MỞ RỘNG > PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH TỘI - ĐỊNH KHUNG

PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH TỘI - ĐỊNH KHUNG

BÀI 1

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ XÁC ĐỊNH
TỘI DANH[1] VÀ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH TỘI DANH, KHUNG HÌNH PHẠT

PHẦN I

ĐỊNH TỘI VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ ĐỊNH TỘI

I. ĐỊNH TỘI

1. Khái niệm về định tội

Áp dụng quy phạm pháp luật hình sự là một quá trình rất phức tạp và đa dạng, được tiến hành qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trong đó, định tội là một giai đoạn cơ bản của quá trình đó. Định tội là việc xác nhận về mặt pháp lý sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể đã được thực hiện với các yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng được quy định trong Bộ luật hình sự. Có thể nói, định tội là việc xác định một hành vi cụ thể đã thực hiện thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của một tội phạm cụ thể nào đó trong số các tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự.

Định tội là một hoạt động tư duy do người tiến hành tố tụng thực hiện. Đồng thời, nó cũng là hình thức hoạt động, thể hiện sự đánh giá về mặt pháp lý đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội đang được kiểm tra, xác định trong mối tương quan với các quy phạm pháp luật hình sự. Để định tội cho một hành vi cụ thể, người áp dụng luật hình sự phải căn cứ vào cấu thành tội phạm (CTTP) được rút ra từ những quy định của Bộ luật hình sự. Nếu tình tiết của một hành vi phạm tội phù hợp với các dấu hiệu của một CTTP cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự, thì hành vi đó được xác định theo tội danh của CTTP đó.

Định tội được tiến hành qua các giai đoạn tố tụng hình sự, từ khởi tố vụ án, điều tra, truy tố và cuối cùng là xét xử. Trong đó, việc xác định tội danh trong giai đoạn xét xử là quan trọng nhất. Khoản 1, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

2. Ý nghĩa của việc định tội

Định tội là một vấn đề hết sức quan trọng, là giai đoạn cơ bản trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự. Tất cả những việc làm trước đó (từ khởi tố, điều tra, truy tố) suy cho cùng là nhằm phục vụ cho việc định tội được chính xác. Từ đó, người áp dụng mới có thể áp dụng một hình phạt đúng đắn cho tội phạm đó. Việc nghiên cứu vấn đề định tội có ý nghĩa lý luận và thực tiễn vô cùng quan trọng.

Trước hết, nghiên cứu vấn đề này là một đóng góp quan trọng cho việc hoàn thiện về lý luận pháp luật hình sự. Làm sáng tỏ cơ sở khoa học của định tội sẽ trang bị cho cán bộ làm công tác pháp luật những kiến thức cần thiết, giúp họ nắm được cơ sở lý luận quan trọng trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử.

Bên cạnh đó, hiểu và vận dụng đúng đắn lý luận định tội là một yêu cầu cần thiết đối với mỗi cán bộ tiến hành tố tụng trong lĩnh vực hình sự. Điều này là một biểu hiện cụ thể của sự nhận thức và tuân thủ các quy định của pháp luật hình sự, nguyên tắc pháp chế, đảm bảo tính công bằng trong lĩnh vực hình sự. Định tội đúng có ý nghĩa quyết định trong vụ án hình sự, bởi vì, nó là cơ sở cần thiết đầu tiên cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Trên cơ sở xác định người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội gì, quy định tại điều, khoản nào của Bộ luật hình sự, người áp dụng sẽ quyết định một hình phạt phù hợp đối với hành vi phạm tội đó. Vì thế, định tội được xem là tiền đề, điều kiện cho việc quyết định hình phạt đúng đắn, góp phần mang lại hiệu quả trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Trong trường hợp định tội không chính xác sẽ dẫn đến kết án sai, không phù hợp với sự thật khách quan của vụ án, xử lý oan người vô tội, để lọt tội phạm, xử nhẹ hoặc nặng hơn so với tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Việc xử lý hình sự thiếu chính xác như thế sẽ xâm phạm đến những quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, làm giảm uy tín của các cơ quan tư pháp, vi phạm pháp chế, ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.

3. Mối quan hệ giữa triết học và quy phạm pháp luật hình sự trong việc định tội

Triết học - hạt nhân lý luận của thế giới quan, là hệ thống các quan điểm lý luận chung nhất về thế giới tự nhiên, về các sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ với thế giới quan đó. Đối với việc xác định tội danh, triết học là cơ sở khoa học cho việc áp dụng đúng đắn các quy phạm pháp luật hình sự, là một phạm trù đặc trưng cơ bản cho bản chất nhận thức luận của quá trình áp dụng quy phạm pháp luật hình sự khi định tội, và một trong những cơ sở lý luận khoa học của triết học, đóng vai trò quan trọng khi định tội chính là phạm trù cái chung và cái riêng, cái cụ thể và cái trừu tượng, v.v..

Quy phạm pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do Nhà nước đặt ra nhằm điều chỉnh những nhóm quan hệ xã hội. Nếu như xem xét quy phạm pháp luật dưới quan điểm của triết học thì quy phạm chính là khái niệm cái chung. Theo Lênin, “cái chung” là phạm trù “được dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính chung không những có một kết cấu vật chất nhất định, mà còn được lặp lại trong nhiều sự vật, hiện tượng hay quá trình riêng lẻ khác”. Ví dụ như: khi quy phạm pháp luật hình sự quy định các dấu hiệu của cấu thành tội “cưỡng đoạt tài sản”, thì phạm trù cái chung dùng để chỉ những thuộc tính của sự vật, hiện tượng được xem xét chính là những dấu hiệu cơ bản nhất của các dạng hành vi nguy hiểm cho xã hội được đề cập dưới dạng khái quát. Như vậy, khái niệm tội “cưỡng đoạt tài sản” với tư cách là “hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản” được áp dụng với mọi hành vi nguy hiểm cho xã hội có dấu hiệu của Điều 170 Bộ luật hình sự[2].

“Cái riêng” theo quan điểm triết học là “phạm trù được dùng để chỉ những nét, những mặt, những thuộc tính... chỉ có ở một kết cấu vật chất nhất định và không được lặp lại ở bất kỳ một kết cấu vật chất nào khác”. Chẳng hạn như, cùng có điểm giống nhau là đều xâm hại đến mặt khách thể là quan hệ sở hữu của công dân, nhưng mặt khách quan ở cấu thành “tội cướp tài sản” (Điều 168 Bộ luật hình sự) là hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản... ”, hành vi này khác so với hành vi “lén lút” chiếm đoạt tài sản ở cấu thành “tội trộm cắp tài sản” (Điều 173 Bộ luật hình sự). Những điểm khác nhau ở hành vi khách quan của hai tội này chính là những “cái riêng”, nghĩa là, hành vi “công khai” ở “tội cướp tài sản” không thể xuất hiện trong cấu thành “tội trộm cắp tài sản” được và ngược lại, hành vi “lén lút” là dấu hiệu đặc trưng của “tội trộm cắp tài sản”, không thể đồng thời xuất hiện ở cấu thành tội cướp.

“Cái chung” và “cái riêng” đều là những phạm trù phản ảnh hiện thực khách quan, tuy quy phạm pháp luật hình sự không thể chứa đựng toàn bộ các dấu hiệu đa dạng, đặc trưng cho từng tội phạm cụ thể, nhưng điều đó không có nghĩa là, phạm trù cái chung không phản ánh được những chi tiết khách quan. Quy phạm pháp luật hình sự chỉ quy định một số dấu hiệu của tội phạm tương ứng được khái quát hoá tách ra khỏi các dấu hiệu và thuộc tính khác của tội phạm đó, vì thế, khái niệm “cái chung” chứa đựng không phải sự ngẫu nhiên các dấu hiệu mà là tách ra từ các dấu hiệu đó những dấu hiệu thể hiện bản chất của hiện tượng, để một phần nào làm sáng tỏ được quy luật khách quan của hiện thực thực tế được khái niệm đó thể hiện.

Triết học xác định một cách rõ ràng mối tương quan giữa “cái riêng” và “cái chung”. “Cái chung” tồn tại một cách thực tế, nhưng không hề độc lập mà thông qua các hiện tượng cụ thể, đơn nhất. V.I.Lênin với quan điểm chủ nghĩa duy vật biện chứng, cũng đã chỉ ra được mối quan hệ giữa “cái chung” và “cái riêng”, “cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng”, còn “cái riêng” chỉ tồn tại trong mối liên hệ đưa đến “cái chung”. “Cái chung” là một bộ phận của “cái riêng” còn “cái riêng” không gia nhập hết vào “cái chung”, khẳng định trên của Lênin đã phản ánh một sự thật là bên cạnh những thuộc tính được lặp lại ở các sự vật khác nhau, tức là bên cạnh “cái chung”, bất cứ “cái riêng” nào cũng còn chứa đựng những “cái đơn nhất”, những cái chỉ vốn có ở nó và không được lặp lại ở bất cứ sự vật nào nữa.[3]

Trong thực tế khách quan, phạm trù “cái chung” được biểu hiện dưới những khái niệm trừu tượng, khái quát nhất về một sự kiện, hiện tượng nào đó. Vì thế, khi xem xét, đánh giá quy phạm pháp luật dưới góc độ phạm trù “cái chung”, thì những quy phạm pháp luật hình sự được ghi nhận trong Bộ luật hình sự có thể cũng chứa đựng các khái niệm với những mức độ trừu tượng khác nhau. Ví dụ như: Mức độ khái quát cao nhất về hành vi nguy hiểm cho xã hội được ghi nhận ở khái niệm tội phạm được quy định tại Điều 8 Bộ luật hình sự; mức độ khái quát tiếp theo là sự trừu tượng, khái quát về một nhóm hành vi có các dấu hiệu đặc trưng được quy định tại chương XIV về các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, và mức độ khái quát thấp hơn nữa chính là các quy định về tội phạm cụ thể tương ứng với các điều luật trong Bộ luật hình sự.

Quy phạm pháp luật là một hiện tượng của ý thức xã hội, tồn tại trong hiện thực khách quan, chính vì thế, tính độc lập tương đối của phạm trù “cái chung” là cơ sở của triết học cơ bản nhất để xác định và áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự. Đồng thời, mối quan hệ biện chứng giữa phạm trù “cái chung” với “cái riêng” là một trong những phương pháp luận khoa học của quá trình định tội, nhất là quá trình so sánh, đối chiếu giữa “cái chung” và “cái riêng”; giữa các tình tiết thực tế với các quy phạm pháp luật, để từ đó lựa chọn quy phạm pháp luật tương ứng cho từng trường hợp.

Quy phạm pháp luật được xây dựng dựa trên các cơ sở lý luận của triết học, vì thế, giữa quy phạm hình sự và các phạm trù “cái chung”, “cái riêng” có sự tác động, biện chứng lẫn nhau. Vấn đề đặt ra là, việc nhận thức về mối quan hệ giữa hành vi thực tế và quy phạm pháp luật hình sự có ý nghĩa như thế nào trong quá trình định tội?

Quá trình định tội danh như đã đề cập là quá trình nhận thức, đối chiếu các hành vi khách quan với các quy phạm pháp luật; là sự xác định về mặt đồng nhất các dấu hiệu cơ bản của hành vi với các cấu thành tội phạm, để từ đó lựa chọn được cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng với hành vi đó. Thế nên, việc quan niệm về tình tiết thực tế của vụ án; quan niệm về nội dung của quy phạm pháp luật hình sự và quan niệm về mối quan hệ giữa các dấu hiệu thực tế của hành vi và các dấu hiệu được quy định trong quy phạm pháp luật hình sự là những điều cần thiết của việc định tội. Nếu sự thật của vụ án không được xác định đúng, khách quan thì các quy phạm pháp luật hình sự sẽ không được áp dụng một cách đúng đắn. Hay nói cách khác, việc định tội đúng chính là sự thể hiện chính xác tính chất, mối liên hệ giữa các tình tiết thực tế với các quy phạm pháp luật hình sự.

