Tình huống : Định tội và định khung hình phạt
Lớp: KL203002
Tất cả các tình huống giải quyết theo Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
NHÓM 1
Vụ án 1
Lúc 19 giờ ngày 12/10/2005, Nguyễn Văn Hạnh cùng một số bạn là Nguyễn Hoa, Lê Bình đang uống bia tại nhà hàng Bồng Lai thi Trần Thông đi vào. Hạnh nhìn Thông nhưng không chào hỏi gì và cũng không mời uống bia. Cho là Hạnh khinh thường mình nên Thông tìm cách gây sự với Hạnh. Thông bảo: “Mày nhìn gì mậy?” và xông vào một tay ôm Hạnh, một tay túm tóc Hạnh ra phía sau, lên gối vào lưng Hạnh hai cái. Hạnh giẫy nhưng Thông không buông ra mà vẫn tiếp tục kéo tóc và lên gối lia lịa. Ngay lúc đó, Hạnh quơ tay vớ được con dao Thái Lan dùng để gọt trái cây trên bàn, dùng tay phải chọt ra sau hai cái. Khi bị đâm hai cái, Thông buông Hạnh ra.
Sau khi đâm Thông, thấy Thông bị chảy máu nhiều nên cùng các bạn đưa đi bệnh viện huyện cấp cứu. Thấy vượt quá khả năng, bác sĩ trực ca là Nguyễn Thị Lan đã sơ cứu và chuyển Thông lên bệnh viện tỉnh. Tại bệnh viện tỉnh, Thông được giải phẩu ngay nhưng do vết thương làm vỡ gan, đứt ruột non nên Thông đã chết vào 24 giờ cùng ngày. Nguyễn Văn Hạnh sau khi biết tin Thông chết đã đến công an huyện khai báo sự việc.
Vụ này anh (chị) tính sao?
Vụ án 2
Khoảng giữa năm 2014, vì mâu thuẫn cá nhân nhóm của Nguyễn Văn Bình (ngụ tại Thái Bình) có kéo đến quầy cầm đồ của Nguyễn Văn Khương (địa chỉ tổ 10, phường Phú Xá, TP. Thái Nguyên). Tại đây, nhóm của Bình gồm 4 người đã dùng gậy lùa đánh người và đập phá cửa hàng của Khương. Trong đó có Nguyễn Văn Luân (nhóm của Khương) bị vụt gậy vào đầu phải bỏ chạy.
Sau khi thoát khỏi sự truy đuổi của nhóm Bình, Luân đã gọi điện cho Đoàn Việt Dũng (cùng ngụ tại TP. Thái Nguyên) để nói cho Dũng biết sự việc. Sau đó, Dũng cùng em trai đến quầy cầm đồ của Khương để kiểm tra. Đến nơi, Dũng nói tài sản đập phá của nhóm Bình chưa đủ để truy tố. Lập tức Khương cho người đi mượn một máy tính xách tay về và Luân đập vỡ nó. Đồng thời nhóm của Khương cũng trình báo công an về hành vi hủy hoại của nhóm Bình tại quầy cầm đồ của mình, trong đó bao gồm cả hành vi phá hủy chiếc máy tính xách tay.
Vụ này tính sao ta?
NHÓM 2
Vụ án 1
Ông L.T.H (SN 1971, quê Bạc Liêu, trú huyện Bình Chánh) là em kết nghĩa của ông Nguyễn Văn Út. Thời gian gần đây, ông Út nghi ngờ vợ mình là bà H.T.K.L (SN 1965, ngụ huyện Bình Chánh) có quan hệ tình cảm với ông H. Trưa 17/11, ông Nguyễn Văn Út (SN 1966, ngụ ấp 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) bàn bạc với 3 người con ruột và 2 người con rể lên kế hoạch tổ chức đánh ghen.
Trong khi ông H đang ngồi ở nhà thì cha con ông Út xông vào khống chế bắt giữ, đưa về nhà ông này. Tại đây, ông Út cùng 1 người con rể dùng dây xích trói ông H ở một gốc cây trước nhà mình. Sau đó, lần lượt 6 người thay phiên nhau đánh đập ông H.
Vụ việc được người dân trong xóm phát giác, báo công an xã Đa Phước. Công an xuống “giải cứu” ông H. Sau đó, tạm giữ ông Út cùng 5 người con bàn giao cho công an huyện Bình Chánh điều tra, xử lý.
Hỏi xử lý thế nào?
Vụ án 2
Khoảng 2 giờ 30 sáng 21-1-2014, cha con bị cáo Trình phát hiện Phạm Văn K. (sinh năm 1999) đột nhập vào tiệm tạp hóa của gia đình. Do không biết số điện thoại của công an nên ngay sau khi bắt em K., Trình có gọi điện thoại cho ông Lê Nguyên Luyến (Trưởng ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình) để báo vụ việc. Trình gọi đến ba lần nhưng ông Luyến không nghe máy.
Thế là cha con bị cáo Trình bèn neo giữ em K. lại và tra hỏi: “Mày con ai?”. Do K. không nói nên Trình nắm hai tay của K. ra sau, dẫn ra ngoài cửa tiệm và trói K. vào gốc cây. Tiếp tục hỏi K. là con ai nhưng K. vẫn không trả lời nên Trình lấy dây trói hai chân K. rồi lấy dây cột vào sợi dây trói hai tay K., đầu dây kia vắt qua nhánh cây rồi kéo lên hạ xuống nhiều lần. Đến khi K. khai mình là con của ai, từng vào tiệm lấy trộm bốn lần thì Trình không kéo lên hạ xuống nữa.
Đến 4 giờ 40 sáng, Trình tiếp tục gọi điện thoại báo cho ông Luyến trưởng ấp, lần này thì ông đến đưa tên trộm về trụ sở ấp làm việc.
