MỞ RỘNG > Hình thức trình bày bài thi Luật hình sự phần riêng hoặc định tội - định khung (LHS3)

Hình thức trình bày bài thi Luật hình sự phần riêng hoặc định tội - định khung (LHS3)

Ví dụ, đề thi có dạng như sau:

Nguyễn Văn Môn (Sn: 1944) trú tại làng Chùa, xã Lăng Can, Na Hang, Tuyên Quang. Gia đình Môn nuôi 7 con trâu. Thường thì sau mỗi vụ cày cấy, Môn lại thả đàn trâu vào rừng theo tập quán địa phương. Ngày 10/12/2009, Môn vào rừng bắt trâu về cày cấy thì thấy thiếu một con trâu đực. Môn tìm mãi trong rừng nhưng vẫn không thấy nên tiếp tục đi đến các thôn lân cận tìm kiếm.

            Sau hơn 1 tháng đi tìm, ngày 20/1/2010, Môn đi qua thôn Nà Xe, xã Phước Yên thấy nhà anh Triệu Đức Tài có một con trâu rất giống trâu mình. Môn liền gặp anh Tài để hỏi thì Tài nói: “Cháu có bán trâu đâu mà chú hỏi”. Môn nói: “Trâu này là của chú”. Tài cãi: “Trâu này của cháu đã chăn dắt từ bé”. Hai bên cãi nhau. Cuối cùng, Môn nói: “Trâu đó của tao, mai tao tới dẫn về”.

            Đến 8 giờ sáng hôm sau, Môn cùng đứa con trai út (13 tuổi) đến nhà Tài để dắt trâu. Trên đường đi, Môn gặp anh Mến & Hải (người cùng thôn, đang đi bắt trâu về cày cấy). Môn nhờ hai anh đến nhà Tài để xem trâu của mình và làm chứng. Biết Môn đến nhà mình để bắt trâu, Tài đã mời trưởng thôn Nà Xe cùng nhiều thanh nhiên khác đến để can thiệp. Khi mọi người đến đông đủ, Môn nói đó là trâu của mình bị thất lạc và yêu cầu được dẫn trâu về. Gia đình tài không chịu, hai bên cãi nhau. Sau đó, Môn nói: “Không cần ai can thiệp, trâu của tôi thì tôi dắt về”. Nói xong, hai cha con đi thẳng ra chuồng trâu dắt trâu về.

            Đi được khoảng 100m thì vợ của Tài (Triệu Thị Ghến) cùng ba thanh niên thôn Nà Xe đuổi kịp. Ghến chạy vòng trước đầu chặn Môn lại. Thấy vậy, Môn dùng dao (loại dao dân bản đi rừng phát cỏ) hăm doạ. Chị Ghến hoảng sợ phái để cho Môn đi. Môn vừa đi vừa nói: “Ai thích thì đuổi theo, có đi không có về!”. Vì thế, không ai dám đuổi theo.

            Sau khi cha con Môn dắt trâu về, anh Mến và anh Hải ở lại thôn Nà Xe cùng trưởng thôn lập biên bản về việc Môn dắt trâu thất lạc về. Khi Môn dắt trâu về thôn làng Chùa cũng mời các thành viên trong thôn đến lập biên bản về việc dắt trâu thất lạc về.

            Công an huyện Na Hang đã khởi tố Môn về tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135) và tiến hành điều tra. Theo mô tả về đặc điểm của con trâu, cả Tài và Môn đều mô tả cơ bản giống nhau. Riêng, con trâu có khối u ở gần mông thì Môn khai rõ ràng về nguồn gốc hơn Tài.

Trong khi vụ án đang trong giai đoạn điều tra thì công an huyện Na Hang thông báo nhân dân có bắt được một con trâu và giao nộp. Công an Na Hang mời Tài đến thì Tài xác định con trâu này giống 80% trâu của anh bị lạc. Công an đã giao trâu cho Tài sở hữu.

Ngày 17/12/2010, Toà án nhân dân huyện Na Hang đã xét xử Môn về tội cưỡng đoạt tài sản (k1, Điều 135) (tại bản án số 23/HSST).

Anh (chị) thấy có đúng không? Tại sao?

CƠ CẤU BÀI LÀM SẼ LÀ:

I. Trả lời:

Theo đề bài, Tòa án nhân dân huyện Na Hang đã xét xử Môn về tội cưỡng đoạt tài sản (k1, Điều 135) (BLHS 1999, Điều 170 BLHS 2015) là sai.

II. Phân tích: 

- Phân tích các dấu hiệu cấu thành tội phạm để chứng minh cho câu trả lời của mình là đúng. Việc phân tích bằng cách đối chiếu các dấu hiệu theo trình tự 1) Khách thể, 2) Mặt khách quan, 3) Mặt chủ thể, 4) Mặt chủ quan;

- Nếu đề bài liên quan đến khung hình phạt thì còn chứng minh hành vi phạm tội rơi vào khung hình phạt nào.

 

Tác giả: Phạm Văn Beo