Hiện thực khách quan là tổng hoà các sự kiện, hiện tượng đa dạng, phức tạp và luôn luôn biến động. Chính vì thế, chúng ta không thể đưa ra một định nghĩa, một sự nhận xét mang tính tuyệt đối nào đối với các khía cạnh của vấn đề. Dù rằng đối với mọi tội danh cụ thể, nhà làm luật đều xây dựng nên những cấu thành tội phạm tương ứng, nhưng vấn đề khó khăn nhất khi định tội chính là đứng trước một hành vi nguy hiểm cho xã hội, làm sao xác định, lựa chọn được dấu hiệu cấu thành phù hợp để áp dụng. Ví dụ như: khi có hành vi “cố ý gây thương tích” xảy ra trên thực tế, hành vi này có thể cấu thành tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” (Điều 134 Bộ luật hình sự), hoặc có thể cấu thành tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” (Điều 135 Bộ luật hình sự), trong trường hợp này, người áp dụng pháp luật phải tiến hành phân biệt những dấu hiệu khác nhau của những cấu thành gần giống nhau đó, để đưa ra một kết luận khẳng định phù hợp nhất với thực tế.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA ĐỊNH TỘI

1. Pháp luật hình sự có ý nghĩa quyết định trong quá trình định tội

Như đã đề cập, định tội là xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra với các dấu hiệu tương ứng trong quy phạm pháp luật hình sự. Quy phạm pháp luật hình sự chứa đựng những dấu hiệu đặc trưng, điển hình, bắt buộc không thể thiếu được của một loại tội phạm cụ thể. Những dấu hiện đó sẽ trở thành khuôn mẫu pháp lý làm cơ sở cho người tiến hành tố tụng so sánh, đối chiếu với hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra ngoài thế giới khách quan, từ đó xác định được người phạm tội phạm tội gì, quy định tại điều, khoản nào của Bộ luật hình sự. Như vậy, pháp luật hình sự là cơ sở pháp lý của việc định tội.

Điều 2 Bộ luật hình sự hiện hành quy định:

“1. Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Luật hình sự Việt Nam hiện hành không cho phép áp dụng nguyên tắc tương tự trong lĩnh vực hình sự.

Bộ luật hình sự bao gồm các nhóm quy phạm pháp luật được sắp xếp thành hai phần: Phần chung và Phần các tội phạm. Trong đó, Phần chung quy định các nhiệm vụ, các nguyên tắc, các chế định cơ bản của luật hình sự Việt Nam. Còn khi xây dựng các quy phạm của phần tội phạm, nhà làm luật đã tìm và xác định xem trong quá trình tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội, dấu hiệu nào là đặc trưng, cơ bản nhất và được lặp lại nhiều lần trong thực tế, để từ đó quy định thành các dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng.

Các quy phạm Phần chung tuy không nêu lên hết các dấu hiệu cụ thể của bất kỳ một hành vi phạm tội nào, nhưng khi định tội, nhà làm luật phải đồng thời dựa vào cả hai nhóm quy phạm hình sự này. Bởi lẽ, quy phạm Phần chung và quy phạm Phần các tội phạm có mối liên hệ hữu cơ với nhau và định tội danh chính là sự lựa chọn một quy phạm cụ thể đề cập đến một trường hợp cụ thể, vì thế, việc áp dụng quy phạm Phần các tội phạm phải dựa trên những quy phạm chung và nguyên tắc được quy định ở Phần chung Bộ luật hình sự.

Khi định tội, những quy phạm phần các tội phạm đề cập mô hình tội phạm một cách chi tiết, trên cơ sở đó chúng ta xác định được hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi phạm tội; còn các quy phạm hình sự tại Phần chung quy định về các dấu hiệu của cấu thành tội phạm, về các giai đoạn của tội phạm; về đồng phạm... từ đó, giúp người áp dụng pháp luật phân biệt được cấu thành tội phạm cơ bản; cấu thành tội phạm tăng nặng hay cấu thành tội phạm giảm nhẹ, và xác định được hành vi phạm tội đó ở giai đoạn nào của việc thực hiện tội phạm: ở giai đoạn tội phạm hoàn thành, giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay giai đoạn phạm tội chưa đạt. Chẳng hạn như: Điều 17 quy định tại Phần chung đề cập vấn đề đồng phạm, những người trong đồng phạm. Tuy điều luật này không thể hiện cụ thể tính chất đồng phạm của hành vi phạm tội tại tất cả các điều luật quy định tại Phần các tội phạm, thế nhưng trên thực tế nếu hành vi phạm tội thể hiện dưới hình thức đồng phạm thì Điều 17 quy phạm Phần chung phải được áp dụng để xác định rõ vai trò, vị trí của từng người trong đồng phạm, bên cạnh việc áp dụng điều luật trong quy phạm Phần các tội phạm.

Trong quá trình áp dụng pháp luật, không một cơ quan nào có quyền xem các hành vi khác không được quy định trong luật là tội phạm. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền quy định tội phạm mới (tội phạm hoá) hoặc bỏ đi một tội phạm đã được quy định trong Bộ luật hình sự (phi tội phạm hoá).

Hiện nay, việc giải thích chính thức Bộ luật hình sự được Hiến pháp 2013 giao cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Giải thích này có giá trị bắt buộc đối với mọi cơ quan, tổ chức, và cá nhân. Việc giải thích Bộ luật hình sự của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hay của Bộ Tư pháp chỉ có giá trị bắt buộc trong phạm vi ngành Tư pháp.

Khi định tội, các cơ quan tiến hành tố tụng phải dựa vào cả các quy định phần chung và phần các tội phạm Bộ luật hình sự. Các quy định Phần chung nêu lên các nguyên tắc, nhiệm vụ của luật hình sự, những vấn đề chung về tội phạm và hình phạt. Quy định Phần các tội phạm quy định những tội phạm cụ thể, loại và mức hình phạt có thể áp dụng đối với từng tội phạm cụ thể. Khi định tội, ngoài việc dựa vào các điều luật quy định hành vi phạm tội cụ thể, người tiến hành tố tụng còn phải dựa vào những nguyên tắc, điều kiện đã quy định trong Phần chung.

2. Cấu thành tội phạm là căn cứ pháp lý duy nhất để định tội

CTTP là khái niệm pháp lý về hành vi phạm tội, là hệ thống các dấu hiệu cần và đủ đặc trưng cho từng tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự. CTTP là một phạm trù chủ quan được xây dựng một cách khách quan dựa trên quy định của luật hình sự. Chính vì thế, nó đã trở thành cơ sở pháp lý để định tội. CTTP, nói một cách khách quan, không thể hiện hết các yếu tố phong phú của tội phạm mà chỉ thể hiện các yếu tố cần và đủ (các dấu hiệu điển hình, đặc trưng nói lên bản chất của tội phạm ấy) cho việc định tội. Vì vậy, quá trình định tội cần giải quyết hai vấn đề: nhận thức đúng đắn các dấu hiệu CTTP và xác định các tình tiết của hành vi phạm tội được thực hiện nhằm tìm ra sự đồng nhất giữa các yếu tố luật định và các tình tiết khách quan.

CTTP được xem là cơ sở pháp lý duy nhất để định tội, là mô hình pháp lý có các dấu hiệu cần và đủ để xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Bởi vì, một trong những đặc điểm của tội phạm là được quy định trong luật hình sự. Luật hình sự quy định tội phạm bằng cách mô tả các dấu hiệu của hành vi phạm tội, từ cơ sở pháp lý đó, các nhà lý luận mới khái quát thành các dấu hiệu đặc trưng chung gọi là CTTP. Vì thế, các cán bộ tiến hành tố tụng cần nhận thức đúng đắn bản chất các dấu hiệu CTTP trong quá trình định tội.

Chú ý, khi xem xét các dấu hiệu CTTP cần xem xét cả những quy định Phần chung và Phần các tội phạm Bộ luật hình sự. Làm sáng tỏ CTTP và những dấu hiệu của nó là bảo đảm quan trọng đối với việc định tội. Định một tội danh đúng đòi hỏi cán bộ tiến hành tố tụng phải có trình độ pháp luật, kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ tốt, có kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, Nhà nước phải bảo đảm pháp luật đáp ứng được đời sống đa dạng, không ngừng hoàn thiện, đảm bảo giải thích, hướng dẫn luật kịp thời, tránh việc áp dụng luật một cách mâu thuẫn và giải thích tuỳ tiện.

PHẦN II

PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH TỘI,
XÁC ĐỊNH KHUNG HÌNH PHẠT

I. PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH TỘI ĐỐI VỚI MỘT VỤ ÁN CỤ THỂ

Định tội là cơ sở và là tiền đề cho hoạt động quyết định hình phạt. Đó là quá trình xác định sự giống nhau, sự trùng lặp giữa các tình tiết cơ bản, điển hình của một hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra với các dấu hiệu của CTTP cụ thể tương ứng được quy định trong Bộ luật hình sự. Nói cách khác, đó là sự xác định hành vi của một người thỏa mãn các dấu hiệu của CTTP nào trong Bộ luật hình sự. Vì thế, để định tội chính xác, người định tội cần xác định đầy đủ các tình tiết đã xảy ra liên quan đến vụ án. Ngoài ra, họ cần phải có sự hiểu biết sâu sắc, chính xác pháp luật hình sự - cấu thành tội phạm.

Quá trình định tội là một quá trình hoạt động tư duy phức tạp. Hoạt động này cần được tiến hành theo các bước sau:

1. Tóm tắt và phân tích hành vi của người phạm tội trong vụ án

Sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, người tiến hành tố tụng cần tóm tắt và phân tích hành vi của bị can trong vụ án. Việc làm này giúp Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, cũng như Hội thẩm nhân dân nắm được tất cả các hành vi của bị can, các tình tiết của vụ án. Đồng thời, việc tóm tắt và phân tích hành vi của bị can trong bước này giúp cho việc kiểm tra, đánh giá về mặt hình sự những bước sau không bị lệch hướng. Trong một vụ án hình sự, có rất nhiều tình tiết khác nhau, trong đó không phải tình tiết nào cũng có giá trị trong việc định tội. Khi tiến hành tóm tắt và phân tích vụ án, người thực hiện sẽ có thể phát hiện ra những điểm mấu chốt giúp cho việc giải quyết vụ án một cách mau chóng, chính xác và có hiệu quả. Nếu vụ án có những điểm khác nhau cần kiểm tra thì quá trình tóm tắt và phân tích sẽ làm rõ mối liên hệ giữa chúng.

Cần chú ý, để đạt được sự chính xác và có hiệu quả, người thực hiện việc tóm tắt và phân tích hành vi của bị can trong vụ án cần đảm bảo các yêu cầu sau:

- Nghiên cứu kỹ, đọc nhiều lần hồ sơ vụ án để tóm tắt đúng và không bỏ sót tình tiết vụ án;

- Không nên nhắc lại sự việc một cách máy móc, đơn điệu mà phải tóm lược được những hành vi, những tình tiết có ý nghĩa cho việc định tội;

- Không được có những bổ sung hoặc thay đổi các tình tiết của vụ án, không được đánh giá chủ quan về mặt pháp lý các tình tiết đó.

2. Xác định khách thể loại của hành vi xâm hại mà bị can đã thực hiện và các quy phạm pháp luật hình sự cần kiểm tra

Dựa vào kết quả tóm tắt và phân tích hành vi bị can, người tiến hành tố tụng phải rút ra kết luận rằng có quan hệ pháp luật hình sự phát sinh không (có tội phạm xảy ra không). Nếu có, công việc tiếp theo là xác định khách thể loại của tội phạm. Tức là xác định quan hệ xã hội nào được luật hình sự bảo vệ bị hành vi đó của bị can xâm hại. Cơ sở cho việc xác định khách thể loại là các chương của phần các tội phạm Bộ luật hình sự. Những tội phạm được xếp trong cùng một chương đều có cùng khách thể loại. Sau đó, nhiệm vụ tiếp theo là lựa chọn các quy phạm pháp luật hình sự cần kiểm tra. Quy phạm pháp luật hình sự cần kiểm tra là những quy định nằm ở phần các tội phạm Bộ luật hình sự (thuộc chương đã được xác định sau khi đã xác định được khách thể loại).