Trưởng ấp đêm đó xỉn nên khi Trình gọi không nghe máy nổi. Lúc 4h40, Trình gọi thêm lần nữa là khi Trưởng ấp thức dậy ói. Nghe báo tin, Trưởng ấp tỉnh rượu và đến đưa tên trộm về trụ sở. Sánh hôm sau, công an đến giải…cha con Trình về trụ sở.
Anh (chị) có bình luận gì về việc này không? Căn cứ theo pháp luật hình sự Việt Nam.
NHÓM 3
Vụ án 1
Vào lúc 11 giờ ngày 8 – 4 - 2007, Mai Quang Vinh (SN 1982, quê Tiền Giang, tạm trú P.5, Q.Tân Bình) đến nhà chị Vũ Thị Bích Thuận (SN 1975, ngụ P.5, Q.10) chơi điện tử. Đến 11 giờ 30 cùng ngày, chị Thuận nhận được điện thoại của người thân ở nước ngoài gọi về nên mang điện thoại sang nhà kế bên cho chồng cùng nghe. Đang đứng nói chuyện, chị Thuận thấy Vinh chạy chiếc Kawasaki Max BS: 52F7 - 5386 của mình qua mặt liền kêu: “Vinh lấy xe chị đi đâu thế?”. Vinh không đáp lại chỉ quay đầu cười rồi biến luôn. Chị Thuận ngỡ ngàng nhìn theo chiếc xe trị giá 16 triệu đang dần mất hút trong dòng người qua lại. Sau một thời gian lẩn trốn, tháng 9 - 2007 Vinh bị công an Q. Tân Bình bắt xử lý.
Vụ này quá căng thẳng, tính sao?
Vụ án 2
Từ năm 2004 vợ chồng Nhân - Nuôi mở tiệm vàng Tiết Lai Hưng tại chợ Trà Quýt (Huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng), được cấp giấy chứng nhận kinh doanh mua bán vàng bạc, dịch vụ cầm đồ và bán điện thoại di động, nhưng đã tự ý đứng ra tổ chức huy động tài sản của hàng trăm người bằng cách nhận vay tiền, vàng với lãi suất trên 2%/tháng. Đến năm 2005, tổng số tiền Nhân - Nuôi vay lên đến hơn 7,7 tỉ đồng, 32 lượng vàng SJC và gần 54 lượng vàng 24K.
Ngoài ra, Nhân - Nuôi còn nhận cầm vàng của gần 200 người khác rồi nấu lại thành vàng cục để mang ra TP Sóc Trăng bán lại kiếm lời. Từ 2004 - 2008, tổng số tiền, tài sản mà Nhân - Nuôi nợ người dân gần 8 tỉ đồng và 100 lượng vàng. Do mất khả năng chi trả nên cả hai tuyên bố vỡ nợ, đóng cửa tiệm vàng. Cuối năm 2008, viện lý do đi TP.HCM trị bệnh, vợ chồng chủ tiệm vàng Tiết Lai Hưng rời khỏi địa phương một thời gian, nhưng thấy nhiều chủ nợ kéo đến nhà hăm he làm dữ nên quay về quê và bị công an “hỏi thăm sức khỏe”.
Anh (chị) tính sao vụ này?
NHÓM 4
Vụ án 1
Tháng 5/2005, Nguyễn Quốc Dũng từ Quãng Ngãi vào Ninh Thuận là nghề thợ may. Tháng 11/2005, Dũng thuê nhà ở của Nguyễn Thị Hương để mở hiệu may. Tháng 2/2006, Dũng bắt đầu góp tiền ăn cơm chung với gia đình nhà chị Hương. Từ đó, tình yêu Dũng và Hương bắt đầu nảy nở, hai người đã nhiều lần lén lút quan hệ tình dục với nhau tại nhà Hương. Hai người chưa muốn dừng lại ở đó mà muốn tiến đến thành vợ chồng công khai nhưng ngặt một nỗi là anh Được (chồng Hương) và bé Thi (con Hương) đang tồn tại. Hai người bàn nhau trốn đi Sài Gòn là chắc ăn. Tuy nhiên, không có tiền làm sao đi. Cuối cùng họ cũng đã tìm ra kế.
Hương rủ người chơi hụi dự định hốt sớm để cùng người tình trăm năm trốn vào Sài Gòn. Và Hương đã hốt được 2.900.000 đồng, trừ chi phí còn 2.300.000 đồng. Hương đưa cho Dũng mua 4,5 chỉ vàng. Song song đó, Hương còn lén lấy giấy tờ nhà đem cầm cho chủ tiệm vàng Ngọc Huy để lấy tiền nhưng anh Huy không đồng ý. Vì vậy, cặp tình nhân Dũng – Hương chưa thực hiện kế hoạch được.
Hai người dự kiến hốt một suất ở dây hụi khác vào ngày 20/7/2006 nữa là “biến”. Nhưng thấy vẫn còn quá ít tiền nên Hương bàn với anh Được bán bớt đất. Anh Được không nghi ngờ gì nên đồng ý bán 1 miếng đất giá 23 chỉ vàng, nhưng người mua đưa trước 13 chỉ. Nhận vàng xong, anh Được đưa Hương cất giữ. Thông tin này đã được thông báo cho Dũng. Khoảng 21 giờ cùng ngày, sau khi đi uống rượu về, Dũng ra hiệu hẹn 22 giờ Hương ra tiệm may tính chuyện. Đúng 22 giờ, Hương ra tiệm may và đúng như mọi lần, hai người quan hệ tình dục trước đã. Lúc cỡi quần Hương, Dũng biết Hương có đem theo vàng bán đất hôm nay nhưng Hương chưa nói đưa cho Dũng cất số vàng này, Dũng cũng không cần hỏi. Trong lúc quan hệ tình dục, Hương bàn với Dũng là khi trốn thì đem theo con gái là Thi. Dũng không đồng ý. Hai người cãi nhau. Dũng bực tức đứng dậy, không mặc quần. Thấy Hương vẫn còn nằm đó, chỉ mặc quần lót, Dũng ôm Hương ném ra cửa và đóng cửa lại. Hương xô cửa mấy lần không được nhưng không dám làm ầm lên, cũng không dám ở lâu nên bỏ đi về nhà, lén kiếm đồ mặc vào và đi ngủ với anh Được như không có gì.
