phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng có mâu thuẫn thì mục đích phòng ngừa chung ưu tiên được hướng tới.

Có thể nghiên cứu ba nhóm yếu tố bảo đảm mục đích hình phạt:

- Nhóm thuộc về xây dựng hệ thống hình phạt và hình phạt đối với từng tội phạm cụ thể. Nhóm yếu tố này yêu cầu cần bảo đảm tính phù hợp của toàn bộ chế định hình phạt với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước, tính tương xứng của hình phạt và tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống hình phạt chính và hình phạt bổ sung, bảo đảm nguyên tắc cá thể hoá hình phạt, v.v..

- Nhóm thuộc về áp dụng hình phạt cần bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của luật hình sự nói chung và các nguyên tắc quyết định hình phạt nói riêng, thực hiện triệt để nguyên tắc cá thể hoá hình phạt, bảo đảm tính khả thi của hình phạt được áp dụng, v.v..

- Nhóm thuộc về chấp hành hình phạt cần bảo đảm chế độ hoá việc chấp hành từng loại hình phạt và đối với từng người bị kết án, đồng bộ hoá các biện pháp bảo đảm cho việc thi hành có hiệu quả các hình phạt.

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Nêu khái niệm, đặc điểm và cơ sở của trách nhiệm hình sự.

2. Nêu khái niệm hình phạt.

3. Phân tích các đặc điểm của hình phạt.

4. Mục đích của hình phạt là gì?

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Bộ luật hình sự năm 1999, 2015, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, 2016.

2.     Byan A. Garner: Blacks Law Dictionary, 7th ed, West Group: St Paul Minn, 1999.

3.     Lê Cảm (chủ biên): Trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2005.

4.     Cragg, Wesley, The Practice of Punishment: Towards a Theory of Restorative Justice (New York, Routledge, 1992).

5.     Nguyễn Ngọc Hoà và Lê Thị Sơn: Từ điển giải thích thuật ngữ luật học, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1999.

6.     Nguyễn Ngọc Hoà: Tội phạm trong Luật hình sự Việt Nam,
Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1991.

7.     Jeremy Bentham: An Introduction to the Principles of Morals and Legislation, ed. J.H. Burns and H.L.A. Hart (London, 1970).

8.     Jeremy Bentham: The Rationale of Punishment, ed. Richard Smith (London, 1830).

9.     Lâykina N.X: Nhân thân người phạm tội và trách nhiệm hình sự, Nxb. Đại học Tổng hợp Lêningrát, 1968.

10.   V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t.33.

11. Minow, Martha: Between Vengeane and Forgiveness, (Boston, Massachusetts: Beacon Press, 1998).

12.   Murphy, Jeffrie G, Retribution Reconsidered, (Norwell, Massachusetts, Kluwer Academic Publisher, 1992).

13.   Đỗ Ngọc Quang: Tìm hiểu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1997.

14.   Đinh Văn Quế: Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (Phần chung), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.

15.   Nguyễn Quang Quýnh: Hình luật tổng quát, Ấn quán Phong Phú, Sài Gòn, 1973.

16.   Pharuxkin M.X: Những vấn đề lý luận về trách nhiệm pháp lý,
Tạp chí Luật học, số 4.

17.   Rachels, James: “Punhishment and Desert in Ethics in Practice, ed. Hugh La Follette (Malden, Massachusetts: Blackwell Publisher, 1997).

18.   Sargorôđxki M.Đ: Giáo trình Luật hình sự Xôviết, Nxb. Đại học Tổng hợp Lêningrát, 1968.

19.   Nguyễn Sơn: Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 9/2002.

20.   Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.

21.   Tkatrevxki Iu.M: Luật hình sự (Phần chung), Nxb. Đại học Tổng hợp Mátxcơva, 1993.

22.   Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp lý: Hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

23.   Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.

24.   Đào Trí Úc (chủ biên): Mô hình lý luận về Bộ luật hình sự Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.

 

[1]. Sargorôđxki M.Đ: Giáo trình luật hình sự Xôviết, Nxb. Đại học Tổng hợp Lêningrát, 1968, tr.222-223.

[2]. Lâykina N.X: Nhân thân người phạm tội và trách nhiệm hình sự, Nxb. Đại học Tổng hợp Lêningrát, 1968, tr.131.

[3]. Pharuxkin M.X: Những vấn đề lý luận về trách nhiệm pháp lý,
Tạp chí Luật học, số 4, tr.31.

[4]. Tkatrevxki Iu.M: Luật hình sự phần chung, Nxb. Đại học Tổng hợp Mátxcơva, 1993, tr.77.

[5]. Đào Trí Úc (chủ biên): Mô hình lý luận về Bộ luật hình sự Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr.41.

[6]. Đỗ Ngọc Quang: Tìm hiểu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1997, tr.14.

[7]. Nguyễn Ngọc Hòa và Lê Thị Sơn: Từ điển giải thích thuật ngữ luật học, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội 1999, tr.126.

[8]. Lê Cảm: Những vấn đề lý luận cơ bản về trách nhiệm hình sự (chuyên khảo thứ hai), Hà Nội, 2000, tr.122.

[9]. Trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (TG).

[10]. Nguyễn Quang Quýnh: Hình luật tổng quát, Sđd, tr.34.

[11], 2. Nguyễn Quang Quýnh: Hình luật tổng quát, Sđd, tr.35, 36.

[12]. Bộ luật thành văn cổ xưa nhất của nhân loại được sử dụng ở triều đại Hammurabi trị vì từ 1792-1750 Tr.CN. Bộ luật có 282 điều quy định về các lĩnh vực hình sự, hôn nhân gia đình, thương mại, tài sản, lao động, v.v.. (TG).

[13]. Nguyễn Ngọc Hòa: Tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, Sđd, tr.84-86.

[14]. Rachels, James: “Punhishment and Desert in Ethics in Practice, ed. Hugh La Follette (Malden, Massachusetts: Blackwell Publisher, 1997), tr.466.

[15]. Murphy, Jeffrie G: Retribution Reconsidered, (Norwell, Massachusetts, Kluwer Academic Publisher, 1992), tr.23.

[16]. Cragg, Wesley: The Practice of Punishment: Towards a Theory of Restorative Justice (New York, Routledge, 1992), tr.15.

[17]. Minow, Martha: Between Vengeane and Forgiveness (Boston, Massachusetts: Beacon Press, 1998), tr.11.

[18]. Minow, Martha: Between Vengeane and Forgiveness, Sđd, tr.14.

[19]. Jeremy Bentham: An Introduction to the Principles of Morals and Legislation, ed. J.H. Burns and H.L.A. Hart (London, 1970).

[20]. Bryan A. Garner, Blacks Law Dictionary, 7th ed, West Group: St Paul Minn, 1999.

[21]. Webster’s Revised Unabridged Dictionary, MIRCA, Inc, 1998.

[22]. Nguyễn Sơn: Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 9/2002, tr.43-45.

[23]. Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý: Hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.25.

[24]. Jeremy Bentham: The Rationale of Punishment, ed. Richard Smith (London, 1830). 

 

BÀI 14

HỆ THỐNG HÌNH PHẠT VÀ
CÁC BIỆN PHÁP TƯ PHÁP

PHẦN I

HỆ THỐNG HÌNH PHẠT

I. KHÁI NIỆM HỆ THỐNG HÌNH PHẠT

Hệ thống hình phạt là một chỉnh thể bao gồm những hình phạt được quy định trong Luật hình sự, có phương thức liên kết với nhau theo một trật tự nhất định do tính nghiêm khắc của từng loại hình phạt quy định.

Như vậy, hệ thống hình phạt trong luật hình sự là những loại hình phạt cụ thể với nội dung và điều kiện áp dụng được quy định rõ ràng trong luật hình sự. Sự sắp xếp các hình phạt trong hệ thống hình phạt theo thứ tự dựa theo tính nghiêm khắc của các loại hình phạt có những ý nghĩa nhất định. Trước hết, nó thể hiện sự đánh giá chính thức của Nhà nước về tính nghiêm khắc của mỗi loại hình phạt. Mặt khác, quy định như vậy để Toà án có thể quyết định áp dụng một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn trong hệ thống hình phạt.

Số lượng hình phạt trong hệ thống hình phạt không giống nhau trong những điều kiện lịch sử thời gian và không gian nhất định. Chỉ kể từ khi Bộ luật hình sự năm 1985 ra đời, số lượng này cũng có sự thay đổi.

Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1985 quy định các hình phạt sau (Điều 21):

- Các hình phạt chính:

+ Cảnh cáo;

+ Phạt tiền;

+ Cải tạo không giam giữ, cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội;

+ Tù có thời hạn;

+ Tù chung thân;

+ Tử hình.

- Các hình phạt bổ sung:

+ Cấm đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định;

+ Cấm cư trú;

+ Quản chế;

+ Tước một số quyền công dân;

+ Tước danh hiệu quân nhân;

+ Tịch thu tài sản;

+ Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính:

Trên cơ sở Bộ luật hình sự năm 1985, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Bộ luật hình sự năm 1999 đã bổ sung hình phạt “trục xuất” và bỏ hình phạt “cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội” trong hệ thống hình phạt so với Bộ luật hình sự năm 1985. Như vậy, so với Bộ luật hình sự cũ, Bộ luật hình sự mới đã bổ sung hình phạt trục xuất (vừa là hình phạt chính và hình phạt bổ sung). Đây là một việc làm hết sức đúng đắn và kịp thời.

Kể từ Đại hội VI, Đảng ta đã chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, phát triển nền kinh tế mở. Hiện nay, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài và lượng khách nước ngoài đến Việt Nam để công tác, du lịch với nhiều mục đích khác nhau ngày càng đông. Số người nước ngoài này không phải lúc nào cũng tuân thủ pháp luật Việt Nam mà nhiều lúc họ phạm tội. Trong những trường hợp cụ thể, hành vi phạm tội ấy chưa đến mức phải áp dụng hình phạt tù giam hoặc một số hình phạt khác lại gặp khó khăn trong việc thi hành án tại Việt Nam. Hình phạt trục xuất đã tạo điều kiện thuận lợi, nhiều khả năng để xử lý người nước ngoài phạm tội một cách hợp lý, đồng thời làm hoàn thiện hơn hệ thống hình phạt trong luật hình sự của nước ta.

Ngoài ra, Bộ luật hình sự mới cũng đã loại bỏ hình phạt “cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội” (hình phạt chính). Sở dĩ có hình phạt này là vì nhà làm luật muốn có sự phân biệt giữa công dân bình thường và quân nhân khi phạm tội. Bởi vì, thực chất của hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội cũng là hình phạt cải tạo không giam giữ nhưng được áp dụng đối với quân nhân phạm tội và người bị kết án phải chấp hành án tại “đơn vị kỷ luật của quân đội. Điều này không phù hợp với bản chất của hình phạt cải tạo không giam giữ là cải tạo người phạm tội tại cộng đồng, không cách ly họ khỏi đời sống xã hội bình thường. Vì vậy, việc loại bỏ hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội đã giúp người bị kết án là quân nhân có thể chấp hành hình phạt tại đơn vị của mình chứ không cần phải chấp hành hình phạt tại các đơn vị kỷ luật đặc biệt. Việc làm này khiến cho người bị kết án không cảm thấy có sự phân biệt giữa công dân thường và quân nhân và do đó hình phạt sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Song song đó, hình phạt cải tạo không giam giữ quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự hiện hành (trước đây là Điều 24 Bộ luật hình sự năm 1985) cũng có sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng (áp dụng cho cả tội phạm nghiêm trọng và ít nghiêm trọng) và tăng thời gian áp dụng (tăng mức tối đa của thời hạn cải tạo từ hai năm lên ba năm), quy định rõ những trường hợp được áp dụng của loại hình phạt này, trong đó có cả quân nhân phạm tội. Những sửa đổi, bổ sung trên đã làm giảm khuynh hướng nặng nề về áp dụng hình phạt tù, hạn chế một phần gánh nặng của Nhà nước.

Bên cạnh các hình phạt truyền thống mà Bộ luật hình sự năm 1999 đã kế thừa và phát huy, Bộ luật hình sự năm, 2015 còn bổ sung thêm một số hình phạt đặc thù với việc ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, như: đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, hoặc các hình phạt bổ sung, như: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn.

 

Phương thức liên kết giữa các loại hình phạt sẽ tuỳ thuộc vào trật tự sắp xếp các loại hình phạt đó. Những sự thay đổi về yếu tố cấu thành và phương thức liên kết trong hệ thống hình phạt sẽ tạo ra một hệ thống hình phạt mới. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc quy định và thực hiện chính sách hình sự, bởi vì hiệu quả của hình phạt phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong hệ thống hình phạt.

Hệ thống hình phạt trong pháp luật hình sự Việt Nam cấu thành từ hai nhóm: nhóm hình phạt chính và nhóm hình phạt bổ sung. Căn cứ chủ yếu để phân biệt hình phạt chính hay hình phạt bổ sung là khả năng áp dụng độc lập của loại hình phạt đối với tội phạm. Hình phạt chính là hình phạt được áp dụng (tuyên) độc lập, mỗi tội phạm chỉ có thể tuyên một hình phạt chính. Hình phạt bổ sung không thể tuyên độc lập mà phải áp dụng kèm với hình phạt chính đối với mỗi loại tội phạm. Hình phạt bổ sung chỉ có thể áp dụng kèm theo hình phạt chính nhưng chỉ trong những trường hợp luật định. Trong hệ thống hình phạt của pháp luật hình sự Việt Nam, hình phạt tiền, trục xuất vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung. Việc quy định hình phạt bổ sung bên cạnh hình phạt chính là một trong những yếu tố tạo ra những khả năng pháp lý cho việc cá thể hoá hình phạt. Với chức năng hỗ trợ hình phạt chính, hình phạt bổ sung giúp Toà án có nhiều khả năng áp dụng triệt để những biện pháp cưỡng chế một cách tương xứng với tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc áp dụng hình phạt.

II. CÁC LOẠI HÌNH PHẠT CỤ THỂ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN PHẠM TỘI[1]

1. Các loại hình phạt chính

a) Cảnh cáo (Điều 34 Bộ luật hình sự):

Cảnh cáo là loại hình phạt có mức độ nghiêm khắc nhẹ nhất trong hệ thống các hình phạt chính, không có khả năng đưa lại những hạn chế pháp lý liên quan trực tiếp đến các quyền và lợi ích về thể chất, tài sản, v.v. đối với người bị kết án mà chỉ gây ra những tổn hại về mặt tinh thần. Người bị áp dụng hình phạt cảnh cáo phải chịu sự lên án của Nhà nước về hành vi phạm tội của mình. Vì vậy, khoa học luật hình sự định nghĩa hình phạt cảnh cáo là “sự khiển trách công khai của Nhà nước do Toà án tuyên đối với người bị kết án.

Nói về các điều kiện áp dụng hình phạt cảnh cáo, Điều 34 Bộ luật hình sự quy định: “Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.

Khi quyết định hình phạt, việc lựa chọn giữa khả năng miễn hình phạt và áp dụng hình phạt cảnh cáo đòi hỏi Thẩm phán phải có ý thức tuân thủ phạm vi và điều kiện áp dụng hình phạt cảnh cáo. Mặt khác, Thẩm phán còn dựa vào niềm tin nội tâm của mình để quyết định sao cho công bằng và tương xứng với tính nguy hiểm của hành vi phạm tội. Bởi vì, giữa miễn hình phạt và áp dụng hình phạt cảnh cáo có hậu quả pháp lý khác nhau đối với người bị kết án. Người được miễn hình phạt sẽ được xoá án tích ngay sau khi có quyết định miễn hình phạt.

b) Phạt tiền (Điều 35 Bộ luật hình sự):

Phạt tiền là hình phạt tước của người bị kết án một khoản tiền nhất định sung quỹ nhà nước. Hình phạt tiền là một trong hai hình phạt trong hệ thống hình phạt trong pháp luật hình sự Việt Nam có thể áp dụng vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung. Về bản chất, hình phạt tiền tước của người bị kết án một số quyền về vật chất, tác động đến kinh tế (tài sản), thông qua đó mang lại hiệu quả của hình phạt.

Về điều kiện áp dụng hình phạt tiền, khoản 1 Điều 35 Bộ luật hình sự hiện hành quy định:

Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:

a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định;

b) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

Như vậy, theo quy định của Bộ luật hình sự, hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính có thể áp dụng đối với tất cả các tội phạm ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng nếu Bộ luật hình sự có quy định kèm theo hình phạt tiền là hình phạt chính. Cá biệt, đối với nhóm các tội phạm sau đây thì hình phạt tiền có thể áp dụng đối với cả tội phạm rất nghiêm trọng:

- Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế;

- Các tội phạm về môi trường;

- Các tội xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng;

- Các tội phạm khác do Bộ luật hình sự quy định.

Xét ở góc độ lập pháp, việc quy định thành hai điểm a,b của khoản 1 Điều 35 là không cần thiết. Đúng ra, ở đây nhà làm luật chỉ cần quy định “Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội rất nghiêm trọng do Bộ luật này quy định. Quy định như vậy đã thể hiện đầy đủ nội dung, không bỏ sót, không mâu thuẫn với những quy định về hình phạt tiền trong phần các tội phạm cụ thể. Quy định hiện tại về hình phạt tiền trong Bộ luật hình sự hiện hành, theo tôi, là bị thừa. Việc quy định cho phép áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với cả những trường hợp người phạm tội rất nghiêm trọng trong lĩnh vực trật tự quản lý kinh tế, môi trường, công cộng…có lẽ là sự biện minh cho người dân hiểu hình phạt tiền chỉ cho phép áp dụng trong những trường hợp phạm tội này chứ không phải đại trà. Biện giải này nhằm mục đích để người dân không có quan điểm phản đối dựa trên luận cứ “tiền đổi tù”. Tuy nhiên, biện giải đó là không cần thiết vì khi người dân nghiên cứu quy định về hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính trong phần các tội phạm cụ thể sẽ tự biện giải điều đó.

Khi áp dụng hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung thì không giới hạn đó là loại tội phạm gì, miễn sao tội phạm đó có quy định hình phạt tiền kèm theo. Mức hình phạt tiền (khoản 3 Điều 35), được quyết định tuỳ theo tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được thực hiện, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động giá cả, nhưng không được thấp hơn một triệu đồng. Việc luật quy định khi quyết định mức phạt tiền, Toà án có cân nhắc đến tình hình tài sản của người phạm tội nhằm bảo đảm tính khả thi của hình phạt được quyết định cũng như nhằm bảo đảm cho mục đích của hình phạt. Chẳng hạn, bị cáo là người dân tộc ít người, phạm tội trồng cây thuốc phiện. Ngoài việc bị áp dụng hình phạt chính, Toà án còn tuyên áp dụng hình phạt bổ sung đến 30 triệu đồng. Bản án này hầu như không khả thi vì người bị kết án rất khó có khả năng để thi hành.

Theo quy định hiện hành, mức phạt tiền thấp nhất là 1 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa được tìm thấy trong phần các tội phạm cụ thể, chẳng hạn, là 5 tỷ đồng (khoản 2 Điều 227 Bộ luật hình sự). So với các loại hình phạt khác, hình phạt tiền chỉ được nhà làm luật xác định mức tối thiểu trong phần chung chứ không xác định mức tối đa mà tòa án có thể áp dụng. Mức phạt tiền tối đa chỉ có thể được tìm thấy trong phần các tội phạm cụ thể. Về điểm này, các hình phạt khác đều được nhà làm luật xác định mức tối thiểu và mức tối đa trong phần chung Bộ luật hình sự quy định về từng hình phạt cụ thể.

Bộ luật hình sự năm 2015 có thay đổi so Bộ luật hình sự năm 1999. Theo Bộ luật hình sự năm 1999, mức phạt tiền tối đa được xác định theo hai hướng: 1) Mức tối đa được quy định cụ thể (1 tỷ đồng – Điều 172); 2) Luật quy định mức phạt tiền tối đa gấp 10 lần số tiền phạm tội hoặc tiền lãi (Điều 161, 163). Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 2015 đã tăng mức phạt tiền tối đa lên 5 tỷ đồng và bỏ phương thức xác định mức phạt tiền theo tiêu chí “gấp” so với số tiền phạm tội. Điều này phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới khi mà vật giá leo thang, đồng tiền mất giá. Mặt khác, việc quy định số tiền phạt cụ thể nhằm tạo nên sự minh bạch hóa trong xử lý hình sự mà chủ trương khi ban hành Bộ luật hình sự 2015 đã đề ra.

Trong tình hình hiện nay, cần mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm mà không nhất thiết áp dụng hình phạt tù. Bộ luật hình sự năm 2015, trên cơ sở kế thừa Bộ luật hình sự năm 1999 đã thể hiện được nội dung đó khi tăng số lượng tội phạm được áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính đối với các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng …Đối với những nhóm tội phạm khác, để  bảo đảm mục đích của hình phạt thì có thể áp dụng hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung (các tội phạm về tham nhũng, về ma tuý, v.v.).

Như vậy, hình phạt tiền quy định tại Điều 33 Bộ luật hình sự hiện hành (Điều 30 Bộ luật hình sự năm 1999) cũng có những sửa đổi, bổ sung cơ bản. Trong Bộ luật hình sự hiện hành, hình phạt tiền được quy định là hình phạt chính và hình phạt bổ sung, thế nhưng, trong phần các tội phạm cụ thể, hình phạt được thể hiện rất hạn chế ở các điều luật cụ thể. Điều này phù hợp với quan điểm của một số luật gia cho rằng, nên hạn chế áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính vì như thế sẽ tạo ra tư tưởng lấy tiền để đổi lấy tù, có tiền thì không phải ở tù. Thậm chí, một số người còn cho rằng nên bỏ hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính trong luật hình sự. Quan điểm này là sai lầm. Việc tăng cường áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính và cho phép chuyển đổi từ hình phạt tiền sang hình phạt tù và ngược lại (trong một số trường hợp hợp lý) sẽ bảo đảm cho việc điều chỉnh cơ cấu của hệ thống hình phạt theo hướng tăng cường các loại hình phạt không phải tù, tạo cơ sở pháp lý cho việc đề cao khả năng thi hành án của người bị kết án cũng như nâng cao khả năng vận dụng linh hoạt các loại hình phạt của Toà án. Vì vậy, ở phương diện lý luận thì việc tăng cường áp dụng hình phạt tiền là có cơ sở. V.I. Lênin nói: “Đối với người phạm tội cần thiết phải đưa ra Toà án công khai và không phải để trừng phạt nghiêm khắc (có lẽ để khiển trách cũng đủ) mà chính là để cho người thấy rõ và để chấm dứt tình trạng chung là ai nấy đều tin rằng những kẻ phạm tội không bị trừng phạt[2]. Ở khía cạnh thực tiễn, trong tình hình hiện nay, cần mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm mà không cần áp dụng hình phạt tù, đặc biệt là hiện nay khi các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính tăng nhiều. Đối với các loại tội phạm này thì áp dụng hình phạt tiền sẽ mang lại hiệu quả cao hơn hình phạt tù. Dĩ nhiên, việc mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền phải đi đôi với việc quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng chúng nhằm tránh việc tuỳ tiện, bảo đảm áp dụng hình phạt tiền vừa có tác dụng trừng trị, giáo dục, cải tạo và phòng ngừa, tránh nảy sinh quan niệm tiêu cực cho rằng có tiền là không phải ở tù ở mọi người dân.

c) Cải tạo không giam giữ (Điều 36 Bộ luật hình sự):

Cải tạo không giam giữ là hình phạt không buộc người bị kết án phải cách ly khỏi xã hội. Theo Điều 36, cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.

Khi tuyên án, Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó.

Trong thời gian thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án. Không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.

Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.

Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.

Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật thi hành án hình sự.

So với Bộ luật hình sự năm 1985, Bộ luật hình sự năm 1999 đã có bước sửa đổi, bổ sung cơ bản về hình phạt này. Bộ luật hình sự mới đã mở rộng phạm vi áp dụng và tăng thời gian áp dụng hình phạt này, đồng thời quy định rõ những trường hợp được áp dụng hình phạt này. Loại hình phạt này theo Bộ luật hình sự hiện hành được áp dụng cho cả quân nhân phạm tội, thay vì trước kia nếu quân nhân phạm tội phải áp dụng hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội. Đây là một sửa đổi rất hợp lý trên cơ sở tổng kết thực tiễn áp dụng hình phạt này trong gần mười năm kể từ khi có quyết định thành lập Đơn vị kỷ luật của quân đội (theo Quyết định số 276/QĐ-TM ngày 01-9-1990 của Tổng Tham mưu trưởng). Việc tăng thời hạn tối đa của việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ từ 2 năm lên 3 năm và mở rộng phạm vi áp dụng cho cả tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng nhằm tạo khả năng cho Toà án khi áp dụng hình phạt đối với người phạm tội, tránh xu hướng nặng về hình phạt tù. Những tiến bộ này của Bộ luật hình sự năm 1999 được Bộ luật hình sự năm 2015 kế thừa toàn bộ.

Ngoài ra, Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung nhiều nội dung mang tính tiến bộ, tạo căn cứ pháp lý nhẳm bảo đảm quyền của người bị kết án cải tạo không giam giữ cũng như mang lại hiệu quả cao trong áp dụng loại hình phạt này. Có thể kể đến những điểm mới của Bộ luật hình sự năm 2015 so với Bộ luật hình sự năm 1999 về hình phạt cải tạo không giam giữ như sau:

- Bổ sung quy định đối với trường hợp cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập như sau:

+ Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng.

+ Không bị khấu trừ đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.

- Bổ sung quy định sau: “Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.

Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.

Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng. Hiện nay, về nội dung của biện pháp lao động phục vụ cộng đồng chưa được cụ thể hóa vì nội dung này còn mới. Trong tương lai, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên có hướng dẫn về nội dung này.

Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật thi hành án hình sự.

 

d) Trục xuất (Điều 37 Bộ luật hình sự):

Trục xuất là hình phạt buộc người bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hình phạt này chỉ áp dụng đối với người nước ngoài. Việc cân nhắc áp dụng hình phạt trục xuất với tư cách là hình phạt chính hay bổ sung là tuỳ vào sự cân nhắc của Toà án trong từng trường hợp cụ thể. Nếu xét thấy người nước ngoài phạm tội mà tính nguy hiểm ở mức độ hạn chế và việc áp dụng hình phạt trục xuất đã bảo đảm tương xứng thì Toà án có thể áp dụng trục xuất với tư cách là hình phạt chính. Trong trường hợp phạm tội mà tính nguy hiểm cao, việc áp dụng trục xuất như là hình phạt chính không bảo đảm được sự tương xứng thì Toà án chuyển việc áp dụng hình phạt trục xuất với tư cách là hình phạt bổ sung và áp dụng hình phạt chính là hình phạt khác cho tương xứng với tính nguy hiểm mà tội phạm đã thực hiện.

Hình phạt trục xuất là hình phạt mới được bổ sung vào Bộ luật hình sự năm 1999 (Bộ luật hình sự năm 1985 không có hình phạt này). Và Bộ luật hình sự năm 2015 đã kế thừa hoàn toàn quy định này mà không có sự sửa đổi, bổ sung. Hiện nay, Nhà nước ta đang mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế. Số lượng người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, sinh sống, du lịch, v.v. càng tăng. Trong số đó sẽ có người phạm tội tại Việt Nam. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để xử lý người nước ngoài, việc bổ sung hình phạt này là kịp thời và hợp lý. Tuy nhiên, kể từ khi Bộ luật hình sự năm 1999 ra đời cho đến nay, hình phạt này rất ít được áp dụng. Để hình phạt này thật sự phát huy hiệu quả, đòi hỏi các Toà án phải cân nhắc sử dụng thường xuyên đối với người nước ngoài phạm tội, đặc biệt là áp dụng nó với tư cách là hình phạt bổ sung.

Một nét đặc biệt của hình phạt trục xuất là nó không được ghi nhận với tư cách là chế tài trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự. Khi quyết định hình phạt, Toà án có thể cân nhắc và áp dụng hình phạt trục xuất đối với người nước ngoài phạm bất kỳ tội phạm nào được quy định trong Bộ luật hình sự.

đ) Tù có thời hạn (Điều 38 Bộ luật hình sự):

Tù có thời hạn là hình phạt buộc người bị kết án phải cách ly khỏi xã hội, chấp hành hình phạt tại trại giam trong một thời gian nhất định. Thời hạn phạt tù có mức tối thiểu là ba tháng, mức tối đa là hai mươi năm. Tuy nhiên, khi tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội hoặc của nhiều bản án, mức hình phạt tù chung có thể lên đến tối đa là ba mươi năm.

Nếu trong thời gian điều tra, xét xử, người bị kết án bị tạm giữ, tạm giam thì sẽ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt, một ngày tạm giữ, tạm giam bằng một ngày tù. Việc trừ thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù và cách ghi vào bản án như sau:

- Nếu người phạm tội bị xử phạt tù mà thời gian tạm giữ, tạm giam đối với họ là liên tục đến khi đưa ra xét xử thì trong bản án cần ghi rõ là thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị tạm giữ, hoặc tạm giam đó.

- Nếu việc tạm giữ, tạm giam đối với người bị kết án là không liên tục (như bị tạm giữ rồi được tại ngoại, hoặc lý do nào đó mà có gián đoạn) thì bản án ghi là thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày bắt người đó đi chấp hành.

Khi quyết định hình phạt tù, Toà án không được tuyên một mức án vượt ra khỏi các giới hạn tối thiểu và tối đa này dù tội phạm chỉ đáng áp dụng 1 tháng tù giam hay 31 năm tù giam.

Mức tối đa của hình phạt tù có thời hạn đối với một tội như hiện nay là 20 năm, hợp lý chưa? Theo tác giả, thời hạn phạt tù như vậy là hợp lý, đã đủ để người phạm tội có điều kiện suy ngẫm lại những hành vi phạm tội của mình và đủ thời gian để cải tạo, giáo dục nếu người phạm tội chấp hành tốt hình phạt. Tuy nhiên, để bảo đảm nguyên tắc công bằng, tính hợp lý của luật hình sự, trong trường hợp phạm nhiều tội hoặc tổng hợp nhiều bản án thì mức tối đa của hình phạt tù cần được nâng lên. Chúng ta biết rằng, trường hợp phạm nhiều tội hay trường hợp có nhiều bản án rõ ràng là nguy hiểm cho xã hội hơn nhiều so với trường hợp phạm tội một lần. Nếu tổng hợp tất cả những lần phạm tội đó, người phạm tội xứng đáng nhận một mức án phạt tù hơn 20 năm, trong khi người khác phạm tội một lần cũng phải nhận một mức hình phạt 20 năm tù, cả hai người cùng bị tuyên mức hình phạt là 20 năm tù thì đâu còn là công bằng. Quan điểm trên đây đã được kiến nghị nhiều lần trong thực tiễn đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm của những người thực thi pháp luật hình sự lẫn các nhà lý luận luật hình sự nhưng qua các lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự chưa quan tâm. Phải đến lần sửa đổi, bổ sung toàn diện nhất và cho ra đời Bộ luật hình sự năm 1999 thì khi tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội hoặc của nhiều bản án, mức hình phạt tù có thể lên đến 30 năm. Đây là một sửa đổi rất cần thiết, tạo điều kiện để thực hiện nguyên tắc công bằng trong xử lý hình sự, tạo cơ sở để nâng cao hiệu quả của hình phạt.

Hình phạt tù có thời hạn là hình phạt phổ biến nhất vì nó có thể kết hợp tối đa tác dụng giáo dục, thuyết phục, cải tạo và trừng trị nhằm nâng cao tối đa hiệu quả áp dụng hình phạt. Mức độ nghiêm khắc của hình phạt tù có thời hạn rất linh hoạt. Mặt khác, trong Bộ luật hình sự hiện hành, tất cả các tội phạm đều có quy định kèm theo chế tài tù có thời hạn. Đây là những yếu tố tạo cơ sở thuận lợi để Toà án chủ động trong việc lựa chọn mức phạt tù áp dụng đối với người phạm tội, bảo đảm sự tương xứng giữa hình phạt với tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Tuy nhiên, phần chung Bộ luật hình sự quy định về hình phạt tù có thời hạn lại cấm áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng. Điều này có thể gây khó khăn cho Tòa án khi áp dụng quy định này.

Hình phạt tù có thời hạn có tính nghiêm khắc cao hơn nhiều so với hình phạt cải tạo không giam giữ vì nó buộc người phạm tội phải cách ly khỏi xã hội. Tuy nhiên, nó không tạo cho người bị kết án một tư tưởng chán nản để tự cải tạo vì nghĩ rằng mình suốt đời sẽ ở trong trại giam (tù chung thân) hay người phạm tội sẽ không còn cơ hội để tự cải tạo (tử hình).

Ngoài các quy định đã được nêu tại Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật hình sự năm 2015 bổ sung quy định sau: Không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng. Đây là một quy định tiến bộ theo hướng nhân đạo đối với người phạm tội. Bởi đây là trường hợp tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm không cao lại do người phạm tội vô ý và có nơi cư trú rõ ràng để có thể áp dụng hình phạt không phải tù một cách hiệu quả nên luật quy định không cần và không được áp dụng hình phạt tù đối với người phạm tội trong trường hợp này.

 

Không thể áp dụng hình phạt đối với bị cáo do mâu thuẫn trong quy định tại Điều 38 (phần chung) và một số điều luật trong phần các tội phạm cụ thể. Khoản 2 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về hình phạt tù: "2. Không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng". Đây là quy định bắt buộc, không phải tùy nghi, nghĩa là nhất thiết không được áp dụng hình phạt tù khi người phạm tội đáp ứng đủ 03 điều kiện: 1) lần đầu phạm tội; 2) tội phạm ít nghiêm trọng với lỗi vô ý; 3) có nơi cư trú rõ ràng. Tuy nhiên, trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự năm 2015, tại một số điều luật với tội ít nghiêm trọng, lỗi vô ý nhưng chỉ quy định một loại hình phạt là hình phạt tù, ví dụ: Khoản 2 Điều 138, "Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" quy định: "2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:……". Khoản 2 Điều 139, "Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính"; Khoản 5 Điều 279, "Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường không không bảo đảm an toàn"; khoản 5 Điều 280, "Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường không" cũng là tội ít nghiêm trọng, lỗi vô ý nhưng chỉ quy định một loại hình phạt là hình phạt tù tương tự như trên.

Quy định mâu thuẫn như trên sẽ dẫn đến thực tế có những trường hợp không thể áp dụng hình phạt đối với bị cáo khi bị cáo phạm tội thuộc một trong những trường hợp nêu trên, đáp ứng đủ điều kiện tại khoản 2 Điều 38 Bộ luật hình sự và không đủ điều kiện áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự để xử dưới khung hình phạt và áp dụng hình phạt khác. Ví dụ: A phạm tội "Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" thuộc khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự 2015, có 01 tình tiết giảm nhẹ thuộc khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, về nhân thân A lần đầu phạm tội và có nơi cư trú rõ ràng. Trường hợp này đối chiếu với các quy định của Bộ luật hình sự sẽ dẫn đến thực tế sau:

- Không thể áp dụng hình phạt tù đối với A được vì theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Bộ luật hình sự, A đủ 03 điều kiện để không áp dụng hình phạt tù;

- Không thể áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tiền, cảnh cáo đối với A được vì A phạm tội thuộc khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự, khung hình phạt này chỉ quy định hình phạt tù. Về nguyên tắc, không thể áp dụng một hình phạt mà khung hình phạt đó không quy định.

- Không thể áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự 2015 xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với A và áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tiền được vì A chỉ có 01 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự.

Như vậy, từ quy định tại Điều 38 Bộ luật hình sự 2015 cũng như tại một số điều cụ thể như trên cho thấy, sẽ có những trường hợp không thể áp dụng bất cứ hình phạt nào đối với bị cáo, nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn giữa quy định tại Điều 38 (phần chung) và một số điều luật trong phần các tội phạm cụ thể. Những mâu thuẫn này cần được nghiên cứu, có hướng giải quyết trong quá trình rà soát sửa đổi Bộ luật hình sự 2015.

 

e) Tù chung thân (Điều 39 Bộ luật hình sự):

Tù chung thân là hình phạt tù không có thời hạn, áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình (Điều 38 Bộ luật hình sự hiện hành). Hình phạt tù chung thân không áp dụng đối với người chưa thành niên (người chưa đủ 18 tuổi) phạm tội.

Tù chung thân giống với tù có thời hạn ở chỗ tước quyền tự do, cách ly người bị kết án khỏi xã hội nhưng có điểm khác là tù chung thân có khả năng tước quyền tự do người bị kết án đến khi họ chết. Về tính nghiêm khắc, tù chung thân cao hơn tù có thời hạn nhưng thấp hơn tử hình. Thực tế, chung thân được áp dụng đối với người phạm tội mà khi áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì không tương xứng với tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm nhưng áp dụng hình phạt tử hình thì quá nặng và chưa cần thiết.

Trong các quy định về tội phạm, nhà làm luật thường quy định kèm theo hình phạt tù chung thân và tử hình. Ranh giới về điều kiện áp dụng hai hình phạt này không lớn. Vì vậy, để áp dụng đúng đắn đòi hỏi Thẩm phán nghiên cứu, phân tích, cân nhắc kỹ lưỡng từng vụ án cụ thể.

Về nguyên tắc, hình phạt tù chung thân là hình phạt rất nghiêm khắc chỉ sau hình phạt tử hình vì người bị kết án bị tước tự do cho đến chết. Khi một người bị kết án tù chung thân, họ phải sống suốt cuộc đời trong trại giam. Đối với những bị cáo không kiên nhẫn, có lẽ tù chung thân là một hình phạt khắc nghiệt hơn hình phạt tử hình vì nó kéo dài sự sống trong đau khổ, thà chết một lần là xong.

Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy: Luật hình sự hiện đại nói chung và luật hình sự Việt Nam nói riêng vốn dựa trên nguyên tắc nhân đạo đã đưa ra nhiều chế định mang tính chất có lợi cho người phạm tội, đặc biệt là những người phạm tội đã biết ăn năn, hối cải, cho dù họ có phạm một tội đặc biệt nghiêm trọng. Đó là quy định về các biện pháp tha miễn, trong đó có biện pháp giảm mức hình phạt đã tuyên. Theo đó, một người bị kết án tù chung thân, sau một thời gian chấp hành hình phạt, nếu có nhiều tiến bộ, cải tạo tốt thì có thể được xét giảm xuống còn 30 năm tù và sau đó lại được xét giảm nhiều lần nữa, nhưng phải bảo đảm chấp hành hình phạt trên thực tế là 20 năm tù (khoản 2 Điều 63 Bộ luật hình sự). Đó là chưa kể, nếu “người bị kết án có lý do đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo” thì có thể chỉ chấp hành trên thực tế ít hơn 20 năm tù (Điều 64 Bộ luật hình sự).

Thực tế trên đây đã khiến cho hình phạt tù chung thân không còn là một hình phạt quá ghê gớm như bản chất mà hình phạt này có: người bị kết án bị tước tự do đến suốt đời. Điều này đã khiến cho hình phạt tù chung thân giảm đi nhiều giá trị răn đe. Khi người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù chung thân thì không có gì đáng lo ngại bằng việc bị tuyên án hình phạt tù có thời hạn khi mà cơ hội được giảm án thật sự không phải quá khó, trong khi tội phạm mà hai đối tượng này thực hiện có sự chênh lệch rất lớn về tính nguy hiểm. Bởi vậy, khi người phạm tội phạm một tội mà có nguy cơ bị áp dụng hình phạt tử hình thì họ cố gắng làm sao “chạy” cho được hình phạt tù chung thân. Nếu hình phạt tử hình được áp dụng, người bị kết án hầu như không còn một cơ hội nào, trong khi hình phạt tù chung thân thì cơ hội được sống và sống tự do là quá rõ ràng.

Bản chất nghiêm khắc của hình phạt tù chung thân là rất cao, chỉ sau hình phạt tử hình, nghĩa là giữa chúng có ranh giới nhưng rất mỏng. Tuy nhiên, sự phân tích trên đây không cho thấy điều đó. Ranh giới giữa hình phạt tù chung thân và tử hình thật sự là quá lớn. Sự cách biệt lớn về tính nghiêm khắc của hai loại hình phạt liền kề trong hệ thống hình phạt như vậy chưa phải là một sự hợp lý mong muốn. Và các quan điểm muốn thay hình phạt tử hình bằng hình phạt tù chung thân trong điều kiện thế này e rằng chưa phù hợp.

Hiện nay, trên thế giới có hai trường phái rõ nét để khắc phục vấn đề trên. Trường phái thứ nhất, sử dụng hình phạt tù có thời hạn nhưng không giới hạn mức tối đa. Theo đó, hình phạt tù có thời hạn được áp dụng có thể lên đến hàng chục hoặc hàng trăm năm. Như vậy, việc giảm án dù có diễn ra thì cơ hội được tự do của những người phạm tội có tính nguy hiểm đặc biệt lớn cũng ít đi. Những người theo trường phái thứ hai ủng hộ việc sử dụng hình phạt tù chung thân không có giảm án. Nghĩa là, người bị kết án tù chung thân, dù không bị tước quyền sống, nhưng quyền tự do thì bị tước suốt đời, không có ngoại lệ trong quá trình chấp hành án. Nhiều quốc gia xoá bỏ hình phạt tử hình thì quan điểm này là tương đối phù hợp khi sử dụng hình phạt tù chung thân để thay thế.

Trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 2015, một số quan điểm cho rằng nên quy định hình phạt  tù chung thân theo quan điểm thứ hai. Nghĩa là, có hai loại tù chung thân là: tù chung thân có giảm án và tù chung thân không có giảm án. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 2015 khi ra đời đã không thể chế hóa quan điểm này.

 

g) Tử hình (Điều 40 Bộ luật hình sự):

Hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất do Nhà nước áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (thường được gọi là tử tội) để loại trừ vĩnh viễn người đó ra khỏi đời sống xã hội. Quan niệm về tội phạm như thế nào là đặc biệt nghiêm trọng và có thể áp dụng hình phạt tử hình không giống nhau ở những thời đại khác nhau cũng như ở những quốc gia khác nhau. Trong tiếng Anh, hình phạt tử hình gọi là “death penalty, nghĩa là hình phạt chết người. Ngoài ra, nó còn được gọi là “capital punishment. Từ “capital” là một từ có nguồn gốc từ tiếng Latinh, kaput, có nghĩa là đầu. “Capital punishment” có nguồn gốc từ capitalis (Latinh), có nghĩa là một hình phạt mà khi áp dụng, người bị áp dụng sẽ bị mất đầu[3]. Vì thế, hình phạt tử hình lúc khởi thuỷ, ở phương Tây con người thường dùng để chỉ đó là hình phạt chém đầu (“decapitation” hay “beheading”). Còn theo từ điển Trung Quốc, “tử” ở đây được hiểu là chết, “hình” là hình phạt tội, bao gồm chữ “tỉnh” (giếng) và chữ “đao” (dao) ghép lại. Từ đó, có thể hiểu tử hình là hình phạt giết chết bằng cách thả xuống giếng hoặc chém bằng đao[4]. Tuy nhiên, xuất phát từ nguyên nhân nhân đạo và kinh tế, trong thời hiện đại, nhân loại đã phát minh ra nhiều loại hình xử tử khác nhau, phổ biến có thể kể đến là bắn, treo cổ, tiêm thuốc độc, gây ngạt, hoặc dùng ghế điện.

Trong luật hình sự của các nước theo hệ thống luật Anglo-Saxon, tử hình được định nghĩa là một hình phạt tước đi mạng sống của người phạm tội, được áp dụng đối với những người phạm tội nghiêm trọng (felony). Tội nghiêm trọng ở đây nhằm ám chỉ các tội phạm như phản bội tổ quốc, khủng bố, giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, v.v.. Đây là những tội phạm gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội mà các hình phạt khác được áp dụng là không tương xứng với tính nguy hiểm cho xã hội của nó.

Theo Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015, “tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.

Trước hết, luật khẳng định, “tử hình là hình phạt đặc biệt”. Tính chất đặc biệt của hình phạt tử hình ở chỗ, đây là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt. Bởi vì, nếu như các loại hình phạt khác được áp dụng, người phạm tội chỉ có thể bị tước đi một số quyền hoặc lợi ích nhất định thì hình phạt tử hình đã tước đi tất cả các quyền và lợi ích của người phạm tội khi đã tước đi quyền sống của họ. Theo quan điểm duy vật, người chết là chấm dứt mọi quan hệ với đời sống xã hội. Do đó, những quyền và lợi ích gắn với đời sống xã hội của người phạm tội trước kia cũng theo đó mà mất đi. Bên cạnh đó, khi hình phạt tử hình được áp dụng, người phạm tội sẽ không còn có cơ hội để cải tạo trở thành người tốt, để sống có ích cho xã hội như khi chưa phạm tội. Các hình phạt khác dù có nghiêm khắc đến đâu nhưng khi người phạm tội đã có quyết tâm cải tạo, sửa chữa lỗi lầm thì vẫn còn có cơ hội để họ tái hoà nhập với đời sống xã hội với tư cách của một cá nhân với đầy đủ quyền công dân. Tuy nhiên, đây là hình phạt tước hoàn toàn khả năng tái phạm của người phạm tội.

Không như các hình phạt khác, hình phạt tử hình không có nhiều mức độ để Toà án có thể lượng hoá khi áp dụng đối với từng tội phạm với mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau. Chẳng hạn, khi quyết định hình phạt tù, Toà án có thể lựa chọn mức từ 3 tháng đến 20 năm tuỳ theo tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Hình phạt tử hình chỉ có một mức áp dụng cho mọi trường hợp phạm tội đáng phải gánh chịu hình phạt này.

Đứng ở góc độ tư pháp, một khi hình phạt tử hình được thi hành, các cơ quan tiến hành tố tụng không còn có thể khắc phục những sai sót khách quan (nếu có) trong quá trình tố tụng. Bởi vì, hình phạt tử hình có tính không thể thay đổi. Vì vậy, nếu sau khi thi hành án tử hình mà phát hiện sai sót thì những việc làm sau này chỉ mang tính chất bồi thường, có tác dụng đối với người thân của người bị tử hình chứ không phải đối với chính bản thân người đó.

So với các hình phạt khác trong hệ thống hình phạt, hình phạt tử hình rõ ràng có nhiều điểm đặc biệt. Vì lý do đó, một số quốc gia, như Liên Xô (cũ) đã tách hình phạt tử hình ra khỏi hệ thống hình phạt. Riêng Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành thì coi tử hình là một hình phạt “đặc biệt”.

Tiếp theo, luật khẳng định, hình phạt tử hình “chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Tội đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội. Trong số các tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự, tội đặc biệt nghiêm trọng có tính nguy hiểm cho xã hội cao nhất. Tính nguy hiểm cho xã hội của một tội phạm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mang tính khách quan như: tính chất và tầm quan trọng của các quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại, tính chất của hành vi phạm tội, tính chất và mức độ thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội do tội phạm gây ra, tính chất và mức độ lỗi, động cơ, mục đích phạm tội, v.v.. Dựa vào các yếu tố khách quan quyết định tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, các nhà làm luật đã cân nhắc và quyết định coi tội phạm nào là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và quy định trong luật. Tuy nhiên, không có nghĩa là bất kỳ người phạm tội nào phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì có thể áp dụng hình phạt tử hình. Chỉ những người nào phạm một tội mà luật có quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình thì hình phạt tử hình mới có thể được áp dụng đối với họ.

Đồng thời, không phải bất cứ người nào phạm tội mà mức hình phạt cao nhất kèm theo là tử hình đều bị tuyên phạt tử hình mà chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với những người gây tội ác rất lớn, gây phương hại đến an ninh quốc gia, những kẻ đã thoái hoá, biến chất, tham nhũng tiền của rất lớn của Nhà nước, xâm phạm tính mạng, xâm phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm, v.v..
mới có thể áp dụng hình phạt tử hình. Khi cân nhắc giữa hình phạt tử hình và tù chung thân mà cảm thấy băn khoăn chưa biết nên áp dụng hình phạt nào thì kiên quyết áp dụng hình phạt tù chung thân[5].

Những trường hợp không được áp dụng hình phạt tử hình theo quy định tại Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015:

(1) Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa đủ 18 tuổi (chưa thành niên) phạm tội.

Ở lứa tuổi này, người chưa thành niên chịu sự tác động chủ yếu của môi trường sống. Sự phát triển về nhân cách và sự hình thành các phẩm chất thuộc về nhân thân của họ chịu sự chi phối có tính chất quyết định bởi nền giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Xuất phát từ những luận điểm này về người chưa thành niên, khoa học luật hình sự nói chung và khoa học luật hình sự Việt Nam nói riêng quan niệm rằng khi người chưa thành niên phạm tội, điều đó không phải được quyết định bởi bản thân người chưa thành niên mà còn thể hiện đó là sản phẩm của môi trường sống, có nguyên nhân và điều kiện phát sinh thuộc về gia đình, nhà trường và xã hội. Quan niệm đó chi phối chính sách hình sự là “việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội”. Cụ thể, về mức hình phạt quy định cho người chưa thành niên bao giờ cũng thấp hơn người đã thành niên đối với cùng một tội phạm. Đặc biệt, đối với những loại hình phạt có tính chất quá nghiêm khắc, ít tạo cơ hội hoặc không tạo cơ hội để người bị kết án sửa chữa sai lầm, phấn đấu trở thành người tốt sẽ không được áp dụng đối với người chưa thành niên khi phạm tội. Vì vậy, Điều 40 Bộ luật hình sự đã quy định: “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa đủ 18 tuổi phạm tội”.

(2) Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với bà mẹ trước hết và cơ bản là vì đứa trẻ. Đối với bà mẹ đang mang thai, một chủ thể đang được thành hình và sẽ trở thành một công dân trong tương lai. Dù bà mẹ có phạm tội nghiêm trọng đến đâu thì công dân tương lai đang nằm trong bụng mẹ kia cũng không hề hay biết. Nếu chúng ta xử bà mẹ tội chết thì công dân tương lai cũng chấm dứt sự sống. Như vậy, quả là một việc làm không công bằng đối với đứa trẻ. Trong trường hợp người phụ nữ đang nuôi con nhỏ, nếu xử bà mẹ tội chết, mặc dù không tước đi mạng sống của đứa trẻ nhưng sẽ tước đi nguồn nuôi sống cơ bản của nó. Bởi vì khi còn nhỏ, đứa trẻ có xu hướng cần sự chăm sóc về dinh dưỡng và mọi mặt của đời sống từ người mẹ.

Ngoài ra, trong giai đoạn mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ, người phụ nữ có tính khí thất thường, dễ xúc động, trầm cảm. Với ảnh hưởng của tâm lý đó, người mẹ dễ để hành vi của mình trở thành hành vi phạm tội. Cho nên, phạm tội trong trường hợp đó được xem là một tình tiết làm giảm đáng kể tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của bà mẹ.

Từ những luận cứ về vai trò đặc biệt quan trọng của người mẹ, với tinh thần nhân đạo sâu sắc, luật hình sự Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm đúng mức của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với công tác chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em thông qua việc loại trừ khả năng áp dụng hình phạt tử hình đối với người phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Đây cũng là sự kế thừa có phát triển tinh thần nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam thời phong kiến trước đây. Điều 40 Bộ luật hình sự quy định: không áp dụng hình phạt tử hình “đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử”. Theo quy định này, có bốn trường hợp người phụ nữ phạm tội sẽ không bị áp dụng hình phạt tử hình, đó là:

- Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai khi phạm tội. Quy định này có nghĩa là vào thời điểm phạm tội, người phụ nữ được xác định là đang có thai thì khi quyết định hình phạt, Toà án không được áp dụng hình phạt tử hình đối với họ.

- Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội. Theo mục 2 của Thông tư liên tịch số 01/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA (ngày 12-6-2000) hướng dẫn thi hành mục 3 Nghị quyết số 32/1999/QH10 (ngày 21-12-1999) của Quốc hội và Nghị quyết số 229/2000/NQ-UBTVQH (ngày 28-01-2000) của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, “con” ở đây được hiểu gồm con đẻ hoặc con nuôi. Đối với con nuôi, Thông tư nêu rõ: “Chỉ được coi là con nuôi, nếu việc nhận con nuôi và được nhận làm con nuôi được thực hiện theo các điều kiện, trình tự, thủ tục do pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về hộ tịch quy định”. Theo quy định tại Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, người xin nhận nuôi con nuôi phải thoả mãn một số điều kiện, trong đó phải thoả mãn là người “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ” theo quy định của Bộ luật dân sự.

Như vậy, miễn là khi phạm tội, người phạm tội được chứng minh là đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì coi như thoả mãn điều kiện không áp dụng hình phạt tử hình. Từ “nuôi con” ở đây nên được hiểu thế nào? Có thể là tự mình trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng, v.v. hoặc có thể cùng với chồng và những người thân khác thực hiện những việc đó đối với đứa con. Tuy nhiên, đây là cách hiểu thông thường, bởi vì hiện tại chưa có một văn bản nào hướng dẫn thế nào là một bà mẹ đang “nuôi con”. Từ “đang nuôi con” xác định rằng, khi phạm tội, người phụ nữ phải đang nuôi con thì mới thoả mãn điều kiện này. Cho nên, dù là con đẻ nhưng người phụ nữ không đang trực tiếp nuôi khi phạm tội mà do một người nào khác đang nuôi thì không thuộc trường hợp này. Hoặc, con nuôi nhưng vào thời điểm phạm tội, người phụ nữ đã bị Toà án quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi thì người phụ nữ cũng không thuộc trường hợp được miễn áp dụng hình phạt tử hình.

- Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai khi bị xét xử. Luật quy định miễn áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai khi bị xét xử, nghĩa là khi bị xét xử, nếu bị cáo là phụ nữ đang có thai, dù khi phạm tội chưa có thai, thì Toà án không thể áp dụng hình phạt tử hình đối với họ.

- Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi bị xét xử. Như vậy, ngoài việc không thể áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai khi bị xét xử, Toà án cũng không thể áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Từ thời điểm phạm tội đến thời điểm người phụ nữ bị xét xử, tồn tại một khoảng thời gian nhất định. Có thể, có ba khả năng sau đây sẽ xảy ra:

+ Sau khi phạm tội, người phụ nữ bị phát hiện và bị bắt giữ, giam ngay theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp đó, nếu trong khi phạm tội, người phụ nữ không có một trong các điều kiện loại trừ việc áp dụng hình phạt tử hình thì cho đến khi bị xét xử, người phụ nữ cũng sẽ không thể có được các điều kiện đó. Bởi vì khi đó, người phụ nữ tự mình không thể làm cho mình có thai. Đối với việc xin nuôi con nuôi thì không thể diễn ra vì điều đó không phù hợp với pháp luật về hôn nhân và gia đình.

+ Trong quá trình tạm giam người phụ nữ để chờ ngày xét xử, có sự việc tiêu cực hoặc sự thiếu trách nhiệm của ban quản lý trại tạm giam dẫn đến người phụ nữ có thai. Trong trường hợp đó, khi bị xét xử, Toà án không thể áp dụng hình phạt tử hình đối với chị ta.