3. Kiểm tra quy phạm pháp luật hình sự (CTTP cụ thể) trong mối liên hệ với từng hành vi của bị can trong vụ án

Đây là bước quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình làm việc của người tiến hành tố tụng. Thực chất của bước này là định tội và định khung hình phạt cho hành vi phạm tội đó.

a) Những vấn đề có tính nguyên tắc khi tiến hành kiểm tra:

- Quá trình kiểm tra, so sánh, đối chiếu được tiến hành với từng hành vi mà chủ thể đã thực hiện. Hành vi nào nguy hiểm nhất được kiểm tra trước. Lưu ý, cần xem xét hành vi trong thực tế có chứa đựng đầy đủ các yếu tố của CTTP tương ứng không. Chỉ khi có sự đồng nhất giữa chúng thì trách nhiệm hình sự của chủ thể thực hiện hành vi đó mới được đặt ra. Sự đồng nhất này là khách quan, dứt khoát chứ không phải là sự suy đoán, biểu lộ ý chí chủ quan của cá nhân (theo quan điểm tôi, giả định rằng...).

- Nếu vụ án có nhiều người tham gia (đồng phạm), kiểm tra hành vi của người thực hành. Sau đó, kiểm tra hành vi những người còn lại.

- Kiểm tra, đối chiếu từng CTTP. Kiểm tra CTTP cơ bản trước, sau đó mới đến CTTP tăng nặng hoặc giảm nhẹ.

- Đối với mỗi CTTP cần lần lượt kiểm tra từng dấu hiệu mô tả trong CTTP đó. Nếu có nhiều dạng hành vi thì kiểm tra dạng hành vi được mô tả trong CTTP gần với hành vi được thực hiện trong vụ án. Nếu các dạng hành vi khác nhau trong CTTP không có mối liên hệ với hành vi xảy ra trong vụ án thì không cần kiểm tra.

b) Việc kiểm ra quy phạm pháp luật hình sự dựa vào các yếu tố CTTP được tiến hành lần lượt từ khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan của tội phạm.

b1) Kiểm tra khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Mỗi tội phạm có thể xâm hại tới nhiều quan hệ xã hội nhưng chỉ có các quan hệ được luật hình sự bảo vệ mới là khách thể của tội phạm. Ở giai đoạn trước, ta đã xác định khách thể loại, giai đoạn này cần xác định khách thể trực tiếp của tội phạm, một yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể. Những tội phạm có cùng khách thể trực tiếp được xếp liền kề trong cùng một chương (tội phạm trong cùng một chương có cùng khách thể loại). Vì thế, khách thể trực tiếp luôn nằm trong khách thể loại. Việc xác định khách thể trực tiếp không phải lúc nào cũng dễ bởi vì rất có thể một tội phạm xâm hại đến nhiều quan hệ xã hội khác nhau (khác nhau về khách thể trực tiếp). Trường hợp đó, chúng ta cần xác định khách thể trực tiếp cơ bản có ý nghĩa quyết định để định tội. Để xác định khách thể trực tiếp cơ bản cần trả lời các câu hỏi: (1) trong nhóm các quan hệ xã hội bị xâm hại, quan hệ xã hội nào là quan trọng hơn cả; (2) thiệt hại gây ra cho quan hệ xã hội nào nghiêm trọng hơn; (3) quan hệ xã hội nào luôn phải chịu thiệt hại do hành vi nguy hiểm đó gây ra; (4) quan hệ xã hội nào phản ánh đầy đủ bản chất chính trị xã hội và pháp lý của hành vi nguy hiểm cho xã hội trong vụ án, v.v..

Nhìn chung, việc định tội là căn cứ vào khách thể. Đối tượng tác động có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đối tượng tác động được quy định là yếu tố định tội. Khi đó, chúng ta cần kiểm tra cả đối tượng tác động với tư cách là một bộ phận của khách thể để định tội.

b2) Kiểm tra mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm. Trong quy phạm pháp luật hình sự, mặt khách quan được mô tả một cách rõ ràng hơn so với các yếu tố khác. Mặt khách quan có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định CTTP để định tội. Thông qua nó, chúng ta có thể phân biệt CTTP này với CTTP khác. Và cũng thông qua đó, chúng ta có thể xác định được mặt chủ quan của tội phạm. Mặt khách quan của tội phạm có ba yếu tố bắt buộc cấu thành là: hành vi khách quan, hậu quả của hành vi khách quan và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Việc xác định hành vi khách quan có ý nghĩa quan trọng nhất trong việc định tội.

Việc mô tả hành vi khách quan trong quy phạm pháp luật hình sự không giống nhau trong những trường hợp khác nhau. Có khi mô tả tỉ mỉ hành vi, như cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật hình sự), hiếp dâm (Điều 141 Bộ luật hình sự)...), có khi hành vi được ẩn trong tên tội danh, như trộm cắp tài sản (Điều 173 Bộ luật hình sự), giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự)...). Hành vi cũng có thể được biểu hiện qua không hành động, như không tố giác tội phạm (Điều 390 Bộ luật hình sự), hoặc thông qua hành động, như buôn lậu (Điều 188 Bộ luật hình sự...), cũng có khi hành vi được biểu hiện thông qua cả hành động và không hành động, như giết người[4] (Điều 123 Bộ luật hình sự) v.v.. Người định tội cần xác định hành vi và các biểu hiện của nó, xác định được mô hình hành vi nguy hiểm cho xã hội. Ngoài ra, trong quá trình định tội đối với các tội phạm có CTTP vật chất, người định tội cũng cần phải làm sáng tỏ hậu quả của hành vi khách quan và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả của hành vi đó. Cuối cùng, trong quá trình kiểm tra để định tội, chúng ta phải lưu ý đến các dấu hiệu khác trong mặt khách quan như công cụ, phương tiện, thời gian, địa điểm, v.v. phạm tội nếu CTTP có nêu. Chẳng hạn, đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 Bộ luật hình sự) đòi hỏi dấu hiệu phương tiện phạm tội phải là “phương tiện giao thông đường bộ.

Tóm lại, trong bước kiểm tra mặt khách quan của tội phạm, người định tội phải làm sáng tỏ các dấu hiệu khách quan trong CTTP và so sánh, đối chiếu với các dấu hiệu khách quan tương ứng với những dấu hiệu đã xảy ra trong vụ án cụ thể. Nếu vụ án thiếu một trong những dấu hiệu khách quan được quy định trong CTTP thì không được kết luận tuỳ tiện.

b3) Kiểm tra chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại, “người” đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm, có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm. Nếu là cá nhân thì có năng lực trách nhiệm hình sự (NLTNHS) (không thuộc trường hợp không có NLTNHS quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự và đạt độ tuổi chịu TNHS theo Điều 12 Bộ luật hình sự)[5]. Nếu là pháp nhân thương mại thì chỉ cần các dấu hiệu để xác định đó là pháp nhân thương mại theo pháp luật.

Đối với chủ thể là cá nhân, kiểm tra chủ thể cần kiểm tra ba vấn đề: (1) có phải chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự hay không; (2) chủ thể đó có năng lực TNHS không; (3) chủ thể đó đã đạt tuổi chịu TNHS chưa. Đối với những tội phạm đòi hỏi chủ thể đặc biệt, chúng ta phải xem xét những đặc điểm đặc thù của chủ thể. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thiết xem xét các dấu hiệu thuộc về nhân thân nhằm góp phần có hiệu quả trong việc thực hiện cá thể hoá TNHS và hình phạt.

Đối với chủ thể là pháp nhân thương mại thì cần kiểm tra các điều kiện để một pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự (Điều 75 Bộ luật hình sự). Bao gồm: (1) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; (2) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; (3) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại.

 

b4) Kiểm tra mặt chủ quan của tội phạm:

Tội phạm là một thể thống nhất giữa các mặt khách quan và chủ quan. Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm dấu hiệu lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Nếu kiểm tra mà không thấy có sự thống nhất giữa các yếu tố khách quan và chủ quan thì không thể định tội theo quy phạm pháp luật hình sự đang kiểm tra. Đối với cá nhân thì kiểm tra yếu tố chủ quan của người thực hiện tội phạm. Đối với pháp nhân thương mại thì kiểm tra yếu tố chủ quan của người thực hiện tội phạm mà bị coi là pháp nhân thương mại phạm tội.

Trong CTTP, lỗi được quy định rất khác nhau. Nếu điều luật quy định rõ hình thức lỗi trong CTTP thì khi định tội chỉ cần xác định thái độ tâm lý của chủ thể đối với hành vi và hậu quả, sau đó so sánh, đối chiếu với hình thức lỗi trong CTTP. Ví dụ, tội cố ý gây thương tích (Điều 134 Bộ luật hình sự), vô ý làm chết người (Điều 128 Bộ luật hình sự), v.v.. Tuy nhiên, đa số các trường hợp, điều luật không nêu rõ hình thức lỗi trong CTTP cụ thể. Khi đó, người định tội phải phân tích nội dung chủ quan của CTTP để xác định tội phạm được thực hiện bằng hình thức lỗi gì. Để chắc chắn xác định đúng yếu tố lỗi của từng tội phạm cụ thể, chúng ta có thể tham khảo các tài liệu bình luận về phần các tội phạm Bộ luật hình sự. Sau đó, so sánh, đối chiếu với thái độ tâm lý của chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong vụ án cụ thể để kết luận có hay không sự đồng nhất giữa hình thức lỗi được quy định trong CTTP và lỗi của chủ thể thực hiện hành vi trong vụ án.

Động cơ và mục đích phạm tội không được xem là dấu hiệu bắt buộc trong mọi CTTP cụ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng được quy định trong CTTP thì trở thành dấu hiệu bắt buộc. Chẳng hạn, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356 Bộ luật hình sự) đòi hỏi dấu hiệu “mục đích vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Việc kiểm tra các yếu tố CTTP cần được tiến hành lần lượt theo các yếu tố CTTP. Nếu có một dấu hiệu không thỏa mãn thì CTTP đó được dừng lại và CTTP khác được tiếp tục kiểm tra. Chỉ khi cả bốn yếu tố CTTP được thỏa mãn đồng thời thì việc định tội mới được xem như là thành công.

Tuy nhiên, nếu gặp trường hợp CTTP có mối quan hệ giữa cái chung và cái đặc biệt, khi cả bốn yếu tố đã thỏa mãn, chúng ta cũng chưa thể kết luận người phạm tội đã phạm tội theo CTTP đó. Bởi vì, hành vi phạm tội có thể thỏa mãn đầy đủ hơn ở một CTTP khác (xem mục 3, phần II của Bài này).

4. Kết luận

Kết quả của quá trình kiểm tra bốn yếu tố CTTP trên được tóm tắt thành kết luận cuối cùng đối với từng bị can trong vụ án. Nội dung kết luận có thể là: (1) hành vi của bị can có chứa đựng đủ yếu tố của CTTP không; (2) tội gì; (3) thuộc khoản nào; (4) các điều luật viện dẫn là điều luật nào trong Bộ luật hình sự, v.v..

II. ĐỊNH TỘI DANH TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT

1. Định tội danh đối với hành vi phạm tội chưa hoàn thành và tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

1.1. Định tội danh đối với hành vi phạm tội chưa hoàn thành

Luật hình sự Việt Nam không chỉ buộc một người thực hiện hành vi thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản mới chịu trách nhiệm hình sự, mà còn buộc người thực hiện hành vi chuẩn bị cho việc thực hiện một tội phạm có lỗi cố ý trực tiếp (chuẩn bị phạm tội) cũng như hành vi chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm của một tội có lỗi cố ý trực tiếp (phạm tội chưa đạt) vì nguyên nhân khách quan phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, để có cơ sở cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự, thì hành vi chuẩn bị phạm tội cũng như hành vi phạm tội chưa đạt cũng có những đặc điểm cấu thành riêng biệt: đó là cấu thành tội phạm của chuẩn bị phạm tội và cấu thành tội phạm của phạm tội chưa đạt.