Sau khi biết chắc là Hương đã về, Dũng quay vào lấy quần của Hương thấy có 13 chỉ vàng, trong áo khoác có 600 ngàn đồng.
Sáng hôm sau, Dũng dọn đồ mang theo các tài sản vừa thu được, đón xe về Quãng Ngãi sớm. Khi ra tiệm, Hương mới biết người tình trăm năm của mình đã phụ bạc mình rồi liền đi báo công an. Anh Được chẳng yêu cầu gì mà chỉ viết đơn xin ly hôn với Hương.
Anh (chị) thấy có cần xử hình sự ai trong vụ này không?
Vụ án 2
Khoảng 20h ngày 7-5-2016, Hoàng Khắc T (39 tuổi), ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đi uống rượu về nhưng chưa thấy mẹ là bà Nguyễn Thị Đ (68 tuổi) nấu cơm tối. Hoàng Khắc T đi tìm thì thấy bà Đ đang nằm trong nhà. T gọi hỏi thì bà Đ trả lời do bị bệnh, nằm trên giường nên không dậy nấu cơm được.
Nghe bà Đ nói, T đã lớn tiếng rồi xông vào dùng tay đánh liên tiếp mẹ mình. Bà Đ hoảng loạn tìm cách thoát ra ngoài nhưng T vẫn tiếp tục truy đuổi và hành hung khiến bà Đ ngất xỉu. Người dân sống xung quanh phát hiện sự việc đã chạy đến can ngăn. Ngay sau đó, bà Đ được mọi người đưa đến bệnh viện để cấp cứu.
Theo thông tin ban đầu, T là con cả trong gia đình có hai anh em trai, nhưng thiếu thốn tình cảm từ bé vì cha của T đã bỏ đi chung sống với người phụ nữ khác, để mặc bà Nguyễn Thị Đ nuôi hai anh em T. T bị dị tật từ nhỏ khi một chân bị thọt. Vì mặc cảm với bản thân nên T thường hay uống rượu và gây sự với người thân trong gia đình. Cơ quan công an đã tạm giữ Hoàng Khắc T để điều tra.
Anh (chị) thấy cần xử lý hình sự T không? Tại sao?
NHÓM 5
Tại Cty TNHH Xí Muội có chức năng kinh doanh hàng nông sản, Ngô Quốc Việt là Giám đốc, Lưu Linh là phó Giám đốc, Lê Hồng Hiệu là Kế toán trưởng.
Việt cùng Linh đi các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Hải Dương…tìm gặp tư thương đặt mua hàng nông sản, hải sản theo giá cả thị trường và thoả thuận bên tư thương chịu tất cả chi phí mua hàng, gia công chế biến hàng thành phẩm đến TPHCM hoặc Bình Dương (nơi mà Việt và Linh đã ký hợp đồng từ trước) giao cho doanh nghiệp mua hàng. Như vậy, xảy ra hình thức tay ba: bên tư thương ở các tỉnh – doanh nghiệp của Việt, Linh – doanh nghiệp ở TPHCM hoặc Bình Dương.
Sau khi Việt, Linh nhận hàng xong thì fax về trụ sở công ty Xí Muội cho Hiệu biết loại hàng, giá cả mua, giá bán, số lượng hàng, danh sách người bán hàng…Trên cơ sở đó, Hiệu viết hoá đơn VAT xuất bán hàng rồi gửi qua đường bưu điện cho Việt hoặc Linh để giao cho doanh nghiệp mua hàng. Việt, Linh nhận tiền hàng rồi trả tiền mặt cho tư thương. Hiệu căn cứ theo số liệu Việt, Linh cung cấp cùng các kế toán lập bảng kê 04 (theo quy định của Tổng cục thống kê) giả mua hàng nông, hải sản của người trực tiếp sản xuất rồi xây dựng hồ sơ giả gia công chế biến, nhập kho, xuất kho, thu chi tiền gia công…
Từng đợt hai, ba tháng, Linh về công ty ký vào các bảng kê, ký giả chữ ký của người nhận tiền gia công. Việt sử dụng hồ sơ giả này báo cáo quyết toán khấu từ thuế VAT đầu vào với Cục thuế tỉnh và đã được Cục thuế cho khấu trừ từ năm 1999-2000 như sau:
+ Năm 1999: lập 514 bảng kê mua hàng chưa qua chế biến với doanh số mua là 76 tỷ đồng, được khấu trừ 3 tỷ đồng;
+ Năm 2000: lập 1120 bảng kê, doanh số mua 174 tỷ, được khấu trừ 8 tỷ đồng;
+ Năm 2001: lập 273 bảng kê, doanh số mua 4o tỷ, được khấu trừ 808 triệu đồng.
Năm 1999, Việt còn lập giả chứng từ chi phí gia công chế biến để tổng kết hoạt động trong năm bị lỗ rồi làm đơn xin giảm thuế VAT. Cục thuế tỉnh đã quyết định giảm thuế 850 triệu đồng. Thực tế, Việt mua hàng rồi bán luôn cho các doanh nghiệp, không có hoạt động, chi phí sản xuất chế biến nên không có bị lỗ, vì vậy không thuộc diện giảm thuế.
Với hành vi trên của các bị cáo, anh (chị) hãy định tội và phân tích.
Vụ án 2:
Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Hải quan TP Hà Nội) cho biết, đêm ngày 26-7-2016, đơn vị phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế - CATP Hà Nội phát hiện một tiếp viên hàng không và một đối tượng vận chuyển trái phép hơn 3kg vàng (tương đương 80 cây vàng). Hai tiếp viên hàng không có tên Hoàng Thị Ngọc Anh (sinh năm 1982) và Nguyễn Ngọc Sang (sinh năm 1986) cùng trú tại tại T5, Chung cư Times City.