+ Sau khi phạm tội, người phụ nữ vẫn không bị phát hiện cho nên tiếp tục sống tự do. Trong những ngày đó, người phụ nữ quan hệ tình dục và có thai khi bị xét xử; hoặc tiến hành các thủ tục xin nuôi con nuôi và được cho phép vì khi đó chị ta chưa bị phát hiện là đã phạm tội nên vẫn thoả mãn điều kiện của việc xin nuôi con nuôi. Đến khi chị ta bị phát hiện, bị bắt và bị đem ra xét xử, khi đó, đứa con nuôi vẫn chưa đủ 36 tháng tuổi. Như vậy, trong cả hai trường hợp này, người phụ nữ cũng không bị áp dụng hình phạt tử hình.

(3) Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi bị xét xử.

Người từ 75 tuổi trở lên được coi như là người ít có khả năng gây nguy hiểm đặc biệt lớn cho xã hội. Bởi vậy, dù trước đó họ có phạm tội nguy hiểm đến đâu cũng không cần áp dụng hình phạt tử hình đối với họ vì những năm tháng sau này xem ra họ đã bớt nguy hiểm cho xã hội. Đặc biệt, đây là những người được xem như là “nguy cấp quý hiếm” không còn được bao nhiêu người, gần đất xa trời. Bởi vậy, với tinh thần “kính lão đắc thọ”, các nhà làm luật đã không cho phép áp dụng hình phạt tước đi mạng sống đối với những đối tượng này. Đây cũng là một quy định mang tính nhân đạo sâu sắc của luật hình sự Việt Nam và chính sách khoan hồng của Nhà nước ta.

Khi Dự thảo Bộ luật hình sự năm 2015 được đưa ra thảo luận góp ý, nhiều quan điểm cho rằng không nên loại trừ hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên. Họ cho rằng người đủ 75 tuổi trở lên vẫn có thể phạm tội đặc biệt nguy hiểm, như buôn bán trái phép chất ma tuy, cá  biệt có thể hiếp dâm trẻ em và giết nạn nhân hoặc có thể là người chỉ huy các băng nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Tuy nhiên, khi thông qua, Quốc hội đã bảo lưu quy định loại trừ hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên. Theo tôi, quy định này cũng hợp lý. Đối với người đủ 75 tuổi sống gần đất xa trời, hình phạt tù chung thân đã đủ để họ có thời gian suy gẫm lại những gì mình đã làm và sống nốt những ngày tháng ảm đảm còn lại trong tù. Đó đã là hình phạt thích đáng đối với họ. Mặt khác, đây là một hướng để góp phần giảm hình phạt tử hình trên thực tế. Đồng thời, điều này mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, là đặc ân của Nhà nước đối với người bị kết án đã đến tuổi thượng thọ, được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước.

 

Bên cạnh đó, Điều 40 Bộ luật hình sự hiện hành còn bổ sung thêm: “Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này, hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân. Cho nên, nếu cả khi phạm tội và khi bị xét xử, người phụ nữ vẫn không có các điều kiện được loại trừ khỏi hình phạt tử hình nhưng khi đem ra thi hành, người phụ nữ lại có các điều kiện để loại trừ việc áp dụng hình phạt này thì hình phạt tử hình vẫn không được thi hành. Quy định này tưởng chừng như là không cần thiết vì khi xét xử, người phụ nữ đã không có các điều kiện miễn áp dụng hình phạt tử hình thì làm sao khi đem đi thi hành án tử hình lại có các điều kiện đó được. Tuy nhiên, như đã đề cập, có thể xảy ra tiêu cực hoặc sự thiếu trách nhiệm trong số những người có thẩm quyền giam giữ nữ tử tội dẫn đến người phụ nữ có thai khi bị đem đi hành hình. Khi đó, người phụ nữ sẽ không bị hành hình nữa mà hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân. Điều này thể hiện rõ chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta bảo vệ triệt để quyền lợi của bà mẹ và trẻ em, cả trong trường hợp bà mẹ phạm tội nghiêm trọng nhất, sắp bị cách ly vĩnh viễn khỏi xã hội.

Trong việc quy định về điều kiện loại trừ áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ, Bộ luật hình sự năm 1999 thể hiện tính nhân đạo cao hơn Bộ luật hình sự năm 1985. Điều đó thể hiện qua hai nội dung: (1) Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định loại trừ việc áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ đang nuôi con nhỏ khi phạm tội hoặc khi bị xét xử. Trong khi đó, Bộ luật hình sự năm 1999 lại quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử; (2) Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định hình phạt tử hình được hoãn thi hành đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Trong khi đó, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định không thi hành (bỏ) hình phạt tử hình và chuyển thành tù chung thân đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Điều đó cho thấy, càng ngày chính sách hình sự của nước ta càng mang đậm tính nhân đạo hơn. Bộ luật hình sự năm 2015 đã giữ nguyên điểm nhân đạo của Bộ luật hình sự năm 1999 về nội dung này.

       Bên cạnh đó, hình phạt tử hình cũng không được thi hành đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên. Đây là điểm tiến bộ mới mà Bộ luật hình sự năm 2015 đã ghi nhận thêm so với Bộ luật hình sự năm 1999. Đồng thời, cũng không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. (điểm c, khoản 3 Điều 40). Đối với những trường hợp này, hình phạt tử hình cũng chuyển thành tù chung thân.

Về nội dung “không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” đã nhận được sự quan tâm đáng kể của công chúng cũng như các đại biểu Quốc hội. Những phiên thảo luận về nội dung này cũng nhận rất nhiều ý kiến trái nhiều. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng như dư luận đã đặt vấn đề, “miễn” tử hình trong trường hợp này đồng nghĩa với việc có thể “dùng tiền để mua mạng sống”, người tham nhũng sẽ có tâm lý liều lĩnh, quyết liệt hơn vì dù sao cũng vẫn còn đường sống ở cuối đường hầm. Ngược lại, những ý kiến ủng hộ việc “miễn” tử hình này cho rằng, đấu tranh với tội phạm tham nhũng, quan trọng là thu hồi được tài sản của nhà nước bị chiếm đoạt, còn có tử hình nhiều người phạm tội thì cũng không vì thế mà loại tội phạm này giảm đi.

Từ những ý kiến góp ý, dự thảo Bộ luật đã được điều chỉnh lần cuối là quy định mức khắc phục hậu quả là nộp lại ít nhất ¾ tài sản phạm tội để được miễn hình phạt tử hình. Cơ quan giải trình cho biết, Đoàn thư ký kỳ họp cũng đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu về vấn đề này, kết quả, đa số đại biểu tán thành quy định này.

Trước khi thông qua toàn bộ dự luật sửa đổi, Quốc hội đã thông qua điểm c khoản 3 Điều 40 với quy định "không thi hành án tử hình đối với người bị kết án về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. Điều luật này được thông qua với tỷ lệ chưa đến 70% bởi 73 đại biểu (gần 15%) không tán thành và 14 đại biểu không biểu quyết. Theo Thường vụ Quốc hội, trước đó đoàn thư ký kỳ họp cũng đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu và đa số đã tán thành. Cụ thể, trong 415 phiếu hợp lệ có 260 người tán thành (62,65%), 155 người không tán thành (37,34%).

 

 Vấn đề ân giảm án tử hình:

Ân giảm án tử hình là một quy định mang tính nhân đạo kế thừa tinh hoa của pháp luật hình sự cổ, tức là nhà vua có quyền lực tối cao có thể quyết định mọi vấn đề của đất nước, kể cả tha tội chết cho một người phạm tội tử hình. Tuy nhiên, ở xã hội Việt Nam hiện đại, việc có thể tha chết cho một tử tội nào đó không thuần tuý là ý chí chủ quan thể hiện quyền quyết định tối cao của một vị đứng đầu Nhà nước. Chế định ân giảm án tử hình theo Luật hình sự Việt Nam hiện đại trước tiên thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với mọi công dân, dù đó là người phạm tội bị tuyên án tử hình. Mặt khác, chế định này còn mang tính tích cực nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng sai sót trong áp dụng án tử hình của cơ quan Tư pháp. Với thủ tục xin ân giảm, nếu người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước xét thấy việc áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội là chưa thoả đáng thì Người sẽ chấp nhận đơn xin ân giảm. Khoản 4 Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, hình phạt tử hình sẽ chuyển thành tù chung thân”.

Nhìn chung, nhân loại càng tiến bộ, xã hội càng phát triển thì hình phạt tử hình càng bị thu hẹp. Ngày càng có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ xoá bỏ hình phạt tử hình. Theo kết quả của các nghiên cứu gần đây, con số quốc gia xoá bỏ hình phạt tử hình càng tăng lên. Trung bình mỗi năm có gần 3 quốc gia xoá bỏ hình phạt tử hình. Theo số liệu thống kê gần đây, hiện nay, 95 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xoá bỏ hình phạt tử hình đối với tất cả các tội phạm; 9 quốc gia đã xoá bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm thường, chỉ giữ lại đối với tội phạm chiến tranh; 35 quốc gia còn duy trì hình phạt tử hình trong luật nhưng chưa bao giờ áp dụng trên thực tế trong 10 năm trở lại đây; 58 quốc gia và vùng lãnh thổ còn duy trì hình phạt tử hình trong luật và có áp dụng trên thực tế.

Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International), trong những năm gần đây, hình phạt tử hình chủ yếu được tiến hành ở Trung Quốc, Iran, Ảrập Xêút, Hoa Kỳ, Cônggô (khoảng 85% số người bị thi hành tử hình trên toàn thế giới). Trong giai đoạn từ 1990-2003, trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 2.242 người bị tử hình. Xingapo được xem là quốc gia có tỷ lệ tử hình cao nhất trên tổng số dân. Xingapo có khoảng 4 triệu người nhưng tử hình đến 70 người/năm, chủ yếu với các tội liên quan đến ma tuý. Trong năm 2016, ít nhất 1032 người bị tử hình ở 23 quốc gia.

Châu Âu được xem là châu lục ủng hộ mạnh mẽ nhất trong phong trào đòi xoá bỏ hình phạt tử hình. Xoá bỏ hình phạt tử hình là một tiêu chí quan trọng cho việc gia nhập Liên minh châu Âu. Ngày 04-10-1994, Hội đồng nghị viện của Hội đồng châu Âu, trong một khuyến nghị số 1246, đã nhấn mạnh rằng hình phạt tử hình không thể tồn tại trong hệ thống pháp luật hình sự chung của các nước văn minh. Trong những tuyên bố chung của các quốc gia này luôn nêu rõ hình phạt tử hình không phù hợp với quan điểm hiện tại, không phải là phương sách hữu hiệu nhất trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hiện nay, ở châu Âu, 32/33 quốc gia đã xoá bỏ hình phạt tử hình đối với tất cả các tội phạm. Quốc gia còn lại chưa xoá bỏ hình phạt là Latvia. Tuy nhiên, quốc gia này cũng đã bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm thường và chỉ giữ hình phạt tử hình đối với các trường hợp ngoại lệ, như tội phạm theo thiết quân luật.

Có thể nói, xu thế xoá bỏ hình phạt tử hình trong luật hoặc trên thực tế ngày càng tăng nhanh.  Thống kê vào năm 2016 cho thấy, có 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bỏ hình phạt tử hình trong luật hoặc trên thực tế. Tuy nhiên, xu thế này không phải diễn ra như nhau ở những quốc gia khác nhau trên thế giới, trong những thời điểm khác nhau. Hiện tại vẫn luôn tồn tại hai quan điểm trái ngược nhau về vấn đề xoá bỏ hình phạt tử hình. Cũng có một số quốc gia sau khi xoá bỏ hình phạt tử hình đã khôi phục lại hình phạt này. Tính từ năm 1985 đến nay, có bốn quốc gia sau khi xoá bỏ hình phạt tử hình đã khôi phục lại hình phạt này, đó là: Nepan (Nepan sau đó cũng đã bỏ hình phạt tử hình), Philíppin, Gămbia và Papua Niu Ghinê. Việc xoá bỏ rồi lại khôi phục hình phạt tử hình ở một quốc gia cụ thể không phải là một hiện tượng lạ. Điều này đã từng xảy ra trong lịch sử của nhiều quốc gia.

Đối lập với xu thế xoá bỏ hình phạt tử hình hiện nay, Trung Quốc lại mở rộng một cách rõ rệt phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Kết quả của việc làm này là số người bị tử hình ở Trung Quốc ngày càng gia tăng đáng kể. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Ân xá quốc tế, nếu như trong năm 2003, ở Trung Quốc có khoảng 726 người bị tử hình thì trong năm 2004, con số này là 3.400 người, gấp nhiều lần số người bị tử hình của tất cả các quốc gia khác trên thế giới cộng lại ở cùng thời điểm[6].

Một khuynh hướng khác cũng đang diễn ra trên thế giới là việc một số quốc gia đang lưỡng lự có nên khôi phục lại hình phạt tử hình hay không sau thời gian xoá bỏ nó với sức ép của công chúng trong bối cảnh mà chủ nghĩa khủng bố đang gia tăng. Các quốc gia có xu hướng này có thể kể đến như Ôxtrâylia, Anh, Canađa, Hà Lan, Niu Dilân, v.v.. Mặc dù đa số ý kiến của công chúng là ủng hộ việc trở lại của hình phạt tử hình, nhưng vì những lý do nhất định, loại hình phạt này vẫn chưa được khôi phục lại ở những quốc gia đó.

Trên thế giới, hình phạt tử hình không chỉ đơn thuần là một chế định của luật hình sự, thể hiện chính sách hình sự của mỗi quốc gia mà còn là một hiện tượng văn hoá, xã hội đặc biệt. Nó được hình thành trên cơ sở của sự tác động qua lại giữa các yếu tố lịch sử, văn hoá, chính trị, pháp luật, đạo đức và nhiều yếu tố xã hội khác. Cho nên, không thể dựa trên các nghiên cứu xã hội học để có thể kết luận về thái độ của quần chúng nhân dân đối với hình phạt này trong khi trình độ nhận thức xã hội cũng như pháp luật của họ không đồng đều. Có một điều phải khẳng định rằng dư luận thế giới vẫn còn ủng hộ sự tồn tại của hình phạt tử hình. Thực tế đã chứng minh rằng việc xoá bỏ hay duy trì hình phạt tử hình không chỉ đơn thuần dựa vào thái độ của công chúng.

 

2. Các hình phạt bổ sung

a) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định (Điều 41 Bộ luật hình sự):

Hình phạt này được áp dụng trong trường hợp nếu xét thấy để người bị kết án tiếp tục đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định nào đó sau khi chấp hành xong hình phạt chính thì họ lại có điều kiện phạm tội mới, tiếp tục gây nguy hại cho xã hội. Hình phạt này áp dụng nhằm tăng cường hiệu lực của hình phạt chính đã áp dụng đối với người bị kết án, củng cố hiệu quả của hình phạt vì đã tước bỏ môi trường thuận lợi cho khả năng phạm tội mới.

Thời hạn cấm là từ một năm[7] đến năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ. (khoản 2 Điều 352 Bộ luật hình sự). Khái niệm này rất rộng. Vì vậy, khi tuyên cấm đảm nhiệm chức vụ, Toà án cần cá thể hoá hình phạt bằng cách xác định cụ thể một hoặc một số chức vụ cụ thể nào đó mà người bị kết án không được đảm nhiệm. Toà án không nên tuyên chung chung, như: “cấm Trần Văn A đảm nhiệm những chức vụ liên quan đến quản lý kinh tế trong 5 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù”. Thông thường, có thể có chức vụ liên quan đến tội phạm mà người phạm tội đã thực hiện, có chức vụ không liên quan đến tội phạm đó. Toà án không nên tuyên chung chung để cấm người bị kết án đảm nhiệm cả những chức vụ không có liên quan vì như vậy vừa không để bảo đảm mục đích hình phạt vừa hạn chế quyền lợi của người bị kết án một cách không cần thiết.

Nghề nghiệp là công việc hàng ngày để sinh sống, như giáo viên, bác sĩ, luật sư, tài xế, v.v.. Đây là công việc gắn liền với đời sống của con người do đào tạo, kinh nghiệm hoặc cha truyền con nối. Công việc nhất định đề cập ở đây thường không ổn định, có tính chất thời vụ, như khuân vác, giữ nhà, trông trẻ, v.v.. Hiện nay, việc phân biệt giữa nghề nghiệp và công việc không phải lúc nào cũng đơn giản. Tuy nhiên, khi phân tích hình phạt này, chúng ta không cần đi sâu phân biệt chúng. Vấn đề đặt ra, khi muốn áp dụng hình phạt bổ sung này, Toà án cần phải xác định cụ thể những nghề hoặc công việc nào cần cấm đối với người bị kết án. Chỉ những nghề hoặc công việc nào có liên quan đến tội phạm mà người bị kết án đã thực hiện thì mới nên bị cấm.

b) Cấm cư trú (Điều 42 Bộ luật hình sự):

Theo Điều 42 Bộ luật hình sự thì cấm cư trú là buộc người bị kết án phạt tù không được tạm trú và thường trú ở một số địa phương nhất định. Như vậy, chỉ áp dụng hình phạt này đối với người bị kết án phạt tù, các hình phạt chính khác luật không cho phép áp dụng kèm hình phạt bổ sung này. Tuy nhiên, không phải ai bị kết án phạt tù cũng có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung này. Chỉ khi thực hiện những tội phạm mà Bộ luật hình sự có quy định kèm theo hình phạt bổ sung này thì Toà án mới có quyền áp dụng đối với người bị kết án. Bản chất của hình phạt này là tước bỏ của người bị kết án quyền cư trú (tạm trú và thường trú) ở một số địa phương nhất định. Một số nơi sau đây có thể bị cấm cư trú: thành phố lớn và khu công nghiệp tập trung, khu vực biên giới, bờ biển, hải đảo, khu vực có cơ sở quốc phòng quan trọng, có đầu mối giao thông quan trọng, v.v.. Người bị kết án vì không được cư trú ở những địa phương nhất định đó nên họ mất đi khả năng sử dụng các điều kiện vốn có của mình để phạm tội. Vì vậy, khi áp dụng hình phạt này, Toà án cần xác định rõ trong bản án những địa phương nào, khu vực nào mà người bị kết án không được cư trú.

Thời hạn cấm cư trú là từ một năm đến năm năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Cấm cư trú áp dụng phổ biến đối với các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm sở hữu, và xâm phạm trật tự công cộng.

Thực tiễn cho thấy, việc tổ chức thi hành hình phạt này còn nảy sinh bất cập. Nhiều trường hợp, sau khi chấp hành xong hình phạt tù, người bị cấm cư trú vẫn về sinh sống với gia đình, nơi người này bị cấm cư trú, mà không bị buộc phải đi nơi khác. Có nhiều lý do, nhưng cơ bản là do chưa có hướng dẫn về việc thi hành hình phạt này. Thông thường, do không được cư trú ở địa phương cũ, người bị kết án phải xin tạm trú ở địa phương khác. Tuy nhiên, địa phương này không muốn tiếp nhận những cá nhân như vậy. Điều này buộc người bị kết án phải trở về địa phương cũ để sinh sống dù không được nhập hộ khẩu. Vì vậy, để hình phạt này phát huy hiệu quả, cần có văn bản hướng dẫn về việc thi hành và quy định cụ thể trách nhiệm của chính quyền địa phương mà người bị kết án sẽ đến cư trú.

c) Quản chế (Điều 43 Bộ luật hình sự):

Điều 43 Bộ luật hình sự quy định: “Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo Điều 44 của Bộ luật này và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Trước hết ta xác định, hình phạt bổ sung này chỉ áp dụng đối với người bị kết án phạt tù. Nội dung của hình phạt quản chế bao gồm: tước quyền tự do cư trú của người bị kết án ở mức độ cao hơn so với hình phạt cấm cư trú (nghiêm khắc hơn) vì hình phạt này buộc người bị kết án phải cư trú ở một địa phương nhất định. Quá trình làm ăn, sinh sống, cải tạo của người bị kết án phải đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền và nhân dân địa phương. Người bị cấm cư trú nếu muốn ra khỏi nơi cư trú đó phải xin phép chính quyền địa phương. Thực tiễn có nhiều Toà án tuyên áp dụng hình phạt quản chế nhưng lại không tuyên rõ là tại địa phương nào. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác thi hành hình phạt.

Người bị kết án bị tước một số quyền công dân theo Điều 44 Bộ luật hình sự (sẽ nghiên cứu sau), bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Những nghề hoặc công việc nhất định này tuỳ vào từng trường hợp cụ thể Toà án sẽ xem xét và quyết định sao cho nâng cao hiệu quả của hình phạt.

Hình phạt bổ sung quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật này quy định. Thời hạn quản chế là từ một năm đến năm năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

d) Tước một số quyền công dân (Điều 44 Bộ luật hình sự):

Theo Điều 44 Bộ luật hình sự, công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:

- Quyền ứng cử đại biểu, cơ quan quyền lực Nhà nước. Theo Hiến pháp, cơ quan quyền lực Nhà nước gồm Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nếu Toà án tước quyền này thì người bị kết án sẽ không được ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Bộ luật hình sự năm 1999 có quy định tước luôn quyền bầu cử đại biểu vào cơ quan quyền lực Nhà nước. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 2015 đã bỏ việc tước quyền này.

- Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước. Người bị kết án bị tước quyền này không thể trở thành công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Theo Hiến pháp, các cơ quan nhà nước bao gồm: Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Chính phủ, các Bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân, Toà án, Viện kiểm sát.

- Quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân. Người bị tước quyền này không được phục vụ trong các đơn vị Quân đội và Công an.

Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

đ) Tịch thu tài sản (Điều 45 Bộ luật hình sự):

Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án sung quỹ nhà nước (Điều 40 Bộ luật hình sự). Cần lưu ý các điểm sau khi áp dụng hình phạt tịch thu tài sản:

- Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma tuý, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật hình sự quy định.

- Tài sản tịch thu phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của người bị kết án.

- Khi tịch thu toàn bộ tài sản nhưng vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào luật có quy định cho phép áp dụng hình phạt tịch thu tài sản thì Toà án phải áp dụng hình phạt này. Chỉ khi người bị kết án có khối tài sản bất chính hoặc không tịch thu tài sản thì người bị kết án có thể dùng tài sản đó để phạm tội tiếp tục. Chẳng hạn, người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia dù không có tài sản thu nhập do phạm tội nhưng vẫn có thể bị tịch thu tài sản.

Về nguyên tắc, người bị áp dụng hình phạt tịch thu tài sản vẫn có thể bị áp dụng hình phạt tiền. Tuy nhiên, trong thực tiễn, các Toà án thường chỉ chọn một trong hai loại hình phạt này. Chỉ khi áp dụng hình phạt tiền theo quy định của Bộ luật hình sự mà số tiền chưa bao gồm được phần tài sản do phạm tội mà có thì Toà án mới áp dụng thêm hình phạt tịch thu tài sản.

Theo quy định, Toà án có thể quyết định tịch thu toàn bộ hay một phần tài sản của người bị kết án. Điều này căn cứ vào tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, những khoản thu nhập bất chính từ hành vi phạm tội và tình hình tài sản của người bị kết án. Nếu quyết định tịch thu toàn bộ tài sản thì Toà án phải cân nhắc và xác định là để lại những loại tài sản nào để người bị kết án và gia đình họ có thể duy trì cuộc sống bình thường, như: quần áo, các vật dụng thiết yếu cho sinh hoạt gia đình. Trường hợp quyết định tịch thu một phần tài sản, Toà án nên tuyên cụ thể là tịch thu tài sản nào chứ không nên tuyên chung chung là tịch thu 1/2, 1/3, v.v.. tài sản của người bị kết án. Bởi vì, việc tuyên chung chung như vậy rất khó cho công tác thi hành án. Trong trường hợp người bị kết án còn có nghĩa vụ bồi thường thì tịch thu tài sản phải nằm trong phạm vi các tài sản còn lại sau khi thực hiện nghĩa vụ bồi thường.

 

Nếu như Bộ luật hình sự năm 1999 có 41 tội thì Bộ luật hình sự năm 2015 đã tăng lên 59 tội bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người bị kết án. Việc tịch thu, tài sản được áp dụng đối với 16/46 tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, 14/14 tội xâm phạm an ninh quốc gia, 9/13 tội về ma túy, 3/7 tội về tham nhũng và 17 tội khác.

Chẳng hạn, một người phạm vào một trong các tội sau đây đều có nguy cơ bị tịch thu toàn bộ tài sản: tội lừa đảo; tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; tội buôn lậu; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội trốn thuế; tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; tội chứa mại dâm; tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có... Và bao gồm cả tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo điều 292 đang gây hoang mang cho cộng đồng doanh nghiệp.

Với quy định này, có một số quan điểm cho rằng nó không phù hợp với điều kiện hiện nay, đồng thời vi phạm Hiến pháp. Họ cho rằng, quy định về tịch thu tài sản của Bộ luật Hình sự ít nhiều có phần phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây là ngăn cản làm giàu, tích lũy của cải và cấm đoán tự do kinh doanh. Tuy nhiên, nó đã trở thành bất hợp lý kể từ khi chuyển sang nền kinh thị trường từ năm 1986, kể cả đối với ba nhóm tội phạm mà Bộ luật Hình sự đã quy định rõ là trọng điểm phải áp dụng loại hình phạt tịch thu tài sản, đó là các tội xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy và tham nhũng. Duy trì quy định về việc tịch thu tài sản là tiếp tục áp đặt quan điểm suy đoán tội lỗi theo kiểu, một phần hoặc toàn bộ tài sản của người bị kết án về 59 tội phạm nêu trên đều là do phạm tội hay do phạm pháp mà có. Do vậy, pháp luật phải trừng phạt bằng cách tịch thu mà không cần chứng minh nguồn gốc tài sản là hợp pháp hay bất hợp pháp. Điều này đã từng được quy định trong Luật Cải cách ruộng đất năm 1953, Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa năm 1970, Pháp lệnh Trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân năm 1970, Quyết định số 100/QĐ-CP ngày 12-4-1977 của Hội đồng Chính phủ ban hành chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa với thương nghiệp tư nhân ở các tình phía Nam, Pháp lệnh Trừng trị tội hối lộ năm 1981 và hai Bộ luật Hình sự năm 1985 và 1999. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp cho đến những năm đầu của thập kỷ 1980, đã từng áp dụng biện pháp hành chính tịch thu tài sản của địa chủ, tư sản và một số gia đình khá giả, vì cho rằng đó là tài sản bất chính.

Hiến pháp năm 1980 trở về trước mới có quy định về việc trưng thu và tịch thu tài sản, còn sau khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, thì Hiến pháp năm 1992 cũng như năm 2013 đã không còn cho phép việc quốc hữu hóa, trưng thu hay tịch thu tài sản hợp pháp của công dân. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng đã không còn quy định về việc tịch thu tài sản của người vi phạm, mà chỉ tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Người phạm tội vi phạm đến đâu thì bị xử phạt đến đó, gây thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường bấy nhiêu. Chẳng có bất cứ lý do gì quy định việc tịch thu toàn bộ tài sản khác không liên quan đến tội phạm. Nhất là với hình phạt tịch thu tài sản trong Bộ luật Hình sự lại không hề có tiêu chí và giới hạn (ngoại trừ việc không áp dụng đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, với mức cao nhất của khung hình phạt là không quá ba năm tù), thì rất dễ gây ra tình trạng áp dụng tùy tiện, tiêu cực.

Trường hợp nào thì bị tịch thu, khi nào thì bị tịch thu một phần và khi nào thì bị tịch thu toàn bộ tài sản? Trong khi, nếu là hình phạt chính, thì mức phạt tiền tối đa chỉ là 5 tỉ đồng đối với cá nhân, nhưng nếu là hình phạt bổ sung tịch thu toàn bộ tài sản thì đối với người này có thể chỉ là 1 triệu hay 1 tỉ đồng, còn đối với người khác thì có thể là 100 tỉ, thậm chí 1.000 tỉ đồng. Cùng phạm tội như nhau, không thể áp dụng hình phạt tịch thu tài sản với mức chênh lệch khác nhau tới hàng ngàn lần. Do đó, họ cho rằng, quy định về việc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người bị kết án đã xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp của công dân được Hiến pháp bảo hộ.

Theo tôi, quy định về hình phạt tịch thu tài sản hoàn toàn không vô lý và vi Hiến. Điều này có thể thấy được qua mục đích của hình phạt là trừng trị và phòng ngừa tội phạm. Việc xử lý hình sự và áp dụng hình phạt đối với người phạm tội không phải nhằm mục đích khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của người phạm tội đối với Nhà nước chứ không phải đối với người bị hại. Bởi vậy, việc  áp dụng hình phạt không phải chỉ dựa trên tiêu chí thiệt hại gây ra bao nhiêu thì hình phạt phải tương xứng mang tính chất bồi thường. Áp dụng hình phạt phải làm sao để đảm bảo tương xứng với tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm nhằm đạt mục đích cao nhất là trừng trị và cao hơn là phòng ngừa tội phạm. Không chỉ mang tính chất trừng trị đối với người phạm tội mà qua đó, áp dụng hình phạt còn để răn đe người khác tôn trọng pháp luật, không phạm tội.

Mặc dù luật không quy định khi nào được tịch thu tài sản, khi nào tịch thu một phần và khi nào tịch thu toàn bộ, nhưng tùy tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà Tòa án cân nhắc có áp dụng hình phạt này hay không. Nếu xét thấy tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm quá cao, việc áp dụng hình phạt chính xem ra chưa tương xứng dù đã áp dụng đến mức tối đa, Tòa án mới cân nhắc đến việc áp dụng hình phạt tịch thu tài sản. Tùy tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm như thế nào mà việc áp dụng tịch thu toàn bộ hay một phần được áp dụng. Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống. Đây là một quy định mang tính nhân đạo của Bộ luật hình sự.

Khi nói việc áp dụng hình phạt tịch thu tài sản là vi Hiến thì có lẽ tất cả các hình phạt khác trong Bộ luật hình sự đều vi Hiến vì Hiến pháp không chỉ bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của mọi công dân mà còn bảo vệ quyền con người. Tất cả các hình phạt khi được áp dụng đều tước bỏ một số quyền hoặc lợi ích của người phạm tội. Như vậy không lẽ tất cả các hình phạt đều đáng bị xóa bỏ. Chỉ khi người phạm tội gây nguy hiểm cho xã hội, tự tước bỏ quyền của mình, thì pháp luật mới không bảo vệ những quyền liên quan đó của con người. Bởi vậy, hình phạt tịch thu tài sản cũng như các hình phạt khác trong Bộ luật hình sự đều không đáng bị lên án.

 

Về hình phạt bổ sung phạt tiền và trục xuất, chúng ta đã có dịp nghiên cứu khi bàn đến các loại hình phạt chính vì chúng đồng thời cũng là hình phạt chính.

PHẦN II

CÁC BIỆN PHÁP TƯ PHÁP

I. KHÁI NIỆM VỀ CÁC BIỆN PHÁP TƯ PHÁP

Xét về bản chất, các biện pháp tư pháp hình sự không phải là hình phạt nhưng cũng là những biện pháp cưỡng chế của Nhà nước, do Toà án quyết định (trừ biện pháp bắt buộc chữa bệnh có thể do Viện kiểm sát áp dụng) nhằm tăng hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nó có tác dụng hỗ trợ cho hình phạt đạt hiệu quả cao nhất. Việc áp dụng các biện pháp tư pháp là cần thiết vì khi áp dụng, chúng có khả năng tác động hỗ trợ cho hình phạt hoặc trong những trường hợp cụ thể chúng có tác dụng phòng ngừa hành vi nguy hiểm cho xã hội. Ví dụ, người bị bệnh tâm thần mà giết người, chúng ta không thể truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt nhưng có thể áp dụng biện pháp tư pháp (bắt buộc chữa bệnh) để ngăn ngừa khả năng thực hiện hành vi nguy hiểm của họ.

Các biện pháp tư pháp hình sự có các đặc điểm sau:

- Là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước nhưng không phải là hình phạt;

- Không gây án tích cho người bị áp dụng;

- Không có nội dung trừng trị mà chủ yếu là để phòng ngừa hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Quy định về việc áp dụng các biện pháp tư pháp hình sự trong pháp luật hình sự Việt Nam là hoàn toàn hợp lý, bảo đảm thực hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta là mọi hành vi phạm tội (gây nguy hiểm cho xã hội) đều bị xử lý. Tất cả các biện pháp xử lý hình sự đều nhằm mục đích cải tạo, giáo dục người phạm tội và phòng ngừa tội phạm. Áp dụng đúng các biện pháp này sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hình phạt.

II. CÁC BIỆN PHÁP TƯ PHÁP CỤ THỂ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN PHẠM TỘI

1. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm (Điều 47 Bộ luật hình sự)

Việc tịch thu sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với các trường hợp sau:

- Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

- Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

- Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.

Đối với việc xử lý các vật, tiền trong trường hợp này, khoản 2 và 3 Điều 47 Bộ luật hình sự quy định:

- Vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Chẳng hạn, tài sản bị cướp, trộm cắp, cướp giật, v.v..

- Vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu. Điều đó có nghĩa là nếu chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp của tài sản không có lỗi trong việc để người phạm tội sử dụng vào việc phạm tội thì sẽ được trả lại tài sản bị thu giữ trước đó. Ví dụ, A mượn xe B nói là dùng để chở bạn gái đi chơi. Tuy nhiên, A đã dùng xe đi cướp giật. Việc này B không biết. Vì vậy, xe của B không thể bị tịch thu theo biện pháp tư pháp này.

 

Theo khoản 3 Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999, vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước. Bộ luật hình sự 2015 đã bỏ nội dung sung quỹ Nhà nước đối với các đối tượng tịch thu này. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự không nói rõ là tài sản đó được xử lý như thế nào.

Cần lưu ý phân biệt hình phạt bổ sung tịch thu tài sản với biện pháp tư pháp này. Hai biện pháp cưỡng chế này tuy có điểm giống nhau là tước tài sản của người phạm tội sung quỹ nhà nước, không có đền bù, do Toà án áp dụng nhưng có bản chất pháp lý khác nhau. Tịch thu tài sản với tư cách là hình phạt bổ sung có đối tượng là tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án, không hoặc có liên quan trực tiếp đến tội phạm, được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật. Đối tượng của biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, có thể thuộc quyền sở hữu cá nhân người phạm tội hoặc tài sản của họ do chuyển quyền sở hữu bất hợp pháp (phạm tội mà có). Biện pháp tư pháp có thể được thực hiện ở những giai đoạn tố tụng trước khi thi hành án.

2. Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi (Điều 48 Bộ luật hình sự)

Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.

Thực tiễn có nhiều trường hợp người phạm tội sau khi chiếm đoạt đã chuyển cho (tặng cho, bán, cầm cố, v.v.) người khác mà người này không biết đó là tài sản do phạm tội mà có. Sau đó, người được chuyển giao đã giữ nguyên hiện trạng ban đầu hoặc làm tăng giá trị tài sản thì có thể nảy sinh vấn đề. Trường hợp người được chuyển giao dù không biết nhưng vẫn có lỗi vô ý (buộc phải biết và có thể biết đó là tài sản phạm tội mà có) thì tài sản vẫn bị thu lại để trả cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp mà không trả lại khoản tiền đã mua, cầm cố, v.v. có thể vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên, trong trường hợp người được chuyển giao không có lỗi (không bị buộc phải biết hoặc không thể biết đó là tài sản do phạm tội mà có) thì việc thu lại tài sản để trả cho chủ sở hữu mà không có đền bù xem ra không khả thi khi người phạm tội không có khả năng đền bù. Chẳng hạn, Tuấn trộm xe gắn máy của Tèo (trị giá 8 triệu đồng) và sau đó đem đi cầm cho bà Lan với giá 5 triệu đồng. Khi cầm, bà Lan hỏi Tuấn xe của ai, Tuấn nói của mình, vì kẹt tiền nên đem đi cầm, vài hôm tới chuộc. Khi phát hiện, công an đến tiệm cầm đồ lập biên bản tịch thu chiếc gắn máy để trả lại cho Tèo. Tuy nhiên, bà Lan không giao chiếc xe gắn máy vì không được trả 5 triệu đồng.

Trong trường hợp gây thiệt hại về tinh thần, Toà án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại. Biện pháp tư pháp này thường được áp dụng đối với các tội phạm xâm phạm nhân phẩm, danh dự của người khác như Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật hình sự), Tội vu khống (Điều 156 Bộ luật hình sự), v.v..

Đối với những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ không được xem là thiệt hại về vật chất. Tuy nhiên, với những thiệt hại này sẽ dẫn đến những thiệt hại về vật chất, như tiền mai táng, tiền chữa vết thương, thiệt hại từ thu nhập bị mất, v.v.. Những khoản tiền này, người phạm tội hoặc đại diện hợp pháp của họ phải bồi thường cho người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ.

Đối với những thiệt hại về tinh thần, Toà án buộc người phạm tội phải công khai xin lỗi và bồi thường vật chất cho người bị hại. Việc xác định mức độ bồi thường vật chất đối với thiệt hại về tinh thần thật khó khăn đối với các Toà án và thường không áp dụng thống nhất. Chẳng hạn, cũng với một mức độ thiệt hại về tinh thần nhưng Toà án này thì quyết định bồi thường 3 triệu đồng, Toà án khác quyết định bồi thường 5 triệu đồng, cá biệt có Toà án quyết định 10 triệu đồng[8].

3. Bắt buộc chữa bệnh (Điều 49 Bộ luật hình sự)

Bắt buộc chữa bệnh được áp dụng đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi (tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự). Tuỳ theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Toà án căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Trường hợp thấy không cần thiết đưa vào điều trị tại cơ sở chuyên khoa thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Toà án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với người đang chấp hành hình phạt mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Toà án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt.

Theo quy định tại Điều 49, đối tượng bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh là những trường hợp sau: (1)người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi”, (2) người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, (3) người đang chấp hành hình phạt mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”. Vấn đề đặt ra, nếu những người sau khi bị kết án mà “mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” thì giải quyết thế nào? Điều luật không có dự liệu vấn đề này. Theo tác giả cuốn sách, đối tượng này nên được xử lý như “người đang chấp hành hình phạt mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”. Tuy nhiên, nếu đó là trường hợp người bị kết án tử hình thì có khác. Bởi vì, người bị kết án tử hình trong tương lai, khi bản án được thi hành, người bị kết án sẽ bị tước đi quyền sống, nên việc chữa bệnh cho họ trong trường hợp này là không cần thiết.

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Nêu khái niệm hệ thống hình phạt.

2. Phân tích các hình phạt chính (khái niệm và điều kiện áp dụng).

3. Phân tích các hình phạt bổ sung (khái niệm và điều kiện áp dụng).

4. Các biện pháp tư pháp bao gồm những biện pháp nào?

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Bộ luật hình sự năm 1999 và 2015, Nxb. Chính trị quốc  gia, Hà Nội, 1999, 2016.

2.   V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva.

3.   Đinh Văn Quế: Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (Phần chung), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.

4.   Đinh Văn Quế: Tội phạm và hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, 2001.

5.   Chu Phát Tăng, Trần Long Đào, Tề Cát Tường (Nguyễn Văn Dương dịch): Từ điển Lịch sử chế độ chính trị Trung Quốc, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.

6.   Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.

7.   Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp lý: Hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

8.   Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung),
Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.

 

[1] Hình phạt đối với pháp nhân thương mại sẽ được đề cập ở bài sau về những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội. (TG)

[2]. V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Ngoại văn, Hà Nội, 1963, t.36, tr.783.

[3]. Bryan A. G: Blacks Law Dictionary, 7th ed, West Group: St Paul Minn, 1999.

[4]. Chu Phát Tăng, Trần Long Đào, Tề Cát Tường (Nguyễn Văn Dương dịch): Từ điển lịch sử chế độ chính trị Trung Quốc, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr.190.

[5]. Đinh Văn Quế: Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999 (Phần chung), Sđd, tr.192.

[7]. Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1985 quy định thời hạn này là từ
2 năm đến 5 năm (TG).

[8]. Đinh Văn Quế: Tội phạm và hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, 2001, tr.267-268.

 

BÀI 15

QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT

I. KHÁI NIỆM QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT

Quyết định hình phạt được hiểu là việc Toà án lựa chọn một loại và mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội[1]. Đây là khái niệm được nhiều tài liệu ghi nhận. Nhưng, theo tác giả, việc quyết định hình phạt còn bao gồm cả việc Tòa án không sử dụng hình phạt đối với người phạm tội, đó là trường hợp tòa án quyết định miễn hình phạt (Điều 59 Bộ luật hình sự). Bởi vì, trong trường hợp đó, Tòa án cũng đã thực hiện hết các quá trình xem xét vụ án, dựa trên các nguyên tắc và căn cứ quyết định hình phạt. Tuy nhiên, Tòa án xét thấy việc áp dụng một hình phạt bất kỳ nào đó đối với người phạm tội đều không cần thiết so với mục đích của hình phạt và tính nhân đạo. Trong trường hợp đó, Tòa án sẽ quyết định miễn hình phạt đối với người phạm tội. Bởi vậy, quyết định hình phạt nếu được hiểu đầy đủ phải là việc Toà án lựa chọn một loại và mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội hoặc quyết định miễn hình phạt.

Quyết định hình phạt là một trong những giai đoạn cơ bản, một nội dung quan trọng của quá trình áp dụng luật hình sự. Điều này thể hiện ở chỗ chỉ có Toà án mới có quyền quyết định hình phạt mà Hiến pháp và các luật có liên quan đã ghi nhận. Theo đó, Toà án nhân danh Nhà nước, căn cứ vào quy định của luật hình sự, tuyên bố áp dụng hình phạt đối với người phạm tội. Điều này thể hiện sự lên án của Nhà nước đối với người phạm tội về việc thực hiện tội phạm.

Quyết định hình phạt là một hoạt động pháp lý tố tụng hình sự được tiến hành bởi Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Đây là một hoạt động pháp lý tố tụng hình sự vì khi quyết định hình phạt, Toà án phải dựa vào kết quả của các giai đoạn tố tụng khác nhau, kể cả hoạt động tố tụng của mình tại phiên toà, bao gồm: kết quả điều tra của cơ quan Điều tra, kết quả buộc tội của Viện kiểm sát, kết quả thẩm vấn, tranh luận tại toà của Toà án. Qua đó, Toà án đối chiếu với các tình tiết của vụ án để xác định một loại và mức hình phạt cụ thể, phù hợp nhất đối với người phạm tội nhằm đạt mục đích tối ưu của hình phạt được áp dụng hoặc quyết định không áp dụng hình phạt.

      Loại và mức hình phạt được quyết định áp dụng đối với người phạm tội về hành vi phạm tội của họ được thể hiện trong bản án buộc tội của Toà án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Bản án này được tuyên bố một cách công khai khi tuyên án.

II. CÁC NGUYÊN TẮC QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT

Quyết định hình phạt là một giai đoạn rất quan trọng trong suốt quá trình tố tụng hình sự. Bởi vì, suy cho cùng chúng ta quy định tội phạm là để xác định rằng hành vi đó có tính nguy hiểm cho xã hội cao và xác định biện pháp xử lý đối với hành vi đó bằng một hình phạt cụ thể. Tất cả các hoạt động trong quá trình tố tụng (hình sự) cuối cùng cũng chỉ nhằm mục đích áp dụng hình phạt tương xứng với tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Quyết định một hình phạt đúng pháp luật, công bằng và hợp lý là tiền đề và là điều kiện để đạt mục đích hình phạt (cải tạo, giáo dục, phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng). Ngược lại, quyết định một hình phạt không đúng đắn thì không thể bảo đảm mục đích hình phạt. Nếu hình phạt quá nhẹ sẽ làm giảm ý nghĩa phòng ngừa của hình phạt, bởi lẽ nó sẽ làm phát sinh ý định phạm tội, thái độ vô trách nhiệm và coi thường pháp luật. Nhưng hình phạt quá nặng sẽ tạo tâm lý không công bằng, không hợp lý ở người bị kết án dẫn đến thái độ oán hận, không tin tưởng pháp luật. Hình phạt có đạt mục đích hay không và đến mức độ nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố (yếu tố lập pháp, áp dụng pháp luật, v.v.), trong đó, yếu tố áp dụng pháp luật có vai trò rất quan trọng, bởi vì, chỉ trên cơ sở nhận thức đúng đắn các cơ sở quyết định hình phạt trong từng trường hợp phạm tội cụ thể thì Toà án mới có thể cho ra đời một hình phạt đúng đắn và có hiệu quả, khi đó, các yếu tố về mặt lập pháp mới có ý nghĩa thực tiễn được. Để có được một hình phạt đúng pháp luật, công bằng và hợp lý, khi quyết định hình phạt, Toà án phải tuân theo một số nguyên tắc nhất định - nguyên tắc quyết định hình phạt. Thực ra, nguyên tắc quyết định hình phạt cũng là các nguyên tắc của pháp luật hình sự. Tuy nhiên, quyết định hình phạt là một hoạt động đặc thù và có vai trò cực kỳ quan trọng. Cho nên, vẫn tồn tại các nguyên tắc quyết định hình phạt được triển khai một cách triệt để và cụ thể hoá thể hiện tính đặc thù của hoạt động quyết định hình phạt.

Các nguyên tắc quyết định hình phạt là những tư tưởng, những nguyên lý chỉ đạo, xác định và định hướng cho hoạt động của Toà án khi lựa chọn loại và mức hình phạt áp dụng đối với người phạm tội.

Nội dung của các nguyên tắc quyết định hình phạt được quyết định bởi bản chất và mục đích của hình phạt. Mặc dù các nguyên tắc quyết định hình phạt có tính độc lập tương đối với các mục đích của hình phạt nhưng ở chừng mực nào đó, chúng cũng có mối liên hệ với các mục đích của hình phạt và định hướng để đạt mục đích đó. Việc cân nhắc các mục đích của hình phạt cho phép xác định được loại và mức hình phạt nào trong trường hợp cụ thể là tối ưu cho việc thoả mãn mục đích của hình phạt. Trong khi đó, việc tuân thủ các nguyên tắc quyết định hình phạt sẽ bảo đảm cho hoạt động của Toà án được đúng đắn, tạo điều kiện để đạt các mục đích của hình phạt. Điều đó thể hiện mối liên hệ biện chứng, tác động lẫn nhau giữa bản chất, mục đích của hình phạt với các nguyên tắc quyết định hình phạt.

Các nguyên tắc quyết định hình phạt có mối liên hệ mật thiết với các nguyên tắc chung của pháp luật hình sự, nhưng với tư cách là các nguyên tắc đặc thù trong hoạt động quyết định hình phạt, chúng vẫn có tính độc lập tương đối. Điều này giúp ta xác định trong số các nguyên tắc chung của pháp luật hình sự, các nguyên tắc nào đồng thời cũng định hướng trong quá trình quyết định hình phạt. Để trở thành các nguyên tắc quyết định hình phạt, nội dung của chúng chẳng những thể hiện là sự chỉ đạo, định hướng cho việc áp dụng pháp luật hình sự, được quy định trực tiếp hoặc gián tiếp trong luật hình sự, phù hợp với chính sách hình sự trong mỗi giai đoạn mà nội dung của nó phải là những tư tưởng, định hướng cho hoạt động của Toà án trong quyết định hình phạt.

1. Nguyên tắc pháp chế

Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa chẳng những có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quyết định hình phạt mà còn là nguyên tắc có ý nghĩa hàng đầu của luật hình sự nói riêng và pháp luật nói chung. Tư tưởng chủ đạo của nguyên tắc này đòi hỏi khi quyết định hình phạt đối với người bị kết án, Toà án phải tuân thủ triệt để các quy định của luật hình sự. Chỉ có thể áp dụng hình phạt đối với hành vi phạm tội đã được quy định trong luật hình sự. Điều 2 Bộ luật hình sự hiện hành quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự; Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.. Việc pháp luật hình sự nước ta bỏ “nguyên tắc tương tự” là một việc làm có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn. Nó củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, là cơ sở pháp lý vững chắc của việc quyết định hình phạt.

Nội dung cơ bản của nguyên tắc này thể hiện ở chỗ:

- Chỉ có thể áp dụng hình phạt đối với người có hành vi phạm tội hoặc pháp nhân phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự. Để tạo tiền đề cho việc bảo đảm nội dung này, đòi hỏi phải định tội danh đối với hành vi phạm tội của bị cáo.

- Sau đó, trên cơ sở đánh giá nhiều tình tiết khách quan và chủ quan, căn cứ vào những quy định có tính nguyên tắc của tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, Toà án quyết định một hình phạt có tính xác định, có căn cứ và hợp lý. Tính xác định của hình phạt thể hiện ở chỗ, hình phạt phải cụ thể về loại hình và thời hạn. Tính có căn cứ đòi hỏi Toà án phải nghiên cứu kỹ, làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án để làm cơ sở cho việc quyết định hình phạt. Tính hợp lý của hình phạt thể hiện trong số các hướng giải quyết khác nhau, Toà án lựa chọn được một hình phạt đúng pháp luật và công bằng, bảo đảm tinh thần của các nguyên tắc khác, nhất là nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự.

- Xét về mặt tố tụng, nguyên tắc pháp chế yêu cầu Toà án là cơ quan duy nhất nhân danh Nhà nước có quyền quyết định hình phạt đối với bị cáo, nên khi đó, Toà án phải tuân thủ những quy định về thủ tục hết sức chặt chẽ và chỉ có thể tuyên những hình phạt được luật quy định.

2. Nguyên tắc nhân đạo

Nhân đạo là sự thương yêu, quý trọng và bảo vệ con người. Nguyên tắc này đòi hỏi Toà án khi quyết định hình phạt phải luôn luôn có ý thức áp dụng một hình phạt theo hướng có lợi cho bị cáo mà không trái với luật. Toà án cần có thái độ đúng đắn khi cân nhắc lợi ích của xã hội, Nhà nước và của người phạm tội trong một tổng thể thống nhất biện chứng, hài hoà và hợp lý. Không thể nói đến nhân đạo nếu khi quyết định hình phạt mà quá đề cao lợi ích của Nhà nước, xã hội, hạ thấp, xem thường lợi ích của cá nhân hoặc ngược lại.

- Nguyên tắc nhân đạo thể hiện thái độ của Nhà nước tập trung ở mục đích của hình phạt là nhằm cải tạo, giáo dục và phòng ngừa tội phạm chứ không nhằm mục đích trừng trị. Mục đích này đòi hỏi Toà án hết sức quan tâm, xem xét đến nhân thân của bị cáo khi quyết định hình phạt.

- Cần có thái độ nghiêm khắc với những tội phạm có tính nguy hiểm cho xã hội cao không mâu thuẫn với nguyên tắc nhân đạo. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nguyên tắc nhân đạo yêu cầu phải chọn một biện pháp nghiêm khắc thích hợp, tuân theo một nguyên lý cơ bản là người phạm tội cũng là con người và bất cứ người nào lầm đường, lạc lối đều có thể được cải tạo, giáo dục trở thành người có ích cho xã hội. Theo C. Mác: Cả lịch sử lẫn lý trí đều xác nhận như nhau cái sự thật là: sự tàn nhẫn không đếm xỉa đến bất kỳ sự khác biệt nào, làm cho sự trừng phạt trở nên hoàn toàn vô hiệu, bởi vì sự tàn nhẫn thủ tiêu sự trừng phạt với tư cách là kết quả của pháp luật. Việc duy trì hình phạt tử hình ở một số nước không phải xuất phát từ lý luận cho rằng, người bị kết án đã không còn khả năng cải tạo được nữa mà xuất phát từ mục đích phòng ngừa chung của hình phạt.

3. Nguyên tắc cá thể hoá hình phạt

Nguyên tắc cá thể hoá hình phạt là biểu hiện cụ thể của nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự. Tư tưởng cơ bản của nguyên tắc này thể hiện ở chỗ, Toà án dựa vào ý thức pháp luật của mình, dựa trên cơ sở những quy định của luật hình sự, những tình tiết khác nhau của vụ án để quyết định một hình phạt bảo đảm sự tương xứng với tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

Hầu hết các quy định về hình phạt của Phần chung Bộ luật hình sự thể hiện rất rõ tư tưởng của nguyên tắc này. Chẳng hạn, quy định điều kiện áp dụng các loại hình phạt, quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm, phạm nhiều tội và có nhiều bản án, v.v.. Việc quy định chế tài trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự cũng thể hiện tư tưởng này khi quy định chế tài tuỳ nghi lựa chọn, khung hình phạt rộng với nhiều loại hình phạt khác nhau cho phép Toà án trong từng trường hợp cụ thể có thể lựa chọn một hình phạt đúng đắn nhất đối với bị cáo.

Bên cạnh đó, một số quan điểm còn cho rằng, ngoài ba nguyên tắc chúng ta đã nghiên cứu còn có một nguyên tắc mà Toà án phải tuân thủ khi quyết định hình phạt là nguyên tắc công bằng[2]. Thật ra, nếu Toà án thấm nhuần ý thức pháp luật, tư tưởng nhân đạo và cá thể hoá hình phạt thì tất sẽ quyết định một hình phạt công bằng. Bởi vì, suy cho cùng tư tưởng công bằng cũng không nằm ngoài sự đòi hỏi có được một hình phạt phải đúng pháp luật, tương xứng với tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, phản ánh đúng dư luận xã hội và có sức thuyết phục cao.

Việc nghiên cứu các nguyên tắc quyết định hình phạt có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong lý luận cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật. Một hình phạt có đúng pháp luật, hợp lý và công bằng hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự nhận thức và áp dụng các nguyên tắc đó trong xét xử. Việc làm sáng tỏ các nguyên tắc quyết định hình phạt góp phần vào việc nhận thức bản chất, nội dung, nguồn gốc, ý nghĩa của chế định quyết định hình phạt, phân biệt chúng với các căn cứ quyết định hình phạt và đưa ra những phương án tối ưu cho việc thể hiện chúng trong các quy phạm của pháp luật hình sự. Mặt khác, nó còn là những tư tưởng chỉ đạo, là kim chỉ nam cho hoạt động của Toà án khi chọn và quyết định loại và mức hình phạt đối với bị cáo trong từng vụ án cụ thể, là tiền đề và là điều kiện để đạt mục đích của hình phạt.

III. CÁC CĂN CỨ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT

Quyết định hình phạt là giai đoạn quan trọng nhất của hoạt động xét xử tại Toà án, bởi vì chỉ khi quyết định một hình phạt đúng pháp luật, công bằng và hợp lý thì mục đích của hình phạt mới đạt được. Ngược lại, hình phạt sẽ không có ý nghĩa thực tiễn, đôi khi còn phản tác dụng nếu hình phạt được quyết định không hợp lý. Chính vì thế, cần thiết phải xác định đúng đắn mục đích của hình phạt để định hướng được các nguyên tắc cũng như các căn cứ quyết định hình phạt. Để có được một hình phạt đúng đắn và hiệu quả cao, khi quyết định hình phạt, Toà án không chỉ tuân thủ các nguyên tắc quyết định hình phạt mà còn phải dựa trên những căn cứ quyết định hình phạt. Các nguyên tắc quyết định hình phạt chỉ là những tư tưởng chỉ đạo mang tính khái quát không thể làm cơ sở để xác định một loại và mức hình phạt cụ thể.