Cấu thành tội phạm của hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt không được phản ánh trực tiếp tại từng tội danh cụ thể. Dấu hiệu của hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt được quy định trong các quy phạm thuộc Phần chung Bộ luật hình sự (Điều 14, 15 Bộ luật hình sự). Đó là các dấu hiệu có tính chất chung cho tất cả các tội danh nhưng chưa phải là cấu thành của chuẩn bị phạm tội và cấu thành của phạm tội chưa đạt của riêng một tội phạm cụ thể nào cả. Cấu thành tội phạm chỉ được hình thành trên cơ sở kết hợp cấu thành tội phạm của một tội phạm cụ thể với quy định chung về chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Vì thế, nếu đối chiếu hành vi chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt với riêng cấu thành cơ bản của một tội cụ thể thì hành vi này hoặc không thỏa mãn, hoặc chưa thỏa mãn hết những dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản. Nhưng nếu đặt cấu thành cơ bản trong mối liên hệ với điều luật quy định về các giai đoạn thực hiện tội phạm thì hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt đều hoàn toàn thỏa mãn những dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản và của các quy định về giai đoạn thực hiện tội phạm.

Khi định tội danh đối với hành vi phạm tội chưa hoàn thành, việc xác định đúng giai đoạn thực hiện tội phạm là một việc làm rất quan trọng, bởi vì với mỗi tội danh, nhà làm luật quy định thời điểm hoàn thành tội phạm không giống nhau. Ví dụ như: trong “tội cướp tài sản” (Điều 168) thì tội phạm hoàn thành từ thời điểm người phạm tội có hành vi tấn công (dùng vũ lực, đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc các hành vi khác... với mục đích chiếm đoạt tài sản) bất kể người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay chưa, nhưng đối với một số tội phạm khác thì thời điểm tội phạm hoàn thành là thời điểm người phạm tội lấy được tài sản khỏi nơi cất giữ, ví dụ như: “tội công nhiên chiếm đoạt tài sản” (Điều 172) hoặc “tội cướp giật tài sản” (Điều 171), v.v..

Ngoài ra, những quy định về chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt chỉ được thể hiện ở một số tội phạm nhất định. Có những tội danh mà do những tính chất khách quan đặc thù nên nhà làm luật đã không quy định về các giai đoạn thực hiện tội phạm: Thứ nhất, đối với trường hợp không hành động là tội phạm, như “tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” (Điều 132) hoặc “tội không tố giác tội phạm” (Điều 389), đối với những tội phạm đó thì không thể có giai đoạn chuẩn bị phạm tội hay phạm tội chưa đạt, bởi vì, người phạm tội hoàn toàn không dự đoán được việc xảy ra một tội phạm cụ thể, những tình tiết khách quan được mô tả trong những tội danh tương ứng diễn ra trước khi người phạm tội có hành vi “không hành động”, vì thế, người phạm tội không hề có sự chuẩn bị trước sẽ làm như thế nào, và cũng chính vì không hề có ý định phạm tội từ trước nên vấn đề tội phạm được thực hiện đến giai đoạn nào cũng không được đặt ra, thế nên, trong những trường hợp không hành động chỉ đặt ra vấn đề là tội phạm đã hoàn thành hoặc không có tội phạm mà thôi. Thứ hai, đối với những tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định để thỏa mãn cấu thành tội phạm cơ bản cần có dấu hiệu “bị xử phạt hành chính” hoặc “bị xử lý kỷ luật” thì khi hành vi được thực hiện cũng không bị coi là phạm tội chưa đạt. Nếu có thực hiện hành vi mà hành vi đó chưa thỏa mãn CTTP cơ bản thì người đó sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật thay vì bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn tội phạm chưa hoàn thành. Ví dụ, khoản 1 Điều 159 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm...”. Nếu một người có một trong những hành vi kèm theo mà chưa bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về việc phạm tội chưa đạt tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác mà chỉ bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính.

1.2. Định tội danh đối với hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Trong luật hình sự Việt Nam, chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là một trong những chế định thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam. Hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội làm thay đổi một cách cơ bản mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đã thực hiện và mức độ nguy hiểm cho xã hội của bản thân người thực hiện hành vi. Theo quy định tại Điều 16 Bộ luật hình sự:

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.

Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”.

Theo quy định này, nếu hành vi khách quan mà người phạm tội thực hiện trước khi tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm có dự tính đã đủ dấu hiệu để cấu thành một tội độc lập khác thì người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Ví dụ, A có ý định trục lợi riêng nên đã tiến hành sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu để tham ô, nhưng sau đó, A đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội tham ô tài sản, như vậy, A sẽ được miễn trách nhiệm hình sự về “tội tham ô tài sản” (Điều 353 Bộ luật hình sự), nhưng hành vi sửa chữa nội dung giấy tờ, tài liệu của A đã có đủ dấu hiệu để cấu thành “tội giả mạo trong công tác” (Điều 359 Bộ luật hình sự) và A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Khi xây dựng Điều 16 về chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và vấn đề miễn trách nhiệm hình sự, nhà làm luật có lẽ không hạn chế phạm vi áp dụng của điều luật. Điều này có nghĩa là, pháp luật hình sự Việt Nam miễn trách nhiệm hình sự đối với hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong các giai đoạn của việc thực hiện tội phạm chưa hoàn thành, bao gồm cả giai đoạn chuẩn bị phạm tội, tội phạm chưa đạt. Tuy nhiên, phạm tội chưa đạt được chia làm hai loại: chưa đạt chưa hoàn thành và chưa đạt đã hoàn thành. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành, đa số các quan điểm khoa học không thừa nhận có xảy ra tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong giai đoạn này. Đây là một điểm chưa rõ ràng giữa quy định và thực tiễn.

Đối với giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành thì người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nếu hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội đáp ứng được hai điều kiện cơ bản sau đây:

Một là, việc chấm dứt thực hiện ý định hoặc hành vi phạm tội của người phạm tội phải tự nguyện và dứt khoát, tức là người đó phải từ bỏ thực sự ý định phạm tội hoặc hành vi phạm tội mà họ đã bắt đầu, chứ không phải tạm dừng chốc lát để chờ cơ hội, điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện tội phạm.

Hai là, việc chấm dứt việc thực hiện tội phạm phải do chính bản thân người đó tự quyết định, mặc dù vào thời điểm thực tế quyết định việc chấm dứt việc thực hiện tội phạm, người phạm tội nhận thức được khả năng thực tế khách quan vẫn cho phép tiếp tục thực hiện tội phạm.

2. Định tội danh trong trường hợp phạm nhiều tội, phạm tội từ hai lần trở lên, tái phạm và tái phạm nguy hiểm

2.1. Định tội danh trong trường hợp phạm nhiều tội

Phạm nhiều tội là một biểu hiện của chế định nhiều tội phạm trong luật hình sự Việt Nam, một người có thể phạm một tội, nhưng cũng có thể phạm nhiều tội, vậy tiêu chí, điều kiện nào để xác định một người bị coi là phạm nhiều tội? Điều 55 Bộ luật hình sự chỉ quy định về việc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, mà không đưa ra một định nghĩa khái quát nào về vấn đề này. Chính điểm này có thể làm cho quá trình định tội danh gặp nhiều khó khăn khi tiến hành điều tra, truy tố và xét xử.

Dựa vào thực tiễn xét xử các vụ án phạm nhiều tội, chúng ta thấy rằng, phạm nhiều tội có các dấu hiệu đặc trưng cơ bản khác với các hình thức phạm tội khác, đó là các dấu hiệu liên quan đến việc xác định một người đã có lỗi trong việc thực hiện từ hai tội phạm trở lên, các hành vi phạm tội điều được quy định tại các điều luật khác nhau trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự, và cuối cùng là dấu hiệu người phạm tội chưa bị xét xử về tội nào trong số các tội đó.

Một vấn đề cơ bản và cũng rất quan trọng khi xác định hành vi phạm tội của người phạm nhiều tội đó là: hành vi phạm tội đó là hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành cơ bản của các tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật hình sự, hay đó là hành vi phạm nhiều tội được quy định trong cùng một tội danh nhưng tại các khoản khác nhau. Thực tiễn xét xử đã phản ánh được rằng việc phạm tội trong trường hợp phạm nhiều tội xảy ra ở cả hai trường hợp.

Ở trường hợp thứ nhất, hành vi phạm tội được thực hiện trên thực tế đã đồng thời thỏa mãn các dấu hiệu đặc trưng của cấu thành tội phạm cơ bản của hai tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự. Ví dụ, A có ý định chiếm đoạt tài sản của B nên đã giết chết B để lấy tài sản. Trong trường hợp này, hành vi của A đã cấu thành hai tội danh độc lập được quy định trong Bộ luật hình sự, đó là “tội giết người” (Điều 123) và “tội cướp tài sản” (Điều 168); hoặc trong một tình huống khác, do có mâu thuẫn với Nguyễn Văn L từ trước, trưa ngày 03-01-2019, Trần Văn G gặp L đang ngồi ở quán cà phê, G đã xông vào tát L hai cái rồi bỏ chạy ra cửa. Ngay lập tức, L chộp lấy cây búa dùng  để đốn củi ném mạnh về phía đầu G, nhưng G né nên không trúng G, cán búa đập vào cánh cửa rồi bật ra đầu vào đầu chị M là chủ quán đang đứng gần đó, làm chị thiệt mạng khi đang trên đường đi cấp cứu. Trong trường hợp này, L đã phạm hai tội danh: một là “tội giết người” (Điều 123) ở giai đoạn phạm tội chưa đạt và hai là “tội vô ý làm chết người” (Điều 128).

Ở trường hợp thứ hai, người phạm tội đã thực hiện hai hành vi khách quan và hai hành vi này vẫn cấu thành một tội độc lập được quy định trong Bộ luật hình sự nhưng được thể hiện ở những khoản khác nhau. Ví dụ, một người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc tố cáo của người khác, đồng thời có hành vi trả thù người tố cáo thì bị xem là phạm nhiều tội và bị xét xử theo hai tội được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 166 “tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo...”.

2.2. Định tội danh trong trường hợp phạm tội từ hai lần lần trở lên[6]

Phạm tội từ hai lần trở lên là trường hợp một người phạm tội từ hai lần trở lên mà các tội phạm đó phải giống nhau, được quy định tại cùng một điều luật trong phần các tội phạm, và các tội phạm đó đều chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạm tội từ hai lần trở lên được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 52 khoản 1 điểm g thuộc phần chung Bộ luật hình sự và đồng thời phạm tội từ hai lần trở lên còn là dấu hiệu định khung tăng nặng đối với nhiều tội phạm như: tội làm nhục người khác (Điều 155 khoản 2 điểm a); tội bắt, giữ, hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157 khoản 2 điểm d); tội xâm phạm chỗ ở người khác (Điều 158 khoản 2 điểm c), v.v..

Để xác định một trường hợp nào đó là phạm tội từ hai lần trở lên, thì ít nhất phải có hai hành vi bị xem là tội phạm. Vì thế, không thể xem là phạm tội từ hai lần trở lên trong trường hợp một người thực hiện hai hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng trong đó chỉ có một hành vi bị xem là tội phạm, còn hành vi khác tuy có dấu hiệu của một tội phạm được quy định, nhưng do mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó không đáng kể, nên được xếp vào loại các hành vi vi phạm hành chính, hoặc các dạng vi phạm pháp luật khác. Ví dụ, A có hành vi vượt đèn đỏ và gây tai nạn cho B làm B bị thương nặng. Trong trường hợp A không phải phạm tội từ hai lần trở lên, mà A chỉ phạm một tội, đó là “tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” (Điều 260), còn hành vi vượt đèn đỏ của A không phải là tội phạm, mà chỉ là hành vi vi phạm hành chính.