Hai đối tượng đã hoàn thành thủ tục hải quan, thủ tục an ninh và lên máy bay ký hiệu VN 416 khởi hành lúc 23h 40 phút ngày 26-7 chặng bay Việt Nam - Hàn Quốc (Nội Bài - Incheon).
Nguyễn Ngọc Sang có ghế ngồi số 12D, còn Hoàng Thị Ngọc Anh có ghế ngồi số 12G. Sau khi lên máy bay, 2 người đã cất giấu gói ni lông bên ngoài quấn băng dính màu đen, bên trong có chứa 4 cục kim loại màu vàng, trọng lượng khoảng hơn 3kg bên dưới ghế ngồi số 12D.
Nữ tiếp viên Hoàng Thị Ngọc Anh và Nguyễn Ngọc Sang khai nhận, gói hàng trên là vàng nguyên liệu với số lượng khoảng hơn 3kg, tương đương với 80 cây vàng.
Sang và Ngọc Anh vận chuyển số vàng này xuất cảnh sang Hàn Quốc với mục đích bán kiếm lời và không khai báo với cơ quan Hải quan. Toàn bộ số tang vật nói trên đã được niêm phong và bàn giao cho Phòng Cảnh sát Kinh tế - CATP Hà Nội tiếp tục làm rõ.
Anh (chị) hãy bình luận vụ án này.
NHÓM 6
Vụ án 1:
Gần đây, người dân đã phản ánh tình trạng ngang nhiên phá rừng tự nhiên để làm đường dẫn vào khu khai thác khoáng sản trái phép tại địa bàn thôn 3 (xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) giáp ranh với xã Trà Xinh (huyện Tây Trà, Quảng Ngãi). Sau khi nhiều cơ quan báo chí phản ảnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Lê Phước Thanh - đã có công văn chỉ đạo Hạt kiểm lâm Bắc Trà My phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xã Trà Ka tiến hành kiểm tra thực tế. Kết quả kiểm tra đã phát hiện tổng diện tích rừng thiệt hại là 6.500 m2; khối lượng gỗ thiệt hại gần 10,5 m3.
Rừng Trà Ka với nhiều loại gỗ quý như chò, lim, sến… đã bị cày xới để mở tuyến đường dài hơn 5 km, rộng 3m để dẫn đến khu vực khai thác vàng ở thượng nguồn sông Lon; trong số đó có những cây cổ thụ có đường kính xấp xỉ 1m.
Theo điều tra ban đầu, toàn bộ việc san ủi đường để khai thác khoáng sản tại khu vực chỉ do Công ty TNHH Hoàng Thịnh (địa chỉ xã Trà Khê, Tây Trà, Quảng Ngãi) thực hiện. Hạt kiểm lâm Bắc Trà My đã chuyển hồ sơ vụ án cho Công an huyện Bắc Trà My tiếp tục điều tra vụ việc theo quy định. Qua điều tra, Công ty TNHH Hoàng Thịnh do ông Hoàng Thịnh làm giám đốc. Để đường dẫn vào khu khai vàng, Thịnh đã thuê 3 xe cuốc vô đào đường và triệt hạ số gỗ trên.
Quá căng thẳng, tính sao?
Vụ án 2
Ngày 20.11, Đoàn thanh tra Tổng Cục môi trường (Bộ TN-MT) do ông Lương Duy Thanh – Cục trưởng Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Công ty TNHH thép Đồng Tiến (xã Hắc Dịch, H.Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu) về tình hình hoạt động và công tác bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp. Sau đó, Đoàn thanh tra phối hợp với Thanh tra Sở TN-MT, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND H.Tân Thành và UBND xã Hắc Dịch tiến hành khảo sát thực tế tại các khu vực sản xuất của nhà máy.
Qua khảo sát, đoàn đã phát hiện nhiều sai phạm trong công tác bảo vệ môi trường của Công ty thép Đồng Tiến. Cụ thể: công ty đã không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định; không đăng ký cấp lại chủ nguồn chất thải nguy hại; thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường. Ngoài ra, công ty đã chuyển giao chất thải cho tổ chức không có giấy phép quản lý chất thải nguy hại theo quy định, không thu gom triệt để chất thải nguy hại vào khu vực lưu giữ tạm thời mà để ngoài trời có nguy cơ đổ tràn, phát tán ra môi trường. Công ty không xây lắp và vận hành công trình xử lý môi trường đã cam kết trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt… Đặc biệt, công ty đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 2 đến dưới 5 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 5m3/ngày đến dưới 10m3/ngày.
Như Thanh Niên đã nhiều lần thông tin về việc nhà máy thép của Công ty thép Đồng Tiến gây ô nhiễm môi trường khiến hàng trăm người dân hai xã Mỹ Xuân và Hắc Dịch (H.Tân Thành) kéo đến phản đối, yêu cầu nhà máy ngưng hoạt động. Mới đây nhất, ngày 4.11, Sở TN-MT, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành kiểm tra thực tế về tình trạng xả khói bụi, mùi hôi gây ô nhiễm môi trường tại công ty này. Tại thời điểm đoàn kiểm tra, có hàng chục người dân đã tập trung trước cổng công ty để ngăn cản các phương tiện ra vào nhà máy từ 1 giờ cùng ngày và yêu cầu lãnh đạo công ty đối thoại. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tại kho lưu giữ phế liệu (phía trước khu vực lò luyện phôi thép) có 500 vỏ thùng phuy chứa hóa chất, dung môi, sơn…đã qua sử dụng nhưng chưa được xử lý, làm sạch mà công ty ép dập, chuẩn bị đưa vào lò luyện. Công ty này báo cáo, đã đưa 300 thùng phuy vào lò luyện để luyện phôi thép. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện gần 1.000 vỏ thùng phuy sắt chứa hóa chất, dung môi, sơn đã sử dụng nhưng chưa được xử lý, làm sạch đang để ngoài trời không đúng quy định. Trước đó, ngày 10.9.2013, Sở TN-MT phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và UBND H.Tân Thành kiểm tra đột xuất tại Công ty TNHH thép Đồng Tiến. Đoàn đã lấy mẫu khí thải phát sinh từ quá trình luyện thép để phân tích ô nhiễm. Kết quả cho thấy trong quá trình luyện phôi thép, Công ty TNHH thép Đồng Tiến đã có hành vi thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất thải từ 2 - dưới 3 lần với lượng khí thải từ 2.000m3/giờ đến dưới 8.000m3/giờ.