Theo quan điểm triết học, căn cứ là một hiện tượng, tồn tại như một điều kiện cần thiết cho sự tồn tại một hiện tượng khác. Vì vậy, có thể hiểu các căn cứ quyết định hình phạt là các điều kiện cần thiết, làm tiền đề cho hoạt động quyết định hình phạt.

Các căn cứ quyết định hình phạt trước hết là những đòi hỏi được luật quy định. Vì vậy, các căn cứ quyết định hình phạt là bắt buộc đối với Toà án khi quyết định hình phạt. Đây là những căn cứ có tính nguyên tắc vì các căn cứ quyết định hình phạt chính là những biểu hiện, những đòi hỏi của các nguyên tắc quyết định hình phạt. Trên cơ sở các nguyên tắc quyết định hình phạt, nhà làm luật đã quy định những đòi hỏi cơ bản buộc Toà án phải tuân thủ khi quyết định hình phạt.

Giữa các nguyên tắc quyết định hình phạt và các căn cứ quyết định hình phạt có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Các nguyên tắc quyết định hình phạt là những tư tưởng chỉ đạo, định hướng cho hoạt động của Toà án khi sử dụng chế tài đối với người phạm tội về hành vi phạm tội của anh ta. Các căn cứ quyết định hình phạt là những đòi hỏi mà Toà án phải dựa vào đó để đưa ra một loại và mức hình phạt cụ thể đúng đắn. Quan hệ giữa chúng là quan hệ của cặp phạm trù cái riêng và cái chung. Khi quyết định hình phạt, Toà án không nên xem nhẹ mặt này hay mặt khác mà phải cân nhắc đồng thời cả hai mặt để bổ sung cho hoạt động của mình. Có như vậy thì hình phạt được áp dụng mới đảm bảo công bằng, hợp lý, làm tiền đề cho việc tối đa hoá mục đích của hình phạt.

Theo Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành, có bốn căn cứ đòi hỏi Toà án phải tuân thủ khi quyết định hình phạt. Các căn cứ này được quy định rất cụ thể tại Điều 50 Bộ luật hình sự. Cụ thể là: “các quy định của Bộ luật hình sự, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, khi quyết định hình phạt tiền, Tòa án còn phải căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội (khoản 2 Điều 50). Việc giải thích để làm sáng tỏ nội dung các căn cứ này có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động xét xử của Toà án khi xem xét, đánh giá và quyết định hình phạt đối với người phạm tội về hành vi phạm tội của mình.

Các căn cứ quyết định hình phạt này đã từng được Luật hình sự Việt Nam quy định. Tại Sắc luật số 03-SL/76 ngày 15-03-1976 quy định: “Khi xét xử, Toà án dựa vào lương tri cách mạng và căn cứ vào những điều khoản của Sắc luật này, vào tánh chất và mức độ nguy hại của tội phạm, vào lai lịch của kẻ phạm tội, vào những tình tiết tăng giảm trách nhiệm hình sự của kẻ phạm tội và quyết định hình phạt một cách nghiêm minh” (Điều 10). Mặc dù chưa thể hiện một cách chính xác các căn cứ quyết định hình phạt nhưng quy định này đã thể hiện một điểm mới mà Bộ luật hình sự hiện hành không đề cập đó là “lương tri cách mạng” mà khoa học luật hình sự ngày nay có cách gọi chính xác hơn là “ý thức pháp luật và niềm tin nội tâm”. Mặt khác, nó cũng đã khắc phục được những thiếu sót trong quan điểm áp dụng hình phạt thời kỳ của chế độ Sài Gòn tại miền Nam Việt Nam trước 30-4-1975. Họ quan niệm, “khi thẩm lượng, Toà án căn cứ vào sự xáo trộn trật tự xã hội mà tội phạm đã gây ra, căn cứ vào tính cách nghiêm trọng của lỗi hình sự và vào cá nhân can phạm.

Trong Bộ luật hình sự năm 1985, các căn cứ này xuất hiện với tên gọi các nguyên tắc quyết định hình phạt (Điều 37). Suốt một thời gian dài, nội dung này được nhận thức rõ là thiếu chính xác, không có cơ sở khoa học khi đã đồng nhất các nguyên tắc với các căn cứ quyết định hình phạt. Vì vậy, Bộ luật hình sự năm 1999 đã khắc phục điểm này. Đến Bộ luật hình sự năm 2015, nội dung này được kế thừa đầy đủ, có một số sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện hơn.

1. Các quy định của Bộ luật hình sự

a) Các quy định có tính nguyên tắc về tội phạm và hình phạt trong phần chung Bộ luật hình sự:

Tất cả các quy định của phần chung Bộ luật hình sự ở khía cạnh này hoặc khía cạnh khác, ở mức độ này hoặc mức độ khác đều ảnh hưởng nhất định đến việc quyết định hình phạt. Cho nên, khi quyết định hình phạt, Toà án cần căn cứ vào tất cả các quy định của phần chung Bộ luật hình sự để xác định những vấn đề có liên quan. Cụ thể để xác định:

- Hành vi của bị cáo là tội phạm, tức là có đầy đủ yếu tố của cấu thành tội phạm (CTTP) cụ thể được pháp luật hình sự quy định;

- Hành vi mà bị cáo đã thực hiện không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội;

- Về thời gian và không gian, hành vi phạm tội đã thực hiện nằm trong phạm vi điều chỉnh của Bộ luật hình sự;

- Có lỗi, cố ý hoặc vô ý;

- Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, mức độ thực hiện ý định phạm tội, những tình tiết khiến cho tội phạm không được thực hiện đến cùng;

- Tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia của những người trong đồng phạm;

- Điều kiện áp dụng các loại hình phạt;

- Quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội hoặc tổng hợp nhiều bản án;

- Các quy định đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với quân nhân phạm tội, án treo;

- Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, v.v..

Căn cứ vào tất cả những quy định của Phần chung Bộ luật hình sự không có nghĩa trong mọi trường hợp, Toà án phải sao chép tất cả những quy định của Phần chung vào vụ án cụ thể. Toà án chỉ cần phản ánh vào bản án những quy định mà dựa vào đó có thể đánh giá được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết khác nhằm chọn và áp dụng một hình phạt phù hợp với bị cáo.

b) Chế tài đối với một tội phạm cụ thể được quy định trong điều luật ở Phần các tội phạm Bộ luật hình sự:

Khi quy định chế tài đối với một tội phạm cụ thể, nhà làm luật đã căn cứ vào tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đó. Đối với mỗi loại tội phạm được quy định (ở từng điều, khoản) tương ứng có phần chế tài đối với tội phạm đó. Cho nên, khi quyết định hình phạt, Toà án phải căn cứ vào chế tài quy định đối với tội phạm mà bị cáo đã thực hiện để xác định loại hình phạt cần áp dụng trong trường hợp cụ thể đó. Sau đó, trên cơ sở xem xét, cân nhắc tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Toà án tiến hành quyết định khung và mức hình phạt cụ thể.

Tuân thủ nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật hình sự khi quyết định hình phạt là đòi hỏi của nguyên tắc pháp chế. Chính vì thế, khi quyết định hình phạt, Toà án cần xem xét, cân nhắc tất cả những quy định của pháp luật hình sự trong một chỉnh thể thống nhất và chỉ rõ những quy định có liên quan trực tiếp đến việc quyết định hình phạt trong bản án. Ngoài ra, Tòa án không được viện dẫn bất kỳ trường hợp nào khi quyết định hình phạt mà pháp luật hình sự chưa quy định, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ được áp dụng theo hướng có lợi cho bị cáo theo nguyên tắc nhân đạo, nhưng điều đó cũng phải được ghi nhận trong bản án.

2. Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội

Đây là căn cứ quan trọng nhất để thực hiện nguyên tắc cá thể hoá hình phạt, đồng thời cũng là tiền đề để quyết định một hình phạt đúng đắn, bảo đảm tương xứng giữa tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và hình phạt. Tuy nhiên, luật chỉ quy định chung chung chứ không nêu rõ khái niệm tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, cũng như các dấu hiệu, cơ sở để xem xét và đánh giá chúng. Điều này dẫn đến sự khó khăn và không thể tránh được sự không thống nhất của các nhà áp dụng pháp luật khi đánh giá căn cứ này. Vì vậy, việc làm sáng tỏ các dấu hiệu, cơ sở để xác định nội dung của tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội có ý nghĩa rất quan trọng khi quyết định hình phạt. Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội bao gồm hai nội dung:

a) Tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội là yếu tố định tính, biểu hiện mặt chất của tội phạm.

Nó là cơ sở giúp phân biệt tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật cũng như giữa các nhóm tội với nhau. Nó được quyết định bởi các yếu tố:

- Ý nghĩa, tính chất và tầm quan trọng của khách thể bị xâm hại;

- Tính chất của hành vi nguy hiểm cho xã hội;

- Hình thức phạm tội (một người, đồng phạm hay phạm tội có tổ chức);

- Thủ đoạn thực hiện tội phạm, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh thực hiện tội phạm;

- Hình thức lỗi;

- Động cơ, mục đích phạm tội, v.v..

b) Mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội là yếu tố định lượng của tội phạm, giúp phân biệt mức độ nguy hiểm cụ thể của các tội phạm trong cùng một nhóm hoặc một tội nhưng trong những điều kiện khác nhau.

Có những tội giống nhau về tính chất nhưng mức độ nguy hiểm khác nhau. Mức độ nguy hiểm được xác định bởi:

- Hậu quả của tội phạm (xảy ra chưa, mức độ nào);

- Mức độ lỗi;

- Mối quan hệ giữa nguyên nhân và hậu quả phạm tội;

- Mức độ phạm tội (chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt hay tội phạm hoàn thành), v.v..

Toà án phải cân nhắc cả tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm. Đồng thời, phải chỉ ra được trong bản án những tình tiết cụ thể để chứng minh tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà Toà án dựa vào đó cùng với những tình tiết khác để chọn loại và mức hình phạt cụ thể đối với bị cáo. Có như thế, Toà án mới có thể quyết định một hình phạt đúng đắn được.

3. Nhân thân người phạm tội

Để có đầy đủ cơ sở cho việc quyết định một hình phạt đúng đắn và có hiệu quả, Toà án cần thiết phải cân nhắc nhân thân người phạm tội khi quyết định hình phạt. Tuy nhiên, để làm được điều này không phải dễ dàng và đơn giản. Nhân thân người phạm tội là một phạm trù xã hội rất phức tạp được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau (triết học, xã hội học, tâm lý học, tội phạm học, khoa học luật hình sự, v.v..). C. Mác đã nêu lên rằng: Bản chất của con người là tổng hoà những quan hệ xã hội. Xuất phát từ luận điểm đó, nhân thân người phạm tội được hiểu là tổng hợp các đặc điểm, đặc tính khác nhau thể hiện bản chất xã hội, tính cá biệt và tính không lặp lại của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm. Các đặc điểm, đặc tính này có ảnh hưởng lớn đến việc cá thể hoá trách nhiệm hình sự và hình phạt, ảnh hưởng đến việc cải tạo, giáo dục và phòng ngừa đối với người phạm tội. Những đặc điểm, đặc tính đó mang tính chính trị - xã hội, tâm lý, đạo đức, sinh lý. Nó có thể là: độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, hoàn cảnh gia đình và đời sống kinh tế, ý thức pháp luật, tôn giáo, tiền án, tiền sự, v.v.. Khi nghiên cứu, đánh giá những đặc điểm, đặc tính thuộc về nhân thân người phạm tội, Toà án cần quan tâm ở hai khía cạnh:

- Khía cạnh pháp luật hình sự (tái phạm, tái phạm nguy hiểm, phạm tội nhiều lần, có án tích hay chưa, động cơ, mục đích phạm tội, v.v..). Ở khía cạnh này, Toà án sẽ làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa trực tiếp đến việc quyết định hình phạt. Nghĩa là làm sáng tỏ được các tình tiết liên quan đến các cơ sở để tăng hoặc giảm mức hình phạt.

- Khía cạnh tội phạm học (cách cư xử trong cuộc sống, quan hệ với những người xung quanh, thái độ đối với công việc, học tập, lao động, uy tín trong tập thể, lối sống, đạo đức, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, v.v..). Những đặc điểm, đặc tính này dù không trực tiếp ảnh hưởng đến việc quyết định hình phạt nhưng qua nghiên cứu chúng sẽ làm sáng tỏ được những nguyên nhân, điều kiện phạm tội, các điều kiện hình thành nhân cách, lối sống, cư xử, trình độ văn hoá, v.v.. và ảnh hưởng phần nào đến việc quyết định hình phạt chính xác, tạo hiệu quả cải tạo, giáo dục của hình phạt.

Cần hết sức lưu ý khi nghiên cứu căn cứ nhân thân người phạm tội để thấy được sự khác nhau của chúng với khái niệm “chủ thể của tội phạm”. Chủ thể của tội phạm là người có hành vi nguy hiểm cho xã hội và theo pháp luật phải chịu trách nhiệm hình sự. Nó là một yếu tố của CTTP và được xác định bởi các yếu tố năng lực trách nhiệm hình sự. Ngoài ra còn có các dấu hiệu của chủ thể đặc biệt (quân nhân, người có chức vụ, quyền hạn, v.v..) đặc trưng cho những chủ thể đặc biệt đóng vai trò bắt buộc trong CTTP. Nhân thân người phạm tội là đặc điểm, đặc tính của một cá nhân mà ta đã nghiên cứu ở phần các căn cứ quyết định hình phạt.

Phải có sự nhận thức đúng đắn để đánh giá, phân biệt giữa “chủ thể của tội phạm” và “nhân thân người phạm tội, bởi lẽ hai khái niệm này có vai trò khác nhau trong quyết định hình phạt. Chủ thể đóng vai trò là một dấu hiệu của CTTP, cơ sở của trách nhiệm hình sự. Nhân thân người phạm tội thực hiện chức năng là một trong những căn cứ quyết định hình phạt, cơ sở của việc cá thể hoá hình phạt. Trong trường hợp các đặc điểm của người thực hiện hành vi được xem là dấu hiệu bắt buộc đối với chủ thể khi định tội thì không thể được xem là tình tiết thuộc về nhân thân để lượng hình. Chẳng hạn, khoản 4 Điều 94 Bộ luật hình sự hiện hành quy định trường hợp người mẹ gây chết con mới sinh của mình. Người mẹ mới sinh là một dấu hiệu của dấu hiệu định tội thì không được xem xét người này là mới sinh nên tâm lý không ổn định để xét giảm mức hình phạt.

4. Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự

Bộ luật hình sự quy định, khi quyết định hình phạt, Toà án phải xem xét, cân nhắc đồng thời cả hai loại tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện nguyên tắc cá thể hoá hình phạt. Tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự là những tình tiết thuộc yếu tố khách quan hoặc chủ quan của hành vi phạm tội, không có ý nghĩa xác định tội danh hoặc khung hình phạt mà chỉ có ý nghĩa làm giảm nhẹ hoặc tăng nặng mức hình phạt trong phạm vi một khung hình phạt nhất định (lượng hình).

Cần nhấn mạnh rằng, chỉ những tình tiết có liên quan đến hành vi phạm tội đang được xét xử, ảnh hưởng đến tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mới được xem là tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ví dụ, một người đang bị truy tố về tội cố ý gây thương tích thì có nhiều người viết đơn tố cáo rằng người này còn thiếu nợ chưa trả. Tình tiết “thiếu nợ” không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự chỉ ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Chính vì thế, các tình tiết này chỉ được xem xét, cân nhắc sau khi đã xác định tội danh và khung hình phạt. Chúng không đóng vai trò định tội hoặc định khung mà chỉ có ý nghĩa làm giảm hoặc tăng mức hình phạt trong phạm vi một khung hình phạt đối với một tội phạm cụ thể. Những tình tiết này không được quy định trong các điều khoản về tội phạm mà được quy định tại Điều 51, 52 Bộ luật hình sự hiện hành (phần chung) và một số văn bản khác (Nghị quyết 01-HĐTP ngày 19-04-1989, Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04-08-2000 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao). Khi quyết định hình phạt, Toà án chỉ được phép xem xét, đánh giá những tình tiết đã được luật hình sự quy định. Ngoại lệ, Toà án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ nhưng lý do giảm nhẹ phải được giải trình trong bản án. Ngoại lệ này chỉ được thực hiện trên cơ sở của nguyên tắc nhân đạo trong luật hình sự.

Trong thực tiễn, tội phạm diễn ra rất đa dạng và phong phú. Không phải trường hợp phạm tội nào cũng chỉ đơn thuần có các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự như luật định. Trong nhiều vụ phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng đan xen nhau, có tình tiết được quy định, có tình tiết không được quy định trong luật. Để có được một hình phạt đúng đắn, Toà án cần có sự nhận thức khách quan và sự đánh giá toàn diện, đầy đủ trong một chỉnh thể các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự, xác định giá trị pháp lý của từng tình tiết đối lập nhau có ảnh hưởng đến tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Bởi vì, các tình tiết này không có ý nghĩa như nhau trong những trường hợp phạm tội nhất định. Việc xem xét, đánh giá các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự là nghĩa vụ của Toà án. Sau khi đánh giá, cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự, Toà án cần có sự ghi nhận cụ thể vào bản án các tình tiết nào là giảm nhẹ và các tình tiết nào là tăng nặng, mức độ ảnh hưởng của nó đối với hành vi phạm tội. Điều này góp phần tạo cơ sở vững chắc và đầy sức thuyết phục, đem lại hiệu quả của hình phạt đã tuyên.

a) Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (khoản 1 Điều 15 Bộ luật hình sự):

- Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm:

Ngăn chặn tác hại của tội phạm» là khi tội phạm đã được thực hiện và người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động của khách quan nên đã bằng những khả năng có thể để ngăn chặn không cho tác hại của tội phạm xảy ra. «Làm giảm bớt tác hại của tội phạm» là khi tội phạm đã được thực hiện, tác hại của tội phạm đang xảy ra và người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động khách quan nên đã bằng những khả năng có thể để không cho tác hại của tội phạm xảy ra lớn hơn. Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào thái độ của người phạm tội (tự mình hay có sự tác động, bắt buộc của người khác…); thực tế tác hại của tội phạm đã được ngăn chặn, được làm giảm bớt, v.v..

Cần lưu ý, tình tiết này xác định là “tác hại” chứ không phải “thiệt hại”, bởi vì hai khái niệm này không giống nhau. Ví dụ, hành vi buôn bán trái phép chất ma tuý thì thiệt hại của tội phạm là số lượng chất ma tuý buôn bán trái phép, trong khi tác hại là những ảnh hưởng xấu của chất ma tuý đối với xã hội, đối với con người.

- Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả:

Đây là trường hợp tội phạm đã gây ra thiệt hại, gây ra hậu quả. Người phạm tội phải tự nguyện (không do ép buộc, cưỡng chế) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Cũng được coi là tự nguyện nếu do người khác tác động (khuyên bảo) hay theo yêu cầu của người bị thiệt hại mà người phạm tội sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. «Sửa chữa» là sửa lại, chữa lại những cái bị làm hư hỏng do hành vi phạm tội gây ra. “Bồi thường” là bồi thường bằng tài sản cho những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.  “Khắc phục hậu quả” là khắc phục tác hại của tội phạm gây ra mà không thể sửa chữa hoặc bồi thường bằng tài sản được. Trong một số trường hợp cụ thể cũng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” được hướng dẫn tại mục 1 Nghị quyết số 01/2006/NQ- HĐTP ngày 12- 5- 2006. Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào tính tự nguyện; hiệu quả của việc sửa chữa, khắc phục hậu quả; mức độ bồi thường thiệt hại…

Theo nội dung của tình tiết, những hành vi này phải được người phạm tội tự nguyện thực hiện, thể hiện thái độ ăn năn, hối cải sau khi phạm tội thì mới có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể người phạm tội được thúc đẩy hoặc bắt buộc làm việc đó cũng có thể được giảm nhẹ. Thậm chí, nếu người phạm tội là người chưa thành niên, có cha mẹ tự nguyện sửa chữa, bồi thường, hoặc khắc phục hậu quả cũng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này[3].

- Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng:

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là trường hợp người vì muốn bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà có hành vi chống trả quá mức cần thiết nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hành vi xâm hại.

 Việc luật quy định tình tiết này với tư cách là tình tiết giảm nhẹ xem ra không cần thiết vì thực tế nó không thể được áp dụng với tư cách là tình tiết giảm nhẹ. Người có hành vi chống trả vượt mức cần thiết trong phòng vệ chính đáng chỉ được phép gây ra thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ. Hai trường hợp này đã được Bộ luật hình sự quy định với tư cách là tình tiết định tội tại Điều 126 Bộ luật hình sự - Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và Điều 136 Bộ luật hình sự - Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngoài hai trường hợp này, không còn trường hợp nào được xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

- Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết:

Vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết là người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác đã có hành vi gây thiệt hại rõ ràng lớn hơn thiệt hại cần tránh. Như vậy, để áp dụng tình tiết giảm nhẹ này, phải có điều kiện về nguồn nguy hiểm đang đe doạ gây thiệt hại phải hiện tại, hiện hữu, có khả năng gây thiệt hại trên thực tế nếu không được ngăn chặn và người phạm tội không còn cách nào khác phải gây ra một thiệt hại khác để ngăn ngừa thiệt hại có nguy cơ xảy ra. Tuy nhiên, thiệt hại mà người phạm tội gây ra lại lớn hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

- Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội:

Tình tiết này áp dụng cho những người phạm tội sử dụng quyền bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang, hoặc bị phát hiện phạm tội đang bị đuổi bắt, hoặc người có quyết định truy nã đã vượt quá mức cần thiết để bắt giữ người phạm tội.[4]

- Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra:

Phải có hành vi trái pháp luật (không đòi hỏi phải là trái pháp luật nghiêm trọng) của người bị hại. Hành vi trái pháp luật đó xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thân thích của người phạm tội. Chỉ áp dụng tình tiết này khi có đấy đủ cả hai điều kiện «phải có hành vi trái pháp luật của người bị hại» và «hành vi trái pháp luật đó xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thân thích của người phạm tội». Hành vi trái pháp luật của nạn nhân không cần thiết phải nghiêm trọng hoặc làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng. Do đó, người phạm tội cũng không cần phải bị kích động mạnh đến mức mất khả năng kiềm chế hành vi của mình. Đây là hai điểm để nhận biết đâu là tình tiết giảm nhẹ và đâu là tình tiết định tội quy định tại Điều 125, 135 Bộ luật hình sự.

Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào ai là người có hành vi trái pháp luật; hành vi trái pháp luật đó xâm phạm đến ai; mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật…

- Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình tự gây ra:

Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình tự gây ra là những hoàn cảnh do thiên tai, địch hoạ, dịch bệnh hoặc bất kỳ nguyên nhân khách quan nào khác. Chẳng hạn, Minh từ quê đưa mẹ lên thành phố để chữa bệnh. Tuy nhiên, khi mới xuống xe thì bị kẻ gian móc túi lấy hết tiền. Lúc đó, có một người đến thuê Minh mang một gói ma tuý đến điểm hẹn để giao và hứa sẽ trả một khoản tiền. Biết đó là hành vi phạm tội nhưng vì muốn có tiền để chữa bệnh cho mẹ nên Minh đã phạm tội.

Để áp dụng tình tiết này đòi hỏi các điều kiện:

+ Phải do (không phải là lợi dụng) hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà phạm tội.

+ Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không phải do người phạm tội tự gây ra. Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn này có thể do thiên tai, địch hoạ hoặc do nguyên nhân khác gây ra (có thể do người khác gây ra).

Chỉ áp dụng tình tiết này khi có đấy đủ hai điều kiện «phải do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà phạm tội» và «Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không phải do người phạm tội tự gây ra».

Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào mức độ, hoàn cảnh khó khăn và khả năng khắc phục của người phạm tội.

- Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc thiệt hại không lớn:

Chưa gây thiệt hại là thiệt hại chưa xảy ra. Thiệt hại không lớn là thiệt hại có xảy ra nhưng chưa đáng kể. Việc thiệt hại chưa xảy ra hoặc thiệt hại không lớn là nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội. Nếu đây là kết quả của ý thức chủ quan của người phạm tội thì có thể áp dụng quy định về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội để miễn trách nhiệm hình sự hoặc tình tiết giảm nhẹ tại điểm a Điều 51 Bộ luật hình sự - người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm.

- Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng:

Phạm tội lần đầu là từ trước tới nay chưa phạm tội lần nào (Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xoá án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này).

Phải thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Trường hợp ít nghiêm trọng bao gồm trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng (tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù) và trường hợp phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng vị trí, vai trò của người phạm tội ít nghiêm trọng (thường là trong trường hợp phạm tội đồng phạm).

Chỉ áp dụng tình tiết này khi có đầy đủ cả hai điều kiện «phạm tội lần đầu» và «thuộc trường hợp ít nghiêm trọng».

- Phạm tội vì bị người khác đe doạ hoặc cưỡng bức:

«Bị người khác đe doạ» là bị người khác dọa trừng phạt nếu làm trái ý họ, tạo cho người phạm tội nỗi lo sợ về một tai hoạ có thể xảy ra, và để tránh tai hoạ đó người phạm tội đã phải thực hiện tội phạm.

«Bị người khác cưỡng bức» là bị người khác dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác buộc người phạm tội đã phải thực hiện tội phạm.

Nếu sự cưỡng bức tinh thần đến mức khiến người bị cưỡng bức tê liệt ý chí hoặc không thể làm khác (cưỡng bức về vật chất) thì hành vi không cấu thành tội phạm.

Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào tính chất, mức độ thủ đoạn đe doạ, cưỡng bức của người khác và hoàn cảnh, điều kiện tránh mối đe doạ, cưỡng bức đó.

Tình tiết nêu lên hai nội dung là bị đe doạ hoặc cưỡng bức. Thực chất, đe doạ chính là một sự cưỡng bức về tinh thần, có mức độ bắt buộc thấp hơn đe doạ về vật chất. Vì vậy, có thể hiểu đe doạ là cưỡng bức về tinh thần.

- Phạm tội do lạc hậu:

Lạc hậu xảy ra ở những người do không được học tập, không có điều kiện tiếp cận thông tin tiến bộ, không được tiếp cận quy định của pháp luật hoặc điều kiện đời sống xã hội đặc biệt mà không nhận thức được đâu là điều cấm của pháp luật. Có thể họ phạm tội nhưng vẫn cho rằng đó là việc nên làm hoặc không trái pháp luật. Ví dụ, người Bana có tục giết người mà họ cho là “ma lai”, hoặc người H’rê tìm giết người “cầm đồ” (người mang thuốc độc muốn giết ai cũng được). Chỉ áp dụng tình tiết «phạm tội do lạc hậu» nếu lạc hậu đó là do nguyên nhân khách quan đưa lại, như do đời sống xã hội nên không hiểu biết hoặc kém hiểu biết về pháp luật, không được học tập, không có điều kiện thực tế để nhận biết các đúng sai trong cuộc sống…

Bộ luật hình sự năm 1985 còn có quy định giảm nhẹ cho người phạm tội “do trình độ nghiệp vụ non kém”. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 1999 đã bỏ tình tiết này. Bộ luật hình sự năm 2015 tiếp tục kế thừa nội dung này. Điều này là cần thiết. Thực tế, nhiều cán bộ được đào tạo chính quy, có chuyên môn, nghiệp vụ nhưng khi bị xét xử về các tội phạm có liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ (thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) đã đưa tình tiết giảm nhẹ này ra để xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Và không ít Toà án đã giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ một cách thiếu căn cứ.

- Người phạm tội là phụ nữ đang có thai:

Phải là phụ nữ đang có thai khi thực hiện tội phạm. Nếu khi phạm tội người phụ nữ không có thai, mà khi bị xét xử bị cáo có thai thì không áp dụng tình tiết này, mà tuỳ từng trường hợp cụ thể chỉ có thể áp dụng quy định tại Điều 40 Bộ luật hình sự đối với phụ nữ có thai khi xét xử. Trong trường hợp đặc biệt cũng có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với phụ nữ có thai khi xét xử, nhưng phải ghi rõ trong bản án và áp dụng khoản 2 Điều 50 Bộ luật hình sự.

Người phụ nữ phải chứng minh là mình có thai khi phạm tội. Trong trường hợp chưa có đủ căn cứ để kết luận người phụ nữ có thai khi phạm tội thì phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định.

Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào thời kỳ mang thai, ảnh hưởng của tình trạng thai nhi đến việc thực hiện tội phạm của bị cáo.

- Người phạm tội là người 70 trở lên:

Trước kia, tình tiết này được quy định là “người già”. Với quy định đó, các Tòa án có thể áp dụng không thống nhất. Có quan điểm cho rằng người già là người đủ 60 tuổi trở lên. Quan điểm khác cho rằng người già là người đủ 70 tuổi trở lên. Để áp dụng thống nhất, minh bạch hóa quy định, các nhà làm luật đã quy định rõ tình tiết giảm nhẹ này là người đủ 70 tuổi phạm tội.

 - Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình:

Đây là trường hợp người phạm tội mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh nào khác làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Ví dụ, một người đang điều khiển xe gắn máy đột nhiên bị lên cơn co giật, lạc tay lái, đụng phải người đi đường gây tai nạn. Nếu bệnh dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi thì không áp dụng tình tiết này mà áp dụng Điều 21 Bộ luật hình sự để xác định người có hành vi nguy hiểm không có năng lực trách nhiệm hình sự - loại trừ trách nhiệm hình sự.

Phải là người có bệnh, tức là có bệnh lý nào đó theo quy định trong y sinh học.

Bệnh đó là nguyên nhân làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội (trong trường hợp chưa có đủ căn cứ để kết luận thì phải có kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định).

Chỉ áp dụng tình tiết này khi có đầy đủ cả hai điều kiện «người phạm tội phải có bệnh» và «bệnh đó là nguyên nhân là nguyên nhân làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội».

Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào tình trạng bệnh tật, mức độ hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội.

- Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng:

Theo điểm a, b khoản 3 Điều 4 Nghị định số 28 (2012) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật:

+ Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

+ Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

- Người phạm tội tự thú:

Tự thú là trường hợp sau khi phạm tội, chưa bị ai phát hiện mà người phạm tội đã nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình. Cũng coi là tự thú khi người phạm tội bị bắt về một tội, nhưng sau đó đã khai ra hành vi phạm tội khác thì được áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho tội phạm đã khai ra đó[5].

Theo Thông tư liên ngành số 5/TTLN ngày 02-6-1990 hướng dẫn thi hành chính sách đối với người phạm tội ra tự thú thì kể cả trường hợp sau khi phạm tội, bị phát hiện, biết không thể lẩn trốn nên người phạm tội đã ra trình diện – đầu thú. Trường hợp này cũng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, theo Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10-6-2002, trường hợp này chỉ có thể sử dụng nó như tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 46 chứ không phải khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự (Điều 51 Bộ luật hình sự 2015). Do đó, khoản 2 Điều 51 đã quy định rõ là tình tiết đầu thú có thể làm tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 15 để tránh áp dụng không thống nhất.

- Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải:

Thành khẩn khai báo là trường hợp người phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã khai đầy đủ và đúng sự thật tất cả những gì liên quan đến hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện.

Ăn năn hối cải là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội thể hiện sự cắn rứt, dày vò lương tâm về tội lỗi của mình không chỉ bằng lời nói mà còn phải bằng những hành động, việc làm cụ thể để chứng minh cho việc mình muốn sửa chữa, cải tạo thành người tốt; bù đắp những tổn thất, thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra.

Mức độ giảm nhẹ của việc thành khẩn khai báo phụ thuộc vào sự thành khẩn được thực hiện ở giai đoạn tố tụng nào và ý nghĩa thiết thực của sự thành khẩn trong việc giải quyết vụ án; mức độ giảm nhẹ của sự ăn năn hối cải phụ thuộc vào mức độ ăn năn hối cải của người phạm tội, những hành động, việc làm cụ thể chứng minh cho sự ăn năn hối cải đó.

Lưu ý, đối với tình tiết này, Bộ luật hình sự 2015 quy định “Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải”, nay Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 đã thay từ “hoặc” bằng dấu phẩy. Điều này có nghĩa là, để được hưởng tình tiết giảm nhẹ này, người phạm tội phải thỏa mãn đồng thời cả hai nội dung: “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cãi”. Nếu người phạm tội thể hiện sự ăn năn hối cãi mà không khai báo hoặc ngược lại thì không áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.

- Người phạm tội tích cực giúp đỡ cơ quan có trách nhiệm phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án:

Tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án là có thái độ chủ động, giúp đỡ nhằm tạo ra những sự biến đổi, thay đổi nhanh hơn trong việc phát hiện tội phạm hoặc giải quyết vụ án.

Tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện phạm hoặc giải quyết vụ án thường được thể hiện bằng việc cung cấp những thông tin, tài liệu, bằng chứng có ý nghĩa thiết thực cho việc phát hiện tội phạm phạm hoặc giải quyết vụ án; chỉ nơi cất giấu tang vật, nơi người phạm tội khác đang trốn tránh; cung cấp thông tin về tội phạm khác, người phạm tội khác không liên quan đến mình…

Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào tính chủ động, mức độ tích cực giúp đỡ; giá trị của những thông tin, tài liệu, bằng chứng mà người phạm tội đã cung cấp; hiệu quả của những hành vi giúp đỡ của người phạm tội.

Với tình tiết này, người phạm tội chỉ cần thực hiện một trong hai hành vi: tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện phạm hoặc tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm giải quyết vụ án thì có thể có thể áp dụng để giảm nhẹ. Nếu thỏa mãn cả hai nội dung, người phạm tội có thể được áp dụng hai tình tiết giảm nhẹ.

- Người phạm tội đã lập công chuộc tội:

«Đã lập công chuộc tội» là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm cho đến khi bị xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm), người phạm tội không những ăn năn hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm do họ thực hiện, mà họ còn có những hành động giúp đỡ các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, ngăn chặn các tội phạm khác, tham gia phát hiện tội phạm, bắt kẻ phạm tội, có hành động thể hiện sự quên mình vì lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích chính đáng của người khác… được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận (mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ- HĐTP).

Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào công trạng của người phạm tội và việc lập công chuộc tội đó ở giai đoạn tố tụng nào.

- Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác:

Đây là trường hợp mà người phạm tội trước khi phạm tội đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác. Thành tích này được xác định thông qua huân chương, huy chương, bằng khen của Chính phủ, bằng lao động sáng tạo, bằng sáng chế, phát minh, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, v.v.. Người phạm tội chỉ cần đạt một trong số bốn lĩnh vực nói trên thì có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Hay nói khác hơn, điểm này quy định bốn tình tiết giảm nhẹ.

- Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ:

Những tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ” đã từng được coi như là những tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 theo Nghị quyết số 01/2000 (08/4/2000). Theo chúng tôi, điều đó là hợp lý vì tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 có giá trị giảm nhẹ ít hơn khoản 1. Bởi vậy, với những tình tiết chỉ có ý nghĩa gián tiếp đối với bị cáo thì nên được đưa vào khoản 2. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 2015 đã đưa những tình tiết này lên khoản 1 là chưa có căn cứ khoa học.

Đối với tình tiết, người phạm tội là người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định có 12 diện đối tượng được công nhận là người có công với cách mạng:

a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; 

b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; 

c) Liệt sĩ; 

d) Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 

đ) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 

e) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; 

g) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 

h) Bệnh binh; 

i) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 

k) Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 

l) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; 

m) Người có công giúp đỡ cách mạng.

Trong số 12 đối tượng này, để người phạm tội được hưởng tình tiết giảm nhẹ, chỉ cần  thỏa mãn 1 trong số đó, trừ trường hợp là “liệt sĩ”.

Khoản 2 Điều 50 Bộ luật hình sự quy định: Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Đầu thú là trường hợp đã có người biết mình phạm tội, sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã bỏ trốn nhưng đã đến cơ quan có thẩm quyền trình diện khai rõ hành vi phạm tội của mình và đồng phạm (nếu có). Mức độ giảm nhẹ của hành vi đầu thú còn phụ thuộc vào việc sau khi đầu thú người phạm tội có khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm hay không, nếu khai không rõ ràng hoặc khai báo không đầy đủ thì mức độ giảm nhẹ ít hơn trường hợp khai báo rõ ràng và đầy đủ.

Đầu thú là trường hợp mới được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 cho phép Tòa án khi quyết định hình phạt có thể coi đó là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51. Nghĩa là, tình tiết giảm nhẹ này có giá trị giảm nhẹ không bằng tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 50. Trước kia, khi áp dụng Bộ luật hình sự năm 1999, một số Tòa án đã áp dụng tình tiết đầu thú như một tình tiết giảm nhẹ theo điểm o khoản 1 Điều 46. Điều này xuất phát từ thực tế là, theo tinh thần của Thông tư liên ngành số 05 ngày 2-6-1990 của Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp hướng dẫn thi hành chính sách đối với người ra tự thú, thì chỉ có một khái niệm “tự thú” cho tất cả những trường hợp tự thú hoặc đầu thú, tuy nhiên mức độ có khác nhau và nói chung họ đều được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng không hướng dẫn cụ thể trong trường hợp nào áp dụng khoản 1, trường hợp nào áp dụng khoản 2 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985.

Sau đó, ngày 10-6-2002 Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 81/2002/TACT với nội dung nếu người phạm tội ra “đầu thú” thì không được áp dụng điểm o khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự mà chỉ được áp dụng khoản 2 điều 46 Bộ luật hình sự. Khi đó, có nhiều ý kiến cho rằng, Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn trái với Thông tư liên ngành số 05; tại nhiều phiên toà hình sự các Luật sư bào chữa cho bị cáo chỉ thuộc trường hợp “đầu thú” chứ không phải “tự thú” đã đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm o khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự để bị cáo có 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự, trên cơ sở đó đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điều 47 Bộ luật hình sự quyết định dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Có Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của Luật sư nhưng cũng có Hội đồng xét xử không chấp nhận; một số bài viết của một số tác giả đăng trên một số báo cũng nêu vấn đề này và cho rằng Công văn 81 của Toà án nhân dân tối cao không phải là văn bản pháp lý nên không có giá trị. Để minh bạch hóa vấn đề, Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định trực tiếp vào Bộ luật hình sự là tình tiết đầu thú chỉ được áp dụng để giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51.

Thực tiễn xét xử cho thấy, một số tình tiết sau đây thường được các Toà án xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04-8-2000):

- Vợ, chồng, cha, mẹ, con của bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước;

- Bị cáo là thương binh hoặc có người nhà thân thích như vợ, chồng, bố, mẹ hoặc con (con đẻ hoặc con nuôi) là liệt sĩ;

- Bị cáo là người tàn tật nặng do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Người bị hại cũng có lỗi;

- Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;

- Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;

- Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;

- Phạm tội trong trường hợp phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.

 

 Ngoài ra, nhằm khắc phục, hạn chế thiếu sót và tránh tuỳ tiện trong xét xử, Bộ luật hình sự đã quy định: “Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt” (khoản 3 Điều 51). Ví dụ, một người giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 96 Bộ luật hình sự). Tình tiết “phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” đã được Điều 96 sử dụng là tình tiết định tội. Vì vậy, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, Toà án không được sử dụng tình tiết này để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo lần nữa.

b) Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự):

- Phạm tội có tổ chức:

Phạm tội có tổ chức được hình thành trên cơ sở kết hợp hai dấu hiệu chủ quan và khách quan. Mặt khách quan thể hiện ở sự liên kết có sự phân hoá rõ rệt vai trò, nhiệm vụ của những người trong đồng phạm. Mặt chủ quan thể hiện ở sự liên kết hết sức chặt chẽ về mặt ý chí của những người đồng phạm. Lòng tin và sự mong muốn hậu quả phạm tội xảy ra cao hơn trường hợp đồng phạm thường dựa trên sự quyết tâm cao độ ở mỗi người, lòng tin lẫn nhau, sự chặt chẽ của kế hoạch phạm tội. Nhìn chung, phạm tội có tổ chức bao giờ cũng có sự bàn bạc, phân công thực hiện tội phạm nhưng không phải mọi trường hợp bàn bạc, phân công thực hiện tội phạm trước đều là phạm tội có tổ chức vì phạm tội có tổ chức đòi hỏi phải có sự câu kết chặt chẽ giữa những người trong đồng phạm.

Khi đã xác định được trường hợp cụ thể đó là phạm tội có tổ chức, thì phải áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với tất cả những người cùng thực hiện tội phạm (người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức). Mức độ tăng nặng phụ thuộc vào quy mô tổ chức, vai trò của từng người trong việc tham gia vụ án.

- Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp:

Theo Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi có đủ hai điều kiện sau đây:

+ Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội, không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích;

+ Người phạm tội lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả phạm tội làm nguồn sống chính.

Đối với người phạm tội từ năm lần trở lên, trong đó đã có tội phạm được xét xử rồi, chưa được xoá án tích thì có thể áp dụng cả ba trường hợp “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm” và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”). Ví dụ, B phạm tội trộm cắp đã bị xét xử, chưa được xoá án tích. B lại tiếp tục thực hiện bốn lần trộm cắp nữa. Đối với trường hợp của B, phải áp dụng cả ba tình tiết “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm” và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”).

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội:

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội là tội phạm được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn và hành vi phạm tội có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn đó. Nếu không có chức vụ, quyền hạn thì họ khó có thể phạm tội được. Cần lưu ý, chỉ khi tội phạm được thực hiện do sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì mới áp dụng tình tiết này. Nếu A là thủ quỹ mà phạm tội cố ý gây thương tích thì không thể coi là A đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Đối với những tội phạm đòi hỏi chủ thể đặc biệt là người có chức vụ, quyền hạn thì khi quyết định hình phạt, Toà án cũng không sử dụng tình tiết tăng nặng này. Ví dụ, một giám đốc phạm tội tham ô tài sản thì không bị áp dụng tình tiết lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn .

- Phạm tội có tính chất côn đồ:

Phạm tội có tính chất côn đồ là trường hợp phạm tội mà người phạm tội rõ ràng coi thường những quy tắc của cuộc sống, có hành vi ngang ngược, càn quấy, bất chấp sự can ngăn của người khác, chỉ vì những nguyên nhân nhỏ nhặt. Ví dụ, Hoà đang ẩu đả với Hiền. Trung đứng ra can ngăn. Hoà không đánh Hiền nữa mà quay sang đánh Trung gây thương tích. Khi áp dụng tình tiết này, cần xem xét đầy đủ hai yếu tố: nhân thân và nguyên nhân xảy ra tội phạm. Không nên phiến diện, chỉ tập trung vào yếu tố nhân thân mà không quan tâm đến nguyên nhân phạm tội và ngược lại.

- Phạm tội vì động cơ đê hèn:

Phạm tội vì động cơ đê hèn là trường hợp người phạm tội với động cơ xấu, thấp hèn, đáng khinh bỉ, bất chấp danh dự, nhân phẩm của con người. Đây là động cơ mang tính chất hèn nhát, bội bạc, phản trắc, ích kỷ, v.v.. Chẳng hạn, hiếp dâm con gái của kẻ thù mình để trả thù, giết người yêu đã có thai với mình sau khi đã yêu cầu phá thai mà không được chấp nhận, v.v..

- Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng:

Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng là quyết tâm thực hiện bằng được ý định phạm tội và hành vi phạm tội, mặc dù có sự can ngăn của người khác hoặc có những trở ngại khác trong quá trình thực hiện tội phạm. Cũng áp dụng tình tiết tăng nặng này, nếu mục đích của người phạm tội không đạt, nhưng chứng minh được người phạm tội đang tìm mọi cách để thực hiện được tội phạm, đạt được mục đích phạm tội của mình.

Trường hợp người phạm tội có sự lưỡng lự, không dứt khoát thực hiện tội phạm thì không áp dụng tình tiết này. Ví dụ: Mãnh có ý định trộm cắp chiếc xe máy của Hương và đã hai lần Mãnh đến nhà Hương. Tuy có điều kiện trộm cắp, nhưng lần đầu mãnh lưỡng lự sợ bị bắt, lần sau Mãnh suy nghĩ nếu lấy trộm xe của Hương thì Hương sẽ gặp khó khăn, không có xe thì không ai đưa đi học. Đến lần thứ ba thì Mãnh lấy trộm xe của Hương và đem bán. Trong trường hợp này không coi là cố tình thực hiện tội phạm đến cùng.

  • Phạm tội nhiều lần

Phạm tội nhiều lần là phạm tội từ hai lần trở lên đối với cùng một tội phạm. Phạm tội nhiều lần khác với phạm tội liên tục ở chỗ phạm tội liên tục có thể người phạm tội thực hiện hai hành vi nhưng có hành vi cấu thành tội phạm có hành vi không cấu thành tội phạm hoặc tất cả đều không cấu thành tội phạm, tuy nhiên, tổng hợp các hành vi đó thì cấu thành tội phạm. Chẳng hạn, tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật hình sự hiện hành) được tiến hành bởi hàng loạt hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình. Mỗi hành vi hành hạ không cấu thành tội phạm nhưng tổng hợp các hành vi đó thì cấu thành tội phạm.

- Tái phạm, tái phạm nguy hiểm:

+ Tái phạm (khoản 1 Điều 53) là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

+ Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm (khoản 2 Điều 53):

a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

Điểm này quy định ba tình tiết tăng nặng. Vì vậy, chỉ cần người phạm tội có một trong ba tình tiết là phạm tội nhiều lần, tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm đã đủ để sử dụng tình tiết tăng nặng này.

- Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên:

Điểm này, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định là phạm tội đối với trẻ em, người già. Bộ luật hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa hai trường hợp này để việc áp dụng không gặp lúng túng. Về tình tiết người phạm tội là “phụ nữ có thai” được xác định bằng các chứng cứ chứng minh là người phụ nữ đó đang mang thai, như: bị cáo và mọi người đều nhìn thấy được hoặc bị cáo nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai. Trong trường hợp thực tế khó nhận biết được người phụ nữ đó đang có thai hay không hoặc giữa lời khai của bị cáo và người bị hại về việc này có mâu thuẫn với nhau thì để xác định người phụ nữ đó có thai hay không phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định.

- Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác:

+ “Người không thể tự vệ được” là người do bản thân họ bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do bẩm sinh hoặc điều kiện khách quan mang lại, như: người mắc bệnh tâm thần, bại liệt, mù, câm, điếc, tàn tật, đang ngủ, v.v.. Tình trạng này phải xuất hiện lúc tội phạm được thực hiện thì mới sử dụng tình tiết tăng nặng này đối với người phạm tội.

+ “Người lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác” là người có mối quan hệ với người phạm tội, nhưng bị lệ thuộc vào người phạm tội về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác. Sự lệ thuộc của đối tượng phạm tội là do phụ thuộc vật chất, tinh thần, công tác hay các mặt khác bắt nguồn từ quan hệ cha - con, chủ - tớ, lãnh đạo - cấp dưới, v.v.. Phải xác định người phạm tội đã lợi dụng quan hệ lệ thuộc để phạm tội thì mới áp dụng tình tiết tăng nặng này. Chẳng hạn, trong trường hợp sau đây không thể áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với người lệ thuộc mình”: Tâm là thầy giáo dạy Toàn, lớp 10. Toàn có ý yêu Lan, cùng lớp, nên khi nghe thông tin thầy Tâm để ý yêu Lan, Toàn đã nhiều lần tìm cách phá. Một hôm, Toàn đến trước mặt thầy Tâm nói thẳng rằng mình đã yêu Lan và yêu cầu thầy Tâm hãy “tha” cho Lan. Quá tức giận, thầy Tâm đã tóm cổ Toàn quăng từ lầu 1 xuống đất, làm Toàn gãy tay. Hành vi phạm tội của Tâm không phải thông qua lợi dụng tình trạng lệ thuộc của nạn nhân.

Về tình tiết người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, tác giả đã phân tích trong phần các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

- Xâm phạm tài sản của Nhà nước:

Tài sản của Nhà nước là tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Xâm phạm tài sản của Nhà nước là bằng việc thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội chiếm đoạt, làm thất thoát, hư hỏng, huỷ hoại tài sản của Nhà nước.

- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng:

Không có văn bản hướng dẫn thống nhất về các tình tiết này. Như vậy, tuỳ trường hợp cụ thể, Toà án có thể cân nhắc để áp dụng.

Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001 hướng dẫn một số điều về các tội xâm phạm sở hữu thì[6]:

Để xem xét trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng và trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về nguyên tắc chung phải đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ các hậu quả (thiệt hại về tài sản, thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và các thiệt hại phi vật chất).

Nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản thì được xác định như sau:

a) Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây là gây hậu quả nghiêm trọng:

a.1) Làm chết một người;

a.2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

a.3) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

a.4) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, nếu không thuộc các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a.2 và a.3 trên đây;

a.5) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

a.6) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

b) Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây là gây hậu quả rất nghiêm trọng:

b.1) Làm chết hai người;

b.2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

b.3) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

b.4) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, nếu không thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b.2 và b.3 trên đây;

b.5) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;

b.6) Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai đến ba điểm từ điểm a.1 đến điểm a.6 tiểu mục 3.4 này.

c) Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng:

c.1) Làm chết ba người trở lên;

c.2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

c.3) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

c.4) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, nếu không thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c.2 và c.3 trên đây;

c.5) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;

c.6) Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn điểm trở lên từ điểm a.1 đến điểm a.6 tiểu mục 3.4 này;

c.7) Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai điểm trở lên từ điểm b.1 đến điểm b.6 tiểu mục 3.4 này.

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội:

Cần lưu ý, người phạm tội phải có ý thức lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội thì mới áp dụng tình tiết tăng nặng này. Ví dụ, trong đợt bão lụt ở miền Tây, lợi dụng việc chuyển hàng cứu trợ cho nhân dân, một số cán bộ đã chuyển hàng lậu.

Nếu trong những trường hợp, người phạm tội không phải lợi dụng hoàn cảnh khó khăn đó mà vì hoàn cảnh khó khăn đó mới phạm tội thì không áp dụng tình tiết tăng nặng mà trái lại có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo (phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình tự gây ra).

- Dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác trong khi phạm tội hoặc thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người:

+ Thủ đoạn xảo quyệt là dùng những mánh khoé, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho người bị hại hoặc những người khác khó lường. Chẳng hạn, A giả vờ rủ B đi lên núi chơi rồi xô B xuống núi; C rủ D đi uống rượu để nửa chừng từ giã về nhà D hiếp dâm con của D, v.v..

+ Thủ đoạn tàn ác là cách thức phạm tội độc ác, tàn nhẫn, phạm tội như loài cầm thú. Ví dụ, giết người bằng cách cho kiến, muỗi cắn, cắt từng miếng thịt, v.v..

+ Thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người là những phương tiện, thủ đoạn có khả năng gây thiệt hại cho nhiều người. Chỉ cần có khả năng gây nguy hại cho nhiều người thì có thể áp dụng tình tiết này mà không cần thực tế đã gây nguy hại cho nhiều người. Chẳng hạn, Thành muốn giết vị cha xứ nên đã đặt chất nổ tại nơi giảng đạo của cha xứ. Trong khi quét dọn, Tuyền đã làm nổ khối chất nổ và chết ngay tại chỗ. Trường hợp này dù chỉ có một người chết nhưng nếu trong buổi giảng đạo thì khả năng nguy hại cho rất nhiều người.

- Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội:

Xúi giục người chưa thành niên phạm tội là xui khiến, kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người chưa đủ 18 tuổi thực hiện tội phạm.

- Có những hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm:

Hành động xảo quyệt, hung hãn ở đây nhằm mục đích trốn tránh hoặc che giấu tội phạm chứ không phải để phạm tội. Ví dụ, một người muốn đưa hối lộ cho người khác nhưng muốn che giấu hành vi này nên đã giả vờ đến hỏi mua một cây kiểng của người này giá cao gấp 1.000 lần so với giá trị thật của nó.

Về tình tiết tăng nặng, Bộ luật hình sự năm 2015 không bổ sung tình tiết nào mới so với Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, một số nội dung được quy định cụ thể hơn, tạo điều kiện cho việc áp dụng dễ dàng. Đó là các tình tiết: phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, người đủ 70 tuổi trở lên (trước đây, quy định phạm tội đối với trẻ em, người già); xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội (trước đây quy định đối với người chưa thành niên).

 

Không được xem các tình tiết không được quy định trong luật là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đồng thời, dù người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng Toà án cũng không thể quyết định một hình phạt quá mức tối đa của khung hình phạt mà hành vi phạm tội đã thoả mãn. Ví dụ, C bị Toà án truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ (Điều 330 Bộ luật hình sự). Ban đầu, Toà án định áp dụng khoản 2 (có tình tiết định khung là “gây hậu quả nghiêm trọng” vì C có rất nhiều tình tiết tăng nặng (phạm tội trong thời gian đang chấp hành hình phạt, vì động cơ đê hèn, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng). Nhưng cuối cùng Toà án cũng chỉ có quyền tuyên C với mức án cao nhất của khung hình phạt cao nhất của khoản 1 là 3 năm tù giam (mức cao nhất của khung hình phạt tại khoản 1 Điều này).

Những tình tiết tăng nặng đã là tình tiết định tội hoặc định khung thì khi quyết định hình phạt, Toà án không được coi đó là tình tiết tăng nặng để tăng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Ví dụ, A, B, C phạm tội có tổ chức về tội buôn lậu với giá trị hàng hoá được xác định là thuộc khoản 1 Điều 188 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, do có tình tiết định khung “phạm tội có tổ chức” nên hành vi phạm tội của A, B, C được chuyển sang khoản 2 Điều 188. Khi quyết định hình phạt, Toà án không dùng tình tiết này để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với A, B, C.

Một điểm cần lưu ý, khi quyết định hình phạt, Toà án phải xem xét đồng thời cả các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự, cân nhắc mức độ ảnh hưởng của chúng đối với tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Tuyệt nhiên không được xem là chúng bù trừ lẫn nhau và coi như người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng khi họ có số tình tiết giảm nhẹ bằng với số tình tiết tăng nặng. Bởi vì, mỗi tình tiết có mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, nghĩa là mỗi tình tiết có giá trị giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự khác nhau.