2.3. Định tội danh trong trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm

Tình tiết tái phạm được quy định tại Điều 53 Bộ luật hình sự với ý nghĩa là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

 Khoản 1 Điều 53 Bộ luật hình sự quy định:

Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Theo quy định này, thì một người bị coi là tái phạm khi có đầy đủ những điều kiện sau đây:

Một là, người đó đã bị kết án. Người đã bị kết án là người có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Một số quan điểm cho rằng, chỉ cần có bản án kết tội của Tòa án mà không phụ thuộc vào việc bản án đó có hiệu lực pháp luật hay chưa. Khi đó, ngay từ khi tuyên án kết tội thứ nhất đối với một người mà người đó lại phạm tội mới thì theo quy định tại khoản 1 Điều 53 người đó sẽ bị coi là tái phạm. Quan điểm này không chính xác. Bởi vì, theo Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.” Cho nên, để xác định người đó “đã bị kết án” về hành vi phạm tội của họ thì đòi hỏi bản án kết tội họ phải có hiệu lực pháp luật. Khi đó, việc họ phạm tội mới được xác định là có thật.

Hai là, người bị kết án chưa được xoá án tích. Điều này có nghĩa là điều kiện bắt buộc là việc kết án đó phải phát sinh án tích và án tích chưa được xoá, mà người đó lại phạm tội mới thì mới xem là tái phạm.

Ba là, phạm tội mới do cố ý hoặc tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. Để xác định tái phạm, luật hình sự quy định tội phạm mới được thực hiện phải thuộc một số trường hợp phạm tội nhất định như phạm tội mới do cố ý, hoặc tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do vô ý, thể hiện nhân thân của người phạm tội không chịu tiếp thu các biện pháp cải tạo giáo dục của pháp luật.

Khoản 2 Điều 53 Bộ luật hình sự quy định:

Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

- Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.

- Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý”.

Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đặc biệt của tái phạm nên vẫn đòi hỏi những dấu hiệu cần và đủ như đối với trường hợp tái phạm. Tuy nhiên, vì là một trường hợp đặc biệt của tái phạm, nên tái phạm nguy hiểm cũng có những điều kiện riêng khi áp dụng. Đó là, khi định tội danh đối với trường hợp tái phạm nguy hiểm, cần phải xác định rõ trạng thái án tích của người phạm tội, tức là phải xác định được, ngoài những điều kiện quy định tại Điều 53, thì bị cáo đã bị xét xử về tội đầu và án tích của tội đó vẫn chưa được xoá.

Tái phạm nguy hiểm được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 và đồng thời là dấu hiệu định khung tăng nặng đối với nhiều tội phạm, như: khoản 2 điểm h Điều 168 về tội cướp tài sản, điểm k khoản 2 Điều 169 về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, điểm e khoản 2 Điều 170 về tội cưỡng đoạt tài sản, v.v.

Một cơ sở pháp lý khác để xác định hành vi nguy hiểm của một người là tái phạm nguy hiểm, đó là chúng ta phải xác định được trước đó bị cáo đã bị Toà án coi là tái phạm, có nghĩa là các điểm, khoản quy định về dấu hiệu tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung tăng nặng chỉ được áp dụng trong trường hợp người đó đã bị Toà án xem là tái phạm trước khi người đó phạm tội mới.

3. Định tội danh trong trường hợp phạm nhiều luật theo luật hình sự Việt Nam

Trong thực tiễn áp dụng luật hình sự có thể xảy ra những trường hợp hành vi của chủ thể đồng thời thỏa mãn nhiều điều luật khác nhau quy định về cấu thành tội phạm; quy định về tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Lý luận luật hình sự xem đó là những trường hợp “phạm nhiều luật”, và các trường hợp “phạm nhiều luật” có thể thuộc một trong các dạng hành vi sau:

- Hành vi của chủ thể thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm nhưng chủ thể chỉ bị coi là phạm một tội và bị xử về một tội.

- Hành vi của chủ thể thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm về hình thức nhưng về thực chất chỉ thỏa mãn một cấu thành tội phạm và do vậy chủ thể chỉ bị coi là phạm một tội.

Trường hợp “phạm nhiều luật” khi hành vi của chủ thể thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm khác nhau có thể thuộc một hoặc trong các trường hợp sau đây:

Trường hợp thứ nhất là trường hợp chủ thể có nhiều hành vi và các hành vi này có quan hệ với nhau. Trong đó, hành vi xảy ra trước được xem là điều kiện cần thiết cho hành vi sau có thể xảy ra hoặc hành vi sau là diễn biến tất yếu của hành vi trước. Ví dụ, chủ thể có hành vi bán trái phép chất ma tuý mà trước đó họ đã tàng trữ trái phép chất ma túy. Trong trường hợp này, chủ thể chỉ bị xem là phạm một tội đó là “mua bán trái phép chất ma tuý” (Điều 251).

Trường hợp thứ hai mà chủ thể chỉ bị coi là phạm một tội mặc dù các hành vi của chủ thể thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm khác nhau là trường hợp hành vi trước đã thu hút tính nguy hiểm của hành vi sau do các hành vi có cùng đối tượng tác động và cùng khách thể. Ví dụ, chủ thể có hành vi trộm cắp tài sản và sau đó có hành vi huỷ hoại tài sản đó. Trường hợp này, hành vi huỷ hoại tài sản của người khác tuy thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội huỷ hoại tài sản nhưng tính nguy hiểm của nó được coi đã bị hành vi trộm cắp tài sản trước đó thu hút. Do vậy, chủ thể chỉ bị coi là phạm một tội, là tội “trộm cắp tài sản” (Điều 173).

Trường hợp “phạm nhiều luật” khi hành vi của chủ thể thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm về hình thức, nhưng không áp dụng tất cả các điều luật quy định các cấu thành tội phạm đó mà chỉ được phép chọn một trong số đó để áp dụng. Quan hệ đặc biệt của các cặp cấu thành tội phạm trong trường hợp này có thể là:

- Quan hệ giữa trường hợp chung với trường hợp riêng. Ví dụ, quan hệ giữa Điều 128 (tội vô ý làm chết người) với Điều 260 (tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ - trong trường hợp làm chết người) là quan hệ giữa cái chung (vô ý làm chết người) và cái riêng (vô ý làm chết người trong lĩnh vực cụ thể - lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ). Trong trường hợp này, khi hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm trong lĩnh vực cụ thể thì cũng thỏa mãn cấu thành tội phạm chung, nhưng chỉ được chọn cấu thành tội phạm trong lĩnh vực cụ thể để áp dụng.

- Quan hệ giữa trường hợp bình thường với trường hợp tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Ví dụ, quan hệ giữa Điều 123 (tội giết người) với Điều 124 (tội giết con mới đẻ), với Điều 126 (tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng) là quan hệ giữa tội giết người bình thường và tội giết người giảm nhẹ; quan hệ giữa Điều 141 (tội hiếp dâm) với Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi) là quan hệ giữa tội hiếp dâm bình thường và tội hiếp dâm tăng nặng.... Trong trường hợp này, hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội bình thường nhưng chỉ được chọn cấu thành tội phạm của tội tăng nặng hoặc giảm nhẹ để áp dụng.

- Quan hệ thu hút. Ví dụ, quan hệ giữa Điều 133 (tội đe dọa giết người) với Điều 168 (tội cướp tài sản) là quan hệ giữa cấu thành tội phạm thu hút và cấu thành tội phạm bị thu hút. Trong trường hợp này, khi hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản - trong trường hợp đe dọa dùng vũ lực tước đoạt tính mạng thì cũng thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội đe dọa giết người nhưng chỉ được chọn cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản để áp dụng.

- Quan hệ giữa cấu thành tội phạm của một tội với cấu thành tội phạm tăng nặng của một tội khác. Ví dụ, dấu hiệu định tội của tội vô ý làm chết người (Điều 128) (hậu quả chết người và lỗi vô ý đối với hậu quả này) được nhà làm luật quy định là dấu hiệu định khung tăng nặng của tội cố ý gây thương tích (Điều 134 khoản 5). Trong trường hợp này, khi hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm tăng nặng thì cũng thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội còn lại nhưng chỉ được chọn cấu thành tội phạm tăng nặng để áp dụng.

- Quan hệ giữa cấu thành tội phạm của hành vi đồng phạm với cấu thành tội phạm của tội phạm độc lập khác. Ví dụ, hành vi giúp sức đưa, nhận hối lộ (các Điều 364, 354 trong mối liên hệ với Điều 17) được quy định thành tội môi giới hối lộ (Điều 365), v.v.. Trong trường hợp này, khi hành vi thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội độc lập thì cũng thỏa mãn cấu thành tội phạm của hành vi đồng phạm nhưng chỉ được chọn cấu thành của tội độc lập để áp dụng.

4. Định tội danh trong trường hợp đồng phạm

Luật hình sự Việt Nam không mô tả riêng các cấu thành tội phạm đồng phạm - cấu thành tội phạm của hành vi đồng thực hiện tội phạm; cấu thành tội phạm của hành vi xúi giục thực hiện tội phạm; cấu thành tội phạm của hành vi giúp sức thực hiện tội phạm và cấu thành tội phạm của hành vi tổ chức thực hiện tội phạm. Bộ luật hình sự chỉ có một điều luật quy định về đồng phạm (Điều 17), trong đó mô tả các dấu hiệu của trường hợp phạm tội này và mô tả dấu hiệu của những hành vi đồng phạm: hành vi thực hành; hành vi tổ chức; hành vi xúi giục, và hành vi giúp sức.

Đồng phạm là hình thức phạm tội đặc biệt của trường hợp phạm tội cố ý có nhiều người tham gia. Như vậy, để có đồng phạm đòi hỏi phải có nhiều người tham gia và phải thỏa mãn những điều kiện nhất định. Với sự tham gia của nhiều người thì không thể chỉ có người thực hiện tội phạm mà có thể có người cùng thực hiện tội phạm hoặc có người giúp sức thực hiện tội phạm hoặc có người xúi giục thực hiện tội phạm hoặc có người tổ chức thực hiện tội phạm. Chỉ khi có nhiều người tham gia vào việc phạm tội thì việc kiểm tra các dấu hiệu của đồng phạm mới đặt ra. Sự tham gia của nhiều người vào việc phạm tội có thể là đồng phạm và cũng có thể không phải là đồng phạm.

Khác với cấu thành tội phạm cơ bản của từng tội, cấu thành tội phạm đồng phạm không được quy định trực tiếp cho từng tội danh. Dấu hiệu của các hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức thực hiện tội phạm được quy định trong các quy phạm phần chung Bộ luật hình sự. Đó là các dấu hiệu có tính chất chung cho tất cả các tội danh nhưng chưa phải là cấu thành đồng phạm của một tội phạm cụ thể nào. Cấu thành tội phạm này chỉ được hình thành trên cơ sở kết hợp cấu thành tội phạm của tội cụ thể với những quy định chung của Bộ luật. Đồng thời, các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành đồng phạm là các dấu hiệu định tội cho trường hợp phạm tội của người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức thực hiện tội phạm.