Căn cứ theo pháp luật hình sự hiện hành, anh (chị) hãy phân tích vụ án trên.
NHÓM 7
Vụ án 1
Anh (chị) hãy xử tên Phạm Xuân Nương, SN 1978, trú tại xã Thái Đô (Thái Thụy) theo pháp luật hình sự hiện hành, vụ án như sau:
Nương là Phó Giám đốc của một doanh nghiệp thuộc diện “ăn nên làm ra” trên địa bàn huyện Thái Thụy. Nhưng đối tượng này lại có một tâm hồn bệnh hoạn, dùng ma túy “đá” để lôi kéo nhiều em gái còn nhỏ tuổi cùng sử dụng. Khi các em bị lệ thuộc vào thứ chất gây nghiện chết người này, Nương đã tìm mọi cách để lợi dụng thân xác của các em. Hành vi của Nương đã gây bất bình cho rất nhiều người dân ở địa phương, nó làm xáo trộn cuộc sống của các gia đình có con em rơi vào “tầm ngắm” của gã đàn ông biến thái đạo đức ấy…
Nạn nhân mới nhất của Phạm Xuân Nương là em H., 16 tuổi, đang là học sinh. Trong quá trình đi học, H. có mâu thuẫn với một học sinh khác nên ngày 6/8, H. nhờ bạn quen là Nguyễn Thị Th., 17 tuổi, giải quyết hộ. Th. là “đệ tử” của Nương nên Th. giả vờ chở H. đi đánh nhau nhưng thực chất, lại chở về Công ty Newstar, địa chỉ ở xã Thái Tân, nơi Nương làm Phó Giám đốc để cho cô bé này ăn uống, hát hò và sử dụng ma túy “đá” theo sự chỉ bảo từ trước của Nương. Tại phòng của Nương lúc này có thêm em C, 15 tuổi và em T.H., 18 tuổi (vào sau). Cả 4 người ngồi nói chuyện một lúc thì Nương lấy. ma túy “đá” và các dụng cụ sử dụng ma túy “đá” cho cả bọn hút. H. không hút thì Nương và Th. dụ dỗ: “Cứ hút đi, không sao đâu, cái này tốt cho sức khỏe”. Rồi Th. còn dọa dẫm: “Không hút thì không được về”. Thấy các đối tượng nói vậy, H. đành hút thử. Được mấy vòng thì cô bé thấm mệt, nằm ra giường, nhưng mọi người lại dụ dỗ: “Hút một khói dài cho đỡ mệt”. Sau khi mọi người đã dùng ma túy “đá” vài vòng thì Nương yêu cầu tất cả đi ra ngoài, còn lại Nương và H trong phòng, Nương cho H sử dụng ma túy “đá”, sau đó mở điện thoại di động cho H. xem phim sex rồi giao cấu. H. không xem, gã dí vào tận mặt bắt xem, em xin ra ngoài gã cũng không cho ra. Lúc này, em H đã thấm mệt. Gã Phó Giám đốc lại giở thêm chiêu mới, đó là bảo em H. nằm xuống giường để Nương “xả đá”. H. không đồng ý nhưng gã này vẫn cố tình dùng tay xoa khắp người cô bé để “xả đá”. Sau đó, gã cởi hết quần áo của cô bé ra để giao cấu, mặc cô bé tìm cách chống cự và van xin “Anh ơi, tha cho em”. Sau khi bị Nương làm hại, H. nằm khóc. Một lúc sau, thấy tỉnh táo hơn, em lấy quần áo mặc vào.