Ngoài bốn căn cứ quyết định hình phạt nói trên, nhiều ý kiến trong giới nghiên cứu khoa học pháp lý còn cho rằng, có một căn cứ dù không được quy định trong luật nhưng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quyết định hình phạt, đó là ý thức pháp luật và niềm tin nội tâm của chủ thể quyết định hình phạt. Bởi vì, chúng ta thấy rằng, tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự chỉ được luật quy định một cách khái quát chứ không chỉ ra được rằng các căn cứ đó ảnh hưởng ở mức độ nào đối với hình phạt cụ thể. Các căn cứ đó phải được nhận thức và đánh giá thông qua chủ thể quyết định hình phạt dựa trên ý thức pháp luật và niềm tin nội tâm của mình. Thật ra, ý thức pháp luật và niềm tin nội tâm của chủ thể quyết định hình phạt không phải là căn cứ của quyết định hình phạt. Một mặt, nó không được quy định trong luật. Mặt khác, nó là một khái niệm hết sức trừu tượng. Tuy nhiên, nó là một đòi hỏi rất quan trọng đối với chủ thể quyết định hình phạt. Tại Sắc luật số 03-SL/76 ngày 15-3-1976 của Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời quy định: “Khi xét xử, Toà án dựa vào lương tri cách mạng. Luật hình sự hiện hành dù không quy định đây là một căn cứ quyết định hình phạt song nhà làm luật bao giờ cũng ý thức được điều này. Việc quy định tiêu chuẩn Thẩm phán cũng như những yêu cầu cần phải có ở người Hội thẩm nhân dân là một biểu hiện của việc coi trọng ý thức pháp luật và niềm tin nội tâm của chủ thể quyết định hình phạt.

Ý thức pháp luật là sự nhận thức các tư tưởng, quan điểm chính trị - xã hội, pháp lý và đạo đức thể hiện trong các quy phạm pháp luật. Ý thức pháp luật bảo đảm cho chủ thể quyết định hình phạt áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự đúng với ý nghĩa chính trị - xã hội, pháp lý và đạo đức của chúng. Việc quyết định hình phạt là sự tìm kiếm một chân lý khách quan nhằm tuyên một hình phạt đúng đắn và có hiệu quả. Vì vậy, ý thức pháp luật còn có vai trò quan trọng trong việc nhận thức và đánh giá tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự của một tội phạm cụ thể. Ý thức pháp luật bao gồm hai nội dung: (1) tư tưởng pháp luật cho phép đánh giá đúng ý nghĩa chính trị, cả mức độ nguy hiểm cho xã hội và ý nghĩa về mặt đạo đức của tội phạm. Hay nói cách khác, nó đặt một trường hợp phạm tội cụ thể trên cơ sở lợi ích của xã hội, Nhà nước và trách nhiệm của họ đối với hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện; (2) tâm lý pháp luật tạo ra khả năng đánh giá các đặc điểm của người phạm tội với tư cách là một cá nhân riêng biệt trong xã hội, tập thể hoặc một nhóm xã hội cụ thể, cân nhắc dư luận xã hội về con người đó, ứng xử của họ trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội; về lối sống, đạo đức của người đó.

Niềm tin nội tâm là niềm tin chủ quan của chủ thể quyết định hình phạt rằng sự phán quyết của mình là đúng, hợp lý và công bằng. Niềm tin nội tâm là cơ sở cho việc đánh giá chứng cứ và các tình tiết khác của vụ án, tiền đề quan trọng cho việc quyết định hình phạt. Niềm tin nội tâm bao giờ cũng định hướng cho một quan điểm, một kết luận hay một quyết định nhất định. Nó bảo đảm loại trừ mọi sự tác động của khách quan, mang lại sự tự chủ, độc lập cho chủ thể quyết định hình phạt trong khi xem xét, đánh giá các tình tiết của vụ án. Niềm tin nội tâm được xem là đúng đắn, khách quan khi nó dựa vào những căn cứ khách quan và chủ quan nhất định (dựa vào các tình tiết, chứng cứ được thu thập hợp pháp, đánh giá chúng theo quy định của pháp luật, dựa vào việc xem xét, đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ và khách quan tất cả các tình tiết, chứng cứ của vụ án, dựa vào ý thức pháp luật, không chủ quan, duy ý chí).

IV. QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT

1. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng (Điều 54 Bộ luật hình sự)

Khi quy định chế tài đối với hành vi phạm tội, nhà làm luật đã cân nhắc sao cho chúng tương ứng với tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm trong từng trường hợp cụ thể với từng loại và khung hình phạt giúp Toà án có thể thực hiện được nguyên tắc cá thể hoá hình phạt. Tuy nhiên, thực tiễn của các trường hợp phạm tội rất đa dạng. Trong nhiều trường hợp, khi Toà án đã áp dụng một loại hình phạt nhẹ nhất và mức hình phạt tối thiểu mà xem ra vẫn còn nặng đối với người phạm tội về tội phạm mà người đó đã thực hiện. Trên tinh thần nhân đạo, các nhà làm luật đã cho phép khả năng quyết định một hình phạt thấp hơn hình phạt mà điều luật đã khống chế dành cho trường hợp phạm tội đó. Cụ thể có các trường hợp sau:

- Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.

Trong trường hợp này, người phạm tội thoả mãn khung hình phạt tăng nặng của một tội mà điều luật quy định nhiều khung hình phạt, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề của điều luật với điều kiện người phạm tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên được quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự. Chẳng hạn, Yến phạm tội trộm cắp tài sản có giá trị 250 triệu đồng. Tội phạm được quy định tại khoản 3 Điều 170 Bộ luật hình sự với mức hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Tuy nhiên, do Yến có 2 tình tiết giảm nhẹ nên Toà án quyết định áp dụng mức hình phạt tù là 5 năm đối với hành vi phạm tội của Yến (mức phạt này thuộc khoản 2 Điều 170, là khung hình phạt liền kề với khung hình phạt mà Yến lẽ ra phải bị áp dụng).

Nội dung này đã từng được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm băn khoăn không biết 2 tình tiết giảm nhẹ này có cần nằm ở khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985 hay không, hoặc 1 tình tiết tại khoản 1, 1 tình tiết tại khoản 2 Điều 38 hay cả 2 tình tiết có thể thuộc Điều 38. Với lý do đó, Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định bắt buộc 2 tình tiết giảm nhẹ phải thuộc khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 vì cho rằng chỉ có như vậy thì người phạm tội mới đáng được áp dụng hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật. Bộ luật hình sự năm 2015 đã kế thừa nội dung tiến bộ này.

- Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

Để áp dụng điều luật này, người phạm tội cần thỏa mãn các điều kiện sau:

+ Lần đầu phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức;[7]

+ Hành vi giúp sức phải không đáng kể trong đồng phạm. Nếu là đồng phạm giúp sức nhưng tích cực thì cũng không được áp dụng nội dung này. Cho nên, khi muốn áp dụng điều luật này, Tòa án cần phải xem xét vai trò đồng phạm của người giúp sức. Chỉ khi vai trò này được thể hiện không đáng kể trong đồng phạm thì người giúp sức mới được quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định mà không cần khống chế trong khung hình phạt liền kề.

Với quy định này, Tòa án có thể tùy tiện trong áp dụng vì đã được trao quyền quá lớn là xem xét vai trò giúp sức của người phạm tội có “đáng kể” hay không. Giúp sức có “đáng kể” hay không là một biểu hiện khách quan của vụ án nhưng qua lăng kính của Thẩm phán, có thể nó được áp dụng không thống nhất. Vì thế, để tránh tùy tiện, cần có hướng dẫn thống nhất thế nào là giúp sức “không đáng kể” trong đồng phạm.

Một vấn đề đặt ra nữa là, khi người giúp sức có vai trò không đáng kể thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà không cần bị khống chế trong khung hình phạt liền kề. Vậy, khi người giúp sức có vai trò đáng kể thì có thể được áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà khống chế phải thuộc khung hình phạt liền kề không? Có thể hiểu với quy định trên, điều này không xảy ra. Tuy nhiên, theo chúng tôi, Bộ luật hình sự nên có quy định này để có thể tạo nên sự công bằng cho những người giúp sức trong đồng phạm. Vai trò giúp sức là vai trò thứ yếu trong đồng phạm, chỉ hỗ trợ một phần cho người thực hành thực hiện tội phạm, tăng tính nguy hiểm lên một ít. Bởi vậy, cho dù sự giúp sức đó là đáng kể thì cũng không thể chịu mức hình phạt trong khung mà Tòa án đã truy cứu đối với người thực hành mà có thể dưới mức thấp nhất của khung mà các đồng phạm khác bị truy cứu.

- Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 54 nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.

 

 

 

Ví dụ, Dũng phạm tội loạn luân (Điều 184). Tội này chỉ có một khung hình phạt với mức phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Dũng có 2 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 nên Toà án chuyển sang áp dụng 2 năm cải tạo không giam giữ đối với hành vi phạm tội của Dũng. Đây là hình phạt nhẹ hơn liền kề trong hệ thống hình phạt. Trong trường hợp này, Toà án vẫn còn một khả năng nữa để sử dụng là áp dụng mức phạt tù dưới 1 năm tù (nhưng không dưới 3 tháng) đối với hành vi phạm tội của Dũng.

Quy định của Điều 47 Bộ luật hình sự hiện hành là một phần sửa đổi, bổ sung từ khoản 3 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985. Theo đó, điều luật đã quy định rõ “nhiều tình tiết giảm nhẹ là ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46” và khi “quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất mà điều luật đã quy định” thì phải “trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Trường hợp thứ hai, nếu “điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Những điểm sửa đổi, bổ sung này là hết sức cần thiết nhằm tránh những quan điểm giải thích không phù hợp với mong muốn của các nhà làm luật, tránh tuỳ tiện khi vận dụng các quy định này. Bộ luật hình sự năm 2015 kế thừa hoàn toàn nội dung này. Trước kia, khi nghiên cứu quy định này của Bộ luật hình sự năm 1985, nhiều quan điểm cho rằng, “nhiều tình tiết giảm nhẹ” là có từ hai tình tiết trở lên nhưng chỉ cần một tình tiết được luật quy định là đủ và hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt cũng không cần phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Về vấn đề quyết định hình phạt nhẹ hơn mà điều luật đã quy định cũng không cần điều kiện là khung hình phạt mà điều luật đã quy định là khung hình phạt nhẹ nhất hay điều luật chỉ có một khung hình phạt. Từ những cách hiểu sai lệch ấy đã khiến nhiều Tòa án trong quá trình xét xử vì vô tình hay hữu ý đã vận dụng quy định này một cách tuỳ tiện, không thống nhất.

Lưu ý:

- Khi quyết định chuyển sang áp dụng một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn có thể mâu thuẫn với điều kiện áp dụng loại hình phạt đó. Một số quan điểm cho rằng, khi đó cần phải tuân thủ điều kiện áp dụng loại hình phạt đó. Ví dụ, A phạm tội nghiêm trọng thì dù muốn áp dụng hình phạt nhẹ hơn cho A cũng không thể nào áp dụng hình phạt cảnh cáo vì hình phạt cảnh cáo chỉ cho phép áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, khi đã cho phép áp dụng hình phạt khác nhẹ hơn so với quy định của Bộ luật hình sự thì phải chấp nhận luôn ngoại lệ về điều kiện áp dụng loại hình phạt đó. Ví dụ, trường hợp của A có thể cho phép áp dụng hình phạt cảnh cáo dù A phạm tội nghiêm trọng. Có như thế thì hiệu quả của quy định về quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật hình sự đạt được.

- Quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật hình sự (Điều 54) không áp dụng đối với hình phạt bổ sung, vì đối với hình phạt bổ sung không thể có nhiều khung hình phạt, không có khung hình phạt nhẹ nhất, không có hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.

2. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt (Điều 57 Bộ luật hình sự)

Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc, căn cứ quyết định hình phạt nói chung, Toà án còn phải căn cứ vào những quy định tại Điều 14, 15 Bộ luật hình sự và những điều luật có liên quan đến hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Trước hết, Toà án cần căn cứ vào điều luật quy định về tội phạm tương ứng mà bị cáo định thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt. Điều này đòi hỏi các Toà án khi xét xử phải ghi rõ vào bản án là hình phạt được áp dụng đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt về tội phạm gì cùng với việc viện dẫn Điều 14, 15 Bộ luật hình sự.

Căn cứ thứ hai mà Toà án cần phải xem xét là tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt được quyết định bởi những yếu tố khách quan và chủ quan nhất định. Nó có thể là khách thể, đối tượng, phương pháp thực hiện hành vi, các đặc điểm nhân thân bị cáo, v.v..

Một số tình tiết khác rất khó xác định đòi hỏi cần được đánh giá đúng đắn khi quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt là sự quyết tâm và mức độ thực hiện ý định phạm tội. Để có sự đánh giá chính xác những tình tiết này, Toà án cần có sự nhận thức và cân nhắc trong mối quan hệ biện chứng những hành vi được biểu hiện và những nguyên nhân khách quan khiến cho tội phạm dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị hoặc chưa đạt. Nếu ở hành vi chuẩn bị phạm tội thì đang ở giai đoạn nào, mới bắt đầu hay đã chuẩn bị xong, ý chí đối với việc chuẩn bị như thế nào. Đối với hành vi phạm tội chưa đạt thì xem đó là chưa đạt chưa hoàn thành hay đã hoàn thành, bởi vì, chưa đạt chưa hoàn thành thì hậu quả dự kiến lớn hơn do đó tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi cũng cao hơn. Nhìn chung, người phạm tội càng tiến gần đến mục đích (hậu quả) phạm tội thì tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi càng cao, thể hiện sự quyết tâm và mức độ thực hiện ý định phạm tội cao độ. Do đó, trong những điều kiện tương ứng với cùng một tội phạm cụ thể, hành vi phạm tội chưa đạt bao giờ cũng nguy hiểm hơn hành vi chuẩn bị phạm tội, hành vi phạm tội chưa đạt đã hoàn thành nguy hiểm hơn chưa đạt chưa hoàn thành. Hình phạt đối với chúng cũng cần phải tương xứng với tính nguy hiểm cho xã hội của từng trường hợp cụ thể.

Về mức hình phạt cụ thể, khoản 2 Điều 57 Bộ luật hình sự hiện hành còn quy định: Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể. Nghĩa là, tùy vào trường hợp cụ thể, cân nhắc tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi chuẩn bị phạm tội, mức độ thực hiện được ý định phạm tội, Tòa án có thể quyết định mức hình phạt trong phạm vi mà điều luật đó cho phép, như là trường hợp phạm tội hoàn thành. Đối với mỗi tội phạm mà Bộ luật hình sự cho phép áp truy cứu hành vi chuẩn bị phạm tội, nhà làm luật cung cấp khung hình phạt đối với người chuẩn bị phạm tội. Ví dụ, người chuẩn bị phạm tội giết người có thể bị xử phạt từ 1 đến 5 năm tù (khoản 3 Điều 123). Tòa án có thể dựa vào khung hình phạt đó để quyết định mức hình phạt sao cho phù hợp với tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi chuẩn bị phạm tội.

Khoản 3 Điều 57 Bộ luật hình sự hiện hành quy định: Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định..

Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 1999 là điểm sửa đổi, bổ sung so với khoản 3 Điều 15 Bộ luật hình sự năm 1985. Xét ở khía cạnh kỹ thuật lập pháp, đây là một điểm sửa đổi, bổ sung hợp lý vì Điều 52 quy định quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt cần được xếp vào chương quyết định hình phạt để dễ dàng trong việc nhận thức. Ngoài ra, so với quy định trước đây tại Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 52 cũng được nhà làm luật bổ sung một số quy định về mức phạt tối đa bị khống chế khi quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (thấp hơn so với hình phạt quy định cho người phạm tội hoàn thành). Điều này thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta là có thái độ ít nghiêm khắc đối với những trường hợp này, vì dù sao trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt cũng không thể nguy hiểm bằng tội phạm hoàn thành (cùng một hành vi phạm tội). Những điểm tiến bộ này, Bộ luật hình sự năm 2015 đã kế thừa, trừ trường hợp sai sót khi quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội.

So với quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2015 đã giảm nhẹ mức hình phạt trong trường hợp tội phạm mà người phạm tội chưa đạt định phạm có mức cao nhất là tù chung thân, tử hình. Nếu như Bộ luật hình sự năm 1999 cho phép Tòa án áp dụng khi người phạm tội chưa đạt thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì Bộ luật hình sự năm 2015 không cho phép điều này dù việc phạm tội chưa đạt rơi vào trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

3. Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm (Điều 58 Bộ luật hình sự)

Đồng phạm là trường hợp hai hoặc nhiều người cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm, ngoài việc tuân thủ những vấn đề có tính nguyên tắc của việc quyết định hình phạt, Toà án cần phải dựa vào Điều 17 Bộ luật hình sự và ghi các căn cứ đó vào bản án. Xuất phát từ những cơ sở thực tiễn rằng, trong những điều kiện tương ứng, tội phạm do nhiều người thực hiện bao giờ cũng nguy hiểm hơn tội phạm do một người thực hiện, đòi hỏi Toà án phải xem xét đến tính chất của đồng phạm (đồng phạm đơn giản, phức tạp hay phạm tội có tổ chức). Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội do đồng phạm quyết định tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của từng người tham gia trong đồng phạm và có ảnh hưởng nhất định đến việc quyết định hình phạt đối với từng cá nhân. Nghiên cứu tính chất và mức độ tham gia của từng người trong đồng phạm có vai trò rất quan trọng trong việc cá thể hoá hình phạt. Tính chất tham gia của cá nhân trong đồng phạm được quyết định bởi vai trò và chức năng của họ trong đồng phạm (người tổ chức, xúi giục, thực hành hay giúp sức). Mức độ tham gia của từng cá nhân trong đồng phạm quyết định bởi tính chất của hành vi và mức độ tích cực tham gia thực hiện hành vi phạm tội (sự tích cực, nỗ lực, quan tâm, động cơ, mục đích, phương pháp thực hiện hành vi phạm tội, v.v..). Hai đặc tính trên của từng cá nhân trong đồng phạm cho phép chúng ta tránh được sự máy móc trong khi đánh giá các căn cứ để quyết định hình phạt. Chẳng hạn, lúc nào cũng là người thực hành phải nguy hiểm hơn người xúi giục, hay người tổ chức là nguy hiểm hơn cả trong số những người đồng phạm.

Một vấn đề mà Toà án cần quan tâm khi quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm là các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự và nhân thân người phạm tội của từng người trong đồng phạm. Tức là, tất cả những tình tiết có ảnh hưởng đến việc giảm hoặc tăng mức hình phạt của người nào thì chỉ cân nhắc và áp dụng với người đó. Điều này thể hiện tư tưởng cá thể hoá hình phạt sâu sắc khi quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm.

 

4. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 55 Bộ luật hình sự)

Phạm nhiều tội là trường hợp một người thực hiện một hoặc một số hành vi cấu thành những tội phạm khác nhau được Bộ luật hình sự quy định. Trong thực tế xét xử thường gặp những trường hợp sau đây:

- Bị cáo thực hiện nhiều hành vi, mỗi hành vi cấu thành một tội phạm và nhằm vào mục đích khác nhau, không có quan hệ hữu cơ với nhau thì xử về nhiều tội.

- Bị cáo thực hiện nhiều hành vi, mỗi hành vi cấu thành một tội phạm cụ thể nhưng nhằm vào một mục đích thì:

+ Nếu tất cả những tội phạm đó đều là tội nghiêm trọng trở lên thì xử về nhiều tội;

+ Nếu có tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và có tội phạm ít nghiêm trọng thì chỉ xét xử những tội phạm nghiêm trọng trở lên, những hành vi khác được xem xét để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo.

- Bị cáo có một hành vi phạm tội nhưng cấu thành nhiều tội phạm khác nhau thì tuỳ trường hợp có thể xử về nhiều tội hoặc một tội. Ví dụ, một cán bộ cao cấp B của Việt Nam sang Canađa công tác nhưng hết thời hạn mà không về và đã có hành vi chống lại Chính phủ Việt Nam. B có thể bị truy tố về “tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” (Điều 121) và “tội đào nhiệm” (Điều 363 Bộ luật hình sự).

Khi xác định được hành vi bị cáo thuộc trường hợp phạm nhiều tội, căn cứ vào những quy định quyết định hình phạt, Toà án quyết định hình phạt (chính và bổ sung) đối với từng tội phạm cụ thể và sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định của Điều 55 Bộ luật hình sự, cụ thể như sau:

- Đối với hình phạt chính:

+ Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung, hình phạt chung không được vượt quá ba năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, ba mươi năm đối với hình phạt tù có thời hạn.

+ Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành một ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 55 Bộ luật hình sự.

+ Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân.

+ Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình.

+ Hình phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác mà các khoản tiền được cộng lại thành hình phạt chung.

+ Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác.

- Đối với hình phạt bổ sung:

+ Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật hình sự quy định đối với các loại hình phạt đó, riêng đối với các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung.

+ Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.

Như vậy, so với Bộ luật hình sự năm 1985, Bộ luật hình sự năm 1999 đã nâng mức hình phạt tù trong trường hợp tổng hợp hoặc hình phạt là 30 năm (thay vì 20 năm như trước đây). Đây là một trong số ít điểm bổ sung của Bộ luật hình sự năm 1999 nhằm mang lại sự bất lợi cho người bị kết án. Tuy nhiên, vì sự công bằng và hiệu quả của hình phạt mà các nhà lập pháp hình sự nước ta đã sửa đổi sau nhiều lần kiến nghị của những người làm công tác xét xử và nghiên cứu pháp luật hình sự. Bộ luật hình sự năm 2015 không có điểm sửa đổi gì mới so với Bộ luật hình sự năm 1999 về nội dung này.

Có thể rút các phương pháp tổng hợp hình phạt (chính) trong trường hợp phạm nhiều tội như sau:

a) Phương pháp thu hút:

Phương pháp này áp dụng trong trường hợp trong số các loại hình phạt đã tuyên có hình phạt tử hình hoặc tù chung thân hoặc cả hai thì lấy hình phạt cao nhất làm hình phạt chung (ngoại trừ hình phạt tiền). Ví dụ, F phạm tội giết người và tội tham ô tài sản. Toà án tuyên phạt F tội giết người là tù chung thân và tội tham ô tài sản là 5 năm tù. Như vậy, mức hình phạt chung mà F phải chấp hành là tù chung thân.

b) Phương pháp cộng hình phạt:

b1) Cộng hình phạt cùng loại:

Ví dụ, A phạm n tội, hình phạt được quyết định như sau:

- Trước tiên, Toà án quyết định hình phạt cho từng tội:

+ Tội 1: H1;

+ Tội 2: H2;

+ Tội n: Hn

- Sau đó, tổng hợp hình phạt:

H(t) = H1+H2+Hn.

Trong đó:

- H1 là hình phạt của tội 1;

- H2 là hình phạt của tội 2;

- Hn là hình phạt của tội thứ n;

- H(t) là hình phạt chung (hình phạt được tổng hợp).

* Nếu H(t) nhỏ hơn hoặc bằng mức tối đa mà luật quy định đối với loại hình phạt đó[8] (gọi là max) thì mức hình phạt chung là H(t)[9].

Ví dụ, H(t) = 20 năm tù thì lấy mức này làm mức hình phạt chung sau khi tổng hợp.

* Nếu H(t) lớn hơn mức tối đa mà luật quy định đối với loại hình phạt đó thì mức hình phạt chung là mức tối đa của loại hình phạt đó[10].

Ví dụ, H(t) = 31 năm tù thì hình phạt chung là 30 năm tù.

b1) Cộng hình phạt khác loại:

Trong hệ thống hình phạt chính, nếu các hình phạt được quyết định là khác loại thì chỉ có thể xảy ra trường hợp cùng tồn tại hai hình phạt cùng một lúc là tù có thời hạn và cải tạo không giam giữ[11]. Trong trường hợp này, hình phạt cải tạo không giam giữ được đổi sang hình phạt tù (chỉ có một chiều) theo tỷ lệ 3 ngày cải tạo không giam giữ bằng 1 ngày tù và tổng hợp hình phạt theo quy định chung.

      Đối với hình phạt bổ sung, có hai phương án:

- Toà án quyết định một hoặc một số hình phạt bổ sung chung trong giới hạn loại hình phạt đó cho tất cả các tội phạm;

- Toà án quyết định hình phạt bổ sung riêng cho từng tội phạm.

Trong cả hai trường hợp, người bị kết án phải chấp hành một lúc nhiều hình phạt bổ sung mà không có sự tổng hợp.

 5. Quyết định hình phạt trong trường hợp có nhiều bản án (Điều 56 Bộ luật hình sự)

Có nhiều bản án theo pháp luật hình sự Việt Nam là nhiều bản án hình sự, xảy ra trong hai trường hợp sau (Điều 56 Bộ luật hình sự):

a) Một người đang phải chấp hành một bản án mà bị xét xử về một tội phạm đã thực hiện trước khi có bản án này:

Ví dụ, năm 2016, Tí phạm tội trộm cắp tài sản và bị phạt 3 năm cải tạo không giam giữ. Đang trong thời gian chấp hành hình phạt, Tí bị phát hiện đã từng phạm tội cướp giật tài sản vào năm 2014.

Trong trường hợp này, Toà án quyết định hình phạt đối với tội phạm đang bị xét xử (tội thực hiện trước), sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 Bộ luật hình sự hiện hành. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.

Như vậy, việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp này tuân thủ quy định của Điều 55 về tổng hợp hình phạt, nghĩa là vẫn có thể xảy ra hai trường hợp là thu hút hoặc cộng hình phạt. Đối với trường hợp thu hút thì không có gì để bàn vì hình phạt chung là tù chung thân hoặc tử hình. Do đó, điều luật quy định “thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung” chỉ xảy ra đối với trường hợp cộng hình phạt.

Có thể mô tả công thức cộng hình phạt trong trường hợp này như sau:

H(t1) = H(tt) + H(đang ch), (với điều kiện H(t1) < hoặc = max)

H(pch) = H(t1) - H(đã ch)

Trong đó:

- H(t1) là hình phạt tổng hợp trong trường hợp đang chấp hành hình phạt mà bị xét xử về tội đã thực hiện trước;

- H(tt) là hình phạt của tội thực hiện trước khi có bản án đang chấp hành;

- H(đang ch) là hình phạt đang chấp hành;

- H(đã ch) là hình phạt đã chấp hành;

- H(pch) là hình phạt còn lại phải tiếp tục chấp hành.

b) Một người đang chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới:

Ví dụ, năm 2013, Phụng phạm tội cố ý gây thương tích và bị phạt tù. Đang chấp hành hình phạt, Phụng đã trốn khỏi nơi giam giữ (phạm tội mới).

Trong trường hợp này, Toà án quyết định hình phạt đối với tội phạm mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 Bộ luật hình sự hiện hành.

Tương tự trường hợp trên, có thể mô tả công thức tổng hợp hình phạt đối với trường hợp này như sau:

H(t2) = H(tm) + H(đang ch) - H(đã ch), (với điều kiện H(t2) < hoặc = max)

H(pch) = H(t2)

Trong đó:

- H(t2) là hình phạt tổng hợp trong trường hợp đang chấp hành hình phạt mà phạm tội mới;

- H(tm) là hình phạt của tội mới;

- H(đang ch) là hình phạt đang chấp hành;

- H(đã ch) là hình phạt đã chấp hành;

- H(pch) là hình phạt còn lại phải tiếp tục chấp hành.

Nếu một người đang chấp hành một bản án lại phạm từ hai tội trở lên (phạm nhiều tội) thì Toà án tiến hành quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, sau đó tổng hợp hình phạt theo trường hợp có nhiều bản án.

Thoạt tiên, chúng ta thấy hai trường hợp trên việc tổng hợp sẽ mang lại một kết quả, sao lại chia ra hai trường hợp. Tuy nhiên, hai trường hợp này là khác nhau. Điều đó xảy ra khi H(1), H(2) lớn hơn giá trị max. Ví dụ, cho H(đang ch) là 20 năm tù, H(tt) bằng với H(tm) là 20 năm tù, H(đã ch) là 10 năm tù. Khi thế các giá trị này vào công thức, ta được:

H(1) = H(tt) + H(đang ch) = 20 + 20, (với điều kiện H(1) < hoặc = 30).

Như vậy, H(1) = 30 năm tù và hình phạt còn lại phải chấp hành là:

H(pch) = H(1) - H(đã ch) = 30 - 10 = 20 năm tù.

H(2) = H(tm) + H(đang ch) - H(đã ch) = 20 + 20 - 10, (với điều kiện H(2) < hoặc = 30).

H(pch) = H(2) = 30 năm tù.

Chúng ta thấy rằng, hình phạt còn phải chấp hành trong hai trường hợp trên là khác nhau. Người đang chấp hành hình phạt mà phạm tội mới rõ ràng là bất lợi hơn người đang chấp hành hình phạt mà bị xét xử về tội đã thực hiện trước đó. Điều này xuất phát từ quan điểm cho rằng, người đang chấp hành hình phạt mà phạm tội mới thể hiện tính nguy hiểm cao hơn trường hợp còn lại vì đang chấp hành mà còn bất chấp pháp luật, phạm tội mới. Trong khi trường hợp còn lại, một người dù phạm tội nhưng chưa bị xét xử, nay lại phạm tội tiếp tục thì tính nguy hiểm có hạn chế hơn. Nhìn chung, cả hai đều thể hiện tính nguy hiểm cao trong khi thực hiện tội phạm.

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Nêu khái niệm quyết định hình phạt.

2. Phân tích các nguyên tắc quyết định hình phạt.

3. Nêu các căn cứ quyết định hình phạt.

4. Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật là như thế nào?

5. Phân tích nội dung quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và đồng phạm.

6. Phân tích nội dung quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội.

7. Quyết định hình phạt trong trường hợp có nhiều bản án là gì?

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Bộ luật hình sự năm 1999, 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, 2016.

2.  Đinh Văn Quế: Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (Phần chung), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.

3.   Đinh Văn Quế: Tội phạm và hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, 2001.

4.   Đinh Văn Quế: Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

5.  Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04-8-2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần chung của Bộ luật hình sự năm 1999 (mục 5).

6.  Nghị quyết số 01/2006/NQ- HĐTP ngày 12 – 5- 2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự (mục 1, và mục 2).

7.   Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.

8.   Trường Đại học Luật Hà Nội: Trách nhiệm hình sự và hình phạt, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2001.

9.   Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp lý: Hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

10. Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật: Tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hình sự, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994.

11. Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung),
Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.
 

[1]. Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (tập 1), Sđd, tr.255; Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Sđd, tr.399; Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật: Tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hình sự, Sđd, tr.219; v.v..

[2]. Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Sđd, tr.402; Đinh Văn Quế: Tội phạm và Hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, Sđd, tr.282, v.v..

[3]. Xem Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[4] Mức cần thiết có thể được đánh giá thông qua nội dung đã được phân tích trong bài Những tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự của Quyển này (TG).

[5]. Xem Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10-6-2002 về việc giải đáp các vấn đề về nghiệp vụ.

[6]. Ngoài văn bản hướng dẫn này, tội phạm trong một số lĩnh vực khác cũng được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, như: Thông tư liên ngành số 09/1996/TTLN/TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 10-10-1996 hướng dẫn áp dụng Điều 96a và Điều 203 Bộ luật hình sự năm 1985; Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25-9-2001 về việc hướng dẫn áp dụng các quy định tại chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự năm 1999; Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP ngày 11-8-2003 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XXIII “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của Bộ luật hình sự năm 1999; Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08-3-2007 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (TG).

[7] Về vai trò giúp sức, có thể tham khảo thêm bài Đồng phạm của quyển này.

[8]. Max: mức cao nhất của hình phạt tù có thời hạn là 30 năm, cải tạo không giam giữ là 3 năm, mức phạt tiền không giới hạn tối đa trong trường hợp tổng hợp hình phạt (TG).

[9]. Lý luận luật hình sự gọi đây là cộng toàn phần (TG).

[10]. Lý luận luật hình sự gọi đây là cộng một phần (vì một phần vượt mức phải bỏ đi) (TG).

[11]. Bởi vì nếu có hình phạt tù chung thân, tử hình thì sử dụng phương pháp thu hút, cảnh cáo và trục xuất không có gì để tổng hợp với hình phạt khác, hình phạt tiền không tổng hợp với hình phạt khác (TG).

 

BÀI 16

CÁC BIỆN PHÁP THA MIỄN TRONG
LUẬT HÌNH SỰ

I. KHÁI NIỆM CÁC BIỆN PHÁP THA MIỄN

Các biện pháp tha miễn trong pháp luật hình sự là các quy phạm (chế định) mang tính chất nhân đạo, phản ánh sự khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội và được cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền áp dụng trong những trường hợp khi có đầy đủ các căn cứ và điều kiện theo quy định của pháp luật hình sự[1].

Với khái niệm này, các biện pháp tha miễn được hiểu như sau:

- Các biện pháp tha miễn trong pháp luật hình sự là những quy phạm (chế định) mang tính nhân đạo ghi nhận trong Phần chung hoặc phần các tội phạm Bộ luật hình sự, thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ các quyền của con người bằng pháp luật hình sự. Các biện pháp tha miễn được Bộ luật hình sự quy định thành từng chế định. Mỗi chế định bao gồm một hoặc một số quy phạm pháp luật, chứa đựng một biện pháp tha miễn cụ thể. Các chế định tha miễn luôn mang tính nhân đạo vì nội dung của chúng luôn theo hướng có lợi đối với người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội.

- Các biện pháp tha miễn trong pháp luật hình sự phản ánh sự khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Các biện pháp tha miễn bao giờ cũng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong việc cải tạo, giáo dục chủ thể phạm tội, tạo điều kiện để họ tự ăn năn, hối cải, trở thành chủ thể lương thiện, sống có ích cho xã hội, sớm tái hoà nhập cộng đồng.

- Các biện pháp tha miễn trong pháp luật hình sự phải do cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền áp dụng đối với người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Tuỳ từng giai đoạn tố tụng khác nhau mà các biện pháp này có thể được áp dụng bởi cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp tha miễn phải được tiến hành theo một trình tự thủ tục tố tụng chặt chẽ được pháp luật tố tụng hình sự quy định.

- Các biện pháp tha miễn trong pháp luật hình sự chỉ được phép sử dụng khi có đầy đủ các căn cứ và điều kiện được pháp luật hình sự quy định.

Các biện pháp tha miễn trong pháp luật hình sự Việt Nam cụ thể bao gồm: (1) thời hiệu trong luật hình sự, (2) miễn trách nhiệm hình sự, (3) miễn hình phạt, (4) án treo, (5) miễn chấp hành hình phạt, (6) giảm mức hình phạt đã tuyên, (7) hoãn chấp hành hình phạt, (8) tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, (9) tha tù trước hạn, (10) xoá án tích.

II. THỜI HIỆU TRONG LUẬT HÌNH SỰ

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27 Bộ luật hình sự)

a) Khái niệm:

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình nữa.

Xuất phát từ nguyên tắc xử lý: “Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật” (Điều 3 Bộ luật hình sự), thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình và phối hợp chặt chẽ với nhau để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật các hành vi phạm tội xảy ra. Tuy nhiên, trong thực tế cũng có một số trường hợp do thiếu sót của các cơ quan tiến hành tố tụng, có một số hành vi phạm tội không bị phát hiện hoặc bị bỏ quên không truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu trong một thời gian dài, người phạm tội đã làm ăn lương thiện, không phạm tội mới, không trốn tránh pháp luật và có lệnh truy nã thì cơ quan tố tụng không có quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của họ nữa.

Ở góc độ khác, người phạm tội hoặc pháp nhân sau khi phạm tội đã biết ăn năn hối cải, dù không bị xử lý nhưng đã tự cải tạo trở thành người tốt, hoặc ít ra là không tiếp tục phạm tội, không có thái độ lẩn trốn khi cơ quan tố tụng truy nã. Như vậy, không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự họ nữa. Bởi vì, việc truy cứu trách nhiệm hình sự lúc này không bảo đảm được mục đích mà có thể dẫn đến mục đích ngược lại.

Như vậy, trong trường hợp này, có hành vi tội phạm xảy ra trên thực tế và người thực hiện tội phạm có trách nhiệm hình sự. Khi đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, các cơ quan tố tụng hình sự quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho anh ta trên cơ sở duy nhất là “hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự”. Mặc dù trong Bộ luật hình sự không quy định đây là một dạng miễn trách nhiệm hình sự nhưng thực tiễn áp dụng luôn thừa nhận như vậy và bản chất của nó cũng nói lên điều đó. Nhiều nhà nghiên cứu luật hình sự cũng đồng ý quan điểm này[2].

b) Điều kiện để người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do hết thời hiệu:

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự do luật định, phụ thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm đã thực hiện. Theo Điều 27 Bộ luật hình sự hiện hành thì không truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tính từ ngày tội phạm được thực hiện đã qua những thời hạn sau đây:

- 5 năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng;

- 10 năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;

- 15 năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;

- 20 năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Các thời điểm nói trên được tính từ thời điểm thực hiện tội phạm. Thời điểm phạm tội được xác định là thời điểm mà người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội. Việc xác định thời điểm phạm tội của một người thực hiện một tội phạm thông thường rất đơn giản. Tuy nhiên, trong trường hợp hành vi phạm tội được thực hiện ở dạng đặc biệt (như tội kéo dài, tội liên tục) thì việc xác định thời điểm phạm tội có phần phức tạp hơn. Bởi vì, với dạng đặc biệt, tội phạm không phải được thực hiện trong một khoản thời gian vài giờ hay trong cùng một ngày mà có khả năng diễn ra trong vài tháng hoặc vài năm. Trong trường hợp này, thời điểm phạm tội được xác định là thời điểm mà người phạm tội chấm dứt thực hiện tội phạm trên thực tế (thời điểm tội phạm kết thúc) hoặc là thời điểm kẻ phạm tội thực hiện hành vi cuối cùng.

Một vấn đề đặt ra nữa đối với việc xác định thời điểm phạm tội trong một vụ đồng phạm. Thời điểm phạm tội của những người trong đồng phạm được xác định cụ thể theo vai trò của những người trong đồng phạm. Chẳng hạn, người xúi giục bao giờ cũng kết thúc hành vi xúi giục của mình trước người thực hành. Vì thế, sau khi người xúi giục thực hiện xong hành vi xúi giục của mình, thời điểm phạm tội lập tức được áp dụng đối với anh ta mà không cần đợi người thực hành kết thúc hành vi phạm tội[3].

Đối với pháp nhân, thời điểm phạm tội được tính là thời điểm của người nhân danh pháp nhân thực hiện tội phạm.

Nếu thời hiệu trên đã qua mà cơ quan có trách nhiệm vì một lý do nào đó không biết hoặc bỏ qua thì người phạm tội hoặc pháp nhân phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đã phạm.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự ngắn dài tùy thuộc vào tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, do đó nó được xác định theo loại phạm tội mà người phạm tội đã thực hiện. Việc phân loại tội phạm thành bốn loại truyền thống là dựa trên tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, căn cứ để xác định là mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy. Vấn đề sẽ không nảy sinh khi Bộ luật hình sự chỉ thừa nhận trách nhiệm hình sự của cá nhân. Khi Bộ luật hình sự truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thì vấn đề trở nên phức tạp. Bởi vì, các hình phạt đối với pháp nhân không có hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy, mặc nhiên tội phạm mà pháp nhân thực hiện chỉ có thể là tội phạm ít nghiêm trọng. Do đó, mặc nhiên người ta cũng hiểu rằng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân luôn là 5 năm kể từ thời điểm phạm tội đối với mọi hành vi phạm tội. Thực tế này sẽ tạo nên sự bất hợp lý trong áp dụng luật hình sự theo yêu cầu của nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự. Vấn đề chỉ có thể được giải quyết khi chúng ta hoàn thiện chế định phân loại tội phạm (xem phần phân tích ở bài Tội phạm của sách này).

 

c) Các trường hợp tính lại thời hiệu:

Theo khoản 3 Điều 27 Bộ luật hình sự hiện hành, nếu sau khi phạm tội, dù không bị phát hiện, nhưng:

- Người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.

Ví dụ, ngày 01-01-2001, Phương phạm tội nhưng không bị phát hiện. Đến ngày 02-02-2004, Phương lại phạm tội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 1 năm tù thì thời hiệu của cả hai tội mà Phương đã thực hiện sẽ được bắt đầu tính kể từ ngày 02-02-2004.

- Hoặc, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu mới tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Cần phải lưu ý, chỉ khi nào sau khi phạm tội, người phạm tội đã trốn tránh và có quyết định truy nã đối với họ thì thời hiệu mới không được tính. Nếu họ có trốn tránh nhưng cơ quan công an không ra quyết định truy nã thì thời hiệu vẫn được tính đối với họ. Việc quy định này là cần thiết nhằm bảo đảm cho chế định thời hiệu có tác dụng tích cực, khuyến khích người phạm tội muốn được hưởng thời hiệu thì phải hối cải, tự cải tạo, giáo dục, có lối sống bình thường trong một thời gian dài trong xã hội.

Một vấn đề đặt ra là có phải thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được áp dụng đối với cả các tội phạm đã hoàn thành và các tội phạm chưa hoàn thành. Điều này đúng. Mặc dù Bộ luật hình sự không đề cập đến điều này, nhưng thực tế cả tội phạm hoàn thành và tội phạm chưa hoàn thành đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên thời hiệu đương nhiên sẽ áp dụng cho cả hai. Nếu vậy, việc Bộ luật hình sự không quy định thời hạn (trong thời hiệu) khác nhau giữa tội phạm hoàn thành và tội phạm chưa hoàn thành xem ra chưa hợp lý. Theo quy định của Bộ luật hình sự, các chế tài quy định trong phần các tội phạm Bộ luật hình sự là dành cho các tội phạm hoàn thành. Khi tội phạm chưa hoàn thành, mức chế tài sẽ thấp hơn (theo Điều 57 Bộ luật hình sự). Như vậy, không có lý do gì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như nhau đối với cả tội phạm hoàn thành và tội phạm chưa hoàn thành. Thiếu sót này nhà làm luật nên nghiên cứu để hoàn thiện Bộ luật hình sự.

d) Không áp dụng thời hiệu:

Do tính chất đặc biệt nguy hiểm cho xã hội của các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XIII) và các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (Chương XXVI) nên Điều 28 Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành quy định: đối với các tội phạm tại hai chương đó không được áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 27 của Bộ luật này.

Đặc biệt, Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung những trường hợp không áp dụng thời hiệu đối với một số tội phạm có tính chất tham nhũng, đó là: Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này. Cụ thể:

- Tham ô chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên.

- Tham ô gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng trở lên.

- Tham ô gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Tham ô dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

- Nhận hối lộ mà của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên.

- Nhận hối lộ gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng trở lên.

Đây là những điểm bổ sung thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đang tuyên chiến với nạn tham nhũng khi mà nó đang hoành hành khiến cho lòng tin nhân dân bị sụt giảm nghiêm trọng đối với cả hệ thống chính trị. Động thái này phần nào củng cố lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta khi các tội phạm trên bị xếp ngang với các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phá hoại hòa bình, tội chống loài người, tội phạm chiến tranh.

Việc Bộ luật hình sự không quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội là một thiếu sót lớn. Về nguyên tắc, pháp nhân thương mại cũng phạm tội như cá nhân. Nếu sau khi pháp nhân thương mại phạm tội mà các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền không kịp thời xử lý thì họ vẫn có quyền được hưởng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Tội phạm mà pháp nhân thương mại thực hiện cũng được phân loại rõ ràng nên việc quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là không khó. Chỉ cần bổ sung vào quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nội dung pháp nhân thương mại thì có thể áp dụng quy định này đối với pháp nhân thương mại tương ứng với các loại tội phạm mà họ đã thực hiện. Vấn đề này nên được nhà làm luật lưu ý.

 

2. Thời hiệu thi hành bản án hình sự (Điều 60 Bộ luật hình sự)

a) Khái niệm:

Về nguyên tắc, mọi hình phạt sau khi đã tuyên bằng bản án có hiệu lực phải được thi hành một cách nghiêm chỉnh. Dù vậy, thực tế có những bản án vì những nguyên nhân nhất định (Toà án quên ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án quên thi hành án, bản án bị thất lạc, v.v.) nên nó không được thi hành. Trong suốt thời gian chờ thi hành án, người bị áp dụng hình phạt vẫn chờ đợi để được thi hành và tự mình cải tạo trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội, không phạm tội mới, không có ý thức lẩn tránh pháp luật thì không cần buộc người bị áp dụng hình phạt phải chấp hành hình phạt nữa. Ở phương diện thứ hai, để bảo đảm mục đích, hình phạt phải được áp dụng chẳng những phải tương xứng với tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà còn phải được thi hành đúng lúc. Đứng ở góc độ các cơ quan thi hành án, dù được Nhà nước trao quyền có thể dùng các biện pháp cưỡng chế cần thiết để bảo đảm thi hành hình phạt nhưng nếu thiếu trách nhiệm dẫn đến người bị kết án phải chờ đợi mà không được thi hành thì không còn quyền buộc người bị kết án thi hành nữa. Trên các cơ sở đó, Điều 60 Bộ luật hình sự hiện hành quy định: “Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên”.

Cho đến nay, cả về mặt lập pháp, lý luận và thực tiễn đều chưa có sự xác nhận chính thức việc không buộc một người chấp hành bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật là miễn chấp hành bản án hay miễn chấp hành hình phạt. Một người phải chấp hành bản án khi đó là bản án kết tội có kèm theo hình phạt. Nếu bản án không có hình phạt thì về mặt hình sự, người bị kết án không có gì để chấp hành. Nếu bản án hình sự bao gồm cả phần bồi thường dân sự thì phần dân sự sẽ áp dụng thời hiệu thi hành bản án dân sự. Cho nên, có thể khẳng định, việc không buộc một người phải chấp hành bản án hình sự do hết thời hiệu thực chất là không buộc họ phải chấp hành hình phạt đã tuyên đối với họ. Điều này đồng nghĩa với việc miễn chấp hành hình phạt cho người bị kết án. Tuy nhiên, đây là một dạng miễn chấp hành hình phạt một cách đương nhiên, không giống các trường hợp miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều 62 Bộ luật hình sự hiện hành, là các trường hợp cần phải có sự xem xét, đánh giá và quyết định của Toà án.

Quan điểm xem việc không buộc một người phải chấp hành bản án đã tuyên đối với mình là miễn chấp hành hình phạt đã từng được thừa nhận trong thực tiễn xét xử ở nước ta. Thông tư liên ngành số 04/TTLN-TANDTC-VKSNDTC-BNV-BTP ngày 26-12-1986 về việc hướng dẫn áp dụng thời hiệu thi hành bản án hình sự, có đoạn nêu: đối với người phạm tội, chỉ bị xử phạt 5 năm tù trở xuống mà vì bệnh tật, sinh đẻ hoặc hoàn cảnh khó khăn, được tạm hoãn thi hành án nhiều lần, thời gian tạm hoãn đã bằng thời hiệu thi hành bản án và trong thời gian đó họ không phạm tội mới, không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì Toà án quyết định miễn chấp hành hình phạt tù.

Về bản chất, thời hiệu thi hành bản án quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự là thời hiệu thi hành bản án hình sự về quyết định hình phạt. Bởi vậy, đối với các quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí và các quyết định khác về tài sản thì việc xác định thời hiệu thi hành bản án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt (sau đây gọi là Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP).

b) Điều kiện để người bị kết án được miễn chấp hành án theo thời hiệu:

Khoản 2, 3 Điều 60 Bộ luật hình sự hiện hành quy định, người bị kết án không bị buộc phải chấp hành bản án đã tuyên đối với mình khi đã qua các thời gian sau đây:

- 5 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ ba năm trở xuống.

- 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên ba năm đến mười lăm năm.

- 15 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên mười lăm năm đến ba mươi năm.

- 20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.

- Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân là 5 năm.

Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Các bản án có hiệu lực pháp luật bao gồm:

+ Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do luật định (kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, kháng cáo: 15 ngày kể từ ngày tuyên án, hoặc niêm yết công khai; 30 ngày nếu là Viện kiểm sát cấp trên);

+ Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay;

+ Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực ngay;

+ Quyết định tái thẩm có hiệu lực ngay.

Theo Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP cần lưu ý một số trường hợp sau đây:

- Trường hợp trong bản án có tổng hợp hình phạt của nhiều tội thì căn cứ mức hình phạt để tính thời hiệu thi hành bản án hình sự là hình phạt chung của hình phạt chính nặng nhất.

Ví dụ: Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 10/2007/HSPT ngày 15-3-2007, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo H và giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 15/2006/HSST ngày 20-12-2006 của Toà án nhân dân tỉnh T; tuyên bố bị cáo H phạm tội giết người, cố ý gây thương tích và cho vay lãi nặng; áp dụng khoản 2 Điều 93, khoản 1 Điều 104, khoản 1 Điều 163 và khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo H 12 năm tù về tội giết người, 2 năm tù về tội cố ý gây thương tích, 20 triệu đồng về tội cho vay lãi nặng; tổng hợp hình phạt buộc bị cáo H phải chấp hành hình phạt chung là 14 năm tù và 20 triệu đồng... Trong trường hợp này căn cứ mức hình phạt để tính thời hiệu thi hành Bản án hình sự phúc thẩm số 10/2007/HSPT nêu trên là hình phạt chung của hình phạt tù (14 năm tù). Như vậy theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 55 Bộ luật hình sự thì thời hiệu thi hành bản án phúc thẩm này là mười năm.

- Trường hợp trong bản án có nhiều người bị kết án thì căn cứ vào mức hình phạt đối với từng người cụ thể để tính thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với họ.

- Trường hợp trong bản án có tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, thì căn cứ vào mức hình phạt trong mỗi bản án cụ thể để tính thời hiệu thi hành mỗi bản án hình sự cụ thể đó mà không phải căn cứ vào mức tổng hợp hình phạt chung.

- Trường hợp người bị kết án phạt tù được hoãn (tạm đình chỉ) chấp hành hình phạt tù và khi hết thời hạn hoãn (tạm đình chỉ) chấp hành hình phạt tù mà Chánh án Toà án đã cho hoãn (tạm đình chỉ) chấp hành hình phạt tù không ra quyết định thi hành án hình phạt tù theo quy định tại khoản 2 Điều 261 hoặc quyết định thi hành án phạt tù đối với phần hình phạt tù còn lại theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 262 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 hoặc có ra quyết định thi hành án phạt tù, nhưng người bị kết án không trốn tránh, thì cũng được hưởng thời hiệu thi hành bản án. Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính kể từ ngày hết thời hạn hoãn (tạm đình chỉ) chấp hành hình phạt tù và căn cứ vào mức hình phạt tù còn lại mà người bị kết án chưa chấp hành.

Bộ luật hình sự không quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, nhưng có quy định thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân. Tuy nhiên, việc Bộ luật hình sự quy định thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân là 5 năm cho tất cả  các bản án, mức thời hạn thấp nhất của thời hiệu thi hành bản án hình sự là sự bất hợp lý trên yêu cầu của nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự. Trong khi nếu cá nhân bị kết án, thời hiệu thi hành bản án có thể từ 5, 10, 15, 20 năm thì pháp nhân chỉ có thời hạn là 5 năm. Các tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự có mức định tính và định lượng như nhau về tính nguy hiểm, quy định cho cá nhân lẫn pháp nhân phạm tội. Cũng với tội phạm đó, nếu là cá nhân phạm phải, bị kết án thì thời hiệu có thể từ 5 năm đến 20 năm, trong khi đó, đối với pháp nhân phạm tội đó, bị kết án thì thời hiệu chỉ là 5 năm. Hướng hoàn thiện quy định này là nhà làm luật cần xem xét từng loại hình phạt đối với pháp nhân với mức độ khác nhau để quy đồng với các loại hình phạt dành cho cá nhân, từ đó có thể quy định sao cho thời hạn có mức tương đồng giống nhau giữa cá nhân và pháp nhân, tránh chỉ quy định thời hiệu dành cho pháp nhân có một mức độ. Có như thế thì nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự mới được bảo đảm.

 

c) Tính lại thời hiệu thi hành bản án hình sự:

Theo khoản 4 Điều 60 Bộ luật hình sự, thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính lại như sau:

- Nếu sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án lại phạm tội mới thì thời hiệu được tính kể từ ngày phạm tội mới.

Ví dụ, bản án tuyên đối với Hùng có hiệu lực ngày 03-3-2004. Bản án này vì lý do nào đó mà chưa được thi hành nhưng không có lỗi của Hùng. Ngày 04-4-2005, Hùng phạm tội mới. Như vậy, thời hiệu thi hành bản án của bản án đã tuyên đối với Hùng bắt đầu tính lại từ ngày 04-4-2005. Đây cũng là thời điểm tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của tội phạm mà Hùng thực hiện vào ngày 04-4-2005. Còn thời hiệu thi hành bản án của tội mới do Hùng thực hiện sẽ được tính từ ngày bản án của tội mới có hiệu lực pháp luật.

- Nếu sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì không được tính vào thời hiệu. Thời hiệu sẽ tính kể từ ngày người này ra trình diện hoặc bị bắt giữ. Tương tự như thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án đã trốn tránh và cơ quan Công an đã ra quyết định truy nã anh ta về việc trốn tránh đó thì thời hiệu mới không được tính và thời hiệu sẽ được tính lại kể từ ngày người này ra trình diện hoặc bị bắt giữ. “Cố tình trốn tránh” là cố tình giấu địa chỉ, ẩn náu, thay đổi họ tên, hình dạng... làm cho cơ quan có thẩm quyền thi hành án không biết họ ở đâu hoặc không phát hiện được. Nếu người bị kết án có trốn tránh nhưng không bị truy nã hoặc có ra quyết định truy nã, nhưng không đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (trừ những việc không thể thực hiện được, như phải dán ảnh kèm theo, nhưng không có ảnh) thì thời hiệu vẫn áp dụng đối với anh ta.

Ví dụ, Nguyễn Minh Thiện bị truy tố về tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông. Trong quá trình chuẩn bị xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã ra quyết định bắt Thiện để bảo đảm việc xét xử, nhưng Thiện đã trốn khỏi địa phương nên Công an không bắt được Thiện. Toà án đã xét xử vắng mặt bị cáo và tại bản án số 62/HSST ngày 7-7-1999, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã xử phạt Thiện 3 năm tù.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã ra quyết định thi hành án đối với Thiện nhưng vẫn không bắt được Thiện để thi hành án cho đến hết 5 năm. Trong trường hợp này, Thiện sẽ không bị buộc phải chấp hành bản án này nữa vì đã hết thời hiệu.

Theo nguyên tắc, thời hiệu thi hành bản án không được áp dụng đối với những bản án được tạm hoãn chấp hành. Trường hợp này, sau khi hết thời gian tạm hoãn, người bị kết án lại chấp hành bản án, thời gian tạm hoãn không được tính vào thời hiệu. Dù vậy, trong thực tiễn thi hành án, nếu người bị kết án được hoãn thi hành án nhiều lần vì lý do sức khoẻ mà sau thời gian đó, người bị kết án không phạm tội mới, không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, nếu tổng thời gian tạm hoãn bằng thời hiệu thi hành bản án thì Toà án có thể ra quyết định miễn chấp hành án cho họ (Thông tư liên ngành
số 04/TTLN-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 26-12-1986 về việc hướng dẫn áp dụng thời hiệu thi hành bản án hình sự).