Điều 17 Bộ luật hình sự quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

Theo quy định này, khi định tội đối với trường hợp đồng phạm, cần xem xét, kiểm tra các dấu hiệu sau đây:

Thứ nhất, hành vi phạm tội đồng phạm phải xâm hại cùng khách thể. Theo đó, để xác định những người trong đồng phạm có cố ý cùng thực hiện một tội phạm hay không, chúng ta cần phải xác định xem hành vi nguy hiểm mà những người trong đồng phạm thực hiện có xâm hại đến cùng một quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ hay không. Nếu họ cùng cố ý thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và cùng biết là hành vi của họ cùng xâm hại vào một khách thể, thì đó là đồng phạm. Ví dụ, do có hiềm khích với C từ trước, nên A và B bàn tính tìm C đánh cho hả giận. Cả A và B cùng tìm đến nhà và xông vào đánh C tới tấp, hậu quả C bị tổn thương 13%, như vậy trong trường hợp này, A và B cùng có hành vi nguy hiểm và cùng cố ý xâm hại vào một khách thể trực tiếp là sức khoẻ của C, nên A và B là đồng phạm “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” (Điều 134); và ngược lại nếu hành vi nguy hiểm được thực hiện không cùng nhằm vào một khách thể giống nhau, thì vấn đề đồng phạm không được đặt ra. Ví dụ, A, B và C bàn nhau đến nhà D lấy trộm. Nhưng vốn do có thù hằn với D từ trước, nên nhân lúc A và B mải lấy tài sản, C đã giết chết D. Trong tình huống này, A, B và C là đồng phạm “tội trộm cắp tài sản” (Điều 173) vì cùng có hành vi nguy hiểm xâm hại đến cùng khách thể là quyền sở hữu của D; tuy nhiên, đối với cái chết của D, thì A và B không phải là đồng phạm của C, vì trong trường hợp này, chỉ có C mới có hành vi nguy hiểm xâm hại đến khách thể là tính mạng của D, nên chỉ có C phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội giết người” (Điều 123).

Thứ hai, mặt khách quan của đồng phạm phải thỏa mãn hai dấu hiệu: có từ hai người trở lên và những người này có đủ điều kiện là chủ thể của tội phạm, đồng thời, những người này phải cùng thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

Cùng thực hiện tội phạm có nghĩa là mỗi người trong đồng phạm đều có hành vi nguy hiểm cho xã hội và hành vi đó được thực hiện trong mối quan hệ thống nhất với những đồng phạm khác. Những người trong đồng phạm đều cùng cố ý hướng đến việc thực hiện cùng một tội phạm, vì thế, giữa hành vi của mỗi người trong đồng phạm và hậu quả của tội phạm đều phải có mối quan hệ nhân quả với nhau.

Dựa trên tính chất, hình thức thể hiện hành vi của từng người trong đồng phạm, Bộ luật hình sự đã chia thành bốn loại người trong đồng phạm, được quy định tại khoản 2 Điều 17, bao gồm: người thực hành; người tổ chức; người xúi giục và người giúp sức. Trong đó, “người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm”, như vậy có thể nói, hành vi của người thực hành xét về bản chất cũng không khác so với hành vi của người phạm tội trong vụ án không có đồng phạm, vì xét về dấu hiệu khách quan, thì hành vi phạm tội đó cũng đã thể hiện các dấu hiệu cấu thành của một tội phạm cụ thể.

Trong vụ án có đồng phạm, có thể chỉ có một người thực hành, nhưng cũng có thể có nhiều người thực hành. Trong trường hợp nhiều người cùng tham gia với vai trò là người thực hành thì không cần mỗi người phải thực hiện đầy đủ các yếu tố của cấu thành tội phạm mà chỉ cần tổng hợp hành vi của những người thực hành này thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Nếu tội phạm được thực hiện dưới hình thức đồng phạm có sự tham gia của nhiều dạng người: người tổ chức; người xúi giục; người giúp sức thì quy tắc chung khi định tội đối với những hành vi của những người trong đồng phạm sẽ vận dụng Điều 17 Bộ luật hình sự để xác định vai trò của từng người trong đồng phạm và đồng thời, định tội theo điều luật thuộc phần các tội phạm của Bộ luật hình sự đối với người thực hiện. Bởi vì, trong một vụ án có đồng phạm thì người thực hiện đóng một vai trò rất quan trọng, hành vi phạm tội của người thực hành là căn cứ để định tội: người thực hành thực hiện tội phạm đến giai đoạn nào thì những người đồng phạm khác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đến giai đoạn đó.

Có thể nói, hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức của những người đồng phạm khác có những ảnh hưởng nhất định đến quá trình thực hiện tội phạm của người thực hành, nhưng không vì thế mà ta cho rằng hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức và hậu quả tội phạm xảy ra là có mối quan hệ nhân quả với nhau. Vấn đề cơ bản đặt ra chính là trong vụ án đồng phạm, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả nguy hiểm cho xã hội chỉ đặt ra trong trường hợp hành vi phạm tội của người thực hành trực tiếp gây ra hậu quả và hậu quả đó là kết quả tất yếu của hành vi phạm tội mà người thực hành đã thực hiện. Còn những người tổ chức, xúi giục, giúp sức bằng hành vi của mình tham gia vào việc thực hiện tội phạm thông qua hành vi tội phạm của người thực hành. Ví dụ, do có thù hằn A đã thuê B giết chết C, trong trường hợp này B là người thực hành, trực tiếp thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của C, còn A đóng vai trò là kẻ chủ mưu trong vụ án này. Hoặc trong một ví dụ khác, do từng bị K đánh trọng thương, nên T đã nung nấu ý định giết K để trả thù. T đã nói ý định này cho Q biết, do cũng có ân oán từ lâu với K nên Q đã nói với T “muốn giết thì dùng thuốc chuột mà giết” và đưa cho T gói thuốc chuột, T đã dùng gói thuốc này bỏ vào giếng nước của K, và hậu quả là K chết do ngộ độc. Trong trường hợp này, T là người thực hành trực tiếp thực hiện tội phạm, còn Q là đồng phạm “tội giết người” (Điều 123) với vai trò là người xúi giục và giúp sức.

Khi xác định tính chất hành vi của những người đồng phạm khác trong vụ án có đồng phạm, cần phải xác định được hành vi xúi giục là hành vi mang tính kích động, dụ dỗ hoặc thúc đẩy người khác phạm tội, hành vi này có thể tác động, thúc đẩy nhanh hơn ý định phạm tội vốn hình thành từ trước trong ý thức chủ quan của người thực hành hoặc hành vi xúi giục có thể tạo ra ý định phạm tội vốn chưa được người thực hành nghĩ đến. Phải khẳng định một điều nếu không có hành vi xúi giục thì không có hành vi phạm tội xảy ra. Tuy nhiên, nếu có hành vi xúi giục, nhưng người bị kích động, dụ dỗ, thúc đẩy vẫn không phạm tội, thì không có đồng phạm xảy ra.

Đối với người giúp sức, hành vi giúp sức có thể thông qua hành động hoặc không hành động. Cũng xem là hành vi giúp sức trong trường hợp một người hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hành vi phạm tội, sau khi tội phạm kết thúc. Việc hứa hẹn này phải diễn ra trước khi tội phạm được thực hiện hoặc tội phạm chưa kết thúc. Nếu không có hứa hẹn trước, nhưng sau khi tội phạm được thực hiện, họ đã giúp sức che giấu các dấu vết của tội phạm thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội che giấu tội phạm “ (Điều 389).

Thứ ba, trong vụ đồng phạm phải có ít nhất hai chủ thể phạm tội. Khoản 1 Điều 17 Bộ luật hình sự quy định: “đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện tội phạm”. Từ quy định này, một vấn đề đặt ra là có phải chỉ cần trong một vụ án có từ hai người trở lên tham gia thì tất cả những người đó đều trở thành chủ thể của tội phạm hay không? Hai hay nhiều người này phải có NLTNHS (không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi; đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 12 Bộ luật hình sự).

Như vậy, trong một vụ án, dù có từ hai người trở lên cố ý cùng thực hiện tội phạm, nhưng nếu một trong những người đó không có năng lực trách nhiệm hình sự thì vấn đề đồng phạm không được đặt ra. Ví dụ, B là người bị tâm thần, không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đã bị A dụ dỗ đốt nhà của C, kết quả làm C thiệt mạng. Trong vụ án này, dù B là người trực tiếp thực hiện hành vi nguy hiểm, nhưng theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự thì B là người không có năng lực trách nhiệm hình sự, do đó B không phải chịu trách nhiệm hình sự, B không phải là đồng phạm với A trong vụ án, chỉ có A là người phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội giết người” (Điều 123). Quy định về chủ thể của tội phạm trong đồng phạm không áp dụng đối với những chủ thể đặc biệt. Nghĩa là, đối với những tội phạm đòi hỏi chủ thể đặc biệt, để có đồng phạm, những người trong đồng phạm không cần phải có đầy đủ dấu hiệu của chủ thể đặc biệt, ngoại trừ đó là người thực hành. Chẳng hạn, đối với các tội phạm được quy định tại chương XXIII Bộ luật hình sự (các tội phạm về chức vụ) đòi hỏi người thực hiện tội phạm phải là người thỏa mãn một số đặc điểm nhất định mới là chủ thể của tội phạm – chức vụ, quyền hạn. Ví dụ, B là thủ quỹ của cơ quan X, đã mượn G một số tiền lớn nhưng vẫn chưa có khả năng thanh toán. Lợi dụng tình cảnh này, G đã xúi giục B tham ô tài sản của cơ quan. Trong trường hợp này, B và G đều là đồng phạm về “tội tham ô tài sản” (Điều 353), trong đó, B là người thực hành – là chủ thể đặc biệt của tội phạm, còn G là đồng phạm với vai trò xúi giục dù G không có chức vụ, quyền hạn.

Thứ tư, để có đồng phạm, khi thực hiện tội phạm, những người trong đồng phạm phải có lỗi cố ý. Đồng phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 17 “... là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Từ quy định này, chúng ta có thể xác định được rằng những người tham gia trong đồng phạm bao giờ cũng thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Lỗi cố ý này thể hiện ở chỗ những người trong đồng phạm khi tham gia vào việc thực hiện hành vi phạm tội, họ đều nhận thức được mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình thực hiện và biết người đồng phạm khác cũng có hành vi nguy hiểm như thế; thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình gây ra cũng như hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia thực hiện và họ cũng mong muốn hậu quả chung xảy ra hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả phát sinh.

Như vậy, lỗi cố ý trong đồng phạm có thể là cố ý trực tiếp, và cũng có thể là cố ý gián tiếp. Nếu những người tham gia thực hiện tội phạm đều nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình thực hiện và nhận biết được tính nguy hiểm của hành vi của người đồng phạm khác, họ đều thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình cũng như hậu quả chung của tội phạm và cùng mong muốn cho hậu quả xảy ra thì đó là lỗi cố ý trực tiếp. Còn trong trường hợp những người tham gia thực hiện tội phạm nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện và cũng biết người khác cũng có hành vi nguy hiểm như mình, họ đều thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình cũng như hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia và họ cũng có ý thức để mặc cho hậu quả của tội phạm xảy ra, đó chính là lỗi cố ý gián tiếp. Ví dụ, A được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu do bị bệnh nặng. B và C là hai bác sĩ trực ban đã bàn nhau sách nhiễu đòi hối lộ của gia đình A. Khi cùng nhau có hành vi sách nhiễu này, cả B và C đều ý thức được rằng nếu không cấp cứu kịp thời, thì A có thể sẽ chết nhưng với mục đích muốn vòi tiền, nên B và C đã cố tình níu kéo, trì hoãn những thao tác nghề nghiệp cần thiết. Hành vi đó dẫn đến hậu quả là A bị thiệt mạng. Trường hợp này B và C là đồng phạm tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp.

Bên cạnh dấu hiệu về lỗi, mặt chủ quan của đồng phạm cũng cần phải được xem xét ở những dấu hiệu khác nhau thuộc mặt chủ quan của tội phạm mà điều luật quy định là dấu hiệu bắt buộc. Vì chỉ khi thỏa mãn những dấu hiệu đó thì mỗi người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mới có thể được coi là tội phạm, từ đó mới xác định được là đồng phạm hay tội phạm đơn lẻ. Vì thế, xem xét về dấu hiệu động cơ, mục đích trong đồng phạm là một trong những điều kiện quan trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự của từng người trong đồng phạm.