Tối hôm đó, bố mẹ em H. dò hỏi khắp nơi và đến Công ty Newstar tìm con gái. Thấy vậy, Nương sợ bị phát hiện, đóng cửa phòng mình lại. Bố mẹ H. gặp Th. hỏi thì cô này trả lời H. đã về từ chiều. Không biết tìm con ở đâu, bố mẹ H. gọi tên con to lên nhưng không thấy H. thưa. Thấy đèn trong phòng Nương bật sáng, cửa khóa, bố mẹ H. đòi vào kiểm tra thì bọn H., Ch., Th. nhất định không mở. Chúng nói rằng, đó là phòng Giám đốc, lãnh đạo đang ngủ nên không thể cho ai vào được. Không biết làm sao, bố mẹ em H. đành ra ngoài cổng đứng đợi. Lúc này, ở trong phòng, Nương nhắn tin cho Ch bảo mở cửa dẫn H. trốn đi, rồi bảo bố mẹ H. vào kiểm tra. Ch. đưa H. vào trốn trong tủ quần áo ở phòng bên cạnh, rồi ra gọi bố mẹ H. vào phòng Nương kiểm tra. Nương vẫn nằm trong phòng, giả vờ vừa ngủ dậy, rồi bảo Th. và cả gã lấy xe máy phóng đi để đánh lạc hướng đi tìm của bố mẹ H. Trước khi đi, Nương đã dặn Ch dẫn H. trốn ra âu tàu. Sợ bố mẹ H đứng ngoài phát hiện, Ch tắt đèn, dẫn H men vào tường trốn ra rừng thông. “Lúc này em thấm mệt, đầu óc lơ mơ nên cứ thấy mọi người bảo đi là đi, chứ không biết gì cả”- H kể lại. Trông con gái tả tơi, mệt mỏi, bố mẹ H. đã tra hỏi và được H. kể lại những chuyện trên. Vô cùng uất ức nhưng vì sợ ảnh hưởng đến tương lai của con, phải mất mấy ngày giằng xé, đắn đo, bố mẹ H. mới đưa con gái đến Công an huyện Thái Thụy tố cáo hành vi phạm tội của Phạm Xuân Nương. Ngay sau đó, Công an huyện đã tiến hành điều tra, xác minh sự việc. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan CSĐT Công an huyện Thái Thụy đã ra lệnh bắt khẩn cấp và lệnh khám xét khẩn cấp nơi làm việc, nơi ở của Phạm Xuân Nương. Khám xét nơi làm việc của Nương, cơ quan CSĐT đã thu được 1 túi nilon chứa 0,420g ma túy “đá” (đã giám định); 3 bình thủy tinh và nhiều dụng cụ khác thường sử dụng để hút ma túy “đá”… Khi cơ quan Công an lấy lời khai của những người có mặt tại công ty của Nương, trong đó có các em gái trẻ là C., Th., T. H, họ đều khai nhận diễn biến về sự việc ngày 6/8 phù hợp với lời khai của em H. Ngoài ra, các em gái này cho biết, cũng từng là nạn nhân bị Nương dụ dỗ, lôi kéo cho sử dụng ma túy “đá”, rồi sau đó lôi kéo các em giao cấu với gã. C khai nhận còn biết, nhìn thấy một số cô bé khác cũng đến chỗ Nương để chơi ma túy “đá”.
Vụ án 2
Qua trinh sát địa bàn và nguồn tin cơ sở, Công an Phú Quốc phát hiện tại khu vực Trang trại Nông lâm Phú Quý của doanh nghiệp tư nhân Phú Quý, Chi nhánh Phú Quốc, tổ 6, ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh (Phú Quốc, Kiên Giang) có nhiều nghi vấn, nên tiến hành kiểm tra. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện 527 cây cần sa tươi, có chiều cao từ 1-1,5 m và hàng trăm cây giống đang ươm trong vườn, có trọng lượng tương đương 38 kg cần sa khô.
Bước đầu, Phan Thanh Long (45 tuổi, quê quán ấp Phú Lợi, xã Tây Phú, Thoại Sơn, An Giang, tạm trú tại Phú Quốc, là người trông coi trang trại) thừa nhận số cần sa trên là do Long trồng đã được 4-5 tháng. Theo ông Long, số cần sa trên là do một người từ TP.Cần Thơ cung cấp hạt giống. Long nhận trồng, khi bán sẽ chia đôi số tiền thu được. Khi đưa hạt giống, người này nói đây là loại cây giàu chất dinh dưỡng, bán có giá cho dân nuôi gà đá. Vì thế Long đã nhận trồng. Bản thân anh không biết đây là loại cây bị cấm trồng.
Tính sao vụ này?
NHÓM 8
Lê Văn Phượng là chủ xe khách Deawoo loại 54 chỗ ngồi, biển kiểm soát 77H-4327. Lê Văn Phượng thuê Phạm Ngọc Thành lái (Thành có giấy phép lái xe hợp lệ).
Ngày 24/2/2003[1], Thành chở khách từ Bình Định vào TPHCM, trên xe có 60 người (trong đó có cả vợ chồng chủ xe Phượng cùng đi). Do chạy quá tốc độ và quá trọng tải, cảnh sát giao thông tỉnh Phú Yên đã tạm giữ giấy phép lái xe của Thành hồi 16 giờ cùng ngày và hẹn đến ngày 27/4 (sau đó 3 ngày) đến để xử lý. Vì khách còn đang đầy trên xe nên Phượng bảo Thành lái xe tiếp vào TPHCM trả khách.
Ngày 26/2, xe của Thành quay ra Bình Định. Vào 16h15, khi xe đi ngang đoạn đường thuộc phường Bùi Thị Xuân, Quy Nhơn, Bình Định (QL 1A) thì gây tai nạn làm chết hai em học sinh đang đi xe đạp bên lề phải cùng chiều. Trong vụ tai nạn này, lỗi thuộc về 2 em học sinh khi qua đường không quan sát. Thành không có lỗi trong vụ tai nạn.
Theo anh (chị), có ai phạm tội trong vụ án này? Phân tích.
Vụ án 2:
Khoảng 20 giờ ngày 5-8-2014, lợi dụng đêm tối, vắng người qua lại, Bùi Văn Bộ trèo lên cột Trạm phát sóng BTS LSN 391 thuộc Chi nhánh Viettel Lạng Sơn đặt ở khu vực Vườn Sái, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc dùng kéo cắt dây cáp loại Feeđer 7/8 của Trạm, sau đó đốt lấy lõi đồng bán lấy tiền mua ma túy. Khi Bộ đang đốt dây cáp thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.
Hội đồng xét xử tuyên phạt Bùi Văn Bộ 46 tháng tù không biết về tội gì? Anh (chị) biết không?
NHÓM 9
Vụ án 1
Tòa án nhân dân huyện D kết án Dương Văn E về tội trộm cắp tài sản và buộc E phải bồi thường cho anh Huỳnh Văn K 3.500.000 đồng. Sau khi xét xử sơ thẩm, Dương Văn E kháng cáo xin tòa án giảm nhẹ hình phạt và giảm mức bồi thường, Tòa án nhân dân tỉnh V chưa xét xử phúc thẩm vụ án trên.