Nói tóm lại, thời gian chậm thi hành bản án mà không do lỗi của người bị kết án thì thời gian đó sẽ được tính vào thời hiệu. Miễn chấp hành hình phạt khi đã hết thời hiệu do Toà án quyết định.

d) Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án hình sự:

Điều 61 Bộ luật hình sự hiện hành còn quy định, đối với các bản án kết tội về các tội phạm quy định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXVI (các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) của Bộ luật này sẽ không được áp dụng thời hiệu.

Ngoài ra, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 còn bổ sung hai trường hợp không áp dụng thời hiệu thi hành bản án là: những người bị kết tội tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353, khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này (tương tự thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự).

Theo khoản 4 Điều 55 Bộ luật hình sự năm 1999: “Việc áp dụng thời hiệu đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình, sau khi đã qua thời hạn mười lăm năm, do Chánh án Toà án nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong trường hợp không cho áp dụng thời hiệu thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân, tù chung thân được chuyển thành tù ba mươi năm”. Như vậy, Chánh án Toà án nhân dân tối cao sẽ có toàn quyền quyết định có áp dụng hay không thời hiệu đối với bản án tù chung thân hoặc tử hình theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Việc quy định giao cho Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét việc áp dụng thời hiệu đối với các bản án tù chung thân hoặc tử hình (khoản 4 Điều 55 Bộ luật hình sự), cũng có thể được chấp nhận. Tuy nhiên, luật không quy định rõ cơ sở để xem xét và quyết định rằng có áp dụng thời hiệu hay không. Ngoài ra, luật cũng không quy định thời hạn xem xét này là bao lâu. Mặt khác, việc đồng nhất về chính sách xử lý về vấn đề thời hiệu đối với hai loại hình phạt tù chung thân và tử hình, theo tác giả, là chưa hợp lý vì hai loại hình phạt này có nội dung, hậu quả pháp lý rất khác nhau. Vì vậy, chúng ta cần có chính sách xử lý chúng theo hai hướng khác nhau. Theo yêu cầu đó, Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định hẳn thời hiệu thi hành bản án tù chung thân hoặc tử hình giống như các bản án khác chứ không giao cho Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét và quyết định. Dĩ nhiên, thời hiệu của các bản án tử hình sẽ dài hơn các bản án khác. Theo đó, thời hiệu đối với bản án tù chung thân hoặc tử hình là hai mươi năm. Đây là điểm sửa đổi kịp thời nhằm hoàn thiện chế định thời hiệu thi hành bản án hình sự mà Bộ luật hình sự năm 2015 đã đạt được.

III. MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ, MIỄN HÌNH PHẠT

1. Miễn trách nhiệm hình sự

a) Khái niệm:

Để quy định một hành vi nào đó là tội phạm, nhà làm luật bao giờ cũng xuất phát từ việc xem xét hành vi đó đã nguy hiểm như thế nào cho xã hội và cũng chỉ có những hành vi thật sự nguy hiểm cho giai cấp thống trị, cho xã hội mới được Nhà nước quy định là tội phạm. Như vậy, nhà làm luật đã lấy tính nguy hiểm cho xã hội làm tiêu chuẩn xác định những hành vi cần thiết phải quy định là tội phạm phải được xử lý bằng các biện pháp hình sự. Từ nguyên lý trên, có thể nhận xét các chế định của pháp luật hình sự được xây dựng và áp dụng trong sự chi phối có tính chất quyết định bởi tính nguy hiểm cho xã hội là thuộc tính tất yếu của tội phạm. Nó quyết định cho việc xác định tội phạm xảy ra hay không, bởi lẽ, tội phạm là hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Trách nhiệm hình sự là một dạng của trách nhiệm pháp lý do người phạm tội phải chịu trước Nhà nước. Trách nhiệm hình sự được thể hiện qua việc người phạm tội bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế hình sự khác nhau như bị truy tố, khởi tố, điều tra, các biện pháp tư pháp, hình phạt. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải tất cả các tội phạm cũng như các trường hợp phạm tội đều giống nhau. Có tội phạm ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Có người phạm tội này và người phạm tội kia. Chính vì vậy, để cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm đạt kết quả cao, cùng với việc phân loại tội phạm, luật hình sự đồng thời cũng phân hoá các trường hợp phạm tội. Sự phân hoá thể hiện ở đường lối xử lý đối với người phạm tội. Người phạm tội lần đầu khác với người tái phạm, tái phạm nguy hiểm, người phạm tội ít nghiêm trọng khác với người phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, người có công trong việc giúp đỡ các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như trong việc khắc phục hậu quả của tội phạm gây ra khác với người phạm tội với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, v.v.. Ngoài ra, sự phân hoá người phạm tội và các trường hợp phạm tội trong luật hình sự còn thể hiện ở chỗ không phải tất cả người phạm tội, tất cả các trường hợp phạm tội đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi có những điều kiện, căn cứ nhất định, một người đã phạm tội nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự, được miễn trách nhiệm hình sự.

Vấn đề này đã được pháp luật hình sự Việt Nam xưa nay và pháp luật hình sự của các nước trên thế giới thừa nhận xuất phát từ tính tích cực của nó. Điều 18 Chương Danh lệ của Quốc triều Hình luật quy định: “Phàm phạm tội chưa bị phát giác mà tự thú trước thì được tha tội. Phạm tội nhẹ đã bị phát giác mà lại thú cả tội nặng nữa, nhân hỏi về tội đương xét mà thú thêm các tội khác nữa thì được tha cả mọi tội. Điều 20 quy định: “Phàm làm việc có sai sót mà biết tự thú thì được miễn tội.... Bộ hình luật của chế độ Sài Gòn năm 1972 tuy không quy định khái quát những trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt nhưng trong một số điều (Điều 78, 79, 80, v.v..) đã thể hiện được rằng, đối với hành vi phạm tội trong nội bộ gia đình “thuộc trực hệ” thì được “đặc miễn” và nếu can phạm tố cáo rõ với “nhà chức trách” về tội phạm mình tham gia thì có thể được miễn hình phạt.

Luật hình sự của hầu hết các nước trên thế giới cũng thừa nhận trường hợp này. Bộ luật hình sự Thuỵ Điển có quy định, Toà án có thể miễn hình phạt cho bị cáo nếu xét thấy việc áp dụng hình phạt là không “hợp lý” (Điều 6 Chương 29). Bộ luật hình sự Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa cũng quy định có thể giảm hoặc miễn hình phạt cho bị cáo nếu bị cáo biết “tự thú và lập công chuộc tội” (Điều 3 Chương IV). Bộ luật hình sự Liên bang Nga (1996) quy định rất rõ về vấn đề này tại Chương XI và XII. Theo đó, người tự thú, người tự hoà giải với bị hại, do tình hình chuyển biến mà tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội không còn thì được miễn trách nhiệm hình sự. Người phạm tội mắc bệnh sẽ được miễn hình phạt. Theo pháp luật hình sự Vương quốc Anh, có bốn dạng miễn trách nhiệm hình sự là: Người phạm tội đã chết, người bị hại đã hoà giải với người phạm tội; người phạm tội đã được ân xá và hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Miễn trách nhiệm hình sự là chế định quan trọng trong pháp luật hình sự Việt Nam, nó thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta. Áp dụng chế định này đối với người phạm tội khi có đủ các điều kiện luật định tạo cho họ khả năng và điều kiện tự cải tạo, giáo dục đồng thời động viên, lôi kéo quần chúng nhân dân tham gia vào công việc giáo dục, quản lý người phạm tội.

Miễn trách nhiệm hình sự là không buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm mà người đó đã thực hiện.

Miễn trách nhiệm hình sự hoàn toàn khác với trường hợp không có trách nhiệm hình sự. Người được miễn trách nhiệm hình sự tức là người đã phạm một tội được quy định trong Bộ luật hình sự nhưng được miễn trách nhiệm hình sự. Còn người không có trách nhiệm hình sự là người mà hành vi của họ không nguy hiểm hoặc hành vi của họ tuy nguy hiểm nhưng mức độ nguy hiểm không lớn hoặc tính nguy hiểm lớn nhưng đã được loại trừ nên không coi là tội phạm. Miễn trách nhiệm hình sự có một số đặc điểm sau:

- Miễn trách nhiệm hình sự là sự phản ánh rõ nét nhất nguyên tắc nhân đạo của chính sách hình sự nói chung và luật hình sự nói riêng trong một Nhà nước.

- Miễn trách nhiệm hình sự, hay nói cách khác là sự xoá bỏ hoàn toàn hậu quả pháp lý của việc thực hiện một tội phạm chỉ có thể được đặt ra đối với người nào là chủ thể của chính tội phạm ấy, mà lẽ ra nếu không có đủ căn cứ để được miễn trách nhiệm hình sự thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

Tuy trong pháp luật hình sự không quy định nhưng thực tiễn cho thấy người được miễn trách nhiệm hình sự tuy không phải chịu các hậu quả pháp lý hình sự của hành vi phạm tội do mình thực hiện (như: không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không phải chịu hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế về hình sự khác và không bị coi là có án tích), nhưng căn cứ vào các tình tiết cụ thể của vụ án vẫn có thể phải chịu một hoặc nhiều biện pháp tác động về mặt pháp lý thuộc các ngành luật tương ứng khác. Ví dụ, các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; buộc phải phục hồi lại tình trạng ban đầu, buộc bồi thường thiệt hại, v.v., theo quy định của pháp luật dân sự; phạt tiền, cảnh cáo hoặc buộc thôi việc theo quy định của pháp luật hành chính; đình chỉ hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc biện pháp kỷ luật.

- Phụ thuộc vào giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng cụ thể, miễn trách nhiệm hình sự chỉ được thực hiện bởi một cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền nhất định (cơ quan Điều tra với sự phê chuẩn của Viện kiểm sát hoặc Toà án) khi có đủ căn cứ (hoặc bắt buộc hoặc tuỳ nghi) do pháp luật hình sự quy định.

b) Các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự cụ thể:

b1) Miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của phần chung Bộ luật hình sự:

Điều 29 Bộ luật hình sự hiện hành quy định:

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi có quyết định đại xá.

2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”

Theo quy định trên, chúng ta có thể chia ra các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự sau đây:

- Các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự mặc định (bắt buộc)

+ Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa:

Tình tiết này được hiểu là tội phạm đã được thực hiện trong một điều kiện, hoàn cảnh khác so với điều kiện, hoàn cảnh vào thời điểm điều tra, truy tố, xét xử. Chính sự thay đổi đó đã làm cho hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội.

Tội phạm là một hiện tượng xã hội nên nó cũng có tính lịch sử, vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội do yêu cầu của xã hội và các quy định của pháp luật thì hành vi đó phải cần xử lý bằng biện pháp hình sự, nhưng sau đó khi các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện chức năng của mình để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội thì tình hình xã hội đã thay đổi, Nhà nước thấy không cần phải xử lý người có hành vi phạm tội trước đó bằng biện pháp hình sự nữa, sự chuyển biến của tình hình là sự chuyển biến của tất cả các mặt của đời sống xã hội như: chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, v.v.. Do chuyển biến tình hình nên Nhà nước đã thay đổi chính sách, pháp luật và thừa nhận hành vi phạm tội trước đó, bây giờ không còn là tội phạm nữa.

Căn cứ để xác định hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể như những quy định của Nhà nước có liên quan đến hành vi phạm tội, các quy định này nhất thiết phải bằng văn bản có tính pháp quy, bao gồm: Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, quyết định của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của các bộ hoặc các cơ quan ngang bộ và trong một số trường hợp có thể là Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc của Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, nếu các quyết định này không trái với Hiến pháp và pháp luật.

Ví dụ, năm 2014, Trần Văn Minh phạm tội kinh doanh trái phép và bị bắt để điều tra. Tuy nhiên, do thời gian xét xử Minh kéo dài đến khi Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực mà Bộ luật hình sự năm 2015 lại xóa bỏ tội kinh doanh trái phép nên Minh được miễn trách nhiệm hình sự về tội này.

Về căn cứ này, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: do chuyển biến của tình hình mà tội phạm không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Quy định như vậy không rõ ràng vì “chuyển biến của tình hình” không được xác định dựa theo tiêu chí nào. Thấy được thiếu sót đó, Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định rõ rằng phải có sự thay đổi chính sách, pháp luật mới có thể làm căn cứ xác định hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Dĩ nhiên, sự thay đổi chính sách, pháp luật ở đây cũng dựa trên sự thay đổi của tình hình (điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị…).

Một vấn đề đặt ra trong quy định này khiến nó chưa được hoàn hảo, đó là kết quả của sự thay đổi chính sách, pháp luật lại làm cho tội phạm không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Khi Bộ luật hình sự quy định “sự thay đổi của tình hình khiến cho tội phạm không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” thì nghe hợp lý. Tuy nhiên, nếu sự thay đổi chính sách, pháp luật mà “khiến cho tội phạm không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” thì lại không chính xác. Bởi vì, bản thân chính sách, pháp luật không phải là nhân tố tác động để làm cho tội phạm không còn nguy hiểm nữa mà phải xuất phát từ “tình hình”. Yếu tố chính sách, pháp luật không có khả năng làm cho tội phạm không còn nguy hiểm mà chỉ là sự ghi nhận sự “không còn nguy hiểm” của hành vi phạm tội trước đó. Cho nên, về mặt câu từ, nếu sử dụng cụm từ “sự thay đổi của chính sách, pháp luật” thì kết quả kéo theo phải là “hành vi phạm tội không còn bị coi là tội phạm nữa”. Có như vậy mới phù hợp với bản chất của vấn đề, chính xác về mặt từ ngữ.

+ Khi có quyết định đại xá:

Đại xá là sự ân huệ lớn nhất mà Quốc hội ban cho người phạm tội nhất định không phải chịu tội. Khi có quyết định đại xá thì những người thuộc diện đại xá nếu chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ không bị truy cứu nữa; nếu đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang chấp hành hình phạt tù, thì được đình chỉ tố tụng, được trả tự do.

Bằng dạng miễn trách nhiệm hình sự này, lần đầu tiên nhà làm luật Việt Nam không chỉ khẳng định dứt khoát đại xá là một chế định hình sự, mà còn thể hiện rõ nguyên tắc nhân đạo của chính sách hình sự nói chung (và của pháp luật hình sự nói riêng) trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Như vậy, quyết định đại xá là văn bản pháp luật hình sự của cơ quan lập pháp trong một Nhà nước đối với riêng một phạm vi không nhất định những người bị coi là có lỗi trong việc thực hiện tội phạm và có thể được tuyên bố nhân dịp có sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước. Nhưng trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay mới chỉ có hai lần Nhà nước ta tuyên bố đại xá cho một số tội phạm đã được thực hiện.

Khi Nhà nước quyết định đại xá cho phạm vi một số người không nhất định nào đó hoặc đối với một số loại tội phạm nhất định nào đó, thì có nghĩa là:

+ Trước khi có văn bản đại xá, phạm vi một số người ấy (hoặc loại hành vi ấy) vẫn còn bị coi là nguy hiểm cho xã hội vì họ đã thực hiện loại hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm và do vậy họ có trách nhiệm hình sự;

+ Nhưng khi có văn bản đại xá, thì nhà làm luật đã phi tội phạm hoá loại hành vi mà họ đã thực hiện, loại trừ loại hành vi ấy ra khỏi Bộ luật hình sự và không quy định biện pháp cưỡng chế về hình sự đối với việc thực hiện chúng, nên việc người thực hiện hành vi ấy được miễn trách nhiệm hình sự là hoàn toàn hợp lý.

+ Bằng văn bản đại xá, những người bị coi là có lỗi trong việc thực hiện tội phạm được miễn trách nhiệm hình sự không có nghĩa là hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm mà những người này thực hiện nhất thiết phải không bị coi là tội phạm, mà cần phải nhận thức thống nhất rằng: hành vi ấy có thể không phải là tội phạm (hoặc có thể vẫn là tội phạm), nhưng do nguyên tắc nhân đạo như đã nêu trên những người đó được xem xét để hưởng sự khoan hồng là được miễn trách nhiệm hình sự.

+ Người được miễn trách nhiệm hình sự trên cơ sở văn bản đại xá của Nhà nước tức là: người đó không phải chịu toàn bộ hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm và điều này thể hiện bằng một loạt các biện pháp tha miễn ở các giai đoạn khác nhau của việc thực hiện trách nhiệm hình sự. Chẳng hạn, nếu như người phạm tội đang bị điều tra, truy tố hoặc xét xử, thì được miễn trách nhiệm hình sự; sau khi bị tuyên hình phạt hay biện pháp cưỡng chế về hình sự khác, thì được miễn chấp hành hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế về hình sự khác ấy; đang phải chấp hành hình phạt, thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại chưa chấp hành, giảm thời hạn chấp hành phần hình phạt còn lại; và cuối cùng, sau khi đã chấp hành xong hình phạt hay các quyết định khác của Toà án, thì được xoá án tích.

Cho tới nay, trong các cuốn tự điển thuật ngữ luật học bằng tiếng Việt ở nước ta chưa có định nghĩa đại xá. Trong cuốn tự điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2000, khái niệm đại xá được giải thích theo hai nghĩa: 1) Tha tội hoàn toàn; 2) Tha tội cho một loại người phạm pháp đã hoặc chưa bị truy tố, xét xử. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định tám căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự trong đó có căn cứ “Tội phạm đã được đại xá” (khoản 6 Điều 157). Như vậy, giữa định nghĩa từ đại xá trong Từ điển và khái niệm đại xá trong luật có nội dung khác nhau. Theo Từ điển thì đại xá là việc tha cho người phạm tội, còn trong luật tố tụng hình sự thì đại xá là việc bỏ, loại trừ tội phạm (khỏi Bộ luật hình sự). Khái niệm đại xá được hiểu theo cách quy định của Bộ luật tố tụng hình sự có phần đúng hơn, hợp lý hơn. Xuất phát từ nguyên tắc pháp chế của luật hình sự thể hiện trong Điều 1 Bộ luật hình sự năm 2015 (Tội phạm và hình phạt chỉ được quy định trong Bộ luật hình sự) nên ở nước ta hiện nay duy nhất chỉ có Quốc hội có thẩm quyền ra quyết định đại xá. Quyết định đại xá của Quốc hội thể hiện dưới hình thức là một Nghị quyết của Quốc hội, một đạo luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự) hoặc một phần nội dung của Bộ luật hình sự mới thay thế cho Bộ luật hình sự cũ.

Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 1 Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 là một căn cứ cũ đã từng được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, với căn cứ này, Bộ luật hình sự năm 2015 cho phép miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội một cách bắt buộc chứ không phải tùy nghi như quy định của Bộ luật hình sự năm 1999.

Cần phân biệt đại xá với đặc xá. Đặc xá là miễn toàn bộ hay một phần hình phạt đối với một hoặc một số người bị kết án. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, chỉ có Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới có quyền ra quyết định đặc xá. Ở nước ta, đặc xá được Chủ tịch nước quyết định vào các dịp kỷ niệm giải phóng hoàn toàn miền Nam 30-4 hoặc Quốc khánh 2-9.

- Những trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự tùy nghi (Tòa án có thể xem xét để cho miễn trách nhiệm hình sự hoặc không):

+ Do sự chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa:

Do sự chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa phải được hiểu rằng bản thân người phạm tội không có sự biến đổi nào, khi phạm tội họ là người như thế nào thì nay vẫn như vậy nhưng do tình hình xã hội thay đổi nên họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, chính là do tình hình thay đổi chứ không phải do nỗ lực của bản thân họ. Ví dụ, trong thời kỳ chiến tranh do nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, nên huy động cả người có hành vi phạm tội nhưng chưa bị xử lý vào các đơn vị phục vụ chiến đấu như cứu thương, tải đạn. Do tình hình này mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa nên họ được các cơ quan tiến hành tố tụng miễn trách nhiệm hình sự để họ thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho. Trong điều kiện đất nước không còn chiến tranh, nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu có thể không thường xuyên xảy ra nhưng như vậy không có nghĩa là việc sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu bị lơ là. Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đất nước ta còn thường xuyên xảy ra thiên tai (bão lụt, hoả hoạn, v.v.) việc huy động sức người, sức của cũng đòi hỏi phải cấp thiết với tinh thần chống thiên tai như chống địch hoạ. Những người tuy đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng vì tình hình lũ lụt xảy ra, họ được huy động thực hiện nhiệm vụ cứu người, cứu của, nên việc miễn trách nhiệm hình sự đối với họ không chỉ nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ cấp bách và với tình hình xã hội thay đổi, họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Có thể hiểu do chuyển biến của tình hình thì bản thân người phạm tội không phải đã hết nguy hiểm nhưng do nhu cầu của tình hình đối với người phạm tội mà sự nguy hiểm đó được loại trừ. Sự loại trừ này được tính toán dựa trên tính nguy hiểm cho xã hội mà người phạm tội đã gây ra với những đóng góp do bản thân người phạm tội cho xã hội trong tình hình cụ thể đó.

Cũng được coi là do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa trong trường hợp người phạm tội thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt mà thiếu họ thì nhiệm vụ đó khó hoàn thành nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã miễn trách nhiệm hình sự để họ nhận nhiệm vụ đặc biệt đó.

Đây là một căn cứ rất khó để xác định. Bởi vậy, trong thực tiễn, các cơ quan tiến hành tố tụng rất ít áp dụng trường hợp này để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.

Cũng có ý kiến cho rằng, khi phạm tội họ là người nguy hiểm cho xã hội, nhưng sau đó họ trở thành người tốt, có ích cho xã hội và xã hội rất cần họ thì nên coi là do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa để miễn trách nhiệm hình sự cho họ, như vậy theo ý kiến này thì tình hình chuyển biến ở đây lại chính là sự biến đổi cá nhân của người phạm tội chứ không phải là tình hình của xã hội.

Ví dụ, một cán bộ phạm tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa nhưng trong quá trình điều tra vụ án người cán bộ này đã có một sáng kiến lớn trong sản xuất đem lại hiệu quả cao làm lợi cho Nhà nước hàng tỷ đồng.

Cách đặt vấn đề theo quan điểm này rõ ràng là không phân biệt tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đồng thời đồng nhất giữa yếu tố khách quan với yếu tố chủ quan (sự nỗ lực của con người, sự ăn năn hối cải sau khi phạm tội, cũng như hành vi lập công chuộc tội, v.v.). Chính do không nắm chắc yếu tố này nên trong thực tiễn có nhiều người lầm tưởng sự nỗ lực của bản thân người phạm tội nên họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và đã miễn trách nhiệm hình sự cho họ.

            + Người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa:

            Hiện nay, danh sách các loại bệnh hiểm nghèo chưa được hướng dẫn một cách thống nhất từ Bộ Y tế. Bởi vậy, khái niệm và phạm vi của bệnh hiểm nghèo được hiểu tùy theo lĩnh vực áp dụng.

Theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 76/2003/NĐ-CP quy định hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế coi là bệnh hiểm nghèo.

Trong khi đó, điểm đ khoản 2 Phần II Hướng dẫn 211/HĐTVĐX ngày 4/6/2010 của Hội đồng tư vấn đặc xá quy định, người mắc bệnh hiểm nghèo là người mắc một trong các bệnh sau: ung thư, bại liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng; suy tim độ III hoặc suy thận độ IV trở lên; nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có những nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu.

            Các công ty bảo hiểm thì đưa ra danh mục các loại bệnh hiểm nghèo được hưởng bảo hiểm như sau:

1. Ung thư; 2. Nhồi máu cơ tim lần đầu; 3. Đột quỵ; 4. Mất thính lực; 5. Bại liệt; 6. Hôn mê; 7. Bệnh cơ tim; 8. Bỏng nặng; 9. Suy thận; 10. Suy gan; 11. Ghép cơ quan; 12. Thiếu máu bất sản; 13. Mù hai mắt; 14. Bệnh phổi; 15. Liệt hai chi; 16. Mất hai chi; 17. Bệnh xơ cứng rải rác; 18. Bệnh Parkinson; 19. Bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ; 20. U não lành tính; 21. Tăng áp lực động mạch phổi; 22. Phẫu thuật thay van tim; 23. Bệnh rối loạn dẫn truyền thần kinh vận động; 24. Chấn thương sọ não nặng; 25. Mất khả năng phát âm; 26. Bệnh giai đoạn cuối; 27. Ghép tủy; 28. Viêm tụy mãn tính tái phát; 29. Mất khả năng sống độc lập; 30. Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống; 31. Phẫu thuật mổ hở não; 32. Viêm màng não do vi khuẩn; 33. Viêm não nặng; 34. Viêm đa khớp dạng thấp nặng; 35. Phẫu thuật động mạch vành; 36. Phẫu thuật động mạch chủ.

Điều 5 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 quy định giảm thuế cho đối tượng là người mắc bệnh hiểm nghèo. Theo đo, Bộ Tài chính quy định danh mục các bệnh hiểm nghèo gồm 42 bệnh:

1. Ung thư; 2. Nhồi máu cơ tim lần đầu; 3. Phẫu thuật động mạch vành; 4. Phẫu thuật thay van tim; 5. Phẫu thuật động mạch chủ; 6. Đột quỵ; 7. Hôn mê; 8. Bệnh xơ cứng rải rác; 9. Bệnh xơ cứng cột bên teo cơ; 10. Bệnh Parkinson; 11. Viêm màng não do vi khuẩn; 12.Viêm não nặng; 13. U não lành tính; 14. Loạn dưỡng cơ; 15. Bại hành tủy tiến triển; 16.Teo cơ tiến triển; 17. Viêm đa khớp dạng thấp nặng; 18. Hoại thư do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết; 19. Thiếu máu bất sản; 20. Liệt hai chi; 21.  hai mắt; 22. Mất hai chi; 23.Mất thính lực; 24. Mất khả năng phát âm; 25. Thương tật toàn bộ và vĩnh viễn; 26. Suy thận; 27. Bệnh nang tủy thận; 28. Viêm tụy mãn tính tái phát; 29. Suy gan; 30. Bệnh Lupus ban đỏ; 31. Ghép cơ quan (Ghép tim, Ghép gan, Ghép thận); 32. Bệnh lao phổi tiến triển; 33.Bỏng nặng; 34. Bệnh cơ tim; 35. Bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ; 36. Tăng áp lực động mạch phổi; 37. Bệnh rối loạn dẫn truyền thần kinh vận động; 38. Chấn thương sọ não nặng; 39. Bệnh chân voi; 40. Nhiễm HIV do nghề nghiệp; 41. Ghép tủy; 42. Bại liệt.

 

Theo Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP (02/10/2007) hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, “mắc bệnh hiểm nghèo” là trường hợp theo kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên thì người bị kết án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạnh, khó có phương thức chữa trị.

Như vậy, khi cần xem xét trường hợp bệnh hiểm nghèo, các cơ quan tiến hành tố tụng cần tham khảo một trong số các bệnh được đưa ra và đánh giá xem căn bệnh đó có khiến người phạm tội “không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội” hay không. Chỉ có bệnh hiểm nghèo dẫn đến hậu quả là người phạm tội không còn có thể gây nguy hiểm cho xã hội nữa thì người phạm tội mới được xem xét có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Đây là một căn cứ cần sự đánh giá chủ quan của người áp dụng dựa trên căn cứ khách quan là “bệnh hiểm nghèo”. Đánh giá chủ quan của người áp dụng trên hai nội dung: (1) bệnh hiểm nghèo đó có khiến người phạm tội không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội trong tương lai?; (2) có cần thiết miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội không?

+ Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận:

Tự thú có nghĩa là: Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự mình khai ra hành vi phạm tội của bản thân với người đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đây là sự biểu hiện ăn năn hối cải của người đó về việc mình đã thực hiện hành vi phạm tội, nên xứng đáng được hưởng sự khoan hồng - có thể miễn trách nhiệm hình sự. Căn cứ vào Thông tư liên ngành số 05/TTLN ngày 02-6-1990 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Viện kiểm sát nhân tối cao, Toà án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành chính sách đối với người tự thú đã quy định, người đã thực hiện hành vi phạm tội, nhưng chưa bị phát giác, không kể phạm tội gì, thuộc trường hợp nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng mà ra tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ hình phạt; nếu cùng với việc tự thú mà còn lập công lớn, vận động được nhiều người khác đã phạm tội ra tự thú thì có thể được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.

Để được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp người phạm tội ra tự thú phải thoả mãn các điều kiện sau:

(1) Tội phạm mà người tự thú đã thực hiện chưa bị phát giác, tức là chưa ai biết có tội phạm xảy ra hoặc có biết nhưng chưa biết ai là thủ phạm:

Ví dụ, Phạm Thanh H thấy gia đình nhà anh Trần Quốc K không có ai ở nhà nên đã cậy cửa vào nhà lấy đi một chiếc tivi màu. Sau hai tháng vụ trộm cắp này chưa tìm ra thủ phạm thì H đã đến Cơ quan công an khai rõ hành vi phạm tội của mình và đem trả cho gia đình anh K chiếc tivi màu mà H đã lấy trộm. Do đó H có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

(2) Người tự thú phải khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm: Tức là khai đầy đủ tất cả hành vi phạm tội của mình cũng như hành vi phạm tội của những người đồng phạm khác, không giấu giếm bất cứ một tình tiết nào của vụ án, đồng thời giúp cơ quan điều tra phát hiện tội phạm như: chỉ nơi ở của đồng phạm hoặc dẫn cơ quan điều tra đi bắt người đồng phạm đang bỏ trốn, thu thập các dấu vết của tội phạm, thu hồi tang vật, v.v.. Nếu khai không rõ ràng hoặc khai báo không đầy đủ thì không được coi là thoả mãn căn cứ này để miễn trách nhiệm hình sự.

Ví dụ, Mai Ngọc T nhận làm gián điệp cho nước ngoài, T đã cung cấp nhiều tài liệu bí mật nhà nước cho nước ngoài trong một thời gian bảy năm thì T ra tự thú với Cơ quan an ninh điều tra, nhưng T chỉ khai làm gián điệp cho nước ngoài bốn năm và đã chấm dứt việc làm gián điệp; nhiều tài liệu bí mật nhà nước, T cung cấp cho nước ngoài, T không khai đầy đủ. Như vậy, T không được miễn trách nhiệm hình sự vì khai báo không đầy đủ với cơ quan chức năng.

(3) Người tự thú phải cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm như: trả lại tài sản đã chiếm đoạt; thông báo kịp thời cho người bị hại biết những gì đang đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự hoặc tài sản để họ đề phòng; đòi lại hoặc thu lại những nguồn nguy hiểm mà họ đã tạo ra cho người hoặc những lợi ích khác, v.v..

Ví dụ, Đào Văn H đã bỏ thuốc độc vào bể nước của gia đình anh Đỗ Văn L nhằm đầu độc anh L, nhưng H đã tự thú và thông báo cho gia đình anh L biết trong bể nước có thuốc độc để gia đình anh không dùng nước đã có thuốc độc, hậu quả được hạn chế đến mức thấp nhất nên H có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Kết hợp 3 điều kiện trên, kèm theo một trong hai điều kiện (4) hoặc (5) sau đây:

(4) Lập công lớn:

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 76/2008/NĐ-CP ngày 4/7/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đặc xá quy định: đã lập công lớn trong thời gian chấp hành hình phạt tù: là người đang chấp hành hình phạt tù đã có hành động giúp trại giam, trại tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm; cứu được tính mạng của nhân dân hoặc tài sản lớn của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hoả hoạn; có những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc khác được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Theo Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP (02/10/2007) hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành  bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, “lập công lớn” là trường hợp người bị kết án đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản của nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hoả hoạn; có những phát  minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị hoặc thành tích xuất sắc đột xuất khác được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

(5) Có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận:

Đây là một căn cứ mở, không rõ ràng và chưa được hướng dẫn. Nếu như có cống hiến đặc biệt “được Nhà nước thừa nhận” bằng văn bản cụ thể (bằng khen, huân chương, huy chương, …) có thể dễ dàng xác định thì “xã hội thừa nhận” sẽ là một căn cứ khó xác định. Đây là một tiêu chí có thể gây ra sự tranh cãi hoặc tùy  tiện trong áp dụng sau này. Bởi vậy, cần nhanh chóng đưa ra những hướng dẫn cụ thể, khoa học và xác định để việc áp dụng được dễ dàng, thống nhất.

+ Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự:

Để có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo căn cứ này, người phạm tội cần thỏa mãn những điều kiện sau đây:

(1) Phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng:

Theo Điều 9 Bộ luật hình sự hiện hành:

- Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.

- Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù.

(2) Lỗi vô ý trong việc thực hiện tội phạm:

Người phạm tội thực hiện tội phạm do lỗi vô ý, có thể là vô ý do cẩu thả hoặc vô ý vì quá tự tin theo Điều 11 Bộ luật hình sự hiện hành. Xảy ra một trong hai trường hợp sau:

- Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;

- Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

(3) Thiệt hại do tội phạm gây ra trong phạm vi tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc tài sản:

Người phạm tội gây ra một trong số những thiệt hại là tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc tài sản. Đây là những tội phạm nằm trong chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự (Chương XIV), các tội xâm phạm sở hữu (Chương XVI) và một số tội phạm khác gây ra những thiệt hại này trong Bộ luật hình sự. Dĩ nhiên, gây ra những thiệt hại đó phải do lỗi vô ý theo điều kiện (2). Ví dụ, tội vô ý làm chết người (Điều 128), Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 129),…

Vấn đề đặt ra là, để đạt được điều kiện này, người phạm tội chỉ gây ra một trong số những thiệt hại kể trên hay có thể đồng thời? Điều luật không nói rõ. Tuy nhiên, theo logic và tính hợp lý thì người phạm tội chỉ được phép gây ra một trong số những thiệt hại đó thôi. Nếu đồng thời người phạm tội gây ra từ hai loại thiệt hại trở lên thì tính nguy hiểm cho xã hội sẽ cao, khó có thể đảm bảo được điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự.

(4) Được người bị hại hoặc đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải:

Theo khoản 1 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, người bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

Người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, người đã chết là cha, mẹ hoặc người giám hộ của những người này. Tư cách của người đại diện hợp pháp phải được xác định theo thủ tục tố tụng hình sự chứ không phải mặc nhiên họ tự nhận mình là đại diện của người bị hại và chủ động hòa giải với người phạm tội.

Tự nguyện hòa giải nghĩa là bên bị hại hoặc đại diện hợp pháp của bị hại với ý chí của mình, muốn giải quyết các tranh chấp, bất đồng giữa với người phạm tội bằng việc các bên dàn xếp, thương lượng với nhau. Việc hòa giải phải là sự tự nguyện của các bên. Nếu bên phía người phạm tội hoặc người thứ ba có sự đe dọa, cưỡng bức, mua chuộc… khiến cho người bị hại hoặc đại diện của họ thực hiện việc hòa giải đúng theo nguyện vọng của họ thì điều kiện này coi như không đạt.

 (5) Đề nghị miễn trách nhiệm hình sự:

Ngay cả khi việc hòa giải có diễn ra, để đảm bảo được điều kiện này, người bị hại hoặc đại diện của họ phải có đề nghị cho người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự. Đề nghị này phải được thể hiện bằng ý chí tự nguyện của người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ bằng văn bản hoặc được ghi lại bằng biên bản của người tiến hành tố tụng chứng kiến hòa giải.

Khi có đồng thời năm điều kiện kể trên thì người phạm tội mới có thể được miễn trách nhiệm hình sự với sự đánh giá và quyết định của người tiến hành tố tụng. Sự đánh giá và quyết định của người tiến hành tố tụng được coi là điều kiện thứ sáu và là điều kiện quan tiên quyết. Bởi vì, dù có đủ năm điều kiện luật định nhưng người tiến hành tố tụng cảm thấy người phạm tội vẫn không đáng được miễn trách nhiệm hình sự thì người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ngoài các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự hiện hành, còn một số trường hợp miễn trách nhiệm hình sự khác theo quy định của Phần chung Bộ luật hình sự, như: miễn trách nhiệm hình sự đối với người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (Điều 16 Bộ luật hình sự), miễn trách nhiệm hình sự khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27 Bộ luật hình sự) và miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội (khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự). Những trường hợp này đã hoặc sẽ được phân tích ở những bài khác của quyển này.

 

b2) Miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của phần các tội phạm Bộ luật hình sự:

- Miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội gián điệp (Điều 110 Bộ luật hình sự):

Khoản 4 Điều 110 Bộ luật hình sự quy định: “Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự về tội này..

Đây là trường hợp người phạm tội đã nhận làm nhiệm vụ gián điệp nhưng chưa thực hiện công việc đó. Những công việc đó có thể là:

- Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;

- Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nếu người phạm tội đã bắt tay vào việc thực hiện một trong những công việc nói trên thì không thuộc phạm vi được miễn trách nhiệm hình sự theo nội dung này. Đây là dạng miễn trách nhiệm hình sự có tính chất bắt buộc đối với tất cả các cơ quan tư pháp hình sự khi người phạm tội đã thỏa mãn đồng thời các căn cứ:

- Đã nhận làm gián điệp nhưng chưa thực hiện công việc;

-  Tự thú;

- Thành khẩn khai báo sự việc đã nhận làm gián điệp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

 

- Miễn trách nhiệm hình sự cho người trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 247 Bộ luật hình sự)

Theo quy định tại Điều 247 Bộ luật hình sự, người nào thực hiện việc trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị cho là phạm tội và có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

Nếu việc trồng các loại cây nói trên mà dưới số lượng tối thiểu hoặc không thuộc những trường hợp nói trên thì hành vi không cấu thành tội phạm, người trồng không có trách nhiệm hình sự. Ngay cả khi người phạm tội đã thuộc một trong ba trường hợp kể trên mà tự nguyện phá bỏ, giao nộp các loại cây đã phá bỏ cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Như vậy, để được miễn trách nhiệm hình sự theo điều luật này, người phạm tội phải thỏa mãn đồng thời ba căn cứ:

- Phạm tội thuộc một trong ba trường hợp kể trên (khoản 1 Điều 247) hoặc cả ba trường hợp kể trên nhưng không thuộc khoản 2 Điều 247);

- Tự nguyện phá bỏ các loại cây đó;

- Giao nộp toàn bộ các loại cây đã phá bỏ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đây là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự có tính chất tùy nghi. Nghĩa là, cơ quan tiến hành tố tụng có thể quyết định cho người phạm tội miễn trách nhiệm hình sự hay không tùy vào trường hợp cụ thể.

- Miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội đưa hối lộ (Điều 364 Bộ luật hình sự):

Đối với hành vi đưa hối lộ, tuy cũng là hành vi nguy hiểm và cũng bị trừng trị rất nghiêm khắc như đối với tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, những người bị ép buộc đưa hối lộ, dù đưa hối lộ những sau đó đã chủ động khai báo thì không bị coi là phạm tội và được trả lại toàn bộ tài sản. Bên cạnh đó, đối với người tuy không bị ép buộc phải đưa hối lộ nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì chính sách hình sự đối với họ là rất khoan hồng. Vì vậy, đoạn 2 khoản 7 Điều 364 Bộ luật hình sự quy định: “Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”.

Chủ động khai báo trước khi bị phát giác là trường hợp việc đưa hối lộ chưa bị phát giác (chưa ai biết gì) mà người đưa hối lộ đã tự mình viết đơn hoặc trực tiếp đến cơ quan, tổ chức khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ mà mình thực hiện. Nếu việc đưa và nhận hối lộ đã bị phát hiện, thấy không còn cách nào che giấu được hành vi phạm tội của mình nữa mới tố giác, thì dù người đưa hối lộ có chủ động khai báo cũng không được miễn trách nhiệm hình sự. Trường hợp này cũng tương tự như trường hợp người phạm tội tự thú quy định tại điểm c khoản 2 Điều 29 Bộ luật hình sự hiện hành.

Có thể coi quy định tại khoản 7 Điều 364 Bộ luật hình sự hiện hành là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự hoặc là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với hành vi đưa hối lộ, nên khi xác định trường hợp bị ép buộc cũng như chủ động khai báo của người đưa hối lộ phải thật chính xác, phải phù hợp với các tình tiết và diễn biến của vụ án. Nếu được coi là không phạm tội đưa hối lộ thì người có hành vi đưa hối lộ được trả lại toàn bộ của hối lộ đã đưa, nếu được miễn trách nhiệm hình sự thì người có hành vi đưa hối lộ được trả lại một phần hoặc toàn bộ của hối lộ đã đưa.

Vấn đề nảy sinh đối với quy định trả lại “toàn bộ hoặc một phần của đã đưa hối lộ”. Nếu theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 thì không có vấn đề vì khi đó nhà làm luật chỉ quy định đối tượng đưa hối lộ chỉ là “lợi ích vật chất”. Trường hợp đó, lợi ích vật chất có thể coi là “của” hối lộ và được trả lại người đưa hối lộ trong trường hợp người đưa hối lộ được loại trừ hoặc miễn trách nhiệm hình sự. Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, đối tượng để đưa hối lộ gồm cả lợi ích vật chất lẫn lợi ích phi vật chất. Vậy, nếu việc đưa hối lộ bằng lợi ích phi vật chất thì giải quyết thế nào? Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, “của” hối lộ được ám chỉ là lợi ích vật chất, đồng nghĩa với việc chỉ trả lại lợi ích vật chất. Trên thực tế, nếu việc đưa hối lộ bằng lợi ích phi vật chất thì trong một số trường hợp có thể trả lại được. Ví dụ, thành tích trong công tác hoặc danh hiệu khen thưởng có thể được trả lại (tương đương với hủy bỏ). Tuy nhiên, có những lợi ích phi vật chất không thể hủy hoặc trả lại thì sao? Ví dụ, tình dục hoặc thậm chí là những lợi ích tinh thần khác như bắt ép gái đi tiếp khách trong ăn nhậu. Những lợi ích đó liên quan đến nhân phẩm, danh dự hoặc thậm chí là sức khỏe của con người thì không thể được trả lại hoặc hủy bỏ. Bởi vậy, để hoàn thiện quy định này, một số nội dung cần được sửa lại, bổ sung, như sau: “của” hối lộ cần được thay bằng “lợi ích”; bổ sung thêm “hủy” hoặc “bồi thường thiệt hại” bên cạnh việc “trả” lại lợi ích đã đưa hối lộ. Có như vậy mới triệt tiêu tuyệt đối những lợi ích mà người nhận hối lộ đã nhận được, bảo đảm hiệu quả quyền và lợi ích của những người bị ép buộc đưa hối lộ hoặc những người tuy không bị ép đưa hối lộ nhưng chủ động đi tố giác hành vi nhận hối lộ.

 

- Miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội môi giới hối lộ (Điều 365 Bộ luật hình sự):

Khoản 6 Điều 365 Bộ luật hình sự hiện hành quy định: “Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Đối với hành vi làm môi giới hối lộ, người phạm tội sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Chủ động khai báo trước khi bị phát giác là trường hợp đã thực hiện hành vi môi giới hối lộ; việc đưa hoặc nhận hối lộ chưa thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng chưa bị phát giác mà người làm môi giới hối lộ đã tự mình viết đơn hoặc trực tiếp đến cơ quan, tổ chức khai báo toàn bộ sự việc phạm tội mà mình thực hiện, góp phần vào việc ngăn chặn, phát hiện hoặc điều tra tội phạm.

Chủ động khai báo trước khi hành vi bị phát hiện được coi như là trường hợp tự thú nên có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Có thể coi quy định tại khoản 6 Điều 365 Bộ luật hình sự là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm môi giới hối lộ mà tự thú, nên khi xác định trường hợp này phải đối chiếu với các quy định về miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự.

- Miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội không tố giác tội phạm (Điều 390 Bộ luật hình sự):

Khoản 2 Điều 390 Bộ luật hình sự quy định: “Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự…. Đây là dạng miễn trách nhiệm hình sự có tính chất tuỳ nghi đối với các cơ quan tư pháp hình sự khi có cơ sở cho thấy người tuy không tố giác tội phạm có đủ căn cứ do luật định, đó là: “đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm.

2. Miễn hình phạt (Điều 59 Bộ luật hình sự)

Miễn hình phạt là không áp dụng hình phạt với tư cách là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất đối với người bị kết án về tội phạm mà họ đã thực hiện.

Miễn hình phạt là một chế định nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam, thể hiện ở chỗ, Toà án không quyết định áp dụng hình phạt đối với người phạm tội khi có đầy đủ các điều kiện được quy định trong Bộ luật hình sự. Theo Điều 59 Bộ luật hình sự, người phạm tội có thể được miễn hình phạt khi thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự. Tức là người phạm tội phải thỏa mãn một trong hai điều kiện sau đây:

(1) Có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này; hoặc

(2) Người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

Hai nội dung này đã được phân tích ở bài Quyết định hình phạt. Thỏa mãn 1 trong 2 điều kiện trên, để có thể được miễn hình phạt, người phạm tội phải “đáng được khoan hồng đặc biệt” nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.

Có thể coi người phạm tội đáng được khoan hồng đặc biệt khi phạm tội ít nghiêm trọng, chưa gây hậu quả hoặc hậu quả không đáng kể, được khắc phục hoàn toàn; bị cáo có nhân thân tốt, có khả năng tự cải tạo, giáo dục trở thành người tốt mà không cần phải áp dụng hình phạt. Đây là cách hiểu phổ biến ở các tòa án. Tuy nhiên, nội dung này vẫn chưa được giải thích chính thức. Cho nên, về nguyên tắc nó vẫn không có giá trị bắt buộc. Liên quan đến vấn đề người phạm tội chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự nghĩa là, người phạm tội không có các căn cứ để được hoặc có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo luật định.

Ngoài quy định miễn hình phạt tại Điều 59 Bộ luật hình sự (Phần chung), trong Phần các tội phạm, Bộ luật hình sự cũng quy định một trường hợp mà người phạm tội có thể được miễn hình phạt. Khoản 2 Điều 390 Bộ luật hình sự hiện hành quy định: “Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt. Đây là dạng miễn hình phạt có tính chất tuỳ nghi đối với các cơ quan tư pháp hình sự khi có cơ sở cho thấy người tuy không tố giác tội phạm có đủ căn cứ do luật định như “đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm.

Miễn hình phạt bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung.

Mặc dù cả hai trường hợp, bị cáo đều bị coi là người phạm tội và không phải chịu hình phạt với tư cách là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước đối với người phạm tội, nhưng miễn hình phạt khác với miễn trách nhiệm hình sự. Có thể xem bảng so sánh sau:

Tiêu chí

Miễn trách nhiệm hình sự

Miễn hình phạt

Hậu quả pháp lý

Không chịu bất kỳ biện pháp cưỡng chế hình sự nào

Có thể chịu các biện pháp tư pháp

Chủ thể áp dụng

Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án

Toà án

Việc Bộ luật hình sự nước ta quy định hai chế định miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt không chỉ là sự thể chế hoá đường lối, chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta mà còn là sự thể hiện tinh thần nhân đạo của pháp luật hình sự. Mặt khác, nó còn là cơ sở quan trọng giúp nâng cao hiệu quả của hình phạt. Hình phạt không nhằm mục đích trừng trị. Chính vì thế, trong những điều kiện nhất định khi đã có đủ cơ sở bảo đảm người phạm tội tự cải tạo, giáo dục tốt thì không cần truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không cần áp dụng hình phạt đối với họ. Việc làm này còn phần nào giảm bớt được áp lực gánh nặng của Nhà nước về công tác điều tra, xét xử cũng như thi hành án.

Theo quy định của Điều 59 Bộ luật hình sự hiện hành, về câu từ, bất kể một người phạm tội gì, miễn là thoả mãn điều kiện thì có thể được miễn hình phạt, mặc dù trên thực tế người ta thường hiểu là phải tội phạm ít nghiêm trọng. Điều này khiến cho một số quan điểm nghi ngờ tính công bằng của nó. Bởi vì, theo quy định của Bộ luật hình sự, một số hình phạt ít nghiêm khắc chỉ có thể áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Ví dụ, theo Điều 34 Bộ luật hình sự, cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ; hoặc Điều 36 Bộ luật hình sự hiện hành quy định hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ có thể áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Hình phạt dù ít nghiêm khắc vẫn là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước. Trong khi đó, miễn hình phạt là không bị áp dụng hình phạt nào trong hệ thống hình phạt được Bộ luật hình sự quy định, mà để miễn hình phạt thì không cần bị giới hạn đối với một người phạm tội gì. Điều này nhà làm luật cần cân nhắc để khắc phục sao cho bảo đảm công bằng trong pháp luật hình sự.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội cũng có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra (Điều 88 Bộ luật hình sự). Nội dung này sẽ được phân tích trong bài Những quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

 

IV. MIỄN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT, GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT

1. Miễn chấp hành hình phạt (Điều 62 Bộ luật hình sự)

Miễn chấp hành hình phạt là không buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt mà Toà án đã tuyên đối với họ. Chúng ta đã nghiên cứu trường hợp người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi thời hiệu thi hành bản án đã hết căn cứ vào điều kiện thời gian. Điều 62 Bộ luật hình sự quy định nhiều trường hợp khác để một người bị kết án được miễn hoặc có thể được miễn chấp hành hình phạt, đó là:

- Khi được đặc xá hoặc đại xá.

Trong trường hợp này, người phạm tội sẽ được miễn chấp hành hình phạt bất kể đó là loại hình phạt gì.

- Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Sau khi bị kết án đã lập công;

+ Mắc bệnh hiểm nghèo;

+ Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

- Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

- Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

- Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết đinh miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.

- Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

Về những nội dung  “lập công”, “lập công lớn”, “mắc bệnh hiểm nghèo”, “người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” đã được phân tích ở những phần trước, có thể sử dụng tham khảo.

Lưu ý, người được miễn chấp hành hình phạt theo luật định vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án (khoản 7 Điều 62).

2. Giảm mức hình phạt đã tuyên (còn gọi là giảm thời hạn chấp hành hình phạt) (Điều 63, 64 Bộ luật hình sự)

Giảm mức hình phạt đã tuyên là việc Toà án quyết định giảm một phần hình phạt đã tuyên đối với người bị kết án trong quá trình chấp hành hình phạt bằng quyết định của Toà án khi có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật hình sự.

Đối với những người đang phải chấp hành hình phạt thì việc được giảm mức hình phạt đã tuyên ban đầu là một sự khích lệ rất lớn, động viên họ cố gắng cải tạo, học tập và lao động để sớm được hoà nhập với cộng đồng. Trong khi chấp hành hình phạt, phạm nhân có thể được biểu dương, khen thưởng nếu có tiến bộ, chấp hành tích cực. Tuy nhiên, giảm mức hình phạt đã tuyên là sự khen thưởng có giá trị khuyến khích cao nhất. Xuất phát từ ý nghĩa đó, Bộ luật hình sự đã quy định các trường hợp được giảm mức hình phạt đã tuyên. Có hai trường hợp giảm mức hình phạt đã tuyên:

a) Giảm mức hình phạt đã tuyên trong trường hợp bình thường:

Khoản 1 Điều 63 Bộ luật hình sự quy định:

“1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.”

Như vậy, đối tượng có thể được xét giảm mức hình phạt đã tuyên là những người bị kết án cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn và tù chung thân. Họ được xét giảm khi có các căn cứ sau:

- Chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định: 1/3 đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, 12 năm đối với người bị kết án tù chung thân;

- Có nhiều tiến bộ trong chấp hành hình phạt;

- Đã bồi thường một phần (hoặc toàn bộ càng tốt) nghĩa vụ dân sự;

- Được cơ quan thi hành án hình sự đề nghị.

Theo khoản 2 Điều 63:

 “Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên.

Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.

Tuy nhiên, nếu người bị kết án tù chung thân do phạm nhiều tội thì có khác. Khoản 3 Điều 63 quy định: Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.

Như vậy, nếu một người phạm nhiều tội nhưng hình phạt chung chỉ là tù có thời hạn, tức từ 30 năm trở xuống thì vẫn áp dụng thời hạn xét giảm lần đầu, thời hạn tối thiểu phải chấp hành như người phạm một tội.

Khoản 4,5 Điều 63 quy định thêm:

4. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được một phần hai mức hình phạt chung.

5. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc trường hợp hình phạt chung là tù chung thân thì việc xét giảm án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Theo đó, những người đã được xét giảm một phần hình phạt đã tuyên mà phạm tội mới thì mức hình phạt chung còn lại vẫn được xét giảm tiếp nhưng thời hạn tối thiểu để được xét giảm khác với những người phạm tội lần đầu, cụ thể:

- Nếu tội mới là ít nghiêm trọng thì chấp hành ít nhất 1/2 mức hình phạt chung;

- Nếu tội mới từ nghiêm trọng trở lên thì chấp hành ít nhất 2/3 mức hình phạt chung.

- Nếu tội mới bị kết án tù chung thân thì chấp hành ít nhất 15 năm.

Về thời hạn chấp hành hình phạt tối thiểu khi được xét nhiều lần trong trường hợp người được xét giảm mà lại phạm tội mới, Bộ luật hình sự không có quy định đối với người bị kết án phạt tù. Nghĩa là, những trường hợp này, mức tối thiểu mà họ phải chấp hành tương tự như người không phạm tội mới. Đây có thể là điểm chưa hoàn thiện của Bộ luật hình sự năm 2015. Về người bị kết án tù chung thân thì có sự phân biệt, tức hình phạt tối thiểu mà họ phải chấp hành là 25 năm, thay vì 20 năm nếu họ không phạm tội mới.

Khoản 6 Điều 63 quy định việc xét giảm đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình nhưng được chuyển thành tù chung thân do thuộc trường hợp người đủ 75 tuổi trở lên hoặc người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn:

Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm.

Đối với những đối tượng bị kết án tử hình mà được giảm xuống tù chung thân thì có sự phân biệt với người bị kết án tù chung thân từ đầu. Nghĩa là, những trường hợp này họ chỉ được xét giảm sau khi đã chấp hành hình phạt ít nhất 25 năm và phải đảm bảo chấp hành hình phạt tối thiểu là 30 năm tù. Về điểm này, chính sách hình sự của nước ta tỏ ra khoan hồng hơn so với một số quốc gia. Đối với họ, hình phạt tù chung thân nếu rơi vào những trường hợp do ân giảm hoặc chuyển từ tử hình sang tù chung thân do chủ động nộp lại phần tài sản tham nhũng thì không được giảm nữa trong quá trình chấp hành hình phạt.

b) Giảm mức hình phạt đã tuyên trong trường hợp đặc biệt:

Trong trường hợp đặc biệt, người bị kết án có lý do đáng được khoan hồng đặc biệt như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì Toà án có thể xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức quy định tại Điều 63 của Bộ luật hình sự. Như vậy, Toà án có thể giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người bị kết án mà không tuân theo các mức thời gian quy định tại Điều 63 Bộ luật hình sự khi người bị kết án có một trong ba căn cứ sau:

- Đã lập công;

- Đã quá già yếu;

- Mắc bệnh hiểm nghèo.

Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP hướng dẫn nội dung giảm mức hình phạt đã tuyên trong trường hợp đặc biệt như sau:[4]

- “Người quá già yếu” là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm.

- “Mắc bệnh hiểm nghèo” “Đã lập công” đã được đề cập ở các phần trước.