Về dấu hiệu mục đích phạm tội, để xác định xem có đồng phạm hay không, chúng ta phải xác định được tội phạm được thực hiện. Theo điều luật tương ứng trong Bộ luật hình sự có quy định mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, như vậy, những người tham gia trong vụ án là đồng phạm với nhau nếu họ có cùng mục đích khi tham gia thực hiện tội phạm đó hoặc nếu không có cùng mục đích thì cũng phải có sự tiếp nhận mục đích của nhau. Ví dụ, một nhóm người có cùng mục đích là chống chính quyền nhân dân đã cùng nhau thu thập tin tức thuộc bí mật nhà nước để cung cấp cho nước ngoài (có cùng mục đích được quy định trong cấu thành tội phạm) hoặc trường hợp một người biết rõ người khác đang tập hợp lực lượng để hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân nhưng vì được trả tiền nên vẫn giúp người kia thực hiện hoạt động tập hợp lực lượng (tức là tiếp nhận mục đích được quy định trong cấu thành tội phạm).

Đối với dấu hiệu động cơ phạm tội, thì vấn đề xác định xem có đồng phạm hay không cũng dựa trên cơ sở xác định xem dấu hiệu động cơ có phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm hay không. Trong trường hợp những người tham gia thực hiện hành vi nguy hiểm mà điều luật tương ứng quy định dấu hiệu động cơ là dấu hiệu bắt buộc (ví dụ như động cơ cá nhân trong tội giả mạo công tác - Điều 359) thì chỉ khi người đó có động cơ như vậy hoặc ít nhất là phải tiếp nhận động cơ này từ người phạm tội kia thì họ mới có thể là đồng phạm, và trong trường hợp ngược lại, thì chỉ riêng người thỏa mãn dấu hiệu động cơ mới có thể là người phạm tội. Ví dụ, nếu một người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 365) nhận được sự giúp đỡ của một nhân viên để thực hiện tội phạm nhưng bản thân nhân viên đó không có động cơ mà điều luật quy định và cũng không biết động cơ của người có chức vụ, quyền hạn là vì động cơ cá nhân thì nhân viên đó không thể được xem là người giúp sức trong vụ án nói trên.

5. Định tội danh trong trường hợp người thực hành có hành vi “thái quá”

Người thực hành đóng một vai trò rất quan trọng trong một vụ án có đồng phạm. Kết quả của hành vi mà người thực hành thực hiện sẽ giúp chúng ta xác định được tội phạm có được thực hiện hay không, và thực hiện đến mức độ nào (hoàn thành hay chưa đạt). Nhưng trong số những hành vi mà người thực hành thực hiện để đạt được kết quả mà người đó và những người đồng phạm khác mong muốn, có thể có những hành vi vượt quá ý định ban đầu của những người đồng phạm khác, và hành vi vượt quá này đã gây ra hậu quả không như mong muốn đối với những đồng phạm khác. Khoa học luật hình sự gọi hành vi đó là hành vi “thái quá” của người thực hành.

Bộ luật hình sự Việt Nam tuy không có định nghĩa chính xác như thế nào là hành vi “thái quá”, nhưng thông qua thực tiễn xét xử những vụ án có đồng phạm, chúng ta có thể hiểu một cách khái quát về hành vi “thái quá”, theo đó “thái quá” là một hành vi vượt quá của người thực hành mà những người đồng phạm khác không có ý định thực hiện. Ví dụ, A và B chỉ bàn với nhau đi trộm tài sản, nhưng khi thực hiện hành vi phạm tội, thì B lại giết chết chủ nhà. Trong trường hợp này, A và B là đồng phạm với nhau về tội trộm cắp tài sản, nhưng A có đồng phạm với B về “tội giết người” hay không? Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải xác định xem hành vi của B có phải là hành vi “thái quá” hay không; nếu phải thì chúng ta cũng phải xác định xem thái độ của A đối với hành vi “thái quá” đó của B như thế nào. Giải đáp được những vấn đề đó, chúng ta sẽ có những cơ sở pháp lý để xác định xem có đồng phạm trong vụ án hay không.

“Thái quá” về chất lượng của hành vi là trường hợp người thực hành đã có hành vi thái quá khi cùng thực hiện một tội phạm đã được bàn tính từ trước với những đồng phạm khác, và hành vi “thái quá” này của người thực hành đã đủ dấu hiệu cấu thành một tội phạm khác và tội phạm này không cùng tính chất với tội phạm mà những đồng phạm khác có ý định thực hiện. Chẳng hạn như ví dụ trên, nếu A chỉ có ý định trộm cắp tài sản, nhưng B lại gây ra hậu quả chết người, như vậy B đã có hành vi “thái quá”, và tội giết người mà B thực hiện không có cùng tính chất với tội trộm cắp mà A có ý định thực hiện. Thế nên, A không phải là đồng phạm với B về tội giết người.

“Thái quá” về số lượng của hành vi là trường hợp hành vi “thái quá” của người thực hành thực hiện cấu thành một tội phạm khác có cùng tính chất với tội phạm mà những người đồng phạm khác có ý định thực hiện; hoặc hành vi thái quá chưa cấu thành một tội phạm khác, mà nó vẫn nằm trong một cấu thành mà những người đồng phạm có ý định thực hiện.

III. CÁC VỤ ÁN CỤ THỂ VÀ HƯỚNG ĐỊNH TỘI MẪU

1. Vụ án 1

1.1. Nội dung vụ án:

Tối 20-5-2018, A (20 tuổi) cùng với V (18 tuổi) đến vũ trường Rex để giải trí. Trong lúc A ra ngoài gọi điện thoại thì K đến mời V nhảy nhưng bị từ chối. K đã có lời miệt thị và đe dọa V. Khi A vào, V đã kể lại sự việc và nói: “Anh phải cho nó một bài học nhớ đời”. A không nói gì vì sợ tù tội bởi trước đó 3 năm, A đã bị Toà án phạt 2 năm tù về tội cố ý gây thương tích (theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999).

Đến 21 giờ, A và V ra về thì gặp K trước cửa vũ trường, V nói: “Thằng lúc nãy đó, anh đánh cho nó một trận... ”. Thấy A không có phản ứng gì, V nói tiếp: “Sao anh lại hèn nhát vậy, nếu anh không ra tay, thì từ nay chúng ta chia tay nhau”.

Thấy V nói vậy, A chỉ vào mặt K nói: “Tại sao mày lại chửi người yêu tao”. Sau đó, A đấm liên tiếp vào mặt, vào người K. Bị đánh bất ngờ, K không kịp phản ứng, ngã xuống đất. A tiếp tục dùng chân đá, đạp vào người K đến khi K ngất xỉu. Sau đó, A và V bỏ trốn. K được mọi người đưa đi bệnh viện, một tháng sau thì bình phục.

Kết luận giám định cho thấy: Trên người nạn nhân có nhiều vết thương trượt da, rách da vùng đầu đỉnh chẩm dài 4 cm, vỡ bản ngoài hộp sọ, có vết rạn hộp sọ, di chứng đau đầu kéo dài, não bị tổn thương. Tỷ lệ thương tật K gánh chịu là 25%.

1.2. Hướng định tội:

a) Tóm tắt và phân tích hành vi của bị can trong vụ án:

- Đối với A:

+ 20 tuổi, năm 2011, bị Toà án phạt 2 năm tù về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 (Bộ luật hình sự năm 1999).

+ 21 giờ ngày 20-5-2018 có hành vi liên tiếp đấm vào mặt, vào người K. Mặc dù K đã ngã xuống đất nhưng vẫn đánh liên tiếp làm K ngất xỉu. Trên người K có nhiều vết trượt da, rách da vùng đầu đỉnh chẩm dài 4 cm, vỡ bản ngoài hộp sọ, có vết rạn hộp sọ, di chứng đau đầu kéo dài não bị tổn thương. Tỷ lệ thương tật 25%. K phải điều trị tại bệnh viện mất một tháng.

- Đối với V:

18 tuổi, trước khi xảy ra vụ việc, V đã có những lời nói đối với A:

+ Anh phải cho nó một bài học nhớ đời;

+ Thằng lúc nãy đó, anh đánh cho nó một trận;

+ Sao anh hèn nhát vậy, nếu anh không ra tay thì từ nay chúng ta chia tay.

b) Xác định khách thể loại và quy phạm pháp luật hình sự cần kiểm tra:

- Đối với A:

Hành vi của A đã xâm hại đến sức khoẻ của người khác; các điều luật cần kiểm tra là Điều 134, Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015.

- Đối với V:

Hành vi của V cũng có khả năng xâm hại đến sức khoẻ của người khác; các điều luật cần kiểm tra là Điều 134, Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015.

c) Kiểm tra CTTP đã lựa chọn trong mối liên hệ với hành vi của bị can:

- Đối với hành vi của A:

Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015: điều luật quy định tội cố ý gây thương tích cho người khác hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.

+ Khách thể của tội phạm: khách thể trực tiếp của tội phạm này là sức khoẻ của người khác, được Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 bảo vệ.

+ Mặt khách quan của tội phạm: thể hiện ở hành vi gây thương tích cho người khác. Người phạm tội đã dùng bạo lực về thể chất tác động vào cơ thể của người khác, gây tổn thương các chức năng của một số bộ phận trên cơ thể người khác. Gây thương tích hay tổn hại cho sức khoẻ của người khác mức độ từ 11% trở lên là tỷ lệ thương tích có thể bị truy cứu TNHS. Giữa hành vi khách quan và hậu quả thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ người khác phải có mối quan hệ nhân quả. Tội phạm hoàn thành từ khi gây ra hậu quả thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ người khác. Các dấu hiệu khác (công cụ, phương tiện, thời gian, địa điểm...) không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015.

Dựa vào các dấu hiệu đã phân tích, so sánh, đối chiếu với các tình tiết nêu trong vụ án cho thấy, hành vi của A là nguy hiểm cho xã hội. A đã đấm liên tiếp vào mặt, người K và khi K đã ngã vẫn tiếp tục dùng chân đá vào người K đến khi K ngất xỉu. Hậu quả là đem đến cho K tỷ lệ thương tích là 25%. Giữa thương tích của K và hành vi của A có mối quan hệ nhân quả. Hành vi của A đã thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội cố ý gây thương tích (Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015).

+ Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm tại Điều 134 là chủ thể thường. Bất cứ ai có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS đều có thể là chủ thể của tội phạm này. A có đủ năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi, đã 20 tuổi (đủ tuổi chịu TNHS theo Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015). Như vậy, A thỏa mãn điều kiện chủ thể của tội cố ý gây thương tích.

+ Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm quy định tại Điều 134 được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Động cơ và mục đích phạm tội không là dấu hiệu bắt buộc.

A đã đủ điều kiện về chủ thể. Khi thực hiện hành vi gây thương tích, A nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện. A thấy hậu quả thương tích cho K sẽ xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra nhằm thỏa mãn yêu cầu của người yêu. Đó là lỗi cố ý trực tiếp.

Từ những phân tích nêu trên, so với các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội cố ý gây thương tích, đủ cơ sở kết luận A phạm tội cố ý gây thương tích (Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015).

- Xác định khung hình phạt: Để xác định khung hình phạt, cần kiểm tra khoản 2 Điều 134 và khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015.

+ Kết luận xác định tỷ lệ thương tích của K là 25%. Khoản 2 Điều 134 xác định tỷ lệ thương tật là từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc các trường hợp nghiêm trọng (từ điểm a đến điểm o), trong đó có trường hợp là tái phạm nguy hiểm.

+ Năm 2011, A bị phạt tù về tội cố ý gây thương tích (theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999) chưa được xoá án tích. Xem xét khung hình phạt của tội phạm này ta thấy, đây là tội nghiêm trọng (các Bộ luật hình sự năm 1999 và năm 2015). Vậy, hành vi của A không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm theo Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cuối cùng, chúng ta có thể kết luận A bị áp dụng hình phạt theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015. 