Vì muốn thi hành ngay khoảng tiền bồi thường trên cho anh họ của mình nên Nguyễn Quốc T là Chấp hành viên của cơ quan thi hành án huyện D đã đến nhà của E, lấy danh nghĩa là Chấp hành viên yêu cầu E phải nộp số tiền 3.500.000 đồng. Dương Văn E không đồng ý vì cho rằng mình đang kháng cáo bản án sơ thẩm nên không thể bị thi hành án được. Hai bên đã có lời qua tiếng lại và dẫn đến xô xát, E đã đẩy T ra khỏi nhà nên T hậm hực bỏ ra về đi kêu công an.
Công an tính sao mới phải?
Vụ án 2
Để đảm bảo tiến độ thi công đường vành đai 3 Nguyễn Phong Sắc – Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), ngày 9/4/2002, các ngành chức năng thi hành Quyết định số 612/QĐ-UB của Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy về việc cưỡng chế đối với các hộ dân nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng của con đường này. Khi lực lượng cưỡng chế đến làm nhiệm vụ thì có nhiều người đến vây quanh, trong đó chủ yếu là bà già và phụ nữ cản trở việc cưỡng chế. Mặc dù được giải thích, động viên nhưng số người trên vẫn không ra khỏi khu vực giải tỏa.
Khỏang 9 giờ cùng ngày, hai nữ cảnh sát là Bùi Thị Thắm và Nguyễn Thị Minh Hằng được giao nhiệm vụ đưa một phụ nữ ra khỏi khu vực giải tỏa. Lúc đó, Đỗ Văn Linh (NS:1973) người không có quyền lợi liên quan đến việc cưỡng chế, đang đi xe ôm ngang qua, đứng lại xem và bất ngờ xông vào đạp vào mông và đấm vào mặt cảnh sát Bùi Thị Thắm. Đồng thời, Linh còn hô to: “Chưa thỏa thuận đền bù chưa được cưỡng chế”, “Xông vào đi…”. Ngay sau lời hô của Linh, nhiều người đã xông vào đánh cảnh sát Thắm.
Lực lượng cảnh sát cơ động đã bắt giữ Linh cùng một số người, đồng thời đưa Thắm đi bệnh viện. Hậu quả, Thắm bị thương tỷ lệ thương tật là 13%.
Anh (chị) hãy định tội cho các bị can trong vụ án này.
NHÓM 10
Vụ án 1
Quá trình điều tra xác định ngày 31-7-2011, tổ tuần tra kiểm soát do thiếu tá Lê Hồng Duân làm tổ trưởng, các tổ viên gồm trung úy Nguyễn Thanh Hải, đại úy Lê Việt Hùng, trung tá Lê Hữu Sơn được giao nhiệm vụ tuần lưu giải quyết ách tắc và cảnh báo tai nạn giao thông, không lập chốt tại một điểm để kiểm tra, thời gian tuần tra từ 15g-23g trên tuyến QL1A đoạn từ huyện Quảng Xương đến huyện Tĩnh Gia.
Vào khoảng 19g45, tổ trưởng Lê Hồng Duân chỉ đạo lái xe quay về nhà ông Nguyễn Văn Đôi (49 tuổi, trú tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa) ở xã Tùng Lâm, huyện Tĩnh Gia ăn cơm và lập điểm kiểm tra, phân công Nguyễn Thanh Hải chặn xe hướng Nam - Bắc và hai cán bộ còn lại chặn xe hướng Bắc - Nam.
Khi lái xe Nguyễn Xuân Tình chạy hướng Nghệ An - Hà Nội đến địa điểm trên thì bị Lê Hồng Duân ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra. Khi thấy hiệu lệnh dừng xe, lái xe Nguyễn Xuân Tình dừng xe, cầm toàn bộ giấy tờ xe và hàng, bên trong kẹp 1 tờ 200.000 đồng đến đưa cho Lê Hồng Duân. Khi cầm giấy tờ, Duân hỏi anh Tình xe chở gì thì anh Tình trả lời chở gỗ mít. Duân yêu cầu lái xe đánh xe lên vị trí trên xe cảnh sát và nhờ Nguyễn Văn Đôi kiểm tra xem xe chở gỗ gì, rồi đưa toàn bộ giấy tờ cho Nguyễn Thanh Hải xử lý.
Khi Đôi kiểm tra xong nói cho Hải biết xe chở gỗ gụ nên Hải không đồng ý nhận 200.000 đồng mà đòi lái xe phải chi 5 triệu đồng và báo cáo với tổ trưởng. Khi thấy Hải đòi nhiều tiền, anh Tình đã gọi anh Hồ Tấn Phương, chủ xe, đến trình bày. Anh Phương xin bồi dưỡng 1 triệu đồng nhưng Hải không đồng ý và nói nếu không chấp nhận sẽ đưa xe về chi cục kiểm lâm để làm một vụ điển hình. Do sợ bị giữ xe lại nên anh Phương chấp nhận chi 5 triệu đồng.
Tuy nhiên do không đủ tiền nên anh Tình, anh Phương xin đặt lại giấy tờ xe, giấy phép lái xe cho Hải để hôm sau quay lại đưa tiền. Hải không đồng ý mà yêu cầu chủ xe, lái xe đặt giấy tờ vay tiền. Sau đó Nguyễn Văn Đôi nghe, biết chuyện đã cho vay 5 triệu đồng, lấy lãi 500.000 đồng/ngày và làm giấy vay nợ, cầm giấy tờ xe. Khoản 5 triệu đồng này Đôi đưa thẳng cho Lê Hồng Duân và nói “không biết lái xe làm việc với Hải thế nào, Hải bảo đưa 5 triệu cho anh”. Khoản tiền này, trên đường về trạm, Duân chia đều mỗi người 800.000 đồng. Còn lại 2,1 triệu đồng Duân khấu trừ số tiền đã chi cho tổ ăn uống trong tuần.
Vụ này tính sao ta?