- Được coi là thời gian sớm hơn thời gian quy định tại khoản 1 Điều 63 của Bộ luật hình sự khi người đang chấp hành hình phạt đã chấp hành được một phần tư mức hình phạt đã tuyên đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ ba mươi năm trở xuống hoặc mười năm đối với tù chung thân.

- Được coi là mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt cao hơn so với mức được quy định khi mức giảm mỗi lần cao nhất là một năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, là bốn năm đối với hình phạt tù, nhưng phải bảo đảm thời gian thực sự chấp hành hình phạt ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên hoặc mười lăm năm đối với hình phạt tù chung thân.

- Trong trường hợp đặc biệt khi có sự đồng ý của Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thì người bị kết án có thể được xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức được quy định đặc biệt trên đây.

V. HOÃN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT TÙ, TẠM ĐÌNH CHỈ CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT TÙ

1. Hoãn chấp hành hình phạt tù (Điều 67 Bộ luật hình sự)

Hoãn chấp hành hình phạt tù là việc tạm dừng trong một thời gian nhất định việc chấp hành hình phạt tù của người bị kết án khi người này chưa chấp hành hình phạt đó.

Như vậy, hoãn chấp hành hình phạt chỉ áp dụng đối với những người bị kết án phạt tù mà chưa chấp hành hình phạt đã tuyên đối với họ.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, những người bị kết án phạt tiền cũng có thể được hoãn chấp hành nếu người bị kết án phạt tiền không có khả năng chấp hành, đặc biệt là đối với các khoản tiền lớn[5]. Điều này là cần thiết. Vì vậy, Bộ luật hình sự nên nghiên cứu để bổ sung quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc hoãn chấp hành hình phạt tiền. Để làm điiều này, nhà làm luật chỉ cần bổ sung tên gọi của điều luật bằng việc bỏ chữ “tù” trong tên gọi điều này và bổ sung nội dung thể hiện căn cứ để người bị kết án được hoãn chấp hành hình phạt tiền. Theo đó, người bị kết án phạt tiền có thể được hoãn chấp hành hình phạt tiền nếu trong thời gian đó người bị kết án phạt tiền không có khả năng chấp hành.

Hoãn chấp hành hình phạt tù được áp dụng đối với những người bị kết án phạt tù mà chưa chấp hành hình phạt thuộc một trong các trường hợp sau đây (Điều 67 Bộ luật hình sự):

- Bị bệnh nặng. Trong trường hợp này, người bị kết án được hoãn cho đến khi sức khoẻ được hồi phục. Bệnh nặng là những bệnh khiến người bị bệnh sinh hoạt, đi lại, làm việc khó khăn, cần phải được chữa trị, nhưng chưa có khả năng dẫn đến tử vong. Đây là điểm phân biệt giữa bệnh nặng với bệnh hiểm nghèo. Bởi vì, người bị kết án mắc bệnh hiểm nghèo có thể được miễn chấp hành hình phạt theo Điều 62 Bộ luật hình sự.

Theo Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP, người bị bệnh nặng”, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu... Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.

- Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (con ở đây bao gồm con đẻ hoặc con nuôi). Đối tượng này được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.

Có ý kiến cho rằng, nếu người phụ nữ bị kết án phạt tù mà được hoãn chấp hành để nuôi con, sau đó lại có thai, sinh con và cứ thế... thì làm sao buộc họ chấp hành hình phạt tù? Đây là một chế định mang tính nhân đạo. Vì vậy, nếu họ cứ mang thai, sinh con khi đứa con chưa đủ 36 tháng tuổi lại mang thai... thì “bó tay”, chúng ta không thể buộc họ phải chấp hành hình phạt tù đã tuyên đối với họ. Về thực trạng này, Thông tư liên ngành số 04/TTLN-TANDTC-VKSNDTC-BNV-BTP ngày 26-12-1986 về việc hướng dẫn áp dụng thời hiệu thi hành bản án hình sự đã có hướng giải quyết khi hướng dẫn: đối với người phạm tội, chỉ bị xử phạt 5 năm tù trở xuống mà vì bệnh tật, sinh đẻ hoặc hoàn cảnh khó khăn, được tạm hoãn thi hành án nhiều lần, thời gian tạm hoãn đã bằng thời hiệu thi hành bản án và trong thời gian đó họ không phạm tội mới, không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì Toà án quyết định miễn chấp hành hình phạt tù cho họ.

Tuy nhiên, nếu trong khi được hoãn chấp hành hình phạt tù, người phụ nữ lại phạm tội mới thì Toà án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.

- Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt (có thể kể đến các trường hợp như: không có nguồn thu nhập nào khác, không có ai chăm nom, nuôi dưỡng... những người thân thích của họ trong gia đình mà không có khả năng lao động). Đối tượng này được hoãn đến một năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

- Bị kết án về tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ; (nhu cầu công vụ là do nhu cầu của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương cần thiết sự có mặt của họ để thực hiện công vụ nhất định và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù ngay thì chưa có người thay thế họ (có xác nhận bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương có liên quan đến việc thực hiện công vụ đó)). Đối với đối tượng này được hoãn đến một năm. Lưu ý, quy định này chỉ được áp dụng đối với những người bị kết án phạt tù về tội ít nghiêm trọng, nghĩa là mức phạt tù tối đa của tội mà họ đã phạm là không quá 3 năm tù.

Trong mọi trường hợp người được hoãn chấp hành hình phạt tù mà lại phạm tội mới, thì Toà án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.

Về thời hạn được hoãn, Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP hướng dẫn như sau:

- Người bị xử phạt tù bị bệnh nặng được hoãn chấp hành hình phạt tù một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khoẻ hồi phục.

- Người bị xử phạt tù là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.

Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà người bị kết án lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hoãn cho đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi.

- Người bị xử phạt tù là người lao động duy nhất trong gia đình hoặc do nhu cầu công vụ được hoãn một lần hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được hoãn tối đa là một năm.

Ngoài ra, Nghị quyết còn bổ sung thêm, khi người bị xử phạt tù thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 61 Bộ luật hình sự năm 1999 mà không thuộc một trong các trường hợp được phân tích ở trên cũng được hoãn chấp hành hình phạt tù, nhưng Toà án phải xem xét rất chặt chẽ.

Ví dụ: Nguyễn Thị B bị xử phạt ba năm tù về tội mua bán trái phép chất ma tuý. B bị xử phạt tù lần này là lần đầu, đang nuôi con nhỏ mới 12 tháng tuổi và đang tại ngoại. Theo đề nghị của B, Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án ra quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù đối với B cho đến khi con của B đủ 36 tháng tuổi. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù B lại phạm tội trộm cắp tài sản và bị xử phạt hai năm tù; tổng hợp hình phạt của hai bản án buộc B phải chấp hành hình phạt chung là năm năm tù.

Chánh án Toà án có thẩm quyền đã ra quyết định thi hành án. B có đơn đề nghị xin được hoãn thi hành án. Trường hợp này phải xem xét rất chặt chẽ. Giả sử con của B đã được 24 tháng tuổi, B có chồng chăm sóc con thì không cho B hoãn chấp hành hình phạt tù. Giả sử con của B đã được 24 tháng tuổi, nhưng hay ốm đau, nay B lại đang có thai, thì tuy B có chồng, nhưng vẫn có thể cho B hoãn chấp hành hình phạt tù.

2. Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (Điều 68 Bộ luật hình sự)

Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là việc tạm dừng trong một thời gian nhất định việc chấp hành hình phạt tù của người bị kết án khi người này đang chấp hành hình phạt đó.

Theo Điều 68 Bộ luật hình sự, căn cứ để người bị kết án đang chấp hành hình phạt được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù tương tự như căn cứ để hoãn chấp hành hình phạt tù theo Điều 67 Bộ luật hình sự.

Sở dĩ gọi là “tạm đình chỉ” chấp hành hình phạt tù là vì người này đang chấp hành hình phạt tù mà có những điều kiện để tạm dừng việc chấp hành. Gọi là “hoãn” chấp hành hình phạt tù là vì người bị kết án chưa chấp hành hình phạt này mà có những điều kiện để tạm dừng việc chấp hành.

Cần phân biệt tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong trường hợp này với tạm đình chỉ chấp hành bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Bởi vì, tạm đình chỉ chấp hành bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm xuất phát từ yêu cầu của thủ tục tố tụng hình sự chứ không phải xuất phát từ căn cứ thuộc về bản thân người bị kết án.

VI. ÁN TREO (Điều 65 Bộ luật hình sự)

1. Tính chất pháp lý của án treo

Từ “treo” thông thường được hiểu là hoãn. Trong thực tế, chúng ta bắt gặp từ “treo” kết hợp với một số hoạt động khác ý muốn nói hoạt động đó bị hoãn lại. Ví dụ, “quy hoạch treo” ý muốn nói một dự án quy hoạch được duyệt trên giấy tờ nhưng trên thực tế nó chưa được triển khai; “treo bằng” nghĩa là một người sau khi đã hết thời gian học mà chưa hoàn thành hết các môn học quy định nên chưa được phát bằng. Án treo được hiểu theo một nghĩa gần giống như vậy.

Án treo là một chế định ra đời rất sớm, xuất hiện cùng với sự ra đời và phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam. Nhưng tính chất pháp lý của án treo được hiểu khác nhau trong từng giai đoạn. Tại Sắc lệnh số 21/SL ngày 14-12-1946, án treo được xác định là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Nhưng Thông tư số 19 của Toà án nhân dân tối cao ngày 02-10-1974 lại giải thích: án treo phải được xem là một hình thức xử nhẹ hơn tù giam - tức án treo là một loại hình phạt. Ngày nay, theo giải thích của Toà án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 02-HĐTP ngày 05-01-1986 thì án treo lại được coi là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Về mặt pháp lý, cách hiểu này được chấp nhận hiện nay.

Án treo là một chế định của pháp luật hình sự thể hiện tính nhân đạo, có tác dụng khuyến khích người bị kết án với sự giúp đỡ tích cực của xã hội, tự lao động và cải tạo trở thành người lương thiện, đồng thời cảnh cáo họ nếu trong thời gian thử thách mà phạm tội mới, thì buộc phải chấp hành hình phạt tù đã được hưởng án treo của bản án trước.

2. Các căn cứ cho hưởng án treo

Án treo chỉ áp dụng đối với những người bị kết án phạt tù khi có những căn cứ sau đây:

Khoản 1 Điều 65 Bộ luật hình sự quy định: “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

Theo quy định trên của Bộ luật hình sự thì có bốn căn cứ để cho người kết án phạt tù được hưởng án treo:

- Mức phạt tù không quá ba năm:

 Những người bị Toà án phạt tù không quá ba năm, không kể về tội gì đều coi là thoả mãn đầu tiên để xem xét cho hưởng án treo. Đối với người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội hoặc có nhiều bản án mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không vượt quá ba năm tù thì có thể xem xét để cho hưởng án treo. Trong trường hợp này phải xem xét thận trọng và chặt chẽ trước khi quyết định cho hưởng án treo.

Người bị kết án tù chỉ được hưởng án treo khi chưa chấp hành hình phạt tù đó. Trước đây, một số Toà án đã áp dụng án treo ngay cả khi người này đã chấp hành xong hình phạt tù nhằm giải quyết chế độ, chính sách cho người bị kết án. Án treo không phải áp dụng nhằm giải quyết chế độ, chính sách cho người bị kết án mà để người này tự cải tạo, giáo dục dưới sự giám sát của chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác. Hơn nữa, nhiều trường hợp sau khi đã hết thời gian thử thách, người được hưởng án treo lại trở lại kiện đòi bồi thường thiệt hại trong thời gian chấp hành hình phạt tù thì rất phiền phức. Hiện nay, vấn đề này không còn xảy ra.

- Nhân thân tương đối tốt:

 Người được hưởng án treo phải là người có nhân thân tốt. Theo tiểu mục 6.1 mục 6 Nghị quyết Số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007, có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng.

Về nội dung này, một số quan điểm chưa đồng ý. Theo quy định của Bộ luật hình sự, “căn cứ vào nhân thân” không có nghĩa là nhân thân phải tốt. Có trường hợp nhân thân họ chưa tốt nhưng khi đánh giá về nhân thân của họ xét thấy không cần thiết buộc họ phải chấp hành hình phạt tù hoặc việc chấp hành hình phạt tù của họ sẽ gây ra khó khăn cho gia đình, con cái họ. Ví dụ, một người phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, làm cho vợ chết để lại 2 đứa con nhỏ. Bản thân người chồng là công nhân, đã một lần bị kết án về tội trộm cắp tài sản, không có người thân thích. Như vậy, nếu buộc người chồng phải chấp hành hình phạt tù thì 2 đứa con nhỏ không ai nuôi. Tình tiết “nhân thân” như vậy, nếu dựa theo Nghị quyết 01 của Tòa án nhân dân tối cao thì không thể được hưởng án treo. Nhưng nếu căn cứ theo quy định của Bộ luật hình sự thì hoàn toàn có thể cho anh ta hưởng án treo khi căn cứ vào “nhân thân” của anh ta. Tuy nhiên, trên thực tế, khi áp dụng, các Tòa án chỉ tuân thủ theo Nghị quyết hướng dẫn chứ không quan tâm đến quy định của Bộ luật hình sự. Bởi vì, nếu không tuân thủ theo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án đó chắc chắn bị hủy. Bởi vậy, vấn đề “nhân thân” để cho hưởng án treo cần được Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu lại.

 

- Có nhiều tình tiết giảm nhẹ:

 Mặc dù Bộ luật hình sự không quy định khi người bị kết án có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới được cho hưởng án treo, nhưng cụm từ “các tình tiết giảm nhẹ” cho thấy người bị kết án phải có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Các tình tiết giảm nhẹ đề cập ở đây có thể được quy định tại khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Các tình tiết giảm nhẹ của người phạm tội được xem xét trong mối quan hệ và cùng với các căn cứ khác để quyết định cho hoặc không cho hưởng án treo. Tuy nhiên, các tình tiết giảm nhẹ dùng làm căn cứ cho hưởng án treo phải là những tình tiết chưa được Toà án cân nhắc để quyết định hình phạt. Ví dụ, A có 2 tình tiết giảm nhẹ. Khi quyết định hình phạt, lẽ ra A phải chịu mức hình phạt là 5 năm tù. Tuy nhiên, do A có 2 tình tiết giảm nhẹ nên Toà án đã giảm hình phạt cho A xuống còn 3 năm tù. Sau đó, Toà án lại dùng 2 tình tiết giảm nhẹ đó để cho A hưởng án treo là sai.

- Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù:

Đây là căn cứ mở vì nó phụ thuộc vào sự đánh giá của Tòa án. Nếu khi người bị kết án có đủ cả ba căn cứ trên, Tòa án muốn cho hưởng án treo thì phải chỉ ra được những lý do không buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tù.

Ngoài bốn căn cứ trên, việc người bị kết án đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng cũng được xem là một căn cứ quan trọn. Bởi vì, trong trường hợp cho hưởng án treo, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Nếu người bị kết án hiện không có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng thì Toà án sẽ giao cho ai. Tuy nhiên, căn cứ này chưa được Bộ luật hình sự quy định. Có thể nhà làm luật cho rằng nó được lồng vào căn cứ thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù”. Tuy nhiên, với tinh thần minh bạch hóa Bộ luật hình sự, nhà làm luật nên nghiên cứu để bổ sung căn cứ này vào Bộ luật hình sự như một căn cứ để được hưởng án treo.

Khi thoả mãn các căn cứ nêu trên, Toà án có thể cho người bị kết án phạt tù hưởng án treo. Đây là một chế định mang tính tuỳ nghi, bởi vì khi đủ các căn cứ nêu trên, nếu xét thấy không buộc người bị kết án phạt tù phải chấp hành hình phạt thì cho hưởng án treo. Ngược lại, dù có đủ các căn cứ nêu trên, nhưng xét thấy phải buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tù mới có thể mang lại mục đích của hình phạt thì Toà án không cho hưởng án treo.

3. Điều kiện của án treo

Án treo là miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Như vậy, khi người bị kết án phạt tù hội đủ các căn cứ nêu trên có thể được Toà án cho miễn chấp hành hình phạt tù đó với điều kiện trong thời gian thử thách họ không được phạm tội mới và không được vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên.

Vì thế, khi có người bị kết án được hưởng án treo, Toà án phải tuyên thời gian thử thách. Không được tuyên cho hưởng án treo mà không kèm thời gian thử thách. Án treo chỉ có ý nghĩa khi tuyên cho người bị kết án một thời gian thử thách vì không có thời gian thử thách thì không thể có điều kiện, đặc điểm cơ bản tạo nên bản chất của án treo.

- Thời gian thử thách phải thoả mãn đồng thời hai điều kiện[6]:

 Từ 1 – 5 năm;

 

Không thấp hơn mức phạt tù.

 

 

Liên quan đến thời gian thử thách, Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP, có một số hướng dẫn như sau:

- Trường hợp người bị xử phạt tù không bị tạm giam thì thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới một năm và không được quá năm năm.

- Trường hợp người bị xử phạt tù đã bị tạm giam thì lấy mức hình phạt tù trừ đi thời gian đã bị tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành. Thời gian thử thách trong trường hợp này bằng hai lần mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành, nhưng không được dưới một năm và không được quá năm năm.

Ví dụ: Toà án xử phạt A ba năm tù cho hưởng án treo. Do A đã bị tạm giam một năm, như vậy mức hình phạt tù còn lại A phải chấp hành là hai năm (3 năm - 1 năm = 2 năm). Toà án ấn định thời gian thử thách đối với A là bốn năm (2 năm x 2 = 4 năm).

- Trong trường hợp đặc biệt thì Toà án có thể ấn định thời gian ngắn hơn mức trên, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.

* Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án đầu tiên cho hưởng án treo; cụ thể như sau:

- Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Toà án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo (có thể mức hình phạt tù thay đổi) thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.

- Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Toà án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.

- Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Toà án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Toà án cấp giám đốc thẩm huỷ bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Toà án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm bị huỷ để điều tra lại và sau đó xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần sau.

4. Vi phạm điều kiện của án treo

Án treo là miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, mà điều kiện đó là người được hưởng án treo không được phạm tội mới hoặc vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên trong thời gian thử thách. Nếu người được hưởng án treo vi phạm điều kiện trong thời gian thử thách thì sao? Khoản 5 Điều 65 Bộ luật hình sự hiện hành quy định: “Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này”.

Thứ nhất, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên. Điều 64, 65 Luật thi hành án hình sự quy định như sau:

- Nghĩa vụ của người được hưởng án treo:

+ Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

+ Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục.

+ Trường hợp người được hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú từ 01 ngày trở lên thì phải khai báo tạm vắng.

+ Ba tháng một lần trong thời gian thử thách người được hưởng án treo phải nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật cho người trực tiếp giám sát, giáo dục; trường hợp đi khỏi nơi cư trú từ 03 tháng đến 06 tháng, thì phải có nhận xét của Công an cấp xã nơi người đó đến lưu trú hoặc tạm trú để trình với Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người đó.

- Việc lao động, học tập của người được hưởng án treo:

+ Người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân quốc phòng, công nhân công an, người lao động nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà mình đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ theo quy định của pháp luật.

+ Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được Uỷ ban nhân dân cấp xã tạo điều kiện để người đó tìm việc làm.

+ Người được hưởng án treo được cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận học tập thì được hưởng quyền lợi theo quy chế của cơ sở đó.

+ Người được hưởng án treo thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, người đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì vẫn được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Nếu người bị kết án cố tình vi phạm từ hai lần một trong số các nghĩa vụ nói trên thì Tòa án có thể buộc họ phải chấp hành hình phạt tù đã tuyên đối với họ. Đây là trường hợp tùy nghi chứ không phải bắt buộc. Nghĩa là, nếu người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ từ hai lần trở lên thì việc quyết định có buộc họ phải chấp hành hình phạt tù hay không tùy thuộc vào kết quả xem xét của Tòa án.

Thứ hai, người được hưởng án treo phạm tội mới. Theo quy định này, người bị án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách, bất kể là với lỗi vô ý hay cố ý thì không được hưởng án treo nữa. Tức là, khi đó, Toà án buộc người được miễn chấp hành hình phạt tù phải chấp hành hình phạt tù đã tuyên đối với anh ta. Nên nhớ, khi được hưởng án treo, người bị kết án chưa chấp hành bản án đã tuyên đối với mình. Nếu họ không phạm tội mới thì khi hết thời gian thử thách, hình phạt tù đó coi như không còn. Trong trường hợp này, người được hưởng án treo phạm tội mới, vi phạm điều kiện, họ phải chấp hành hình phạt tù đó từ đầu. Đồng thời, tổng hợp hình phạt của tội phạm mới theo quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (Điều 56 Bộ luật hình sự).

Ví dụ, A bị tuyên 2 năm tù nhưng được hưởng án treo với thời gian thử thách là 3 năm. Sau 2 năm kể từ khi tính thời gian thử thách, A phạm tội mới và bị tuyên phạt 1 năm tù. Như vậy, tổng hợp hình phạt đối với A là 3 năm tù (2 năm tù của bản án đã được hưởng án treo và 1 năm tù của tội phạm mới). Toà án buộc A phải chấp hành 3 năm tù này.

Một điểm mới của Bộ luật hình sự năm 1999 so với Bộ luật hình sự năm 1985 là quy định về “người được hưởng án treo mà phạm tội mới” trong thời gian thử thách. Bộ luật hình sự năm 1985 quy định chỉ khi người nào “phạm tội mới do vô ý và bị phạt tù” hay “phạm tội mới do cố ý” thì Toà án mới quyết định buộc họ phải chấp hành hình phạt (tù) của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới. Khi đó, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định “người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách” thì bất kể vô ý hay cố ý, có bị phạt tù hay không bị phạt tù cũng bị Toà án buộc phải chấp hành hình phạt (tù) của bản án trước và tổng hợp hình phạt với bản án mới. Điểm sửa đổi này dẫn đến sự bất lợi cho người bị kết án nhưng là một sửa đổi hợp lý vì nó tạo nên sự công bằng trong xử lý hình sự và góp phần mang lại hiệu quả của hình phạt. Bộ luật hình sự năm 2015 đã kế thừa điểm tiến bộ đó và còn bổ sung thêm nội dung người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Điểm mới bổ sung này nhằm hạn chế những người được hưởng án treo tuy không phạm tội mới nhưng cố ý không thực hiện các nghĩa vụ đối với người được hưởng án treo, khiến cho mục đích của việc cho hưởng án treo không đảm bảo.

      Người được hưởng án treo đã chấp hành xong một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát và giáo dục, Toà án có thể rút ngắn thời gian thử thách.

Theo Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP, người được hưởng án treo được rút ngắn thời gian thử thách khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách;

- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; thành thực hối cải, tích cực lao động, học tập;

- Được cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương có trách nhiệm giám sát, giáo dục đề nghị bằng văn bản xem xét rút ngắn thời gian thử thách.

* Về mức rút ngắn thời gian thử thách:

- Mỗi lần người được hưởng án treo có thể được Toà án quyết định rút ngắn thời gian thử thách từ ba tháng đến một năm.

- Người được hưởng án treo có thể được Toà án quyết định rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư.

* Người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện nêu trên, thì Toà án có thể quyết định miễn chấp hành thời gian thử thách còn lại.

5. Một số nội dung khác liên quan đến án treo

Dưới đây là một số nội dung liên quan đến án treo:

- Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành.

- Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó - khoản 2 Điều 65 Bộ luật hình sự.

Do vậy, khi quy định cho người bị kết án được hưởng án treo, nếu người đó là cán bộ, nhân viên nhà nước thì Toà án giao người bị kết án cho cơ quan chủ quản và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo dõi, giáo dục. Nếu người đó không phải là cán bộ, nhân viên nhà nước thì Toà án giao người bị kết án cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú để theo dõi, giáo dục.

Theo Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP, khi giao người bị xử phạt tù cho hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách, Toà án phải ghi rõ tên, địa chỉ đầy đủ của cơ quan, tổ chức hoặc tên xã, phường, thị trấn; tên huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó và quyết định như sau:

- Trường hợp người được hưởng án treo là cán bộ, công chức hoặc đang học tập tại các cơ sở giáo dục, đào tạo mà vẫn được tiếp tục làm việc, học tập, thì giao cho cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý người được hưởng án treo giám sát và giáo dục;

- Trường hợp người được hưởng án treo là quân nhân, công nhân quốc phòng mà vẫn được tại ngũ, thì giao cho đơn vị quân đội từ cấp đại đội hoặc tương đương trở lên giám sát và giáo dục;

- Trường hợp người được hưởng án treo là người lao động làm công ăn lương mà vẫn được tiếp tục làm việc, thì giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã nơi họ làm việc giám sát và giáo dục;

- Trường hợp người được hưởng án treo không thuộc đối tượng được hướng dẫn tại các điểm a, b và c tiểu mục 6.6 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP, thì giao cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người được hưởng án treo thường trú giám sát và giáo dục.

Ví dụ 1: Giao Nguyễn Văn A cho Công ty cổ phần Nam Á có địa chỉ tại số 10, đường N, quận Y, thành phố H giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách.

Ví dụ 2: Giao Trần Thế B cho Ủy ban nhân dân xã X, huyện H, tỉnh N giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người bị kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo và hình phạt cải tạo không giam giữ không có hậu quả pháp lý khác nhau nhiều. Trong khi đó, trên thực tế, người phạm tội được hưởng án treo có trường hợp phạm tội chắc chắn có tính nguy hiểm hơn người phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ. Mặt khác, theo quy định, người bị kết án cải tạo không giam giữ còn bị khấu trừ thu nhập, trong khi đó người được hưởng án treo thì không bị áp dụng. Điều này còn là điểm bất hợp lý. Trong tương lai, nên nghiên cứu để phải hoàn thiện điểm này.

VII. THA TÙ TRƯỚC THỜI HẠN CÓ ĐIỀU KIỆN (Điều 66 Bộ luật hình sự)

Tha tù trước thời hạn có điều kiện là trường hợp một người đang chấp hành hình phạt tù được trả tự do trước thời hạn đã được xác định trong bản án khi có đủ các căn cứ theo luật định.

1. Căn  cứ để người bị kết án phạt tù được tha sớm

Người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây (khoản 1 Điều 66):

a) Phạm tội lần đầu;

Căn cứ này được áp dụng đối với những người lần đầu phạm tội hoặc đã từng bị kết án nhưng đã được xóa án tích.

b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt;

c) Có nơi cư trú rõ ràng;

d) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí;

Người bị kết án phạt tù có thể bị áp dụng nhiều loại hình phạt bổ sung khác nhau. Tuy nhiên, căn cứ này chỉ đòi hỏi người bị kết án phải chấp hành xong hình phạt bổ sung tiền, đóng xong án phí và bồi thường đầy đủ các nghĩa vụ dân sự.

đ) Đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn.

 

Trường hợp người phạm tội là người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì phải chấp hành được ít nhất là một phần ba mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 12 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn;

e) Không thuộc một trong các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều này.

Khoản 2 Điều này quy định:

a) Người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, Điều 299 của Bộ luật này; người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương XIV của Bộ luật này do cố ý hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 248, 251 và 252 của Bộ luật hình sự 2015;

b) Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này.

 

2. Điều kiện của tha tù trước hạn có điều kiện

Tha tù trước hạn có điều kiện là một chế định nhân đạo, tạo cơ hội cho người đang chấp hành hình phạt tù sớm hòa nhập với cộng đồng, tự mình cải tạo bản thân trở thành người tốt, sống có ích, không phạm tội mới. Bởi vậy, người được tha tù trước hạn phải đảm bảo điều kiện là sống tốt trong thời gian thử thách, không vi phạm nghĩa vụ từ 2 lần trở lên, không vi phạm hành chính 2 lần trở lên và không phạm tội mới. Thời gian thử thách được xác định là mức phạt tù còn lại mà lẽ ra người bị kết án phải chấp hành. Nếu người được tha tù trước hạn vi phạm điều kiện thì tủy trường hợp sẽ bị xử lý như sau (khoản 4 Điều 66):

- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên trong thời gian thử thách, thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành.

Về bản chất pháp lý, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vẫn là người đang chấp hành án, chỉ thay đổi hình thức từ chấp hành án trong các cơ sở giam giữ sang chấp hành án tại cộng đồng xã hội. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Người được tha tù trước thời hạn phải có nghĩa vụ trình diện ngay UBND, công an xã, phường, thị trấn nơi về cư trú và đăng ký tạm trú, thường trú theo quy định của Luật cư trú; cam kết về tuân thủ pháp luật và các quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện; bị hạn chế quyền tự do cư trú; bị cấm tham gia các tổ chức chính trị; cấm đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn, v.v.. Ngoài ra, nếu người được tha tù trước hạn vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 lần trở lên về bất kỳ hành vi gì cũng coi như là đã vi phạm điều kiện của tha tù trước thời hạn.

- Nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.

3. Một số vấn đề khác có liên quan

- Về thủ tục tha tù trước thời hạn, theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người bị kết án. Thẩm quyền quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện do Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi phạm nhân chấp hành án quyết định.

- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã chấp hành được ít nhất là một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

Việc tha tù trước thời hạn có điều kiện sẽ giảm bớt ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; giảm bớt chi phí cho công tác quản lý, thực hiện chế độ ăn, ở, mặc, khám, chữa bệnh, sinh hoạt, học tập và các chế độ, chính sách khác đối với phạm nhân; giảm nhu cầu biên chế cán bộ của các cơ sở giam giữ.

Theo ước tính, chi phí trung bình cho một phạm nhân một năm khoảng 9.950.000 đồng (chỉ gồm chi phí đầu tư cho việc sửa chữa cơ sở giam giữ, giáo dục cải tạo, thực hiện chế độ, chính sách đối với phạm nhân). Nếu số lượng người được tha tù trước thời hạn có điều kiện khoảng 20.000 người thì sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 200 tỷ đồng/năm và giảm nhu cầu biên chế khoảng 3.000 cán bộ, chiến sĩ của các cơ sở giam giữ (tính theo tỷ lệ một cán bộ/6 phạm nhân).

Biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện được cho là có tính răn đe xã hội cao, đề cao tính nghiêm minh của pháp luật, tạo động lực thúc đẩy phạm nhân cải tạo tiến bộ, mặt khác, tạo điều kiện cho người chấp hành án phạt tù cải tạo tiến bộ có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng sớm hơn, có điều kiện tham gia học tập, lao động sản xuất nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, nếu áp dụng chế định này không khéo sẽ tạo điều kiện cho người được tha tù sớm tái phạm và tạo ra hiệu ứng không tốt cho mục đích phòng ngừa chung.

VIII. XOÁ ÁN TÍCH

Xoá án tích là một chế định trong pháp luật hình sự Việt Nam xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo nhằm khuyến khích người chấp hành án sau khi chấp hành xong trở thành người có ích cho xã hội, không có ý định phạm tội mới. Đây cũng là một quy định nhằm hỗ trợ cho việc đem lại mục đích của hình phạt. Người phạm tội có thể xuất phát từ một nguyên nhân nào đó, sau khi đã bị Nhà nước và xã hội lên án, nếu biết ăn năn, tự cải tạo, phấn đấu trở thành người hữu ích cho xã hội theo quy định của pháp luật thì sẽ được Nhà nước xem là chưa phạm tội. Điều này giúp họ xoá đi mặc cảm tội lỗi mà họ từng gây ra và nếu vẫn còn mặc cảm đó thì đôi khi lại là động cơ cho việc đi vào con đường phạm tội tiếp tục.

Xuất phát từ những cơ sở trên, quy định về việc xoá án tích là một nội dung tích cực và thời hạn để có thể xem một người đã từng phạm tội là chưa phạm tội phụ thuộc vào tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà họ từng thực hiện. Do vậy, trong những trường hợp phạm tội khác nhau, quy định về việc xoá án tích là không như nhau. Một số trường hợp dù bị kết án nhưng vẫn không bị coi là có án tích. Đó là: người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích (khoản 2 Điều 69 Bộ luật hình sự).

Khoản 2 Điều 69 quy định những trường hợp người bị kết án nhưng không mang án tích có vẻ như thiếu công bằng khi so sánh với một người bị xử phạt vi phạm hành chính. Người bị xử phạt hành chính là người có hành vi vi phạm pháp luật hành chính, và dĩ nhiên trong sự so sánh với tội phạm thì hành vi vi phạm pháp luật hành chính có tính nguy hiểm thấp hơn. Ví dụ, một người chạy xe lạng lách, đánh võng không gây tai nạn bị coi là vi phạm luật giao thông (hành chính). Một người khác cũng lạng lách, đánh võng nhưng gây tai nạn, gây thiệt hại cho tính mạng của người khác thì bị coi là tội phạm (hình sự). Tuy nhiên, theo quy định này, người phạm tội bị kết án lại không mang án tích (được coi như không có tiền án). Trong khi đó, người có hành vi vi phạm pháp luật hành chính và bị xử phạt hành chính sẽ bị coi là có tiền sự trong khoảng thời gian 6 tháng - 1 năm tuỳ trường hợp, sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt. 

Hiện tại, trong Bộ luật hình sự có một số tội phạm, nhà làm luật quy định cấu thành tội phạm cơ bản có đi kèm dấu hiệu tiền án và tiền sự. Ví dụ, theo Điều 173 Bộ luật hình sự hiện hành có quy định về tội trộm cắp tài sản có dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm” khi tài sản trộm cắp dưới 2 triệu đồng. Như vậy, nếu một người đã được miễn hình phạt về các tội chiếm đoạt tài sản mà lại trộm cắp tài sản có giá trị dưới hai triệu đồng có thể không bị coi là phạm tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, nếu một người bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, đã chấp hành xong quyết định xử phạt mà trộm cắp tài sản dưới hai triệu đồng sẽ bị coi là phạm tội. Trong trường hợp dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính” không phải là dấu hiệu trong cấu thành tội phạm thì khi quyết định hình phạt, dấu hiệu này cũng được coi là một tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội để quyết định tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với họ.

 

Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành, có các trường hợp có án tích được quy định về việc xoá án tích như sau:

1. Đương nhiên được xoá án tích (Điều 70 Bộ luật hình sự)

Đương nhiên được xoá án tích là trường hợp người bị kết án được công nhận là chưa bị kết án mà không cần phải có sự xem xét và quyết định của Toà án.

Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật hình sự. Cụ thể:

- Người được đương nhiên xóa án tích nếu đã qua các thời hạn sau tùy theo đối tượng:

+ 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

+ 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

- Các thời hạn trên được tính kể từ:

+ Người bị kết án đã chấp hành xong bản án (hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác ghi trong bản án); hoặc

+ Người bị kết án đã hết thời hiệu thi hành bản án; hoặc

+ Người được hưởng án treo đã hết thời gian thử thách và chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án.

Điều 70 còn quy định: “Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Quy định này chỉ phù hợp đối với người bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân. Đối với hai loại hình phạt bổ sung còn lại, thời hạn bắt đầu tính là kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù. Có lẽ các nhà làm luật đang sửa nội dung này trước khi Bộ luật hình sự được tái thông qua.

 

Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 70. Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, chỉ khi người bị kết án có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, cơ quan quản lý lý lịch tư pháp mới cấp. Bộ luật hình sự đã bỏ nội dung Tòa án phải cấp giấy chứng nhận được xóa án tích cho người được đương nhiên xóa án tích.

2. Xoá án tích theo quyết định của Toà án (Điều 71 Bộ luật hình sự)

Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này.

Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án và đủ các điều kiện sau đây:

- Chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo;

- Chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án;

- Không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

+ 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

+ 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 71 (1 năm, 3 năm) thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Nhà làm luật đưa ra quy định này là không có căn cứ và không có nghĩa. Ví dụ, một người bị kết án từ 5 năm tù trở xuống thì thời hạn xoá án tích chỉ có 3 năm, nếu người này phải chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, hoặc tước một số quyền công dân trên 3 năm, Toà án có thể xem xét để quyết định việc xoá án tích khi người này đã chấp hành xong các hình phạt bổ sung đó xem có vẻ hợp lý dù không đúng với bản chất của chế định xoá án tích. Không đúng với bản chất của quy định về xoá án tích nghĩa là việc xoá án tích phải được xem xét sau một thời gian nhất định kể từ khi người này chấp hành xong bản án (hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác nếu có). Như vậy, nếu người bị kết án có bị kết án về các hình phạt bổ sung nào đó thì khi họ chấp hành xong các hình phạt bổ sung đó mới bắt đầu tính thời hạn để xoá án tích. Với quy định hiện tại của nhà làm luật, họ muốn ám chỉ thời hạn xoá án tích được tính từ khi người này chấp hành xong hình phạt chính. Bởi vậy, khi thời hạn chấp hành hình phạt bổ sung dài hơn thời hạn xoá án tích, họ cho Toà án quyết định xoá án tích khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt bổ sung. Đó là chưa kể, quy định này không áp dụng khi người bị kết án với hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Một ví dụ khác chứng minh quy định này không có căn cứ, đó là: một người bị kết án trên 5 năm tù. Theo quy định, thời hạn xoá án tích của người này là 5 năm, 7 năm kể từ khi chấp hành xong bản án. Nếu theo quy định hiện hành, khi người này chấp hành xong hình phạt bổ sung, có thể 2 năm hoặc 3 năm (sau khi chấp hành xong hình phạt chính), người này đã lập tức được xem xét để xoá án tích dù thời hạn này thậm chí chưa bằng thời hạn xoá án tích của anh ta.

Với những phân tích trên, theo tôi, quy định Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 71 (1 năm, 3 năm) thì Toà án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạxoáổ sung” nên bị xoá bỏ khỏi điều luật.

 

Khi đã qua các thời hạn nói trên, người muốn xin xoá án tích trong trường hợp này phải nộp đơn xin xoá án tích kèm theo nhận xét của chính quyền cấp xã nơi người đó cư trú hoặc làm việc cho Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án. Sau khi nhận đơn xin xoá án tích, Chánh án Toà án phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát phát biểu ý kiến bằng văn bản về đơn xin xoá án tích. Nếu thấy đủ điều kiện thì Chánh án ra quyết định chấp nhận và ra quyết định xoá án tích và ngược lại. Người đã bị Toà án bác đơn xin xoá án tích lần đầu phải chờ một năm sau mới được xin xoá án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi thì phải sau hai năm mới được xin xoá án tích.

3. Xoá án tích trong trường hợp đặc biệt (Điều 72 Bộ luật hình sự)

Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú đề nghị, thì có thể được Toà án xoá án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định. Đây là một quy định nhằm khuyến khích người bị kết án tích cực, quyết tâm trong việc cải tạo, giáo dục sau khi đã chấp hành xong bản án.

4. Cách tính thời gian xoá án tích (Điều 73 Bộ luật hình sự)

a) Thời hạn để tính xoá án tích được tính kể từ ngày người bị kết án chấp hành xong bản án hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành bản án hình sự:

+ Việc chấp hành xong bản án bao gồm việc chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của Toà án. Người được miễn chấp hành hình phạt còn lại được xem là chấp hành xong hình phạt.

+ Hết thời hiệu thi hành bản án hình sự thì coi như người bị kết án đã chấp hành xong bản án đó.

b) Nếu chưa hết thời gian để xoá án tích mà người bị kết án lại phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xoá án tích của tội cũ được tính kể từ ngày người bị kết án chấp hành xong bản án của tội mới. Như vậy, thời điểm chấp hành xong bản án của tội mới sẽ là thời điểm tính thời hạn xoá án tích cho cả tội cũ và tội mới.

                                         CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Phân tích thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Phân tích thời hiệu thi hành bản án hình sự.

3. Nêu những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự.

4. Miễn hình phạt là gì?

5. Miễn chấp hành hình phạt là gì?

6. Giảm mức hình phạt đã tuyên là gì?

7. Hoãn chấp hành hình phạt và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt là gì?

8. Phân tích án treo.

9. Nêu nội dung về tha tù trước thời hạn có điều kiện.

10. Phân tích các trường hợp xoá án tích.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Bộ luật hình sự năm 1999, 2015. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1999, 2016.

2.   Lê Cảm: Trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2005.

3.   Đinh Văn Quế: Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (Phần chung), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.

4. Đinh Văn Quế: Tội phạm và hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, 2001.

5.   Đinh Văn Quế: Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

6.   Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.

7.   Trường Đại học Luật Hà Nội: Trách nhiệm hình sự và hình phạt, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2001.

8.    Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung),
Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.
 

[1]. Lê Cảm: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Sđd, tr.712.

[2]. Lê Cảm: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), Sđd, tr.728; Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Sđd, tr.388.

[3]. Đào Trí Úc: Luật hình sự Việt Nam, (quyển I: Những vấn đề chung), Sđd, tr.311.

[4] Mặc dù Nghị quyết này dùng để hướng dẫn Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng trong khi chưa có Nghị quyết khác thay thế để hướng dẫn nội dung này của Bộ luật hình sự năm 2015 thì nó vẫn có giá trị tham khảo (TG).

[5]. Đinh Văn Quế: Tội phạm và hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, Sđd, tr.455.

[6] Mặc dù Điều 65 Bộ luật hình sự chỉ quy định mức tối thiểu và tối đa của thời gian thử thách nhưng theo Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 18-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thời gian thử thách không thấp hơn mức phạt tù và thông lệ, các Tòa án thường quyết thời gian thử thách gấp đôi mức phạt tù.

 

BÀI 17

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI
NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI[1]

Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật hình sự năm 2015 người dưới 18 tuổi  phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi. Dĩ nhiên, người này phải không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh nào khác dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi. Bởi vì, một người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh nào khác dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi bị xem là không thoả mãn điều kiện chủ thể của tội phạm. Vì vậy, người dưới 18 tuổi  được đề cập ở đây là những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, phát triển bình thường về tâm thần.

Do đặc điểm về phát triển sinh lý, ở lứa tuổi này, người dưới 18 tuổi  chưa biết kiềm chế bản năng của mình, chưa biết kiểm tra tình cảm và hành vi của mình theo những chuẩn mực chung của xã hội. Họ rất dễ bị kích động, rủ rê, lôi kéo.

Trí tưởng tượng phong phú có thể đưa người dưới 18 tuổi  đến nhiều hoài bão, ước mơ đẹp. Tuy nhiên, cũng từ đó, ý nghĩ của họ có khi huyễn hoặc, mơ hồ, không thực tế khiến họ mâu thuẫn nội tại, bực tức với chính mình và có những hành động thiếu tự chủ, mặc cảm dẫn đến khủng hoảng tâm lý để rồi sự việc càng tồi tệ hơn trong cái vòng luẩn quẩn.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cơ thể, đời sống tâm lý của người dưới 18 tuổi  cũng có những biến đổi sâu sắc. Họ có tâm lý muốn khẳng định mình, muốn được người khác chấp nhận. Tâm lý đó khiến cho người dưới 18 tuổi  bộc lộ cá tính mãnh liệt, lòng tự ti, tự trọng cao độ. Họ cố gắng đạt được những ước mơ, hoài bão phần lớn thiếu thực tế của mình. Điều này một mặt kích thích người dưới 18 tuổi  tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, biết tự trọng, gan dạ, làm việc độc lập nhưng nhiều lúc đã dẫn người dưới 18 tuổi  đến chỗ có hành vi hỗn xược, bướng bỉnh, tỏ ra anh hùng một cách không cần thiết để bảo vệ những sai lầm của mình. Họ cũng rất dễ bị tổn thương, tự ái, bốc đồng. Mặt khác, với tâm lý ham hiểu biết, họ không biết sợ là gì nên rất thích mạo hiểm, vượt khó với những tình tiết ly kỳ để tỏ ra hơn người khác. Đặc điểm này là ưu điểm nhưng cũng có thể đưa người dưới 18 tuổi vào những hành vi phạm tội với những hoạt động phiêu lưu, mạo hiểm bởi vì ý thức pháp luật của người dưới 18 tuổi  chưa hình thành đầy đủ và chính xác, khả năng tự ý thức cũng chưa cao.

Con người luôn có nhu cầu giao tiếp để mở rộng giao lưu với xã hội. Nhu cầu này càng mãnh liệt đối với người dưới 18 tuổi. Việc kết bạn có tầm quan trọng đặc biệt đối với họ. Sự giao tiếp nhóm bạn bè giúp người dưới 18 tuổi  phát triển nhiều phẩm chất cao đẹp, ý thức tự trọng, tính tập thể. Tuy nhiên, nếu gia đình và nhà trường không khéo léo tôn trọng và tạo điều kiện cho họ giao tiếp với các nhóm bạn tốt, họ dễ học hỏi các tính xấu của bạn bè và sẵn sàng bỏ nhà ra đi theo bạn bè xấu. Họ thường mơ mộng và tôn vinh những thần tượng của mình. Tuy nhiên, không phải sự tôn vinh đó lúc nào cũng đúng đắn bởi vì nếu được tiếp xúc với người xấu thì thần tượng của họ sẽ là những người xấu và họ có xu hướng bắt chước thần tượng của mình.

Nhìn chung, ở lứa tuổi này, người dưới 18 tuổi  chịu sự tác động chủ yếu của môi trường sống. Sự phát triển về nhân cách và sự hình thành các phẩm chất thuộc về nhân thân của họ chịu sự chi phối có tính chất quyết định bởi nền giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Không ai khi mới sinh ra đã có sẵn bản tính xấu hay tốt. Bác Hồ đã từng thừa nhận rằng: “Hiền dữ phải đâu là định sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Sống trong một môi trường sống lành mạnh, được chăm sóc bởi một nền giáo dục khoa học, tiến bộ, người dưới 18 tuổi  sẽ có điều kiện phát triển thể lực, hình thành nhân sinh quan và thế giới quan phù hợp với những giá trị xã hội đương đại, trở thành công dân có ích cho xã hội. Ngược lại, trong một môi trường xấu, không lành mạnh, người dưới 18 tuổi  dễ bị tiêm nhiễm bởi những thói hư, tật xấu, bị tha hoá dần về nhân cách, nghiêm trọng hơn là trở thành người phạm tội.

Thời hạn để tính người phạm tội là đã thành niên hay chưa được tính kể từ ngày người phạm tội được sinh ra đến ngày phạm tội. Cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh của người phạm tội là Giấy khai sinh của người phạm tội. Trong trường hợp người phạm tội không có Giấy khai sinh hoặc Giấy khai sinh không đáng tin cậy, các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định ngày, tháng, năm sinh của người phạm tội để làm cơ sở trách nhiệm hình sự. Chẳng hạn như: lấy lời khai của cha, mẹ hay người thân người phạm tội, xác minh ở địa phương, nơi sinh của người phạm tội, giám định xương của người phạm tội, v.v.. Tuy nhiên, nếu tất cả các biện pháp hợp pháp trên được sử dụng mà các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn không xác định được ngày, tháng, năm sinh của người phạm tội thì ngày, tháng, năm sinh của người phạm tội được xác định theo Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10-6-2002 về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ của Toà án nhân dân tối cao[2].

II. ĐƯỜNG LỐI XỬ LÝ ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI

Theo Điều 90 Bộ luật hình sự, “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”. Điều đó có nghĩa, khi giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của người dưới 18 tuổi phạm tội, phải căn cứ trước hết vào các quy định của Chương XII Phần chung Bộ luật hình sự. Đồng thời, khi vận dụng các chế định khác của Phần chung Bộ luật hình sự phải chú ý bảo đảm không được trái với các quy định đối với người dưới 18 tuổi  phạm tội được nêu ở Chương này.

Những nguyên tắc cơ bản về xử lý các hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi được quy định rõ trong Bộ luật hình sự, mà tập trung nhất là Điều 91:

1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định tại Mục 2 Chương XII Bộ luật hình sự:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

 

Điểm b quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định này. Nếu chỉ đơn thuần dựa vào điểm này thì có thể nhận thấy sự bất hợp lý khi so với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (điểm a) có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Tuy nhiên, vấn đề không phải vậy, phải áp dụng phương pháp suy lý mạnh để hiểu thì tất nhiên người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định này.

c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.

3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

4. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.

5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

6. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

7. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

III. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI

1. Các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi  phạm tội

Về nguyên tắc, khi người dưới 18 tuổi phạm tội, phải hạn chế việc đưa họ ra xét xử và áp dụng hình phạt. Đối với những trường hợp cần thiết phải đưa người dưới 18 tuổi phạm tội ra xét xử và áp dụng hình phạt đối với họ thì Toà án chỉ được áp dụng một trong các hình phạt quy định tại Điều 98 Bộ luật hình sự. Các hình phạt đó là:

- Cảnh cáo:

Trong hệ thống hình phạt quy định đối với người dưới 18 tuổi  phạm tội thì cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất. Với việc khiển trách người dưới 18 tuổi  bị kết án một cách công khai trước Toà án, cảnh cáo có khả năng tác động một cách mạnh mẽ đến ý thức của họ, giáo dục và răn đe họ không phạm tội mới, để đạt được mục đích hình phạt. Tuy nhiên do tính ít nghiêm khắc của cảnh cáo, hình phạt này thường được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi  phạm tội gây hậu quả không lớn, nhân thân tương đối tốt, có những tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự. Hình phạt cảnh cáo được áp dụng theo quy định thống nhất đối với người thành niên lẫn người chưa thành niên (Điều 34 Bộ luật hình sự).

- Phạt tiền:

Hình phạt tiền chỉ được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi  phạm tội với tư cách là hình phạt chính. Đồng thời, không áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội ở độ tuổi (Điều 99 Bộ luật hình sự):

+ Từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; hoặc

+ Đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không có tài sản riêng hoặc thu nhập riêng.

Mức phạt tiền áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá 1/2 mức hình phạt tiền do điều luật quy định đối với người thành niên.

- Cải tạo không giam giữ:

+ Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng trở xuống.

+ Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó.

+ Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định (1 năm 6 tháng).

- Tù có thời hạn:

Hình phạt tù có thời hạn là hình phạt nghiêm khắc nhất đối với người dưới 18 tuổi  phạm tội. Khi áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội cần tuân thủ những quy định sau (Điều 101 Bộ luật hình sự):

+ Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

 

 
 
 

 

 

 

 

 

 

Chú thích: - Max: mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội mà người dưới 18 tuổi phạm.

        - Max (*): mức hình phạt cao nhất có thể quyết định đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

+ Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

 

 

 

 

 

 

Chú thích: - Max: mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội mà người dưới 18 tuổi phạm.

       - Max (**): mức hình phạt cao nhất có thể quyết định đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Những quy định nêu trên cụ thể hoá một nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội là khi Toà án áp dụng hình phạt tù có thời hạn như một biện pháp cuối thì cũng cho họ hưởng mức án nhẹ hơn mức án đối với người đã thành niên phạm tội.

2. Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp người dưới 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này (Điều 92 Bộ luật hình sự). Nghĩa là, việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định này chỉ được thực hiện khi người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý. Nếu họ không đồng ý, tùy theo giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án vẫn tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự của họ và áp dụng những hình phạt theo các căn cứ quyết định hình phạt do luật định. Hiện tại, chưa có văn bản hướng dẫn việc khi xảy ra bất đồng ý chí giữa người chưa đủ 18 tuổi và đại diện hợp pháp của họ. Tức là, khi người này đồng ý áp dụng việc miễn trách nhiệm hình sự, chuyển qua áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục, nhưng người kia mong muốn ngược lại. Có lẽ khi đó sẽ áp dụng theo ý chí của người dưới 18 tuổi phạm tội.[3] Liên quan đến vấn đề miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp này, các căn cứ được quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự. Là quy định về miễn trách nhiệm hình sự mang tính chất tùy nghi.

Nếu đồng ý miễn trách nhiệm hình sự để áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục, người dưới 18 tuổi có thể bị áp dụng một số các biện pháp sau:

- Khiển trách (Điều 93 Bộ luật hình sự)

1. Khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;

b) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khiển trách. Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi.

3. Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;

b) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;

c) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.

4. Tuỳ từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều này từ 03 tháng đến 01 năm.

- Hòa giải tại cộng đồng (Điều 94 Bộ luật hình sự)

1. Hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.

2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

3. Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại;

b) Nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.

4. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a khoản 3 Điều 94 và nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này từ 03 tháng đến 01 năm.

- Giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95 Bộ luật hình sự)

1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.

2. Người được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức giám sát, giáo dục phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động;

b) Chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã, phường, thị trấn;

c) Không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép;

d) Các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.

3. Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục, cơ quan đã áp dụng biện pháp này có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

3. Biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (Điều 96, 97 Bộ luật hình sự)

Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ. Người được giáo dục tại trường giáo dưỡng phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.

Nếu người được giáo dục tại trường giáo dưỡng đã chấp hành một phần hai thời hạn, có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của trường giáo dưỡng được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục, Tòa án có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại trường giáo dưỡng.

4. Quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, tha tù trước hạn có điều kiện, xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

a. Quyết định hình phạt

Nội dung quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội cơ bản cũng dựa trên những quy định chung về quyết định hình phạt đối với người đã thành niên, như: các căn nguyên tắc quyết định hình phạt, các cứ quyết định hình phạt. Đồng thời, việc quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi còn phải dựa trên những quy định riêng về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi, các hình phạt, biện pháp tư pháp, biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi, và những quy định khác có liên quan đến người dưới 18 tuổi phạm tội.

Liên quan đến việc quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, Điều 102 Bộ luật hình sự quy định:

- Tòa án quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi trong trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 57 của Bộ luật này.

- Mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội không quá một phần ba mức hình phạt được quy định trong khung hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội trong điều luật được áp dụng.

Ví dụ, điều luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là 15 năm tù thì người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội này sẽ bị áp dụng hình phạt không quá 1/3 của 15 năm tù (không quá 5 năm tù).

- Mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chuẩn bị phạm tội không quá một phần hai mức hình phạt được quy định trong khung hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội trong điều luật được áp dụng.

Ví dụ, điều luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là 15 năm tù thì người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chuẩn bị phạm tội này sẽ bị áp dụng hình phạt không quá 1/2 của 15 năm tù (không quá 7,5 năm tù).

- Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt không quá một phần ba mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Bộ luật này.

Mức cao nhất của hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi quy định tại Điều 100 là 1,5 năm; mức cao nhất của hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi quy định tại Điều 101 là 12 năm tù hoặc 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.

- Mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không quá một phần hai mức phạt quy định tại các điều 99, 100 và 101 của Bộ luật này.

Mức cao nhất của hình phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội quy định tại Điều 99 là 1/2 mức phạt tiền mà điều luật quy định; mức cao nhất của hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi quy định tại Điều 100 là 1,5 năm; mức cao nhất của hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi quy định tại Điều 101 là 18 năm tù hoặc 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.

b. Tổng hợp hình phạt

Theo Điều 103, khi xét xử cùng một lần người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội thì Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật hình sự và các quy định riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, cụ thể:

- Nếu hình phạt chung là cải tạo không giam giữ thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 03 năm;

- Nếu hình phạt chung là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không được vượt quá 18 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội và 12 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội.