- Đối với hành vi của V:

V đã 18 tuổi, có đủ năng lực TNHS. Dù V không trực tiếp thực hiện hành vi gây thương tích nhưng đã có hành vi xúi giục, thúc đẩy A thực hiện tội phạm. V chính là người chủ động về tinh thần gây ra tội phạm. A ngay từ đầu không có ý định phạm tội. Tuy nhiên, với lời nói của mình, V đã khiến A nảy sinh ý định và thực hiện hành vi phạm tội. Điều này cho thấy, giữa hành vi của A và V có mối quan hệ với nhau. A và V cố ý cùng thực hiện hành vi gây thương tích cho K. khi đó, V nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được hành vi của A cũng nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được hậu quả sẽ xảy ra và mong muốn xảy ra hậu quả đó nhằm dạy cho K “bài học”.

Từ những phân tích đó, chúng ta có đủ cơ sở kết luận V có đồng phạm với A thực hiện hành vi cố ý gây thương tích cho người khác (theo khoản 1 Điều 134 và khoản 2 Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015).

d) Kết luận:

- A phải chịu TNHS về tội cố ý gây thương tích cho người khác theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015.

- V phải chịu TNHS cùng với A về tội cố ý gây thương tích cho người khác với vai trò đồng phạm xúi giục theo khoản 2 Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015.

2. Vụ án 2

2.1. Nội dung vụ án:

Nguyễn Văn Me (sinh năm 1973, xã Phú Mỹ, Phú Tân, An Giang) là một nhân viên xã đội bị kỷ luật buộc thôi việc. Vì việc này, người yêu của Me là Huỳnh Thị Lan Hương cũng chia tay với Me vì cho rằng Me có đạo đức xấu.

Vì thù tức anh Phạm Văn Hùng (xã đội trưởng) đã kỷ luật mình, Me quyết tâm trả thù. Khoảng 2h30 ngày 19-10-2019, lợi dụng lúc các xã đội viên đã ngủ say, Me lén vào lấy trộm một khẩu AK trong đó có 10 viên đạn và đến nhà anh Hùng. Đến nơi, Me nấp sau lu nước chờ đợi thời cơ. Khi thấy anh Hùng từ trong nhà đi ra (tiểu), cách Me khoảng 10 mét, Me đưa súng lên bóp cò. Tuy nhiên, Me bắn không trúng Hùng (bắn trượt) và bị Hùng phát hiện, la lên. Me bỏ chạy về sau vườn nhà mình, giấu khẩu súng. Sáng hôm sau, Me bị bắt.

2.2. Hướng định tội:

a) Tóm tắt vụ án:

Đối với Nguyễn Văn Me:

- Sinh năm 1973;

- Khoảng 2h30 ngày 19-10-2019, có hành vi lén lút vào lấy trộm một khẩu AK của xã đội trong đó có 10 viên đạn.

- Cũng khoảng thời gian đó, Me đến nấp sau lu nước nhà Hùng. Khi thấy Hùng ra đi tiểu, cách chỗ nấp của Me khoảng 10m, Me bắn một phát nhưng không trúng và bị phát hiện đã bỏ chạy về vườn nhà mình giấu súng.

b) Xác định khách thể loại và quy phạm pháp luật cần kiểm tra:

Đối với Nguyễn Văn Me:

- Hành vi của Me đã xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về quản lý vũ khí quân dụng, ảnh hưởng xấu đến an toàn, trật tự công cộng; xâm phạm đến tính mạng của người khác.

- Các điều luật cần kiểm tra là: Điều 304, Điều 123, Điều 15 Bộ luật hình sự năm 2015.

c) Kiểm tra CTTP đã lựa chọn trong mối liên hệ với hành vi của bị can:

- Đối với hành vi thứ nhất của Me:

Điều 304 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, có các dấu hiệu cấu thành tội phạm bắt buộc sau:

+ Khách thể: Tội phạm này xâm phạm đến chế độ quản lý nhà nước về vũ khí quân dụng hoặc phương tiện kỹ thuật quân sự, ngoài ra còn ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn công cộng. Hành vi của Me đã xâm phạm khách thể này.

+ Khách quan: Hành vi đã được thể hiện rõ trong tên điều luật. Đối tượng tác động của các tội này là vũ khí quân dụng và phương tiện kỹ thuật quân sự, bao gồm:

Chế tạo: Là làm mới hoặc lắp ráp từng bộ phận đã có sẵn của vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo giá trị sử dụng của chúng.

Tàng trữ: Là cất giữ các loại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là sử dụng chúng không có giấy phép, hoặc không được sự đồng ý của người hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mua bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là mua hoặc bán chúng mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chiếm đoạt trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự là bất kỳ hành vi nào (trộm cắp, cướp giật, lừa đảo...) để có được chúng. Cũng xem là hành vi chiếm đoạt đối với những ai khi nhận vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự một cách hợp pháp nhưng sau khi hết hạn đã không trả lại theo quy định.

Các đối tượng nêu trên gồm:

Vũ khí quân dụng gồm các loại súng ngắn, súng trường, súng liên thanh; các loại pháo, dàn phóng, bệ phóng tên lửa, súng cối; hoá chất độc và nguồn phóng xạ; các loại đạn, bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thuỷ lôi; vật liệu nổ quân dụng; hoạ cụ và các loại vũ khí khác dùng cho mục đích an ninh, quốc phòng.

Phương tiện kỹ thuật quân sự gồm các loại xe, khí tài, phương tiện khác được thiết kế, chế tạo và trang bị cho lực lượng vũ trang để huấn luyện, chiến đấu và phục vụ chiến đấu (mục I.2 Thông tư liên ngành số 1 ngày 7-01-1995 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ).

Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội có một trong các hành vi trên, không cần xảy ra hậu quả.

Theo các tình tiết của vụ án, Me đã lén lút lấy khẩu AK của xã đội. Như vậy, hành vi của Me đã thỏa mãn dấu hiệu khách quan: chiếm đoạt vũ khí quân dụng.

+ Chủ quan: Là lỗi cố ý (trực hoặc gián tiếp). Động cơ, mục đích không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Vì thế, nếu hành vi này để phạm một tội khác thì người phạm tội bị truy cứu về nhiều tội (sẽ phân tích). Trong trường hợp này, Me đã cố ý lấy khẩu AK để bắn Hùng.

+ Chủ thể: Bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự. Me sinh năm 1973, tính đến ngày phạm tội, Me đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, không có bằng chứng về việc Me mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi. Như vậy, Me có năng lực trách nhiệm hình sự khi phạm tội.

Từ những phân tích trên đây cho phép chúng ta kết luận rằng, hành vi của Me đã thỏa mãn tất cả những dấu hiệu CTTP của tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự năm 2015.

+ Xác định khung hình phạt áp dụng đối với Me:

Để xác định khung hình phạt áp dụng đối với Me, chúng ta cần xem xét Điều 304 Bộ luật hình sự năm 2015.

Điều 304 quy định 4 khung hình phạt. Hành vi phạm tội của Me có dấu hiệu thỏa mãn khung hình phạt thứ nhất được quy định tại khoản 1 vì hành vi của Me không có các dấu hiệu định khung tăng nặng tại các khoản 2, 3, 4 Điều này.

Như vậy, có thể kết luận, Me đã phạm tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng. Tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 304 Bộ luật hình sự năm 2015.

- Đối với hành vi thứ hai của Me:

Điều luật cần kiểm tra là Điều 123 và 15 Bộ luật hình sự năm 2015. Điều 123 quy định tội giết người. Tội này có các dấu hiệu pháp lý như sau:

+ Khách thể: Hành vi phạm tội giết người xâm phạm tính mạng của người khác. Do thù ghét Hùng nên Me đã có ý định giết Hùng. Vì vậy, hành vi của Me nếu thành công sẽ xâm hại đến tính mạng của người khác (ở đây là tính mạng của Hùng).

+ Mặt khách quan: Hành vi khách quan của tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt sinh mạng của người khác một cách trái pháp luật.

Hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc để xác định là tội phạm hoàn thành. Nếu hậu quả chưa xảy ra thì tội phạm này chỉ có thể ở giai đoạn chuẩn bị hoặc chưa đạt.

Quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan - hành vi tước đạt sinh mạng của người khác - đã thực hiện và hậu quả chết người đã xảy ra cũng là một dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm tội giết người.

Trong vụ án này, Me đã dùng súng bắn Hùng, tức là muốn tước đoạt tính mạng của người khác. Hành vi của Hùng chưa gây ra hậu quả chết người nhưng hậu quả này chưa xảy ra là ngoài ý muốn của Me. Theo Điều 15 Bộ luật hình sự năm 2015, hành vi của Me thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội giết người ở giai đoạn chưa đạt.

+ Mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội giết người là lỗi cố ý. Lỗi cố ý ở đây có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Hành vi của Me được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Do thù ghét Hùng nên Me đã đi trộm súng AK để bắn chết Hùng trong đêm.

 + Chủ thể: Là bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự. Me sinh năm 1973, tính đến ngày phạm tội, Me đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, không có bằng chứng về việc Me mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi. Như vậy, Me có năng lực trách nhiệm hình sự khi phạm tội.

Từ những phân tích trên đây cho phép chúng ta kết luận rằng, hành vi của Me đã thỏa mãn tất cả những dấu hiệu CTTP của tội giết người ở giai đoạn chưa đạt quy định tại Điều 123 và Điều 15 Bộ luật hình sự năm 1999.

+ Xác định khung hình phạt áp dụng đối với Me. Tội giết người quy định hai khung hình phạt tương ứng với khoản 1 và 2 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015. Khoản 1 quy định khung hình phạt tăng nặng với các tình tiết định khung tăng nặng. Hành vi của Me không có một trong số các tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 1. Vì vậy, hành vi phạm tội của Me được xác định là tại khoản 2 Điều 123.

Như vậy, có thể khẳng định hành vi giết người của Me được xác định là thuộc khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015. Đồng thời, căn cứ theo Điều 15 Bộ luật hình sự 2015, hành vi giết người của Me được xác định là thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

d) Kết luận:

Me phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội:

- Tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng. Tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 304 Bộ luật hình sự năm 2015.

- Tội giết người ở giai đoạn chưa đạt. Tội phạm được quy định tại khoản 2 Điều 123 và Điều 15 Bộ luật hình sự năm 2015.

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Nêu khái niệm định tội.

2. Phân tích các cơ sở pháp lý để định tội.

3. Phương pháp định tội đối với một vụ án cụ thể.

4. Định tội danh trong những trường hợp đặc biệt.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Các Bộ luật hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1985 và 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

2.   Võ Khánh Vinh: Giáo trình lý luận chung về định tội danh, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2003.

3.   Lê Cảm và Trịnh Quốc Toản: Định tội danh - lý luận, hướng dẫn mẫu và 350 bài thực hành, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2004.

4.   Trịnh Quốc Toản: Những vấn đề lý luận về định tội danh và hướng dẫn giải bài tập định tội danh, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 1999.

 

[1]. Gọi tắt là định tội (TG).

[2]. Các điều, khoản trích dẫn Bộ luật hình sự trong cuốn sách này được trích từ Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, trừ trường hợp ghi rõ (trích từ) Bộ luật hình sự khác (BT).

[3] Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính: Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014, tr.15-19.

 

[4] Tội giết người đa số được thực hiện qua hành động. Tuy nhiên, có một số trường hợp, hành vi giết người được thực hiện thông qua không hành động khi người phạm tội có trách nhiệm cứu chữa nạn nhân nhưng đã không cứu chữa, để nạn nhân chết (TG).

[5]. Theo quan điểm của chúng tôi, năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm: dấu hiệu không mắc bệnh dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi (xem xét theo Điều 13 Bộ luật hình sự) và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 Bộ luật hình sự). Trong quyển này, chúng tôi sử dụng tiêu chuẩn năng lực trách nhiệm hình sự theo nghĩa này (TG).

[6] Trước kia, Bộ luật hình sự sử dụng khái niệm “phạm tội nhiều lần” (TG).

Tác giả: Phạm Văn Beo