Vụ án 2:
Vũ Thị Hương là nhân viên khai thác thuộc phòng bao hiểm H, có nhiệm vụ bán phí bảo hiểm, làm hồ sơ bản hiểm cho khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm. Trong quá trình bán bảo hiểm, Hương thu tiền bảo hiểm và không nộp về quỹ của Phòng. Cụ thể như sau:
- Ngày 11/7/2006, thu 274.000 đồng đóng phí bảo hiểm của Cty du lịch Phương Đông;
- Ngày 18 và 23/10/2006, thu 549.000 đồng phí bảo hiểm học sinh và giáo viên của trương Mầm Non A;
- Ngày 10/12/2006, thu 4.300.000 đồng phí bảo hiểm xe máy của Cty trách nhiệm hữu hạn L;
- Ngày 3/3/2007, thu 19.360.000 đồng phí bảo hiểm của Cty xuất nhập khẩu Việt An;
- Ngày 13, 14/6/2007, thu phí bảo hiểm xe ôtô của Đại sứ quán Na Uy.
Tất cả số tiền trên, Hương đều chưa làm thủ tục quyết toán.
Ngoài ra, khi thu tiền bảo hiểm của Trung tâm môi trường và Bưu điện tỉnh K, Hương đã cho người quen vay lấy lãi. Cụ thể: ngày 27/10/2006, cho Nguyễn Thị Bình vay 20.000.000 đồng, ngày 8/11/2006, cho Nguyễn Văn An vay 25.000.000 đồng.
Anh (chị) hãy định tội cho Hương.
NHÓM 11
Vụ án 1
Sau khi xảy ra vụ án cướp tài sản ở nhà bà Ngô Thị Liên, cơ quan Điều tra đã bắt giữ Đinh Thanh Ân và Trịnh Văn Phú để điều tra. Ân và Phú đã khai nhận hành vi cướp tài sản ở nhà bà Liên và chỉ chỗ cất giấu những tài sản cướp được. Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao cả hai đều là người ở địa phương khác mới đến lại biết rõ tình hình nhà cửa, tài sản của nhà bà Liên, thì hai tên đều khai báo quanh co và không giải thích được.
Do nôn nóng tìm ra kẻ giúp sức cho Ân và Phú để sớm kết thúc vụ án, Đào Văn Tình, cán bộ điều tra, đã cho cùm Ân và Phú suốt ba ngày đêm liền (mặc dù họ không vi phạm nội quy, kỷ luật của trại giam) và chỉ cho ăn mỗi ngày 1 lần. Không chịu nổi, Ân và Phú đã khai rằng do Hưng, cháu bà Liên, là người đã giúp họ cướp tài sản. Tình đã xin lệnh bắt Hưng để điều tra. Hưng bị tạm giam 3 tháng để điều tra. Trong suốt 3 tháng, Tình không tìm thấy được chứng cứ gì chứng tỏ Hưng là đồng phạm trong vụ cướp tài sản nói trên. Khi tiến hành đối chất, Ân và Phú mới thừa nhận do bị cùm, bỏ đói không chịu nổi nên khai bừa cho Hưng chứ thực tế, anh Hưng không biết gì về vụ cướp này cả. Thực tế, người gợi ý và chỉ dẫn cho Ân và Phú cướp nhà bà Liên là Quyền, người sửa xe cạnh nhà bà Liên.
Anh (chị) hãy xác định tội danh cho Tình.
Vụ án 2
Sáng 28-11-2010, chủ nhà 9B đường Lãn Ông (TP Nha Trang) trình báo với Công an TP Nha Trang việc bị mất 7 triệu đồng và 1.750 USD, nghi người giúp việc là bà Trần Thị Lan (41 tuổi) lấy cắp.
Tuấn và Quyết được lãnh đạo Đội hình sự phân công xác minh. Khoảng 10 giờ cùng ngày, Tuấn và Quyết đến nhà bà Lan trọ lục soát, phát hiện và lập biên bản thu giữ một số quần áo tư trang, mỹ phẩm và đưa bà Lan về Đội hình sự để tiếp tục điều tra.
Từ trưa 28 đến chiều 29-11, Tuấn, Quyết và 3 người khác mặc thường phục (chưa xác định được danh tính) thay nhau đánh đập, tra khảo bằng dùi cui, roi điện, ép buộc bà lan khai nhận hành vi phạm tội.
Cuối chiều 29-11, Tuấn và Quyết thực hiện thủ tục bắt khẩn cấp, đưa bà Lan vào nhà tạm giam.
Ngày 30-11, bà Lan bị ngất xỉu, phải chở đi bệnh viện tỉnh cấp cứu. Ngày 2-12-2011, khởi tố vụ án và bà Lan tội “trộm cắp tài sản”.
Tại phiên tòa, Tuấn và Quyết đều khai nhận đã đánh đập bà Lan nhiều lần. Tuy nhiên, Tuấn phủ nhận hành vi chích roi điện.
Luật sư Lê Văn Tuấn cho rằng 2 bị cáo không phạm tội “dùng nhục hình” vì hành vi tra tấn xảy ra trước khi có quyết định khởi tố vụ án nên không thuộc giai đoạn điều tra, mới ở giai đoạn thẩm tra, xác minh. Hơn nữa, người phạm tội “dùng nhục hình” phải có chức danh điều tra viên, có quyết định phân công điều tra vụ án của thủ trưởng cơ quan điều tra (?!).
Tuấn và Quyết thừa nhận sai phạm nhưng cùng quan điểm luật sư Tuấn, cho rằng họ không phạm tội dùng nhục hình (!).
Bác bỏ lối ngụy biện trên, VKS trích dẫn các điều luật khẳng định cán bộ, chiến sĩ công an (không nhất thiết có chức danh điều tra viên) được phân công điều tra, sử dụng nhục hình ở giai đoạn trước hoặc sau khởi tố, đều phạm tội “dùng nhục hình”, kiến nghị phạt mỗi bị cáo từ 6-9 tháng tù (cho hưởng án treo) và 12-18 tháng thử thách.
Anh (chị) theo ai và lý giải?
[1] 1997.