- Đối với người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 16 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 16 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng như sau:

+ Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện trước khi người đó đủ 16 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện sau khi đủ 16 tuổi thì hình phạt chung không vượt quá mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm nhiều tội;

+ Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện sau khi người đó đủ 16 tuổi nặng hơn mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện trước khi đủ 16 tuổi thì hình phạt chung không vượt quá mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm nhiều tội.

- Đối với người phạm nhiều tội, có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi, thì việc tổng hợp hình phạt áp dụng như sau:

+ Nếu mức hình đã tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phạt áp dụng đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội;

+ Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi nặng hơn mức hình phạt áp dụng đối với tội thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội.

- Việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này, được thực hiện theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Bộ luật hình sự (Điều 104 Bộ luật hình sự).

Hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội.

c. Giảm mức hình phạt đã tuyên

Điều 105 Bộ luật hình sự quy định việc giảm mức hình phạt đã tuyên như sau:

- Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu có tiến bộ và đã chấp hành được một phần tư thời hạn, thì được Tòa án xét giảm; riêng đối với hình phạt tù, mỗi lần có thể giảm đến 04 năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên.

- Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

- Người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.

d. Tha tù trước hạn có điều kiện

Tha tù trước hạn có điều kiện được quy định tại Điều 106 Bộ luật hình sự, cụ thể:

- Người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 66 của Bộ luật hình sự có thể được tha tù trước hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Phạm tội lần đầu;

+ Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt;

+ Đã chấp hành được một phần ba thời hạn phạt tù;

+ Có nơi cư trú rõ ràng.

- Việc tha tù trước thời hạn có điều kiện được thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 66 của Bộ luật hình sự (đã phân tích ở bài Các biện pháp tha miễn).

e. Xóa án tích

Xóa án tích được quy định tại Điều 107:

- Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi;

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;

+ Người bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng theo Mục 3, Chương XII Bộ luật hình sự.

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 06 tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;

b) 01 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 02 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm.

 

 

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Nêu đường lối xử lý đối với người dưới 18 tuổi  phạm tội.

2. Nêu các loại hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với người dưới 18 tuổi  phạm tội.

3. Nêu nội dung tổng hợp hình phạt đối với người dưới 18 tuổi  phạm tội.

4. Nêu nội dung miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi  phạm tội khác gì so với người đã thành niên.

5. Nêu nội dung giảm mức hình phạt đối với người dưới 18 tuổi  là gì.

6. Nêu nội dung xoá án tích đối với người dưới 18 tuổi.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Bộ luật hình sự năm 2015, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

2.   Lê Cảm: Trách nhiệm hình sự và miễn trách nhiệm hình sự, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2005.

3.   Phạm Thị Kim Ngân: Tâm lý học tư pháp, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.

4.   Đinh Văn Quế: Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (Phần chung), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000.

5.   Đinh Văn Quế: Tội phạm và hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, 2001.

6.   Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.

7.   Trường Đại học Luật Hà Nội: Trách nhiệm hình sự và hình phạt, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2001.

8.   Võ Khánh Vinh: Giáo trình luật hình sự Việt Nam (Phần chung),
Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.

 

[1] Từ trước đến nay, trong pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật hình sự Việt Nam nói riêng luôn sử dụng khái niệm “người chưa thành niên”. Tuy nhiên, với tinh thần cụ thể hóa những quy định của Bộ luật hình sự, các nhà làm luật đã quy định rõ độ tuổi được áp dụng trong chương này (TG).

[2]. Lấy ngày cuối cùng của tháng, tháng cuối cùng của năm được xác định (nếu không biết ngày, tháng) (TG).

[3] Đó là ý kiến chủ quan của tác giả.

 

BÀI 18

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI

 

 

I. VÀI NÉT VỀ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI

1. Sự cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại

Trước khi ban hành Bộ luật hình sự 2015, chỉ có cá nhân mới có thể là chủ thể của tội phạm. Một trong những định hướng quan trọng sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2015 được xác định là “Đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” mà một biểu hiện rõ nét của định hướng này chính là việc bổ sung vào Bộ luật hình sự chế định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân là các tổ chức kinh tế khi thực hiện một số tội phạm do Bộ luật hình sự quy định.

Trong quá trình thảo luận sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, cũng có ý kiến lập luận rằng, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật hình sự là không phù hợp vì: (i) trái với nguyên tắc của luật hình sự - trách nhiệm hình sự chỉ là trách nhiệm cá nhân, quy định như vậy sẽ làm thay đổi những quan niệm truyền thống về tội phạm; (ii) không phù hợp với Điều 31 của Hiến pháp và (iii) Công ước quốc tế về vấn đề này chỉ là vấn đề mang tính khuyến nghị chưa không bắt buộc và (iv) đã có Luật xử lý vi phạm hành chính xử lý nên không cần phải quy định trách nhiệm hình sự. Ý kiến đối lập cho rằng, nguyên nhân của tình trạng pháp nhân vi phạm không phải do thiếu luật mà do thực thi không nghiêm. Để tăng cường tính răn đe thì chỉ cần nâng mức phạt tiền trong Luật Xử lý vi phạm hành chính là đủ. Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhất là khi áp dụng hình phạt tước giấy phép kinh doanh tạm thời hay vĩnh viễn có thể làm mất việc làm của người lao động và quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân có thể ảnh hưởng đến chính sách thu hút vốn đầu tư của Nhà nước.

Xuất phạt từ tình hình vi phạm pháp luật của pháp nhân ở Việt Nam trong những năm gần đây mang tính phổ biến, với mức độ nguy hiểm ngày càng cao, gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế - xã hội và cho đời sống của người dân, đòi hỏi cần phải có giải pháp để ngăn chặn loại hành vi này.

- Vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ,[1] trong những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường xảy ra phổ biến và nghiêm trọng nhất. Vì lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã cố ý trực tiếp xả thải ra môi trường không qua xử lý, gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường sống, cho sản xuất của nông dân, ảnh hưởng nghiêm trọng lâu dài đến sức khỏe của nhân dân. Trong đó số vụ xả thải và khí thải chiếm trên 90%. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, số lượng các vụ gây ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng.[2] Điển hình là vụ vi phạm xả nước thải trực tiếp không qua xử lý ra sông Thị Vải suốt 14 năm liền, gây ô nhiễm 2.686 hecta đất nuôi trồng thủy sản, chiếm 80 – 90% ô nhiễm cho sông, thiệt hại vật chất lên đến hàng ngàn tỷ đồng của Công ty Vedan Việt Nam. Mới đây nhất là vụ Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn xuống đất hàng chục tấn thuốc trừ sâu gây nhiễm độc đất và nguồn nước, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn về tính mạng và sức khỏe của người dân. Vụ Công ty Cổ phần Nguyên phụ liệu Dệt may Bình An thuộc Tổng Công ty Việt Thắng và Công ty TNHH Sản xuất Cơ khí và Dịch vụ Đại Phúc xả thải chưa qua xử lý trực tiếp ra ngoài môi trường; Công ty Cổ phần giấy An Hòa xả 1.500 m3 nước thải chưa qua xử lý ra sông Lô; vụ Công ty TNHH NEW TOYO PULPPY tại tỉnh Bình Dương xả nước thải chưa được xử lý vào cống thoát nước mưa của Khu công nghiệp VISIP I, vụ việc 04 Công ty luyện, cán thép từ thép phế liệu đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; vụ việc chôn lấp hàng trăm tấn chất thải nguy hại không đúng quy định của Công ty TNHH Nhà nước MTV xử lý và chế biến chất thải Phú Thọ; Công ty TNHH Khai thác, chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam, tại Hải Dương có Nhà máy Xử lý chất thải ngành luyện kim gây ô nhiễm ảnh hưởng tới canh tác lúa và hoạt động của cư dân xung quanh; Công ty Cổ phần Giấy và Bao bì Phú Giang, Bắc Ninh xả nước thải chưa qua xử lý ra lưu vực sông Cầu.[3]

Theo số liệu từ lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, từ năm 2010 đến nay, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trên toàn quốc đã phát hiện, xử lý gần 25.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, đã khởi tố trên 350 vụ án với gần 400 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính gần 200 tỷ đồng. Trong đó, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra phổ biến nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản và môi trường đô thị.

- Vi phạm trong lĩnh vực thuế: Theo kết quả thanh tra, kiểm tra của Ngành Thuế tại 2.110 doanh nghiệp, đã truy thu, truy hoàn, phạt hơn 988 tỉ đồng, giảm khấu trừ 136,95 tỉ đồng. Đặc biệt, thanh tra thuế đã buộc doanh nghiệp phải giảm lỗ lên tới hơn 4.192 tỉ đồng. Theo đánh giá của thanh tra, số tiền truy thu chủ yếu tập trung ở khu vực doanh nghiệp FDI (chiếm 40% tổng số thu), tỷ lệ số thu bình quân trên 1 doanh nghiệp  là 1,73 tỉ đồng. Đáng lưu ý là tại một số đơn vị, tỷ lệ vi phạm lên đến 100% như trường hợp tại tỉnh Bắc Giang, khi Cục thuế tiến hành thanh tra 16 doanh nghiệp thì cả 16 đều vi phạm. Tỷ lệ này diễn ra tương tự tại Hòa Bình (16/16), Gia Lai (15/15)…Tại một số tỉnh, thành khác dù không đến 100% nhưng tỷ lệ này cũng rất lớn như Hà Nội thanh tra 332 doanh nghiệp thì phát hiện có 326 đơn vị vi phạm, số tiền giảm lỗ hơn 1.500 tỉ đồng, truy thu, phạt, truy hoàn gần 498 tỉ đồng. Thành phố Hồ Chí Minh thanh tra 193 doanh nghiệp FDI, có tới 164 doanh nghiệp vi phạm, giảm lỗ hơn 870 tỉ đồng và truy thu, phạt gần 173 tỉ đồng.[4]

- Trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại:Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tình trạng pháp nhân là các doanh nghiệp đã kinh doanh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại…cũng xảy ra khá phổ biến, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nền kinh tế, tác động xấu tới môi trường sản xuất kinh doanh. Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng của các công ty, doanh nghiệp đáng báo động. Phương thức thủ đoạn chủ yếu của các doanh nghiệp này thường là quay vòng hóa đơn chứng từ; mua bán hóa đơn để hợp thức hóa hàng nhập lậu, gian lận trong việc kê khai giá trên hóa đơn bán hàng để giảm thuế giá trị gia tăng. Theo số liệu thống kê của Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh chỉ trong 8 tháng năm 2014, qua kiểm tra đã phát hiện 846 doanh nghiệp, hộ kinh doanh buôn bán, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ví dụ: Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã tiến hành bắt khẩn cấp và khởi tố vụ án hình sự, khởi tố hai bị can Nguyễn Minh Hùng (1978), Chủ tịch HĐQT Công ty VN Pharma và Vũ Mạnh Cường (1978), đại diện cho một Công ty dược nước ngoài có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh về hành vi dùng giấy tờ giả mạo nhập lô thuốc chống ung thư H-Capita trị giá 750.000 USD vào Việt Nam kiếm lời.

- Lĩnh vực tài chính, ngân hàng: Do sức ép lợi nhuận, sức ép thành tích nên một số pháp nhân là ngân hàng đã nới lỏng điều kiện tín dụng, không tuân thủ nghiêm túc một số trình tự, thủ tục, quy định cho vay; không chuyển nhóm nợ theo quy chế; cho vay không có tài sản thế chấp hoặc tài sản thế chấp không đủ thủ tục pháp lý, thiếu sự kiểm tra năng lực tài chính của khách hàng, chỉ đạo định giá tài sản thế chấp cao hơn so với thực tế…làm thất thoát một lượng đặc biệt lớn tài sản, làm tăng nợ xấu, thậm chí để một số cá nhân chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng, không chỉ gây thiệt hại lớn cho tài sản Nhà nước và công dân, mà còn tác động tiêu cực tới các chính sách phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian dài. Một ví dụ điển hình là Công ty cho thuê tài chính 2 thuộc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (ALCII). Công ty đã có một loạt sai phạm về quản lý kinh tế như hạch toán sai các khoản thu, chi; không quản lý được tài sản cho thuê; không trích lập dự phòng đầu tư dài hạn theo quy định của pháp luật; chi phí dự phòng rủi ro thấp... dẫn đến tài chính của Công ty mất cân đối nghiêm trọng, lâm vào tình trạng phá sản; tổn thất lên tới 1.937 tỷ đồng tài sản của Nhà nước; số nợ xấu khó thu hồi rất lớn; số lỗ đã lớn gấp 10 lần vốn Điều lệ.

- Trong lĩnh vực bảo hiểm:Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, những năm gần đây, các hành vi vi phạm của các pháp nhân về bảo hiểm đang gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, hậu quả ngày càng nặng nề. Các hành vi vi phạm phổ biến của các pháp nhân là: vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm của người sử dụng lao động (đến 31/7/2014, có trên 50% doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm bằng các thủ đoạn khác nhau với số tiền trên 11 nghìn tỷ đồng); dùng thủ đoạn gian dối để thụ hưởng trái phép các chế độ bảo hiểm và vi phạm trong quản lý và thực hiện bảo hiểm. Tính từ năm 2007 đến hết năm 2013, số tiền mà các doanh nghiệp nói chung nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng cao. Năm 2007 số nợ là 1.734 tỷ đồng, đến hết năm 2013 tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trên 6,4 nghìn tỷ đồng (trong đó nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc là trên 4,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,34% tổng số phải thu); tính đến 31/7/2014, tổng số nợ các loại bảo hiểm trên đã trên 11 nghìn tỷ đồng, quyền lợi của rất nhiều lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến người lao động khiếu nại, tố cáo, thậm chí có nơi còn đình công ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế xảy ra ở hầu hết các địa phương với mức độ ngày càng nhiều, phổ biến nhất là ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.[5]

Như vậy, có thể khẳng định tình hình vi phạm pháp luật của các pháp nhân là các doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội, có xu thế tăng và với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ là những thiệt hại về tài sản, mà còn đe dọa trực tiếp sự an toàn về tính mạng, sức khỏe và sự phát triển lành mạnh của giống nòi, ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế và trong nhiều trường hợp có thể dẫn đến tình trạng gây mất ổn định xã hội...Vì vậy, hơn lúc nào hết, Nhà nước cần có những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu hơn để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này vi phạm của loại pháp nhân này, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững của xã hội và để thực hiện một trong những quyền hiến định của người dân đó là quyền được sống trong một môi trường trong lành và được đảm bảo an sinh xã hội. 

Bên cạnh đó, những bất cập, hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành khi xử lý hành vi vi phạm của pháp nhân, nhất là các bất cập liên quan đến mức xử phạt hành vi vi phạm, trình tự, thủ tục của việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính hay nghĩa vụ phải tự mình chứng minh thiệt hại trong thủ tục đòi bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự đang làm cho việc xử lý đối với những hành vi vi phạm do pháp nhân gây ra không hiệu quả, gây khó khăn cho người dân – đối tượng bị thiệt hại chính rất khó, thậm chí không thể đòi bồi thường thiệt hại.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi pháp nhân là các doanh nghiệp có hành vi phạm thì chỉ có thể áp dụng biện pháp xử phạt hành chính hoặc buộc pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra theo quy định của pháp luật dân sự.

Về áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với pháp nhân, theo quy định của điểm b khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì “Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra”. Đồng thời, theo giải thích tại điểm 1 Điều 2 của Luật thì “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.

- Về hình thức xử phạt: Theo khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính, tổ chức, pháp nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một trong các hình thức là cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong đó cảnh cáo, phạt tiền là biện pháp phạt chính; tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể được áp dụng là biện pháp phạt chính hoặc là biện pháp xử phạt bổ sung.

- Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt như đã nêu ở trên, pháp nhân vi phạm còn có thể áp dụng một hay nhiều biện pháp khác phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính là: buộc khôi phục tình trạng ban đầu; buộc tháo dỡ công trình, buộc áp dụng biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm; buộc cải chính thông tin; buộc thu hồi sản phảm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp…Cũng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với pháp nhân bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân và mức phạt tối đa là 2 tỷ đồng, trừ các trường hợp luật chuyên ngành quy định khác (điểm e khoản 1 Điều 3, Điều 23).

Như vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính tuy đã được điều chỉnh theo hướng nâng mức phạt cao hơn so với trước kia, nhưng cũng không đủ sức ra đe doanh nghiệp, tổ chức vi phạm. Mức phạt tối đa theo điều điểm k Khoản 1, Khoản 2 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với tổ chức đến 2 tỷ đồng chỉ trong một số lĩnh vực (quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường), trong khi đó hậu quả do hành vi vi phạm của pháp nhân gây ra trong nhiều trường hợp là đặc biệt nghiêm trọng. Với mức phạt như hiện hành thì đối với pháp nhân là các doanh nghiệp lớn hoàn toàn không đủ sức răn đe. Nhiều trường hợp pháp nhân sẽ chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm. 

Trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính hiện nay đối với vi phạm của pháp nhân cũng gặp nhiều khó khăn nhất là việc xác minh hành vi vi phạm và mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm của pháp nhân gây ra, do vậy, các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính gặp rất nhiều khó khi áp dụng các biện pháp phạt hành chính hay các biện pháp xử lý hành chính khác.

Nếu so với thủ tục tố tụng hình sự (khi chúng ta coi pháp nhân là chủ thể của trách nhiệm hình sự) thì rõ ràng, sự vào cuộc của một cơ quan điều tra chuyên trách, với một trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp chặt chẽ, khách quan làm cho hoạt động thu thập chứng cứ, xác minh tội phạm và chứng minh thiệt hại gây ra sẽ thuận lợi hơn nhiều. Mặt khác, với tư cách là đối tượng bị xử phạt, vì xử lý theo thủ tục hành chính, nên pháp nhân có ít điều kiện hơn trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình như: không nhận được sự trợ giúp của người bào chữa, không được quyền xét xử theo hai cấp với một cơ quan tài phán độc lập, khách quan và công bằng.

Việc buộc pháp nhân khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Điều đó có nghĩa là để được bồi thường, người bị thiệt hại phải khởi kiện vụ án dân sự ra trước Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại mà pháp nhân gây ra cho mình theo quy định về bồi thường ngoài hợp đồng.

- Một trong những nguyên tắc áp dụng biện pháp buộc bồi thường thiệt hại theo chế độ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đặt ra yêu cầu đối với người bị thiệt hại phải tự chứng minh mức độ thiệt hại. Trong khi đó, để chứng minh được mức độ thiệt hại, nhất là thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường (như ô nhiễm đất, không khí, nguồn nước…) không phải là chuyện đơn giản và không phải lúc nào thiệt hại đó cũng biểu hiện ngay lập tức. Do vậy, nếu chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong luật dân sự của pháp nhân vi phạm thì người dân khó có điều kiện để thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình.

- Theo quy định hiện hành, đối với các pháp nhân là doanh nghiệp có hành vi vi phạm có thể bị xử lý thông qua khởi kiện vụ án dân sự, nhưng trên thực tế, do hành vi xảy ra trong một khoảng thời gian dài, với nhiều đối tượng bị hại khác nhau nên việc xác định ai là người khởi kiện gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, theo quy định hiện hành thì việc khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại luôn đi kèm theo một mức án phí dân sự rất lớn nên, đã gây ra nhiều cản trở cho người dân trong việc đòi bồi thường thiệt hại. Như vậy, trước hành vi vi phạm của tổ chức, doanh nghiệp, người dân vừa bị thiệt hại lại vừa phải đi tự chứng minh thiệt hại trước khi đòi bồi thường. Trong khi đó, nếu coi pháp nhân là chủ thể của tội phạm thì việc chứng minh tội phạm và xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm của tổ chức, pháp nhân gây ra thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng với một quy trình tố tụng chặt chẽ, nhanh chóng, khách quan và công bằng. Do vậy, có thể nói, việc chưa quy định trách nhiệm hình sự của pháp trong BLHS là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xử lý không dứt điểm trong vụ kiện người dân của ba tỉnh đòi bồi thường thiệt hại trong Vụ Vedan.

Như vậy, theo quy định hiện hành, đồng thời với biện pháp xử lý hành chính, các pháp nhân phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế việc bồi thường thiệt hại hầu như ít khi được thực hiện. Bởi vì, thứ nhất, bản thân người bị thiệt hại do hành vi vi phạm của pháp nhân gây ra không đủ kiến thức pháp lý cũng như nguồn lực tài chính để chứng minh tổn thất, thiệt hại của mình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, nhất là các vi phạm về môi trường, để khởi kiện yêu cầu pháp nhân bồi thường thiệt hại; thứ hai, trong nhiều trường hợp, số tiền tạm ứng án phí dân sự vượt quá khả năng của người khởi kiện; thứ ba, đa số các trường hợp thiệt hại do pháp nhân gây ra cho rất nhiều người và không phải cá nhân nào cũng muốn hoặc đủ khả năng khởi kiện, làm cho việc giải quyết vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thiếu hiệu quả, thiếu triệt để, thiếu toàn diện và kéo dài...Ví dụ: Vụ xả thải của công ty Ve dan là một minh chứng cụ thể sinh động về những bất cập trong việc buộc Công ty này phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm xả thải cho những người bị gây thiệt hại. Nông dân Cần Giờ được hỗ trợ án phí nên khởi kiện vụ án dân sự; trong khi nông dân Đồng Nai vì không chứng minh được và khó khăn trong việc nộp án phí cho nên chỉ yêu cầu Vedan hỗ trợ một số tiền nhất định; Vụ Công ty Nicotex Thành Thái, nhân dân của năm xã bị ô nhiễm không được bồi thường vì không có căn cứ khởi kiện đòi bồi thường...Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thi hành án cũng còn nhiều bất cập, vì việc thi hành Quyết định xử phạt hành chính như buộc khắc phục hậu quả... rất khó được thi hành trên thực tế với tính cưỡng chế thấp hơn so với việc thi hành bản án, quyết định tư pháp của Tòa án.

 Liên quan đến chính sách hình sự của nhà nước ta, cho đến thời điểm này chỉ xử lý về hình sự đối với chủ thể phạm tội là các cá nhân. Tuy nhiên, khi Luật doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực, chính sách này tỏ ra không phù hợp, vì hoạt động quản lý của các doanh nghiệp có thể được quyết định bởi cá nhân Giám đốc hoặc người điều hành doanh nghiệp, nhưng cũng không ít trường hợp các quyết định đưa ra (bao gồm cả những quyết định vi phạm) trên cơ sở bàn bạc, biểu quyết tập thể (ví dụ Điều 60 Luật Doanh nghiệp). Về thực chất, đây là trường hợp lãnh đạo tập thể, quyết định tập thể và hưởng lợi tập thể. Trong những trường hợp này, vai trò của giám đốc điều hành chỉ là người chấp hành quyết định của tập thể. Vì vậy, nếu vẫn chỉ buộc một số cá nhân chịu trách nhiệm hình sự; những người khác cũng biểu quyết, được hưởng lợi từ những quyết định tập thể ấy là thiếu công bằng.

Điều này càng thấy rõ đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các loại hình công ty cổ phần, khi mà phần lớn chủ sở hữu thực sự của doanh nghiệp, pháp nhân này lại không phải là người trực tiếp điều hành doanh nghiệp. Do đó, nếu cứ duy trì chính sách hình sự chỉ xử lý cá nhân người phạm tội như hiện nay, thì chúng ta mới chỉ xử lý đến cá nhân người trực tiếp điều hành doanh nghiệp mà chưa  xử lý những ông chủ thật sự - người được hưởng lợi chính từ những hành vi vi phạm của doanh nghiệp.

Xét dưới khía cạnh khả năng bồi thường thiệt hại, việc chỉ xử lý trách nhiệm hình sự đối với cá nhân sẽ dẫn đến việc pháp luật chỉ buộc cá nhân đó dùng tài sản của mình để bồi thường thiệt hại. Điều này hoàn toàn không phù hợp trong trường hợp giá trị thiệt hại rất lớn và đối tượng bị gây thiệt hại có thể lên đến hàng nghìn người.

Bên cạnh đó, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân còn để thực hiện các nghĩa vụ trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hơn nữa, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng là nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật chuẩn bị cho quá trình hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế về phòng, chống tội phạm như: Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước chống tham nhũng, Công ước chống tài trợ khủng bố, 40 Khuyến nghị của FATF về chống rửa tiền,…thì việc bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế trong đó có vấn đề về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm là hết sức cần thiết.

- Việc quy định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân (hành chính hoặc hình sự) để xử lý hành vi của pháp nhân tham gia vào các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tham nhũng, rửa tiền, buôn bán người, tài trợ khủng bố là nghĩa vụ quốc tế bắt buộc của nước ta với tư cách là quốc gia thành viên Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước chống tham nhũng, thành viên Nhóm Châu Á- Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG). Do tính chất nguy hiểm của các loại hành vi vi phạm này nên Bộ luật hình sự hiện hành đã xác định là tội phạm và phải bị xử lý hình sự.Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta mới xử lý hình sự đối với cá nhân, còn đối với pháp nhân tham gia thực hiện tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng, rửa tiền, buôn bán người, tài trợ khủng bố ..... thì không bị xử phạt vi phạm hành chính cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định xử phạt đối với những hành vi này mà BLHS thì cũng chưa quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Điều này đã tạo ra khoảng trống trong việc xử lý vi phạm của pháp nhân ở nước ta, dẫn đến tình trạng cá nhân có hành vi tham nhũng, rửa tiền, buôn bán người, tài trợ khủng bố, ... thì bị xử lý hình sự, còn nếu pháp nhân cũng thực hiện các hành vi phạm tội này, thậm chí là ở quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn thì không có cơ sở pháp lý để xử lý, kể cả hình sự lẫn hành chính.

Theo số liệu thống kê, hiện có 119 nước trên thế giới đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có 5/10 nước đã quy định chính thức và 2/10 nước (Lào và Brunei) đang trong quá trình xem xét. Từ số liệu này cho thấy, nếu ta không quy định TNHS của pháp nhân, thì khi doanh nghiệp Việt Nam ta ra nước ngoài có thể bị xử lý hình sự (nặng hơn nhiều so với xử phạt hành chính), còn doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt nam lại chỉ có thể bị phạt cao nhất 2 tỷ đồng.[6]

Từ thực tiễn thời gian qua cho thấy, tình hình vi phạm của các tổ chức cơ bản là tổ chức kinh tế (pháp nhân) diễn ra khá phổ biến và nhiều trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, môi trường. Trong khi đó, cơ chế xử lý hành chính, dân sự hiện hành tỏ ra không hiệu quả, tính răn đe phòng ngừa của các chế tài xử lý này không cao, hậu quả pháp lý của việc xử lý này đối với doanh nghiệp vi phạm chưa có sức nặng đủ để phòng ngừa tái phạm nên chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm của các công ty, doanh nghiệp. Thêm vào đó là yêu cầu hội nhập quốc tế. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn, nghiêm khắc hơn để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và truy xét đến cùng trách nhiệm của công ty, doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm nguy hiểm mang tính chất tội phạm mà một trong những biện pháp đó chính là xử lý hình sự đối với các công ty, doanh nghiệp vi phạm.

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một vấn đề không mới được ghi nhận trong pháp luật hình sự của nhiều nước. Ở nước ta, vấn đề này đã được đặt ra từ khi xây dựng Bộ luật hình sự năm 1999. Đặc biệt, trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự vào năm 2009 nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đã đến lúc cần bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân để xử lý đối với các trường hợp tổ chức kinh tế (pháp nhân), vì chạy theo lợi ích cục bộ, đã có sự thông đồng từ người phụ trách đến nhân viên, thực hiện nhiểu hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế như đầu cơ, trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu hoặc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, về bảo hộ lao động gây hậu quả nghiêm trọng.[7] Việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là một biện pháp mạnh để hỗ trợ cho các biện pháp xử lý khác (như: xử phạt hành chính, kiện đòi bồi thường dân sự, v.v..,) nhằm đáp ứng yêu cầu bức xúc của thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật của các pháp nhân ở nước ta hiện nay, đồng thời, cũng phù hợp với khuyến nghị của quốc tế trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, nhất là Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Công ước chống tham nhũng.

 

2. Các học thuyết về cơ sở trách nhiệm hình sự của pháp nhân

 

Về mặt lý luận trong việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, các nhà luật học trên thế giới đã đưa ra các học thuyết làm nền tảng và luận giải cho vấn đề này. Khoa học luật hình sự thế giới ghi nhận các học thuyết cơ bản là thuyết trách nhiệm thay thế (Vicarious liability), thuyết đồng hóa trách nhiệm (Indentification liability) và thuyết văn hóa (Systems/Culture Theory)[8].

a. Học thuyết trách nhiệm thay thế (Vicarious liability)

Trách nhiệm thay thế là hình thức được kế thừa trong lĩnh vực luật dân sự. Đối với học thuyết trách nhiệm thay thế thì thậm chí một người có thể không có lỗi nhưng vì tình trạng đặc biệt của họ, họ cũng phải gián tiếp chịu trách nhiệm do lỗi của người khác gây nên. Thường được áp dụng cho cấp trên (người đứng đầu của tổ chức, pháp nhân) chịu trách nhiệm về hành vi của cấp dưới (đại lý, người lao động) khi cấp trên ra lệnh hay cho phép cấp dưới hành động sai trái hoặc hành vi vi phạm xảy ra trong công việc của cấp dưới.

Theo mô hình học thuyết trách nhiệm thay thế, để áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân phải thỏa mãn các điều kiện: Trong thời gian thực hiện hành vi phạm tội, chủ thể thực hiện hành vi này nhất thiết phải là đại lý hoặc nhân viên của pháp nhân; Hành vi của cấp dưới thực hiện do sự chỉ đạo, giao phó từ cấp trên. Khi đã thỏa mãn hai điều kiện nêu trên, tiếp tục xem xét qua 2 bước:

  1. Xem xét hành vi thực hiện bởi cấp dưới của pháp nhân có đầy đủ những yếu tố cấu thành tội phạm hay không.
  2. Nếu hành vi phạm tội của cấp dưới có đầy đủ những yếu tố cấu thành tội phạm, chúng sẽ được “áp đặt” cho cấp trên những người đứng đầu pháp nhân, căn cứ vào mối quan hệ pháp lý giữa họ trên cơ sở các quy định của pháp luật về chi nhánh, đại lý hoặc làm công[9].

Một tổ chức chỉ có thể hoạt động thông qua các thành viên trong tổ chức của mình, và các thành viên đó là những người phải chịu trách nhiệm trước chính tổ chức của mình. Vì vậy, theo học thuyết trách nhiệm thay thế thì những hành vi nào được thực hiện bởi cấp dưới, bởi người lao động mang lại lợi ích toàn bộ hoặc một phần cho tổ chức dựa trên cơ sở mối quan hệ giữa tổ chức với người lao động theo quy định của pháp luật đều được xem như chính tổ chức đó thực hiện. Vì vậy, khi có hành vi phạm tội xảy ra, trách nhiệm hình sự sẽ được quy kết cho tổ chức. Học thuyết trách nhiệm thay thế cho rằng, tổ chức là chủ thể phải có trách nhiệm chia sẻ rủi ro đến từ hoạt động kinh doanh cùng với người lao động bên cạnh việc được hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh. Mặc khác, trong mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động có sự bất bình đẳng nhất định, tổ chức với những quy định đặt ra buộc người lao động phải nghiêm chỉnh chấp hành, cho nên sai phạm của người lao động thì tổ chức phải gánh chịu.

Trách nhiệm thay thế được áp dụng không chỉ vì nó lý giải mang tính hợp lý, gần gũi với pháp luật dân sự, pháp luật hình chính mà còn vì hiệu quả thực tế nó mang lại[10]. Dưới góc độ nhất định, học thuyết trách nhiệm thay thế có tác dụng phòng ngừa, răn đe rất hữu hiệu đối với tổ chức, bởi chỉ cần chứng minh được hành vi phạm tội được thực hiện bởi người lao động của tổ chức, việc thực hiện hành vi này được tổ chức giao, vì lợi ích của tổ chức là có thể gán trách nhiệm hình sự cho tổ chức đó.

Tuy nhiên, sự ý thức của người lao động khi thực hiện hành vi phạm tội không đồng nhất với sự ý thức của tổ chức, có thể là lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý từ người lao động nhưng từ phía tổ chức dù có lỗi hay không có lỗi thì tổ chức vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví như trường hợp tổ chức đã sử dụng tất cả các biện pháp hợp lý để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động phạm tội của người lao động nhưng họ vẫn cố tình thực hiện thì trách nhiệm hình sự vẫn bị gán cho tổ chức. Do đó, học thuyết trách nhiệm thay thế nhận được những luận điểm chê trách vì nó vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trách nhiệm trên cơ sở lỗi cá nhân, bởi lỗi của một người lại bị quy kết tự động cho người khác, mặc dù không có lỗi cá nhân từ phía họ[11].

b. Học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm (Identification Liability)

Tư tưởng của học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm xuất hiện từ rất sớm. Lịch sử khoa học pháp lý ghi nhận từ gần một thế kỷ nay các tòa án Anh đã xây dựng trách nhiệm hình sự của pháp nhân trên nền tảng lý thuyết đồng nhất hóa[12].

Nội dung cơ bản của học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm là xem xét hành vi và nhận thức của những người ở vị trí đứng đầu điều hành pháp nhân như là hành vi và nhận thức của chính pháp nhân đó. Hành vi của pháp nhân được thực hiện thông qua một hay nhiều người có trách nhiệm kiểm tra việc tập đoàn thực hiện các quyền của họ như thế nào. Và chính một hay nhiều người này làm việc để thực hiện các quyền ấy. Điều này đã được lý giải ở chỗ: ý chí và những dự định của cơ quan điều hành hoạt động của tập đoàn (ban giám đốc), hội đồng quản trị hay bản thân giám đốc, cũng chính là những người kiểm tra hoạt động của tập đoàn viên, tập đoàn phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hành vi của những người kiểm tra[13].

Nguồn gốc của học thuyết đồng nhất hóa xuất phát từ một vụ án hình sự nổi tiếng trong hệ thống thông luật, vụ công ty Lennard’s Carrying kiện công ty Asiatic Petroleum vào năm 1915. Trong vụ án này để chứng minh rằng một pháp nhân đã có lỗi thực tế hay có thỏa thuận ngầm nào đó giữa cá nhân có lỗi với pháp nhân, thì lỗi của người quản lý của công ty đã được xem là lỗi của công ty. Theo đó, pháp nhân bị đồng hóa với một cá nhân là “người” thực sự điều khiển, chỉ đạo ý thức và ý chí của pháp nhân, có mối quan hệ gắn bó mật thiết với pháp nhân và là nhân vật trung tâm trong pháp nhân[14]. Thời gian đầu, học thuyết đồng nhất hóa này được áp dụng phổ biến trong lĩnh vực hàng hải. Dựa trên cơ sở của học thuyết đồng nhất hóa, trong lĩnh vực hình sự thời gian sau đó các Tòa án Anh đã thừa nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân có thể được áp dụng đối với các tội phạm khác – các tội cần thỏa mãn các dấu hiệu khách quan (actus) và cả các dấu hiệu chủ quan (mens rea), chứ không chỉ đối với các tội theo chế độ trách nhiệm khách quan (strict liability) không cần có bằng chứng về lỗi[15].

Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, theo học thuyết đồng nhất hóa trách phải thỏa mãn những yếu tố, bao gồm:

1. Hành vi phạm tội được thực hiện bởi người đứng đầu của pháp nhân.

2. Khi thực hiện hành vi phạm tội, người đứng đầu pháp nhân phải nhân danh pháp nhân, thực hiện vì lợi ích của pháp nhân.

Học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm đơn giản hóa nhận thức và thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Để truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân, người ta chỉ cần chứng minh: hành vi phạm tội, lỗi của cá nhân; các cá nhân đó có chức năng quản lý, chỉ đạo, điều hành pháp nhân; người quản lý, chỉ đạo điều hành pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội nhân danh, thay mặt hoặc đại diện cho pháp nhân và cá nhân đó thực hiện hành vi vì lợi ích của pháp nhân[16]. Một pháp nhân với nhiều thành viên hợp thành thì ai trong số đó sẽ là người được quy kết là chủ thể biểu hiệu hành vi và nhận thức của pháp nhân. Do đó, trong pháp nhân chỉ một số cá nhân ở vị trí điều hành, quản lý pháp nhân như người đại diện pháp nhân, giám đốc, hội đồng quản trị, người giữ vai trò chi phối, đề ra phương hướng hoạt động của pháp nhân mới trở thành nhân tố đồng hóa trách nhiệm hình sự. Đối với học thuyết này thì ngoài những cá nhân ở những vị trí nêu trên thì những cá nhân còn lại như người lao động không phải là đối tượng đồng hóa trách nhiệm hình sự, vì vậy khi những đối tượng này khi thực hiện hành vi phạm tội phải tự chịu trách nhiệm hình sự chứ không phải là pháp nhân.

Điểm quan trọng trong học thuyết đồng nhất hóa là việc xem xét các tiêu chuẩn để một bộ máy quản lý được xem như là pháp nhân. Hiện nay có rất nhiều loại hình pháp nhân khác nhau, gắn liền với nó là những các thức hoạt động, kinh doanh riêng biệt, tính phân hóa trong kết cấu ngày càng cao, phức tạp, xuất hiện nhiều hơn những đơn vị, những bộ phận chi phối không nhỏ đến hoạt động của pháp nhân, cho nên không có một quy tắc chính xác nào cho vấn đề xác định chủ thể bị đồng hóa trách nhiệm hình sự. Do đó, học thuyết này chấp nhận sự suy xét mang tính thận trọng cho từng trường hợp xảy ra là điều bắt buộc, đồng thời đây cũng được coi là yếu tố thể hiện sự không chắc chắn và cũng là điểm yếu của học thuyết này[17].

Học thuyết đồng nhất hoá trách nhiệm về cơ bản đã khắc phục được khuyết điểm của Học thuyết trách nhiệm thay thế trong vấn đề chứng minh yếu tố lỗi. Nhưng ngược lại, Học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm vô tình đã thu hẹp phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân bởi nó chỉ xem xét đến hành vi và nhận thức của người quản lý, điều hành mà không xem xét đến hành vi và nhận thức của các thành viên khác trong pháp nhân.

c. Thuyết văn hóa pháp nhân (The Corporate Culture Theory)

Học thuyết văn hóa pháp nhân là học thuyết ra đời muộn giải thích vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân. Nếu học thuyết trách nhiệm thay thế áp đặt trách nhiệm của người lao động, của mọi thành viên trong pháp nhân thành trách nhiệm của pháp nhân. Học thuyết đồng nhất hóa xem xét hành vi và nhận thức của pháp nhân thông qua những người đứng đầu, quản lý của pháp nhân. Thì đối với học thuyết văn hóa lại có một cách nhìn rất khác, theo học thuyết này thì mỗi pháp nhân luôn luôn tồn tại văn hóa pháp nhân.

Văn hóa pháp nhân thể hiện trong luật hình sự Australia được hiểu là toàn bộ chính sách, phương châm, cơ cấu tổ chức, quy tắc hoạt động của pháp nhân. Thông qua văn hóa pháp nhân có thể thấy được thái độ, ý đồ của pháp nhân thể hiện một cách tích cực hoặc tiêu cực đối với việc phòng ngừa tội phạm và việc nâng cao nhận thức cho nhân viên tuân thủ pháp luật. Nếu như hành vi phạm tội được thực hiện trong pháp nhân là do văn hóa pháp nhân ngầm cho phép, khuyến khích thực hiện thì đó là điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của luật hình sự Australia[18].  Học thuyết văn hóa pháp nhân được thể hiện qua những yếu tố sau:

  • Hành động sai trái hoặc thiếu sót được dung túng hoặc được trao quyền thực hiện bằng các chính sách, bằng sự cho phép tồn tại bởi công tác quản lý của công ty.
  •  Sự quản lý của công ty đã cho phép sự phát triển của một nền văn hóa hoặc thái độ phổ biến trong cán bộ và nhân viên của mình rằng khuyến khích họ tin rằng những hành động hay thiếu sót sẽ được khoan dung, tha thứ hay bỏ qua bởi công ty[19].

Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân cần phải có ba điều kiện:

  1. Có hành vi phạm tội của nhân viên, tổ chức;
  2. Nhân viên đó thực hiện hành vi trong phạm vi chức năng, thẩm quyền được giao hoặc ủy quyền;
  3. Thông qua văn hóa tổ chức có chứng cứ cho thấy rằng nhân viên thực hiện hành vi phạm tội đó nhận thức được rằng tổ chức đã chỉ đạo, ủng hộ hay không phản đối hành vi mà họ thực hiện hoặc lỗi đã không tạo ra và duy trì một kiểu văn hóa đòi hỏi sự tuân thủ pháp luật trong phạm vi tổ chức[20].

Nếu như học thuyết đồng nhất hóa chỉ xem xét trách nhiệm hình sự thông qua những người có vị trí đứng đầu pháp nhân, thì đối với học thuyết văn hóa mọi hành vi của mọi nhân viên đều có thể được quy kết cho pháp nhân. Văn hóa của doanh nghiệp có thể tồn tại dưới dạng thành văn hay bất thành văn, Do đó, sẽ là hết sức khó khăn trong việc chứng minh có hay không có sự dung túng, sự khuyến khích hay cho phép nhân viên, người lao động thực hiện hành vi phạm tội bởi pháp nhân trên thực tiễn. Đây có thể được xem là hạn chế của học thuyết văn hóa.

Qua nghiên cứu các học thuyết về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, nhận thấy rằng ở mỗi học thuyết đều tồn tại những điểm tích cực, tuy nhiên vẫn có những điểm hạn chế nhất định. Thực tế các quốc gia trên thế giới quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân không áp dụng riêng rẽ các học thuyết này mà phối hợp chúng lại, đồng thời có những điều chỉnh nội dung của các học thuyết cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của từng quốc gia[21].

 

II. QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM HIỆN HÀNH

1. Điều kiện áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại

Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 75 Bộ luật hình sự năm 2015, theo đó:

1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.

2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”.

Như vậy, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một pháp nhân thương mại cần đáp ứng đủ 4 điều kiện, bao gồm:

Thứ nhất, hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại.

Giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, chắc chắn liên quan đến việc xác định người có trách nhiệm. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 2015 chỉ ghi nhận hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại, nhưng không quy định rõ là hành vi phạm tội được thực hiện bởi chủ thể nào trong pháp nhân thương mại thì pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như chúng ta đã biết, pháp nhân là một chủ thể pháp luật độc lập, pháp nhân có đầy đủ năng lực hành vi và năng lực pháp luật kể từ thời điểm pháp nhân được khai sinh về mặt pháp lý. Thế nhưng, nếu như cá nhân với khả năng tự hành động của mình thì pháp nhân sẽ không có năng lực hành vi nếu như không thực hiện qua người đại diện của pháp nhân. Tại Điều 134 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định đại diện là việc người đại diện nhân danh và vì lợi ích của người được đại diện xác lập, thực hiện giao dịch trong phạm vi đại diện. Năng lực hành vi của pháp nhân chính là năng lực hành vi mà pháp nhân thông qua người đại diện mà có được. Vì vậy, hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại có thể được hiểu là hành vi phạm tội được thực hiện bởi người đại diện của pháp nhân thương mại. Ý chí của pháp nhân thương mại được thể hiện thông qua người đại diện của mình.

Người đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Trong đó người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người đứng đầu pháp nhân, là người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ hay quyết định thành lập của pháp nhân hoặc là người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật. Tư cách người đại diện theo pháp luật của pháp nhân sẽ chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt. Đại diện theo ủy quyền của pháp nhân là những trường hợp vì những lý do nhất định mà người đại diện theo pháp luật của pháp nhân không thể tự mình trực tiếp thực hiện toàn bộ những hành vi nhân danh pháp nhân. Do đó, người đại diện theo ủy quyền là người được người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền bằng văn bản để thực hiện những công việc trong nội dung ủy quyền. Tuy nhiên, khi người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân thực hiện những hành vi không được pháp nhân ủy quyền hoặc vượt quá phạm vi ủy quyền thì những hành vi đó sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của pháp nhân. Nếu như người đại diện theo pháp luật của pháp nhân chính là cá nhân trong pháp nhân đó, thì người đại diện theo ủy quyền có thể là người của pháp nhân nhưng cũng có thể là cá nhân ở ngoài pháp nhân hoặc một pháp nhân khác.

Hoạt động của người đại diện của pháp nhân do nhiều nguyên nhân khó có thể tránh khỏi việc mắc phải sai sót, gây phương hại đến các chủ thể khác, và những sai sót này có thể làm phát sinh nhiều loại trách nhiệm khác nhau. Trong đó, có những hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến những quan hệ pháp luật được luật hình sự bảo vệ và xem là tội phạm. Hành vi khách quan của tội phạm do pháp nhân thực hiện phải có tính nguy hiểm cho xã hội, là hoạt động có ý thức và ý chí, là hành vi trái pháp luật hình sự. Hành vi khách quan của tội phạm do pháp nhân thực hiện có thể được biểu hiện dưới dạng hành động (làm một việc bị pháp luật cấm) hoặc không hành động (không làm một việc mà pháp luật yêu cầu phải làm mặc dù có đủ điều kiện để làm)[22].

Thứ hai, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại.

Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội phải được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân đó, lợi ích là mục đích phạm tội của pháp nhân thương mại. Điều này đồng nghĩa với việc những hành vi phạm tội được thực hiện bởi người đại diện của pháp nhân thương mại nhưng không vì lợi ích của pháp nhân thương mại mà vì lợi ích riêng của cá nhân thì pháp nhân đó sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp đó chính cá nhân của pháp nhân, người đã thực hiện hành vi đó phải tự mình gánh chịu trách nhiệm.

Lợi ích của pháp nhân thương mại được nhìn thấy thông qua việc mang lại lợi ích vật chất một cách gián tiếp hoặc trực tiếp từ hành vi phạm tội. Ví dụ: Pháp nhân thương mại sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường trong trường hợp pháp nhân vì mục đích cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm tăng khả năng cạnh tranh do đó đã thực hiện việc xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường bên ngoài dẫn đến gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, có một số trường hợp pháp nhân hưởng lợi từ hành vi phạm tội, nhưng lợi ích đó có thể không phải lúc nào cũng nhìn thấy được dưới hình thức vật chất cụ thể. Đôi khi, lợi ích có thể nhìn thấy thông qua việc thực hiện hành vi phạm tội để nâng cao địa vị xã hội, danh tiếng của pháp nhân đó hoặc đảm bảo những cơ hội, lợi thế cạnh tranh của pháp nhân. Những lợi ích này có thể biến thành những lợi ích vật chất trong tương lai. Đó có thể là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, như việc thỏa thuận ngăn cản, kiềm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh.

Pháp nhân vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân cho dù khi thực hiện những tội phạm đó không mang lại bất kỳ lợi ích thực tế nào cho pháp nhân. Điển hình là những trường hợp pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm do người đại diện của pháp nhân thực hiện khi thi hành chức năng, nhiệm vụ của họ nhân danh pháp nhân và chịu sự chỉ đạo, quản lý của pháp nhân.

Thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại.

Pháp nhân là một tập thể người có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có hệ thống quản lý điều hành phân hóa rõ rệt. Bộ máy của pháp nhân bao gồm các cơ quan hoặc cá nhân đóng vai trò lãnh đạo, điều hành, đề ra các chính sách định hướng cho sự phát triển của pháp nhân, đưa ra các mệnh lệnh nhằm cụ thể hóa những chính sách đó. Bên cạnh đó, là những cá nhân đóng vai trò thừa hành, thực hiện những mệnh lệnh từ cơ quan quản lý cấp cao. Như vậy, pháp nhân không thể hoạt động được nếu không thông qua những con người cụ thể, ngược lại những con người trong pháp nhân chỉ là phương tiện truyền tải ý chí của pháp nhân.

Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thì hành vi phạm tội không chỉ được thực hiện nhân danh pháp nhân mà đòi hỏi hành vi phạm tội được thực hiện phải có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân. Ở đây, chính sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thể hiện ý chí thống nhất của tập thể người trong pháp nhân đó, ý chí của những con người cụ thể đồng nhất với ý chí của pháp nhân. Cá nhân thực hiện hành vi phạm tội là thực hiện trên cơ sở quyết định của tập thể - pháp nhân, chứ không phải trên cơ sở ý chí của bản thân mình. Chính yếu tố quản lý, điều hành sẽ mang tính chất quyết định, nếu không có những chỉ đạo, điều hành của pháp nhân thì hành vi phạm tội sẽ không được thực hiện.

Quy định điều kiện hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân nhằm tránh trường hợp cá nhân lợi dụng danh nghĩa của pháp nhân để áp đặt ý đồ cá nhân nhằm thực hiện phạm tội nhưng trốn tránh trách nhiệm, sau đó lại hợp thức hóa quyết định cá nhân dưới danh nghĩa pháp nhân.

Thứ tư, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vấn đề thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được đặt ra xuất phát từ nhận thức chung rằng hiệu quả của việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt phụ thuộc rất nhiều vào khoảng thời gian giữa thời điểm thực hiện tội phạm và thời điểm áp dụng hình phạt. Khoảng thời gian đó càng nhỏ thì hiệu quả đạt được của việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt càng cao; và ngược lại khoảng thời gian đó càng dài thì hiệu quả đạt được càng thấp[23].

Theo quy định tại khoản 1, Điều 27 Bộ luật hình sự năm 2015 thì: “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Tại khoản 2, Điều 27 Bộ luật hình sự năm 2015 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

  • 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tức tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù;
  • 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng, tức tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù;
  • 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tức tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù;
  • 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tức tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Mức độ tội phạm càng nghiêm trọng thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự càng dài. Tuy nhiên, điểm qua các quy định nêu trên cho thấy Bộ luật hình sự năm 2015 chỉ quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, trong khi đó điều kiện để áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, dụng ý của nhà làm luật là vận dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cho cả hai chủ thể là cá nhân và pháp nhân.

Khi hết các thời hạn nêu trên mà các cơ quan tiến hành tố tụng vì một lý do nào đó không phát hiện hành vi phạm tội hoặc phát hiện nhưng không tiến hành điều tra, truy tố, xét xử thì pháp nhân thương mại phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội mà pháp nhân đó đã thực hiện.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 75 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Tức là về mặt nguyên tắc những cá nhân trực tiếp hay gián tiếp thực hiện hành vi phạm tội cho dù thực hiện với danh nghĩa pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây được xem là “nguyên tắc trách nhiệm kép”. Việc áp dụng “nguyên tắc trách nhiệm kép” một mặt thể hiện bản chất trách nhiệm hình sự của tổ chức là trách nhiệm đó thông qua trách nhiệm của thể nhân cụ thể; mặt khác, làm tăng hiệu quả của việc áp dụng trách nhiệm hình sự trong thế giới hiện đại[24]. Nếu như chỉ xử phạt người thực hiện hành vi phạm tội mà không xử phạt pháp nhân thì chẳng những không phòng ngừa được pháp nhân thương mại phạm tội mà còn có thể sẽ thúc đẩy hành vi phạm tội của pháp nhân phát triển. Có thể nhận thấy rằng pháp nhân và những thành viên trong pháp nhân là hai chủ thể hoàn toàn độc lập với nhau, cho nên dù cùng là một hành vi phạm tội thì cũng không tồn tại hai lần xử phạt.

Như vậy, khi áp dụng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, các chủ thể có hành vi vi phạm sẽ bao gồm: người thực hiện hành vi phạm tội; người chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận cho việc thực hiện hành vi phạm tội dưới danh nghĩa pháp nhân thương mại và pháp nhân thương mại.

 

2. Phạm vi các tội áp dụng đối với pháp nhân thương mại

Bộ luật hình sự năm 2015 không quy kết trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm đối với pháp nhân thương mại, mà thay vào đó luật hình sự quy định theo hướng liệt kê một số tội phạm cụ thể mà pháp nhân thương mại có thể thực hiện. Điều 76 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới chịu trách nhiệm hình sự”. Điều 76 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 31 tội phạm.

Đối với các tội phạm cụ thể mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự, Bộ luật hình sự năm 2015 không quy định thành một chương độc lập dành riêng cho pháp nhân thương mại mà quy định chung cùng với những tội phạm do cá nhân thực hiện. Các tội phạm do pháp nhân thương mại có thể thực hiện được nhà làm luật mô tả trong từng điều luật cùng với những tội phạm do cá nhân thực hiện. Các tội phạm cụ thể bao gồm:

  1. Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế:
  • Tội buôn lậu.
  • Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm.
  • Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
  • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi.
  • Tội đầu cơ.
  • Tội trốn thuế.
  • Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ.
  • Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
  • Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán.
  • Tội thao túng thị trường chứng khoán.
  • Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.
  • Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
  • Tội vi phạm quy định về cạnh tranh.
  • Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
  • Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
  • Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
  • Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.
  • Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã.
  1. Các tội về môi trường:
  • Tội gây ô nhiễm môi trường.
  • Tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.
  • Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông.
  • Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam.
  • Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản.
  • Tội huỷ hoại rừng.
  • Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
  • Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên.
  • Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại.

c) Các tội xâm phạm an toàn công cộng:

- Tội tài trợ khủng bố.

- Tội rửa tiền.

Thiết kế của Bộ luật hình sự năm 2015 cho thấy, với những tội phạm được quy kết trách nhiệm hình sự cho pháp nhân thương mại, nhà làm luật bố trí theo hình thức: Cùng một điều luật về một tội phạm cụ thể, trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại được quy định thành một khoản và thêm vào phía sau khoản quy định trách nhiệm hình sự của cá nhân. Ví dụ: Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, phần đầu của điều luật quy định trách nhiệm hình sự của cá nhân từ khoản 1 đến khoản 4; trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại được quy định tại khoản cuối cùng là khoản 5 theo đó: “Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này, thì bị phạt như sau:…”.

Những tội phạm pháp nhân thương mại bị quy kết trách nhiệm hình sự bao gồm 31 tội danh, trong đó có 22 tội thuộc Chương XVIII. Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; 9 tội thuộc chương XIX. Các tội phạm về môi trường. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là vấn đề mới được đặt ra, nước ta chưa có kinh nghiệm thực tiễn về chế định này, do vậy việc xác định các tội danh mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự năm 2015 đã thể hiện sự thận trọng, phù hợp trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm và phổ biến của những hành vi vi phạm xảy ra trong thực tiễn để quy định trong Bộ luật hình sự nhằm xử lý hành vi phạm tội. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, trên cơ sở tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, trước mắt, xác định phạm vi các tội danh mà pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự chỉ thuộc các nhóm tội phạm kinh tế và tội phạm về môi trường, đây là những tội danh mà pháp nhân thường hay vi phạm (tính phổ biến), có mức độ nguy hiểm nhất định và dễ chứng minh trên thực tế[25].

Phần lớn các tội phạm mà pháp nhân thương mại có thể thực hiện có cấu thành vật chất. Để khẳng định tội phạm được hoàn thành cần chứng minh được những hành vi vi phạm phải gây ra hậu quả cụ thể, ví dụ như Điều 200 (tội trốn thuế), Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán).

Một số tội phạm với cấu thành hình thức, để xác định tội phạm hoàn thành không cần thiết phải có hậu quả xảy ra, thời điểm hoàn thành tội phạm được tính từ thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Điển hình như các tội ở Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm), Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh).

Cấu thành của nhiều tội phạm mà pháp nhân thương mại có thể thực hiện bắt buộc về việc đã bị xử phạt hành chính, ví dụ: Điều 188 (tội buôn lậu), Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới).

Ngoài những tội phạm được liệt kê ở Điều 76 Bộ luật hình sự năm 2015 thì pháp nhân thương mại không phải chịu trách nhiệm hình sự cho bất kỳ tội phạm nào khác.

Theo Bộ luật hình sự 2015, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 31 tội danh. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy Công ước của Liên hợp quốc về chống vận chuyển trái phép chất ma túy và các chất hướng thần (1988), Công ước của Liên hợp quốc về ngăn chặn tài trợ cho khủng bố (1999), cũng như Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (2000) đều yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải hình sự hóa hành vi tài trợ khủng bố và rửa tiền đối với pháp nhân.

Mặt khác, theo chu kỳ, năm 2018, quốc tế sẽ tiến hành rà soát, đánh giá về những tiến triển của Việt Nam trong công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, nếu Việt Nam không thực hiện cam kết với quốc tế về việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội rửa tiền và tài trợ khủng bố thì nước ta sẽ có nguy cơ bị xếp hạng “không tuân thủ” và bị đưa trở lại danh sách các quốc gia thiếu hụt về cơ chế chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, phải chịu sự rà soát của lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố gây ảnh hưởng bất lợi đối với Việt Nam trong hợp tác quốc tế, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng.

Vì vậy, việc Bộ luật hình sự 2015 không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với tội tài trợ khủng bố và rửa tiền đối với pháp nhân, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, là chưa bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết của nước ta trong các công ước nêu trên, có thể dẫn đến những bất lợi cho Việt Nam trong quan hệ quốc tế và ảnh hưởng nhiều mặt đến kinh tế - xã hội. Cụ thể, đó là ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư nước ngoài, đến dòng tiền vốn đầu tư vào Việt Nam, các dự án vay vốn, các giao dịch tài chính, ngân hàng với nước ngoài; gây khó khăn cho hoạt động tài chính, ngân hàng, tín dụng cũng như các hoạt động kinh tế khác; ảnh hưởng lớn đến uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế….

Bởi vậy, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội tài trợ khủng bố và Tội rửa tiền, nâng tổng số tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự lên 33 tội.

Việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền có ý nghĩa rất quan trọng, tạo thuận lợi trong hợp tác quốc tế đặc biệt là về thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng phục vụ phát triển đất nước.

 

3. Hình phạt và các biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại

a) Các hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại

Hình phạt áp dụng đối với cá nhân – một con người tự nhiên khi phạm tội có thể là tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình và một số hình phạt khác. Khi thừa nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân chúng ta phải nhận thức rõ sự khác biệt về mặt bản chất giữa pháp nhân và một con người tự nhiên. Cho nên một số hình phạt của cá nhân hoàn toàn không thể áp dụng đối với các tội phạm của pháp nhân ví như hình phạt hạn chế hoặc tước đi quyền tự do thân thể. Thậm chí, một số hình phạt có thể áp dụng cho cả hai chủ thể này thì hình thức và mức độ áp dụng cũng không giống nhau. Do đó, để áp dụng hình phạt đối với pháp nhân một cách có hiệu quả, đòi hỏi các nhà làm luật phải thiết lập các hình phạt đặc biệt tương ứng phù hợp dành cho pháp nhân. Trong pháp luật hình sự ở hầu hết các nước theo truyền thống pháp luật Anh - Mỹ, Thụy Sỹ, Trung Quốc quy định hình phạt tiền là hình phạt duy nhất áp dụng đối với pháp nhân; trong khi đó, pháp luật hình sự của các nước như Pháp, Bỉ, Hà Lan lại quy định nhiều loại hình phạt khác nhau đối với pháp nhân như giải thể, cấm tiến hành trực tiếp hoặc gián tiếp một hoặc nhiều hoạt động nghề nghiệp hoặc xã hội, chịu sự giám sát tư pháp, cấm vĩnh viễn hoặc có thời hạn việc huy động vốn, tịch thu tài sản đã sử dụng để phạm tội hoặc có được do phạm tội, niêm yết quyết định đã được toà án tuyên hoặc thông báo trên các phương tiện truyền thông, đóng cửa vĩnh viễn các cơ sở hoặc một trong các cơ sở của pháp nhân[26].

Dựa trên kinh nghiệm lập pháp của các quốc gia trên thế giới có ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân, cũng như thực tiễn hành vi phạm tội của pháp nhân tại Việt Nam, Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định một hệ thống hình phạt dành cho pháp nhân thương mại phạm tội riêng biệt so với hệ thống hình phạt của cá nhân. Hệ thống hình phạt đối với pháp nhân thương mại được phân chia thành các hình phạt chính và các hình phạt bổ sung, bao gồm 3 hình phạt chính và 3 hình phạt bổ sung. Việc phân chia các hình phạt thành hình phạt chính và hình phạt bổ sung chủ yếu dựa trên khả năng áp dụng độc lập của từng loại hình phạt đối với các trường hợp phạm tội cụ thể. Hình phạt chính bao gồm: Phạt tiền; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Hình phạt bổ sung bao gồm: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Cấm huy động vốn; Phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính. Hình phạt chính là hình phạt được tuyên độc lập và mỗi tội phạm chỉ có thể bị tuyên một hình phạt chính. Trong khi đó, hình phạt bổ sung không thể tuyên độc lập mà chỉ có thể tuyên kèm theo với một hình phạt chính nào đó, mỗi tội phạm có thể bị tuyên một hoặc một số hình phạt bổ sung.

Những loại hình phạt mà Bộ luật hình sự năm 2015 quy định đối với pháp nhân thương mại không phải là những loại hình phạt mới. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các hình phạt này đã được nhà làm luật quy định là các chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức trong Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản xử phạt vi phạm hành chính các lĩnh vực chuyên ngành. Mặc dù vậy, dù cùng là những hình thức xử phạt, tuy nhiên các hình thức xử phạt này áp dụng đối với tổ chức với tư cách là chế tài xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe, giáo dục, chưa mang lại hiệu quả đấu tranh phòng ngừa cao đối với tổ chức vi phạm. Chính vì thế, dưới góc độ là những loại hình phạt do Bộ luật hình sự quy định, mang tính nghiêm khắc, cưỡng chế nhà nước cao nhất thì sẽ góp phần quan trọng vào quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm do pháp nhân gây ra một cách có hiệu quả[27].

Một số hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội tương tự hình phạt áp dụng với cá nhân ví dụ như hình phạt tiền, tuy nhiên Bộ luật hình sự năm 2015 còn quy định rất nhiều loại hình phạt đặt trưng áp dụng cho pháp nhân thương mại phạm tội. Hình phạt đối với pháp nhân thương mại trong luật hình sự nước ta nhìn chung tương đối đa dạng và tổng quát, hình phạt một mặt tác động vào lợi ích kinh tế vật chất của pháp nhân thương mại, xuất phát từ mục đích chính của pháp nhân thương mại là hoạt động sinh lợi, đây được xem là mặt trực tiếp, đồng thời có ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của pháp nhân thương mại. Bên cạnh đó, hình phạt còn tác động vào uy tín danh dự của pháp nhân thương mại phạm tội, thậm chí còn tác động đến những hoạt động của pháp nhân, chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân thương mại phạm tội.

Mục đích cơ bản và quan trọng nhất của hình phạt là đảm bảo công bằng xã hội và phòng ngừa tội phạm. Công bằng xã hội đòi hỏi hình phạt phải có đặc tính trừng trị. Công bằng xã hội vừa là xuất phát điểm, vừa là giới hạn của trừng trị trong hình phạt[28]. Vì vậy, hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội trước hết là để trừng trị những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến các quan hệ được luật hình sự bảo vệ. Song song với đảm bảo công bằng xã hội, hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội còn hướng đến mục đích giáo dục, cải tạo pháp nhân thương mại phạm tội đồng thời ngăn ngừa pháp nhân đó phạm tội mới – ngăn ngừa riêng. Tác động của phòng ngừa riêng là nhằm giáo dục pháp nhân thương mại phạm tội nhận thức một cách đầy đủ và đúng đắn về pháp luật, hướng pháp nhân thương mại phạm tội loại bỏ những điều kiện phạm tội để hoàn lương trở thành pháp nhân hoạt động trong sạch, lành mạnh. Bên cạnh đó, còn góp phần giáo dục các thành viên khác trong xã hội có ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành nghiêm pháp luật – phòng ngừa chung. Hình phạt có tác động nâng cao ý thức pháp luật của cá nhân, pháp nhân khác, phòng ngừa họ có hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Xử phạt đối với pháp nhân thương mại không phải là xử phạt các thành viên của pháp nhân mà là nhắm vào chính pháp nhân.

Các hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm:

Các hình phạt chính

  • Phạt tiền

Hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 77 Bộ luật hình sự năm 2015, theo đó:

“1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

2. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng”.

Mặc dù điều luật không đưa ra định nghĩa về phạt tiền và nêu rõ nội dung của hình phạt này nhưng có thể hiểu bản chất của hình phạt tiền là tước đi một khoản tiền nhất định của pháp nhân thương mại bị kết án sung vào công quỹ của Nhà nước. Nghiên cứu pháp luật hình sự một số quốc gia trên thế giới cho thấy hình phạt tiền được xem là một hình phạt phổ biến nhất đối với pháp nhân phạm tội, đặc biệt một số quốc gia chỉ quy định hình phạt tiền là hình phạt duy nhất áp dụng đối với pháp nhân phạm tội như Trung Quốc.

Những hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại là những hành vi được thực hiện trong quá trình sản xuất, kinh doanh của pháp nhân mà mục đích cuối cùng hướng đến chính là lợi nhuận. Vì vậy, mục đích của hình phạt phải được áp dụng chính xác cho mục đích phạm tội của pháp nhân thương mại. Hình phạt tiền là loại hình phạt có khả năng tác động một cách trực tiếp và có hiệu quả về mặt kinh tế đối với pháp nhân thương mại phạm tội vì nó đánh vào chính cơ sở vật chất, tước bỏ những khoản thu lợi bất chính hoặc một phần tài sản của pháp nhân nhằm đạt được mục đích trừng trị, mức độ trừng trị của hình phạt tiền là tương đối nghiêm khắc với những quy định phạt có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí là hàng chục tỷ đồng cho phép áp dụng với nhiều loại tội phạm nghiêm trọng khác nhau. Bên cạnh đó, hình phạt tiền còn hướng đến mục đích giáo dục pháp nhân thương mại phạm tội, các thành viên của pháp nhân nhận thức được sai làm, nhận ra tính tất yếu của hình phạt. Ngoài ra, việc áp dụng hình phạt tiền còn có khả năng hạn chế hoặc xóa bỏ các điều kiện về kinh tế là cơ sở để pháp nhân có thể tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.

Về điều kiện áp dụng hình phạt tiền. Theo quy định tại khoản 1, Điều 77 Bộ luật hình sự năm 2015 nhận thấy hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính và hình phạt bổ sung, nhưng không quy định rõ trường hợp nào là hình phạt chính, trường hợp nào là hình phạt bổ sung; không quy định áp dụng đối với loại tội phạm nào. Thay vào đó, hình phạt tiền sẽ được quy định chi tiết trong những tội danh cụ thể.

Qua nghiên cứu các điều luật quy định các tội phạm cụ thể mà pháp nhân thương mại có thể thực hiện, cho thấy:

-        Phạt tiền là hình phạt chính được quy định trong tất cả những tội mà pháp nhân thương mại có thể thực hiện và được áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Trong điều luật về tội phạm cụ thể, trách nhiệm hình sự của cá nhân được quy định trước sau cùng là trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Đối với cá nhân, tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, hình phạt được quy định: hình phạt tù tối đa là 3 năm đối với tội ít nghiêm trọng, hình phạt tù từ 3 năm đến 7 năm đối với tội nghiêm trọng, hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm đối với tội rất nghiêm trọng, hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm đối với tội đặc biệt nghiêm trọng. Chiếu theo những quy định trong phần trách nhiệm hình sự của cá nhân, người viết nhận thấy nhà làm luật đã căn cứ vào hình phạt tù của cá nhân để có sự quy đổi thành hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Theo đó, hành vi phạm tội của cá nhân có hình phạt là bao nhiêu tháng tù thì pháp nhân sẽ bị phạt một khoản tiền nhất định. Tuy nhiên, việc quy đổi này không có bất kỳ một công thức nhất định nào, bởi mức phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định rất linh hoạt, tương ứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Ví dụ, tại Điều 200 (tội trốn thuế), ở khoản 1 quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, pháp nhân thương mại khi phạm tội rơi vào khoản 1 điều này tương ứng sẽ bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.

-        Phạt tiền là hình phạt bổ sung được quy định trong đa số các tội, tuy nhiên có 3 tội không quy định phạt tiền là hình phạt bổ sung, bao gồm: Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động). Trong các điều luật quy định về hình phạt tiền, nhà làm luật sử dụng cụm từ “còn có thể bị phạt tiền”, cụm từ này cho phép người đọc hiểu theo hướng ngoài hình phạt chính thì pháp nhân còn bị phạt tiền với hình thức là hình phạt bổ sung. Ví dụ: điểm đ, khoản 5, Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm) quy định: “Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng”.

-        Khi là hình phạt chính mức phạt tiền thấp nhất là 100.000.000 đồng, mức phạt tiền cao nhất là 20.000.000.000 đồng. Khi là hình phạt bổ sung mức phạt tiền thấp nhất là 50.000.000 đồng, mức phạt tiền cao nhất là 2.000.000.000 đồng. Mức phạt tiền của hình phạt chính cao hơn nhiều lần so với mức phạt tiền của hình phạt bổ sung. Mức phạt tiền khi là hình phạt chính được quy định cụ thể như sau:

+ Mức phạt tiền khởi điểm là 100.000.000 đồng được quy định tại 1 điều luật là Điều 203 (Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước). Mức phạt tiền cao nhất là 20.000.000.000 đồng được quy định tại 1 điều luật là Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh).

+ Mức phạt tiền khởi điểm là 200.000.000 đồng được quy định tại 3 điều luật, cụ thể: Điều 189, 213, 216.

+ Mức phạt tiền khởi điểm là 300.000.000 đồng được quy định tại 10 điều luật, cụ thể là ở các Điều 188, 191, 196, 200, 225, 232, 234, 238, 242, 245.

+ Mức phạt tiền khởi điểm là 500.000.000 đồng được quy định tại 3 điều luật, bao gồm: Điều 209, 226, 243.

+ Mức phạt tiền khởi điểm là 1.000.000.000 đồng được quy định tại 11 điều luật, đó là Điều 190, 192, 193, 194, 195, 217, 235, 237, 239, 244, 246.

+ Mức phạt tiền khởi điểm là 1.500.000.000 đồng chỉ được quy định tại Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên).

+ Mức phạt tiền khởi điểm là 2.000.000.000 đồng được quy định tại Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán).

-        Về việc quyết định mức tiền phạt: Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đồng thời có xét tới sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng. Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội, Tòa án phải xem xét và cân nhắc những căn cứ riêng biệt như “tình hình tài chính của pháp nhân”“sự biến động của giá cả” để có thể quyết định hình phạt một cách hợp lý, tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, đồng thời còn đảm bảo để hình phạt đã áp dụng có tính khả khi, giúp phát huy hiệu quả tác dụng của hình phạt này. Ngoài ra, để đưa ra mức phạt phù hợp, đòi hỏi phải căn cứ vào những tình tiết phản ánh mức độ tội phạm cũng như những lợi ích mà hành vi phạm tội đã mang lại cho pháp nhân thương mại, những hậu quả mà hành vi phạm tội đã gây ra, quyền lợi của người lao động trong pháp nhân, việc bồi thường thiệt hại (bằng tiền) của pháp nhân đối với người bị hại…

-        Mức tối thiểu của hình phạt tiền: Với việc quy định mức phạt tiền tối thiểu có nghĩa trong mỗi trường hợp Tòa án không có quyền quyết định mức phạt tiền thấp hơn 50.000.000 đồng. Bên cạnh đó, việc xác định mức phạt tiền tối thiểu nhằm đảm bảo cho hiệu quả của hình phạt, đồng thời giúp phân việt giữa hình phạt tiền với tư cách là hình phạt của Luật hình sự với các chế tài phạt tiền trong các ngành luật khác như phạt hành chính, kinh tế…

-        Mức tối đa của hình phạt tiền: Điều 77 Bộ luật hình sự 2015 không quy định mức tối đa của hình phạt tiền. Tuy nhiên trong các điều luật có quy định về hình phạt tiền tại Phần các tội phạm thì mức tối đa của hình phạt tiền đều được xác định cụ thể trong từng khung hình phạt. Nghiên cứu về mức phạt tiền trong Phần các tội phạm cho thấy mức tối đa của hình phạt tiền luôn được quy định kèm với mức tổi thiểu của hình phạt tiền đối với mỗi một tội phạm cụ thể. Ngoài ra, khoảng cách giữa mức hình phạt tối đa và mức hình phạt tối thiểu được quy định khá linh hoạt. Ví dụ: Điều 192 mức hình phạt tối đa gấp 9 lần mức hình phạt tối thiểu; Điều 193 mức hình phạt tối đa gấp 18 lần mức hình phạt tối thiểu; Điều 194 mức hình phạt tối đa gấp 20 lần mức hình phạt tối thiểu. Hình phạt tiền với những mức phạt rất cao có tác dụng răn đe đối với pháp nhân, cho pháp nhân thấy rằng nếu thực hiện hành vi phạm tội mà bị xử phạt tiền thì cũng chẳng mang lại lợi ích gì, thậm chí còn bị thiệt hại nhiều hơn số lợi ích mang lại.

-        Về cách thức thi hành hình phạt tiền, nếu như khoản 4 Điều 30 Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định rõ phương thức thi hành hình phạt tiền, cụ thể: “Tiền phạt có thể nộp một lần hoặc nhiều lần trong thời hạn do Tòa án quyết định trong bản án”, quy định này áp dụng đối với cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, vấn đề cách thức thi hành hình phạt tiền như thế nào thì Bộ luật hình sự năm 2015 chưa quy định cụ thể, đặc biệt là vấn đề thi hành hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Khi nghiên cứu về mục đích của hình phạt tiền cũng phải nhận thức rõ ràng, mặc dù nội dung của hình phạt này là tước đi một khoản tiền nhất định của pháp nhân thương mại phạm tội để sung vào công quỹ nhà nước, song việc quy định và áp dụng hình phạt tiền không phải đặt ra vì mục đích kinh tế hay nói cách khác không phải dùng hình phạt tiền để tăng thu ngân sách nhà nước. Việc tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước là một hệ quả tất yếu của việc áp dụng hình phạt tiền, chứ không phải là mục đích của hình phạt tiền.

-        Đình chỉ hoạt động có thời hạn

Theo Điều 78 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

“Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.

Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm”.

Đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình phạt nhằm buộc pháp nhân thương mại phạm tội phải tạm ngưng hoạt động đối với một hoặc toàn bộ các đơn vị trực thuộc của pháp nhân có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại. Những đơn vị này của pháp nhân thương mại đã gây ra thiệt hại trên thực tế ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn được quy định ở 22/31 tội mà pháp nhân thương mại có thể thực hiện, cụ thể:

-        Đối với các tội phạm ít nghiêm trọng (tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù đối với cá nhân): Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp).

-        Đối với các tội phạm nghiêm trọng (tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù đối với cá nhân): Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại).

-        Đối với các tội phạm rất nghiêm trọng (tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù đối với cá nhân): Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản); Điều 234 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã); Điều 242 (tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản); Điều 243 (tội hủy hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm).

-        Đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến hai mươi năm tù, chung thân hoặc tử hình đối với cá nhân): Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi).

Về điều kiện áp dụng, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn được áp dụng đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trong cùng một khoản, nhà làm luật quy định cả hình phạt tiền áp dụng là hình phạt chính lẫn hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn chung với nhau. Khi quyết định áp dụng, Tòa án chỉ được lựa chọn hoặc áp dụng hình phạt tiền hoặc áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn là một hình phạt chính mà thôi. Như vậy, có thể nhận thấy rằng, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn và hình phạt tiền có thể thay thế cho nhau. Ngoài ra, khi áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn Tòa án cần phải xem xét và cân nhắc đến các yếu tố bao gồm: Thứ nhất là lĩnh vực đình chỉ hoạt động có thời hạn phải là lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội, những thiệt hại này đã xảy ra trên thực tế; Thứ hai, những thiệt hại do hành vi phạm tội của pháp nhân đã gây ra phải “có khả năng khắc phục trên thực tế”.

Đình chỉ hoạt động có thời hạn có thể được xem như hình phạt “tù có thời hạn” đối với pháp nhân thương mại phạm tội, bởi khi áp dụng hình phạt này pháp nhân sẽ bị tước đi quyền tự do kinh doanh, bị cách ly khỏi thị trường trong một thời hạn nhất định. Việc áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn sẽ gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế đối với pháp nhân thương mại phạm tội, bởi khi đó toàn bộ hoặc một phần các đơn vị sản xuất, kinh doanh của pháp nhân phải tạm đóng cửa, ngưng hoạt động sản xuất, đình trệ kinh doanh thì tiếp sau là hàng loạt những tác động tiêu cực đến chính pháp nhân thương mại phạm tội. Đối với các pháp nhân thương mại, việc ngưng sản xuất kinh doanh trong một thời hạn sẽ ảnh hưởng đến những lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Điển hình hình các hợp đồng đã ký kết với khách hàng, việc bị tạm đình chỉ dẫn đến không có khả năng thực hiện hợp đồng và do đó rất có thể phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Bên cạnh đó, pháp nhân còn phải đối mặt với không chỉ thâm hụt doanh thu mà còn thâm hụt cả lòng tin của người tiêu dùng về sản phẩm của mình (trường hợp hàng giả, hàng kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe con người…). Khi pháp nhân thương mại phải ngưng hoạt động trong một thời hạn nhất định sẽ đẩy người lao động rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn đó là bị mất việc làm. Sau khi hình phạt tạm đình chỉ bị dở bỏ, pháp nhân sẽ phải mất rất nhiều thời gian, chi phí và công sức để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như tìm lại thị phần của mình.

Tác dụng của hình phạt này mang tính chất trừng trị, giáo dục pháp nhân thương mại phạm tội hơn là nhắm đến mục đích ngăn ngừa. Thời hạn đình chỉ hoạt động là từ 6 tháng đến 3 năm tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, việc áp dụng thời hạn đình chỉ cụ thể phải do Tòa án xem xét quyết định.

-        Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn

Điều 79 Bộ luật hình sự 2015 quy định:

“Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.”

Hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn được quy định trong 11 tội/31 tội đối với pháp nhân thương mại, bao gồm: Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản); Điều 242 (tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan).

Nếu như với cá nhân, hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất khi người bị áp dụng sẽ không còn có cơ hội tồn tại để sống, họ bị tước đi quyền thiêng liêng nhất – quyền được sống[29]. Thì đối với pháp nhân thương mại, hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn cũng được xem như là hình phạt “tử hình”. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là hình phạt cuối cùng thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Sự nghiêm khắc của hình phạt này thể hiện ở sự triệt tiêu, sự chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động của pháp nhân, loại bỏ pháp nhân ra khỏi xã hội.

Về điều kiện áp dụng, hình phạt này được áp dụng đối với những hành vi phạm tội gây ra hậu quả đặc biệt lớn như gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây nên sự cố môi trường hoặc ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Thậm chí, đối với những trường hợp phát hiện hành vi phạm tội “có khả năng thực tế gây thiệt hại” thì hình phạt này cũng được áp dụng nhằm tránh những thiệt hại lớn có thể xảy ra. Ngoài ra, đối với những pháp nhân được thành lập chỉ với mục đích phạm tội thì cũng bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn chỉ có tác dụng trừng trị và phòng ngừa mà không có tác dụng giáo dục, cải tạo đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Bởi  vì, khi hình phạt này được thi hành, toàn bộ hoặc một phần pháp nhân thương mại phạm tội sẽ chấm dứt hoạt động vĩnh viễn, bị tước đi mọi giao tiếp, mọi mối quan hệ xã hội, vì thế sẽ không bao giờ có cơ hội để tiếp tục phạm tội hay cơ hội cho pháp nhân có thể sửa chữa những sai lầm do hành vi phạm tội của pháp nhân gây nên. Qua đó thể hiện tính phòng ngừa riêng đối với pháp nhân thương mại phạm tội khi ngăn ngừa pháp nhân thương mại phạm tội mới, đồng thời cũng thể hiện tính phòng ngừa chung trong xã hội thông qua việc răn đe các pháp nhân khác phạm tội.

Khi áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân thương mại phạm tội, ngoài việc xem xét đến lĩnh vực hoạt động của pháp nhân, hậu quả mà hành vi phạm tội gây ra, Tòa án còn phải cân nhắc đến yếu tố “không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra”. Hình phạt này có thể áp dụng đối với những hành vi phạm tội có tính chất nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn cho xã hội, thuộc trường hợp tái phạm nhiều lần, có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự…

Việc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân thương mại phạm tội còn mang đến vô vàng những hậu quả pháp lý giữa pháp nhân thương mại phạm tội và các chủ thể liên quan, từ chủ nợ, con nợ cho đến người lao động của pháp nhân. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn không chỉ là mối quan hệ giữa một bên là Nhà nước và bên còn lại là pháp nhân thương mại phạm tội mà nó còn dẫn đến sự xung đột lợi ích giữa con nợ mất khả năng thanh toán với chủ nợ, giữa lợi ích của tập thể người lao động với pháp nhân thương mại phạm tội, thậm chí ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, trật tự trong một khu vực. Chính vì vậy, cần có sự cân nhắc, tính toán phù hợp giữa việc áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân thương mại phạm tội và đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể khác có liên quan.

Các hình phạt bổ sung

Bên cạnh các hình phạt chính là phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, Bộ luật hình sự năm 2015 còn quy định các hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Các hình phạt bổ sung có mục đích nhằm tước bỏ các điều kiện phạm tội hoặc tước đoạt các quyền hợp pháp của pháp nhân thương mại phạm tội. Hình phạt bổ sung còn có tác dụng hỗ trợ cho việc xử lý hình sự một cách toàn diện, triệt để, phát huy tác dụng phòng ngừa riêng và răn đe riêng của hình phạt.

  • Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định

Điều 80 Bộ luật hình sự 2015 quy định:

“1. Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội

2. Tòa án quyết định lĩnh vực cụ thể bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động.

3. Thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật”.

Hình phạt này được quy định trong hầu hết các tội mà pháp nhân thương mại có thể thực hiện. Chỉ duy nhất một tội danh không quy định hình phạt này là hình phạt bổ sung, đó là Điều 216 Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Hành vi không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động – đây là những nghĩa vụ mà pháp nhân thương mại có trách nhiệm phải thực hiện theo cam kết của chính pháp nhân thương mại. Trách nhiệm hình sự trong tội phạm này xuất phát từ việc không thực hiện các cam kết của pháp nhân thương mại ở mức độ nghiêm trọng, chứ không phải xuất phát từ những lĩnh vực mà pháp nhân thương mại đang kinh doanh. Do đó, việc không quy định hình phạt bổ sung là cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là phù hợp.

Mục đích của hình phạt này là thông qua việc cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực đối với pháp nhân thương mại phạm tội, hình phạt này góp phần thực hiện chức năng phòng ngừa tội phạm. Nếu pháp nhân thương mại bị kết án vẫn tiếp tục hoạt động, kinh doanh mà chính nhờ thông qua những lĩnh vực hoạt động, kinh doanh đó lại tạo điều kiện cho pháp nhân thương mại phạm tội. Mặc khác nó đánh vào lợi ích kinh tế của pháp nhân thương mại, khi không được hoạt động kinh doanh ở những lĩnh vực mình đang hoạt động pháp nhân thương mại sẽ mất đi các khoản lợi nhuận mà nếu như trước kia thuộc về mình, nay không còn nữa. Việc áp dụng hình phạt này còn có tác dụng giáo dục pháp nhân thương mại, giúp pháp nhân thương mại nhìn nhận lại những sai lầm của mình qua hành vi cụ thể của các cá nhân, từ đó có phương hướng tổ chức lại bộ máy nhân sự một cách phù hợp để không lặp lại những hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự.

Khi áp dụng hình phạt này, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định lĩnh vực cụ thể bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động. Thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

  • Cấm huy động vốn

Điều 81 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội. Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm:

  • Cấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư;
  • Cấm phát hành, chào bán chứng khoán;
  • Cấm huy động vốn khách hàng;
  • Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước;
  • Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.

Vốn chính là cơ sở, là tiền đề để bắt đầu sự kinh doanh. Để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh phải tiến hành thuê nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị, nguyên liệu, thuê lao động…tất cả những điều kiện cần để một pháp nhân thương mại có thể tiến hành và duy trì những hoạt động của mình nhằm đạt được những mục tiêu đề ra. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh của pháp nhân thương mại, muốn phát triển, mở rộng quy mô kinh doanh thì phải huy động vốn. Trong quá trình hoạt động của mình, các pháp nhân thương mại được quyền tiến hành huy động vốn với nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ: Công ty cổ phần được phát hành các loại chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán ra thị trường để công khai huy động vốn trong công chúng. Qua đó, chúng ta đã thấy được yếu tố vốn đóng một vai trò quan trọng đối với mỗi pháp nhân thương mại. Bằng việc áp dụng biện pháp cấm huy động vốn, hình phạt này góp phần triệt tiêu lợi ích kinh tế, ngăn ngừa pháp nhân thương mại có thể sử dụng nguồn vốn huy động để tiếp tục phạm tội, gây nguy hại cho xã hội.

Khi tiến hành áp dụng biện pháp cấm huy động vốn đối với pháp nhân thương mại phạm tội, Tòa án có thể áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn nêu trên. Thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

  1. Các biện pháp tư pháp

Các biện pháp tư pháp hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội là những biện pháp cưỡng chế về hình sự của Nhà nước có tính chất ít nghiêm khắc hơn so với hình phạt.

  • Biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm

Vật và tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là vật hoặc tiền là công cụ, phương tiện dùng vào việc thực hiện tội phạm hoặc thông qua việc thực hiện tội phạm mà có hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có hoặc là vật Nhà nước cấm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán[30].

Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

“Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:

  1. Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội.
  2. Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội.
  3. Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành”.

Những vật hoặc tiền là công cụ, phương tiện phạm tội nếu là tài sản thuộc quyền sở hữu của pháp nhân thương mại phạm tội thì theo nguyên tắc phải bị tịch thu.

Riêng đối với vật, tiền, phương tiện thuộc sở hữu Nhà nước hoặc thuộc sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác bị pháp nhân thương mại phạm tội chiếm đoạt, sử dụng trái phép thì sẽ không tịch thu mà chuyển về cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp của chúng. Trong trường hợp xét thấy cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu của tài sản có lỗi trong việc để cho pháp nhân thương mại phạm tội sử dụng vào mục đích thực hiện tội phạm, thì tài sản có thể bị tịch thu.

Việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm một mặt có tác dụng loại bỏ điều kiện vật chất của pháp nhân thương mại phạm tội, mặc khác góp phần cải tạo, giáo dục pháp nhân thương mại phạm tội, ngăn ngừa phạm tội mới.

  • Biện pháp tư pháp trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi

Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại là biện pháp tư pháp được Bộ luật hình sự quy định, do tòa án áp dụng đối với người phạm tội khi họ đã gây ra thiệt hại vật chất hoặc tinh thần cho người bị hại[31].

Buộc công khi xin lỗi là biện pháp tư pháp được quy định trong Bộ luật hình sự, do tòa án áp dụng đối với người phạm tội gây thiệt hại về tinh thần nhằm khôi phục những giá trị tinh thần cho người bị hại và giáo dục, cải tạo người phạm tội[32].

Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

“Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.

Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.”

Các thiệt hại về vật chất có thể quy đổi ra thành tiền, cụ thể là đối với tài sản là vật, tiền có giá trị và giá trị sử dụng cụ thể. Nếu tài sản còn nguyên giá trị khi bị chiếm đoạt, thì về nguyên tác phải trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; nếu tài sản đã bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra thì phải sửa chữa, giao trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại; trường hợp tài sản bị chiếm đoạt không thể hoàn trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp vì một lý do khách quan nào đó, thì phải bồi thường bằng vật hoặc giá trị tài sản bằng tiền tương ứng[33].

Trong những trường hợp nhất định, pháp nhân thương mại không những gây ra những thiệt hại về vật chất mà còn gây ra thiệt hại về tinh thần, gây thiệt hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác. Những thiệt hại về tinh thần được Tòa án buộc pháp nhân thương mại phạm tội phải bồi thường bằng vật chất đối với những thiệt hại về tinh thần do pháp nhân thương mại đã gây ra. Vì vậy, việc bồi thường này không nhằm vào việc khắc phục các tổn thất về mặt tinh thần mà thực chất là nhằm để bù đắp các tổn thất vật chất cho người bị hại hoặc đại diện của người bị hại.

Trong trường hợp hành vi phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án có thể buộc pháp nhân thương mại phạm tội công khai xin lỗi người bị hại. Người bị thiệt hại về tinh thần được khôi phục lại những giá trị tinh thần thông qua việc Tòa án nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam buộc pháp nhân thương mại phạm tội công khai xin lỗi họ. Việc áp dụng công khai xin lỗi phải đi kèm với việc áp dụng bồi thường thiệt hại nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Ngoài các biện pháp tư pháp mang tính chất xử phạt nói trên, Bộ luật hình sự năm 2015 còn quy định những biện pháp tư pháp mang tính chất khôi phục, bao gồm:

Một là, biện pháp tư pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi phạm tội của mình gây ra.

Hai là, biện pháp tư pháp buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra, cụ thể:

  • Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
  • Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
  • Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện được đưa vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhập khẩu trái với quy định của pháp luật hoặc được tạm nhập, tái xuất nhưng không tái xuất theo đúng quy định của pháp luật; hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa giả mạo quyền sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm;
  • Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại hoặc tang vật khác thuộc đối tượng bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật;
  • Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;
  • Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường.

4. Căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại

Quyết định hình phạt là việc Tòa án lựa chọn loại hình phạt cụ thể (bao gồm hình phạt chính và có thể cả hình phạt bổ sung) với mức độ cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội[34]. Việc quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội được xem xét như đối với cá nhân phạm tội. Theo đó Tòa án sẽ lựa chọn và áp dụng loại hình phạt cụ thể dành cho pháp nhân thương mại phạm tội trong phạm vi Bộ luật hình sự quy định.

Quyết định hình phạt được xem là sự xác định hậu quả pháp lý của tội phạm, vì vậy liên quan rất chặt chẽ với việc xác định tội phạm hay gọi là định tội danh. Việc xác định tội phạm đúng tạo tiền đề cho việc quyết định hình phạt đúng[35].

Về căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội, Điều 83 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại và các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại”.

Theo quy định nêu trên, các căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm:

Thứ nhất, các quy định của Bộ luật hình sự.

Bộ luật hình sự chính là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để Tòa án tiến hành định tội danh và xác định khung hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Việc quy định căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự nhằm đảm bảo sự thống nhất, đúng pháp luật khi áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự vào quyết định hình phạt, nếu không căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự sẽ dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện trong việc quyết định hình phạt, từ đó có thể hình phạt được quyết định sẽ không chính xác, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm.

Khi quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại Tòa án phải căn cứ vào các quy định của Phần chung và Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự, cụ thể:

  1. Các quy định trong Phần chung của Bộ luật hình sự.
  • Cơ sở của trách nhiệm hình sự (Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015).
  • Quy định về nguyên tắc xử lý (Điều 3 Bộ luật hình sự năm 2015).
  • Các quy định liên quan đến hình phạt (Điều 30, Điều 31, Điều 33, Điều 35, Điều 77 đến Điều 81 Bộ luật hình sự năm 2015).
  • Các quy định về các biện pháp tư pháp (Điều 46, Điều 47, Điều 48, Điều 82 Bộ luật hình sự năm 2015).
  • Các quy định về căn cứ quyết định hình phạt (Điều 83 Bộ luật hình sự năm 2015), các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 84 Bộ luật hình sự năm 2015), các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Điều 85 Bộ luật hình sự năm 2015), trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội (Điều 86 Bộ luật hình sự năm 2015).
  1. Căn cứ vào những điều luật hoặc những khoản quy định về những tội phạm cụ thể và chế tài của điều luật cũng như khoản của điều luật đó[36].

Thứ hai, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi tội phạm.

Khi quyết định hình phạt, Tòa án phải cân nhắc mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện. Mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là đặc tính về lượng của mỗi tội phạm cụ thể, cho phép phân biệt mức độ nguy hiểm cho xã hội giữa các tội phạm trong cùng nhóm hoặc đối với một tội nhưng trong những trường hợp phạm tội khác nhau. Vì cùng đặc tính về chất, tính chất nguy hiểm cho xã hội của một tội phạm có thể được thể hiện ở những mức độ khác nhau, cho nên tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là không tách rời nhau[37].

Tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội phụ thuộc và những yếu tố sau:

  • Ý nghĩa, tính chất và tầm quan trọng của khách thể bị xâm hại;
  • Tính chất của hành vi nguy hiểm cho xã hội;
  • Thủ đoạn thực hiện tội phạm.
  • Động cơ, mục đích phạm tội.
  • Hậu quả của tội phạm (xảy ra chưa, mức độ nào).
  • Mối quan hệ giữa nguyên nhân và hậu quả phạm tội.
  • Mức độ phạm tội (chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt hay phạm tội hoàn thành)[38]

Thứ ba, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân

Để có đầy đủ cơ sở cho việc quyết định một hình phạt đúng đắn và có hiệu quả, Tòa án cần thiết phải xem xét đến việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại khi quyết định hình phạt. Đây có thể được coi là một tình tiết về“nhân thân” của pháp nhân thương mại, tình tiết này được xem xét từ thời điểm pháp nhân thương mại được thành lập đến lúc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội.

Việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại được thể hiện: Bên ngoài pháp nhân, đó là có hay không việc vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động, kinh doanh của pháp nhân, như pháp luật về lao động, bảo hiểm, an toàn vệ sinh.... những hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (dân sự, hành chính); Bên trong bản thân pháp nhân, thể hiện bằng việc đề ra các nội quy, chính sách phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn hành vi phạm tội trong nội bộ của pháp nhân, thể hiện những nổ lực tích cực của pháp nhân.

Thứ tư, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại.

Khi quyết định hình phạt Tòa án phải cân nhắc những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự là những tình tiết làm cho những trường hợp phạm tội cụ thể của một tội phạm khác nhau về mức độ nguy hiểm. Những tình tiết này có ý nghĩa về mặt lượng hình để tăng hoặc giảm nhẹ hình phạt trong một khung hình phạt nhất định chứ không có tính chất bắt buộc như tình tiết định tội và tình tiết định khung hình phạt. Vì vậy, khi xét xử Tòa án phải xác định tội danh và khung hình phạt trước, sau đó mới đến các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự[39].

  1. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại
  • Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
  • Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
  • Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
  • Tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
  • Có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội.
  1. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân
  • Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội;
  • Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
  • Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
  • Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm

5. Tổng hợp hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Tổng hợp hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội là việc Tòa án quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm nhiều tội và tổng hợp hình phạt đối với nhiều bản án do pháp nhân đó gây ra. Tòa án khi quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm nhiều tội phải tuân thủ quy định tại các Điều 86 và Điều 87 Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể:

Thứ nhất, tổng hợp hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm nhiều tội. Tòa án tổng hợp hình phạt trong trường hợp này, các tội bị xét xử trong cùng một lần, trước hết Tòa án cần quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó căn cứ vào Điều 86 Bộ luật hình sự năm 2015 để tổng hợp hình phạt.

  1. Đối với hình phạt chính

- Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung. Hình phạt tiền không tổng hợp với các hình phạt khác;

- Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực hoặc hình phạt đã tuyên cùng là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong lĩnh vực đó;

- Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong cùng lĩnh vực thì được tổng hợp thành hình phạt chung nhưng không vượt quá 04 năm;

- Nếu trong số các hình phạt đã tuyên có hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 của Bộ luật hình sự thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với toàn bộ hoạt động;

- Nếu các hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong các lĩnh vực khác nhau thì không tổng hợp.

  1. Đối với hình phạt bổ sung
  • Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật hình sự quy định đối với hình phạt đó. Tuy nhiên, đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền được cộng lại thành hình phạt chung.
  • Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì pháp nhân thương mại bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.

Thứ hai, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án. Tòa án sẽ tổng hợp một hình phạt chung cho pháp nhân thương mại phạm tội trên cơ sở pháp nhân thương mại phạm tội có nhiều bản án phải thi hành đó là tổng hợp hình phạt của nhiều bản án. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có thể xảy ra các trường hợp như sau:

- Trường hợp 1: Pháp nhân thương mại đang chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này. Trong trường hợp này, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 86 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước về đình chỉ hoạt động có thời hạn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.

- Trường hợp 2: Pháp nhân thương mại đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới. Tòa án sẽ quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 86 Bộ luật hình sự năm 2015.

- Trường hợp 3: Pháp nhân thương mại phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp. Trường hợp này, Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo các trường hợp 1 và 2 nêu trên.

6. Miễn hình phạt và xóa án tích

  • Miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại.        

Miễn hình phạt là một chế định thể hiện nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự Việt Nam. Đối với cá nhân, miễn hình phạt là hủy bỏ biện pháp về cưỡng chế về hình sự nghiêm khắc nhất cho người bị kết án mà lẽ ra Tòa án phải tuyên trong bản án kết tội có hiệu lực pháp luật đối với người này[40].

Miễn hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 88 Bộ luật hình sự năm 2015, theo đó: “Pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.”.

Miễn hình phạt là một trong những chế định nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam bởi pháp nhân thương mại bị kết án khi được miễn hình phạt sẽ không phải chấp hành các biện pháp cưỡng chế hình sự của Bộ luật hình sự.

Miễn hình phạt được áp dụng đối với mọi pháp nhân thương mại phạm tội, không phân biệt phạm tội gì, tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay tội đặc biệt nghiêm trọng. Miễn hình phạt chỉ đặt ra đối với pháp nhân thương mại bị kết án nếu pháp nhân đó đáp ứng đủ những căn cứ và điều kiện nhất định. Đối với pháp nhân thương mại bị kết án nhưng đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra thì sẽ được xem xét miễn hình phạt.

Về mặt lí luận thì hình phạt là hậu quả pháp lí của tội phạm, luôn gắn liền với tội phạm. Do đó, với hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm thì việc áp dụng biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là hình phạt là điều không tránh khỏi. Nhưng trong thực tế có những trường hợp phạm tội, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự hay áp dụng hình phạt đối với họ sẽ không đạt mục đích của hình phạt và như vậy việc truy cứu trách nhiệm hình sự hay áp dụng hình phạt đối với những trường hợp này là không cần thiết[41].

  • Xóa án tích đối với pháp nhân thương mại.

Xóa án tích là một chế định trong luật hình sự Việt Nam xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo nhằm khuyến khích người chấp hành án sau khi chấp hành xong trở thành người có ích cho xã hội, không có ý định phạm tội mới. Đây cũng là một quy định nhằm hỗ trợ cho việc đem lại mục đích của hình phạt[42].

Việc xóa án tích đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 89 Bộ luật hình sự năm 2015: “Pháp nhân bị kết án đương nhiên được xóa án tích. Điều kiện để được xóa án tích là trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân không thực hiện hành vi phạm tội mới”.

Thời điểm xóa án tích cũng chính là thời điểm chấm dứt trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội.

Như vậy, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định mọi trường hợp pháp nhân thương mại bị kết án đều đương nhiên được xóa án tích. Điều kiện để xóa án tích đối với pháp nhân thương mại phạm tội là pháp nhân bị kết án phải chấp hành xong bản án kết tội bao gồm cả hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn là 2 năm. Trong đó, thời hạn để thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là 05 năm.

Trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật hình sự về xóa án tích, việc xác định một pháp nhân thương mại bị kết án trong vụ án hình sự đã được xóa án tích hay chưa có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu pháp nhân thương mại đã được xóa án tích thì khi pháp nhân đó phạm tội mới sẽ không bị tính là phạm tội trong trường hợp tái phạm hay tái phạm nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc đã được xóa án tích hay chưa còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định một pháp nhân thương mại là có tội hay không có tội.

Với chế định xóa án tích, một mặt góp phần đảm bảo cho việc thực hiện nhất quán nguyên tắc công bằng, mặt khác phản ánh nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự. Vì pháp luật cần thiết phải quy định những chế tài để nghiêm trị và răn đe pháp nhân thương mại phạm tội, nhưng không thể thiếu tính nhân đạo, nếu pháp luật không thể hiện tính nhân đạo thì vô hình chung pháp luật sẽ bị phản tác dụng.

 

 

 

 

 

CÂU HỎI ÔN TẬP

 

1. Điều kiện để pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự là gì?

2. Nêu phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

3. Phân tích các hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại.

4. Phân tích các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Bộ luật hình sự năm 1999 và 2015, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, 2016.

2. Lê Cảm (2000), Trách nhiệm hình sự của pháp nhân – Một số vấn đề lý luận và thực tiến, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 04/2000.

3. Lê Cảm (2007), Giáo trình luật hình sự Việt Nam – Phần chung, Nxb Đại học quốc gia, tr.106.

4. Nguyễn Văn Chinh, Nguyễn Anh Tuấn (2011), Sự cần thiết quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 195/2011.

5. Phạm Thị Hiền (2007), Hình phạt cải tạo không giam giữ trong Luật Hình sự Việt Nam, Luật văn Thạc sĩ Luật học, Đại học quốc gia Hà Nội, tr.10.

6. Nguyễn Ngọc Hòa (2010), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Tập 1, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.258.

7. Trần Quang  Huy (2007), Vấn  đề áp dụng hình phạt tử hình trong các tội phạm  có tính chất kinh tế, Luật văn Thạc sĩ Luật học, Đại học quốc gia Hà Nội, tr.7.

8. Cao Thị Oanh (2011), Nghiên cứu cơ so sánh cơ sở lý luận và thực tiễn của việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, Báo cáo tổng thuật công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, Viện Khoa học pháp lý, Hà Nội, tr.21.

9. Cao Thị Oanh (2012), Sự cần thiết của việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Luật học, số 12.

10. Hoàng Thị Tuệ Phương (2005), Trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Luận văn thạc sĩ Luật học, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, tr.26.

11. Trịnh Quốc Toản (2005), Trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong luật hình sự nước ngoài và mô hình lý luận của nó trong pháp luật hình sự Việt Nam tương lai, Báo cáo tổng kết đề tài khoa học, Đại học quốc gia Hà Nội, tr.21.
 

[1] Bộ TN & MT, Báo cáo tổng kết 8 năm thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2005 (2005 - 2013), tháng 7/2013.

[2] Báo cáo tổng kết 8 năm thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2005 (2005 - 2013), tháng 7/2013 thì năm 2009, có 93/793 cơ sở, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, trong đó cả 93 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Năm 2010, có 233 cơ sở sản xuất, kinh doanh; 53 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên 269 cơ sở tiến hành kiểm tra; Năm 2011, 154/375 cơ sở vi phạm, xử phạt tổng số tiền 19.405.000.000 đồng; Năm 2012, có 157 cơ sở vi phạm trên 429 cơ sở sẩn xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất vi phạm.

[3] Bộ TN & MT, Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2013 và kế hoạch công tác năm 2014 của ngành tài nguyên và môi trường, tháng 12/2013.

[4] Phụ lục: Báo cáo của Tổng Cục thuế về tình hình nợ động thuế năm 2013 – 2014.

[5] Phụ lục: Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt nam về thực trạng vi phạm pháp luật và đề xuất hình sự hóa hành vi trốn đóng bảo hiểm cho người lao động, tháng 10 năm 2014.

[6] Về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, ta đang chủ trương thu hút vốn đầu tư, nên nếu quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ tạo nên tâm lý e ngại của Nhà đầu tư. Tuy nhiên, thu hút vốn đầu tư để phạt triển đất nước là một chủ trương đúng, nhưng không phải bằng mọi giá và ngay cả những Nhà đầu tư nước ngoài cùng cần được đối xử bình đẳng giữa Nhà đầu tư chấp hành đúng pháp luật và Nhà đấu tư vi phạm pháp luật.

[7] Tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 22/3/2014 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2014 Chính phủ đã chỉ đạo “Cần thiết phải quy định trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân kinh tế trên cơ sở nghiên cứu, xác định rõ những vấn đề cụ thể có liên quan, bảo đảm phù hợp với thực tiễn nước ta và tính khả thi”. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (Thông báo số 21-TB/BCĐCCTPTW ngày 19/09/2014 về kết quả Phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Báo cáo số 41-BC/BCĐCCTPTW ngày 19/09/2014 về ý kiến của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về một số nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự).

[8] Cao Thị Oanh (2011), Nghiên cứu cơ so sánh cơ sở lý luận và thực tiễn của việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, Báo cáo tổng thuật công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, Viện Khoa học pháp lý, Hà Nội, tr.21.

[9] Hoàng Thị Tuệ Phương (2005), Trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Luận văn thạc sĩ Luật học, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, tr.23.

[10] Trần Quang Độ (2011), Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc quy định trách nhiệm hình sự đối với tổ chức – pháp nhân trong luật hình sự Việt Nam, Chuyên đề trong công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ “Nghiên cứu so sánh cơ sở lý luận và thực tiễn của việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với tổ chức” do Cao Thị Oanh chủ nghiệm đề tài, Hà Nội, tr.120.

[11] Trịnh Quốc Toản (2005), Trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Luật hình sự nước ngoài và mô hình lý luận của nó trong pháp luật hình sự Việt Nam tương lai, Báo cáo tổng kết đề tài khoa học cấp Đại học quốc gia Hà Nội, tr.23.

[12] Cổng thông tin điện tử Bộ Tư Pháp, Tìm hiểu học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm trong kho học luật hình sự, Vũ Hoài Nam, http://moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=6039, [truy cập ngày 14/2/2016].

[13] Lê Cảm (2000), Trách nhiệm hình sự của pháp nhân – Một số vấn đề lý luận và thực tiến, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 04/2000.

[14] Hoàng Thị Tuệ Phương (2005), Trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Luận văn thạc sĩ Luật học, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, tr.26.

[15] Trịnh Quốc Toản (2005), Trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong luật hình sự nước ngoài và mô hình lý luận của nó trong pháp luật hình sự Việt Nam tương lai, Báo cáo tổng kết đề tài khoa học, Đại học quốc gia Hà Nội, tr.21.

[16] Cổng thông tin điện tử Bộ Tư Pháp, Tìm hiểu học thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm trong kho học luật hình sự, Vũ Hoài Nam, http://moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=6039, [truy cập ngày 14/2/2016].

[17] Hoàng Thị Tuệ Phương (2005), Trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Luận văn thạc sĩ Luật học, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, tr.28.

[18] Hoàng Thị Tuệ Phương (2005), Trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Luận văn thạc sĩ Luật học, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, tr.32.

[19] Cổng thông tin điện tử Trung tâm tư vấn pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, Một số vấn đề lý luận về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Hoàng Trí Ngọc, http://nguoibaovequyenloi.com/User/ThongTin_ChiTiet.aspx?MaTT=512016184351655876&MaMT=22, [truy cập ngày 17/2/2016].

[20] Cao Thị Oanh (2011), Nghiên cứu cơ so sánh cơ sở lý luận và thực tiễn của việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, Báo cáo tổng thuật công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, Viện Khoa học pháp lý, Hà Nội, tr.27.

[21] Hoàng Thị Tuệ Phương (2005), Trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Luận văn thạc sĩ Luật học, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, tr.33.

[22] Hoàng Thị Tuệ Phương (2005), Trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Luận văn thạc sĩ Luật, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, tr.73.

[23] Lê Cảm (2007), Giáo trình luật hình sự Việt Nam – Phần chung, Nxb Đại học quốc gia, tr.106.

[24]Cao Thị Oanh (2012), Sự cần thiết của việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Luật học, số 12.

[25] Cổng thông tin Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định, Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Bộ luật hình sự năm 2015; Nguyễn Xuân Thanh, Bùi Thế Phương; http://vksbinhdinh.gov.vn/newsdetail.asp?newsID=10835&cat1id=3&Cat2id=7 [truy cập ngày 25/4/2016].

[26] Nguyễn Văn Chinh, Nguyễn Anh Tuấn (2011), Sự cần thiết quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 195/2011.

[27] Cổng thông tin Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh, Vấn đề xử lý hình sự pháp nhân trong dự thảo Bộ Luật Hình Sự (sửa đổi), Lưu Văn Cường, http://tkshcm.edu.vn/bai-viet/van-de-xu-ly-hinh-su-phap-nhan-trong-du-thao-bo-luat-hinh-su-sua-doi-372.html, [truy cập ngày 22/3/2016].

[28] Phạm Thị Hiền (2007), Hình phạt cải tạo không giam giữ trong Luật Hình sự Việt Nam, Luật văn Thạc sĩ Luật học, Đại học quốc gia Hà Nội, tr.10.

[29] Trần Quang  Huy (2007), Vấn  đề áp dụng hình phạt tử hình trong các tội phạm  có tính chất kinh tế, Luật văn Thạc sĩ Luật học, Đại học quốc gia Hà Nội, tr.7.

[30] Nguyễn Ngọc Hòa (2010), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Tập 1, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.258.

[31] Nguyễn Ngọc Hòa (2010), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Tập 1, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.259.

[32]Nguyễn Ngọc Hòa (2010), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Tập 1, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.260.

[33] Nguyễn Ngọc Hòa (2010), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Tập 1, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.259.

[34] Lê Cảm (2007), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Phần chung, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.379.

[35] Nguyễn Ngọc Hòa (2010), Giáo trình luật hình sự Việt Nam – Tập 1, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 265.

[36] Lê Cảm (2007), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Phần chung, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.382.

[37] Lê Cảm (2007), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Phần chung, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.383.

[38] Phạm Văn Beo (2008), Giáo trình luật hình sự Việt Nam phần chung, Nxb Đại học Cần Thơ, Cần Thơ,, tr 246.

[39] Lê Cảm (2007), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam – Phần chung, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.386.

[40] Lê Cảm (2002), Chế định miễn hình phạt và các chế định về chấp hình hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 04, tr.14.

[41] Nguyễn Ngọc Hòa (2010), Giáo trình luật hình sự Việt Nam – Tập 1, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr.222.

[42]Phạm Văn Beo (2009), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam phần chung, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Tác giả: Phạm Văn Beo